Sau ba ngày, từ 8 đến 10/3, tại Jakarta-Indonesia, cuộc đàm phán về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa các thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã kết thúc và im lặng một cách khó hiểu.
Cuộc họp đầu tiên do Indonesia- Chủ tịch luân phiên ASEAN- điều hành chỉ đưa những thông tin sơ sài về nội dung. Chẳng hạn, ngay trong năm nay, ASEAN và Trung Quốc hướng tới mục tiêu sẽ thử nghiệm một đường dây nóng an ninh về Biển Đông. Đường dây nóng này sẽ là một giải pháp để ngăn chặn nguy cơ va chạm ngẫu nhiên gây căng thẳng trong khu vực.
Vì sao lại thiết lập đường dây nóng, theo Vụ trưởng Hợp tác ASEAN (Bộ Ngoại giao Indonesia) thì, đây là cuộc thử nghiệm nhằm quản lý sự cố ở Biển Đông.
Thật ra việc tạo ra một cơ chế liên lạc giữa 10 nước Đông Nam Á đã được bàn đến từ vài năm nay, cho nên hội nghị 2023 bàn tới cũng chẳng có gì mới mẻ và chưa rõ bao giờ thì nó mới vận hành?
Ngoài đường dây nóng, Hội nghị cũng đưa ra một “quyết tâm” chả mấy sáng sủa: tái khẳng định cam kết của khối trong việc kết thúc đàm phán với Trung Quốc về COC càng sớm càng tốt.
Hai thông tin nêu trên khiến cho các quốc gia trong khu vực thất vọng. Nó cũng giống như các cuộc họp khác từ những năm trước do các quốc gia khác làm chủ tịch chủ trì. Có những Ngoại trưởng chán ngán cho rằng: hay là đào mồ chôn luôn cái dự thảo COC này đi để khỏi năm nào cũng lôi ra bàn, nghe chán tai những lời hứa hẹn?
Ý tưởng về COC được đưa ra vào năm 1996 với thiện chí rất tốt. Vào năm 2002 dự thảo đã được đưa ra bàn. Trừ ba năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19, hơn 10 năm qua, bàn tái bàn hồi vẫn rơi vào ngõ cụt, là do Trung Quốc đưa ra những yêu cầu vô lý, trong đó cái vướng nhất là không chịu từ bỏ cái “đường chín đoạn” ôm gần hết Biển Đông.
Nếu không thay đổi mà cứ đi mãi trên một con đường thì ai đi, đi bằng cách nào cũng vậy thôi, không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn.
Theo các nhà bình luận, tiến trình đàm phán COC năm nay có một cái “khác”. Xin thưa, khác chứ không phải mới. Đó là, mỗi nước có vấn đề gì cần quan tâm thì đệ trình một văn bản trình bày quan điểm riêng của mình, liên quan đến các quy tắc của COC. Đương nhiên, không ai lại đưa quan điểm bất lợi cho quốc gia mình, thế là có va chạm, có sự xung đột về lợi ích.
Chẳng hạn, nước chủ nhà Indonesia được coi là một bên trung lập trong các tranh chấp trên biển nên có thể đưa ra những vấn đề khách quan, trung thực, giảm bớt căng thăng giữa các bên khi đàm phán. Mặc dù vậy không phải vì thế mà Jakarta “bình chân như vại” khi “cháy nhà hàng xóm”. Bởi Trung Quốc không chỉ đánh bắt hải sản trái pháp mà còn có những yêu sách chủ quyền phi lý ảnh hưởng lớn tới việc khai thác dầu khí ở biển bắc Natura, gây tổn thất cho Indonesia. Vì thế Jakarta cũng đưa ra quan điểm cứng rắn của mình.
Mặc dù đàm phán COC vẫn trong mớ bùng nhùng nhưng dẫu sao Bộ quy tắc này vẫn như cái “vòng kim cô” lơ lửng trên đầu nhà cầm quyền Bắc Kinh. Trước sau rồi COC vẫn phải được thông qua, trở thành một công cụ góp phần hạn chế căng thẳng trong khu vực. Không nên kỳ vọng quá nhiều, coi đây là giải pháp cuối cùng để giải quyết tranh chấp trên biển.
Việc phân định ranh giới trên biển nhất định phải theo nguyên tắc, giải quyết song phương của mỗi quốc gia có yêu sách khác nhau với Trung Quốc.
Thôi thì, có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ, hãy coi mỗi hội nghị đàm phán COC là mỗi lần nhắc nhở Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế, tăng cường tình hữu nghị, tăng cường lòng tin thật sự, chứ không phải là những lời nói suông, diễn hết năm này qua năm khác.
H.Đ