Chưa có lãnh đạo hay cựu lãnh đạo nào của Đài Loan thăm đại lục kể từ năm 1949. Chính thế, thông tin Cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu có kế hoạch thăm Trung Quốc đại lục trong tháng này thu hút sự quan tâm của dư luận.
Tin này được đưa ra từ văn phòng của ông Mã Anh Cửu ngày 19/3, theo đó, ông Mã sẽ đến đại lục từ ngày 27/3-7/4, thăm các thành phố Nam Kinh, Vũ Hán, Trường Sa, Trùng Khánh và Thượng Hải.
Không khó khăn để nhận ra những điểm đến của cựu lãnh đạo Đài Loan không có Bắc Kinh. Đó hẳn là một điều ý nhị. Nó gỡ khó, tránh phiền phức, nhiêu khê cho cả hai bên về nghi thức giao tiếp.
Còn Nam Kinh, điểm đến đầu tiên của ông Mã thì tất nhiên rồi. Thành phố thuộc tỉnh Giang Tô của Trung Quốc này từng là nhiều lần là thủ đô Trung Hoa các triều đại, cũng là nơi Tôn Trung Sơn – lãnh tụ Quốc dân đảng tuyên thệ nhậm chức Đại Tổng thống Lâm thời Trung Hoa Dân quốc ngày 1 tháng 1 năm 1912. Tới đây, thể nào ông Mã chẳng tới thăm, hương khói cho Tôn Trung Sơn – người được Đài Loan tôn là “quốc phụ” – tại khu lăng mộ hoành tráng, bề thế xây dựng ở chân ngọn núi thứ hai của Tử Kim Sơn nằm ngoại vi thành phố…
Sinh ra ở Hồng Kông, nhưng ăn theo bố mẹ, ông Mã vẫn có quê ở Hồ Nam, Trung Quốc. Chính vì vậy, chuyến về Đại lục lần này có thể coi như chuyến về lại cố hương.
Tuy nhiên, là cựu lãnh đạo Đài Loan, dư luận cho rằng, chuyến “trở về” của ông Mã hẳn phải gắn với sứ mệnh lớn lao hơn nhiều. Sứ mệnh đó là: nếu không giải tỏa, thì cũng hãm lại chừng nào tốt chừng ấy cái sức nóng khiến đang khiến eo biển Đài Loan sôi sục sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi hồi tháng 8 năm ngoái.
Có lý do để tin rằng: ở cả hai bờ, ông Tập Cận Bình và và Thái Anh Văn đều nóng nảy, cứng rắn, lời lẽ đao to búa lớn thế, nhưng bên trong cùng hiểu: dùng đến súng đạn trong câu chuyện Đài Loan vào lúc này, hậu quả là khôn lường, thậm chí, còn thảm khốc hơn những gì đang diễn ra với cuộc chiến Ukraine.
Tại sao ông Mã là người có thể gửi gắm sứ mệnh quan trọng đó?
Vấn đề là: không ông Mã thì liệu ai có thể thích hợp hơn?
Những người quan tâm nhiều vấn đề Đài Loan đều biết, ông Mã – nhân vật từng là Chủ tịch Quốc dân đảng năm 2005; hai nhiệm kỳ là Tổng thống Đài Loan trước khi trao lại cho bà Thái Anh Văn ngày 20/5/2016, từng bị dư luận đánh giá là có quan điểm “thân Bắc Kinh” hơn tổng thống đương nhiệm được ví như “tài nữ xứ Đài” Thái Anh Văn hiện thời.
Có thể vì quan điểm ấy, cách đây 8 năm, ngày 7/11/2015, khi còn là thành viên cấp cao Quốc dân đảng và là tổng thống Đài Loan, ông từng góp phần đề có “cuộc gặp lịch sử” với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Singapore. Tới nay, dư luận vẫn còn nói nhiều về cuộc gặp được tổ chức công phu, hai nhà lãnh đạo phải bay vòng vèo qua nhiều lộ trình để có được cái nắm tay nhau tại một quốc gia thứ ba là Singapore vốn nhiều duyên nợ.
Công phu thế để tránh cho cả hai bớt đi phần nào sức ép, phản ứng của dư luận. Công phu thế để ông Tập không bị mang tiếng “hạ mình” ngồi với nhân vật “hàng tỉnh” lẻ không đối đẳng. Công phu thế để ông Mã không bị coi là mất vị thế, cũng như không bị dư luận Đài Loan chỉ trích đã làm cái việc ví như tát vào mặt mình bởi trước đó, trong cuộc vận động bầu cử tổng thống Trung Hoa dân quốc năm 2012, chính ông đã tuyên thệ “quyết không bao giờ gặp gỡ với các nhà lãnh đạo đại lục trong vòng bốn năm tới”…
Có lẽ, vì cái gọi là “đại sự”, hai bên đã vượt qua tất cả để có “cái nắm tay lịch sử” 80 giây – dài nhất trong lịch sử quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, tại khách sạn Shangri La, để đạt đến điều mà ông Tập Cận Bình nói rằng: “Chúng ta là một gia đình. Chúng ta quyết định thay thế xung đột bằng đối thoại hòa bình”; còn ông Mã Anh Cửu thì kêu gọi hai bên mở rộng đối thoại và hợp tác vì lợi ích của nhân dân, đồng thời đề xuất thiết lập đường dây nóng giữa Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc và Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan…
Ngỡ sau cuộc gặp lịch sử đó, tình hình eo biển Đài Loan sẽ bình lặng hơn. Vậy mà không: cái nắm tay giả như có nồng ấm, cũng chỉ là trong phòng khách sạn. Còn ngoài kia eo biển, lúc đầy nắng gió, lúc mù mịt, u ám. Cùng với thời gian, các cuộc tập trận ngày một dày đặc gắn với những cáo buộc ầm ĩ hai bên ném vào nhau. Còn phải kể thêm những kích động từ Washington – bên được coi như “người bảo trợ” cho Đài Loan – khiến câu chuyện Đài Loan căng thẳng còn hơn dây đàn. Những ngày gần đây, giông bão giữa hai bờ eo biển đang có chiều trở lại với cấp độ cao hơn sau những thông tin rò rỉ về việc ông McCarthy sẽ nối bước người tiền nhiệm mệnh danh là “người đàn bà thép của nước Mỹ” Pelosi, thăm Đài Loan vào tháng Tư năm nay…
Trong bối cảnh đó, căng thẳng, đấu khẩu cứ tiếp diễn; tập trận cứ triển khai ầm ầm, nhưng ngầm bên trong, ai cũng hiểu một động thái “tháo ngòi” nổ không chỉ cần cho các đối thủ hai bờ, mà còn cần cho cả khu vực, thậm chí, cho toàn cầu.
Thế nên, chuyến “hồi hương” (tạm cho là thế) của nhân vật về hưu, không còn mấy thần thế Mã Anh Cửu bỗng thành sự kiện quan trọng được chờ đợi, gửi gắm nhiều kỳ vọng.
T.V