Saturday, January 4, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiQuan chức cần đi xe biển trắng mới 'thấm đòn các loại...

Quan chức cần đi xe biển trắng mới ‘thấm đòn các loại phí”

“Quan chức hoạch định chính sách cần đi xe biển trắng mới ‘thấm đòn các loại phí’ của các trạm BOT bủa vây doanh nghiệp vận tải”, ông Bùi Danh Liên nói.

Nhiều doanh nghiệp vận tải cảm thấy “sốc” và “than trời” trước thông tin từ ngày 1/4 tới đây, mức phí phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 5 sẽ tăng thêm 50%, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tăng khoảng 25% so với hiện nay.

Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải cũng khẳng định dù phí tăng cao nhưng chưa thể điều chỉnh giá cước bởi phải có lộ trình, thời gian.

Biện pháp duy nhất của đơn vị vận tải là phải tính toán, cắt giảm chi tiêu tối đa có thể để bù đắp vào khoản điều chỉnh tăng phí này, thậm chí có thể tính đến việc giãn tần suất, nốt khai thác nếu quá khó khăn.

Doanh nghiệp vận tải không tăng giá cước

Từ ngày 1/4, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI – nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng) đã điều chỉnh biểu mức phí trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Quốc lộ 5 đồng loạt theo mức tăng.

Cụ thể, trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, chặng Hà Nội đến cuối tuyến là cảng Đình Vũ có mức phí thấp nhất là 210.000 đồng, cao nhất là 840.000 đồng/lượt.

Đối với mức phí 2 trạm BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) trên Quốc lộ 5, mức thấp nhất với xe dưới 12 chỗ là 45.000 đồng/lượt (hiện nay là 30.000 đồng/lượt); cao nhất là xe tải trên 18 tấn, xe container có vé lượt 200.000 đồng/lượt (hiện nay là 160.000 đồng/lượt).

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng cho biết, doanh nghiệp hiện có 80 đầu xe chạy dọc cả 2 tuyến đường sắp tăng mức phí qua trạm thu. Bình quân một tháng, đơn vị phải chi trả tới 800 triệu đồng tiền thu phí cho phương tiện.

“Ngày thường các xe của công ty đang chạy trên tuyến đường này lỗ bởi khách ít, không bù đủ chi phí. Chỉ có những ngày cuối tuần, lễ, Tết thì mới có lãi.

Ngoài các chi phí nhiên liệu, nhân công, khấu hao xe nếu mức phí tăng thêm thì doanh nghiệp phải gánh thêm một khoản tiền khá lớn và sẽ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp vận tải”, ông Hải thừa nhận.

Theo ông Hải, xe khách chạy trên Quốc lộ 5 thu phí bằng vé tháng, quý nên chỉ tính một lượt đồng thời chủ phương tiện được giảm 10% nên tạo điều kiện cho nhà xe giảm giá thành vận tải khi chạy trên đường 5.

Nhưng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thì không được như vậy. Vé phí đường cao tốc chiếm khoảng 6-8 vé hành khách có trên xe.

Biểu mức thu phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).

Đưa ra biện pháp nhằm giảm các khó khăn khi phí sắp tới tăng cao, ông Hải cho rằng, doanh nghiệp vận tải chắc chắn phải tính toán lại biểu đồ lượt xe chạy trên tuyến cao tốc cho hợp lý.

Nếu lỗ sẽ giảm tần suất đồng thời điều chỉnh cho xe chạy lại theo tuyến Quốc lộ 5 thì giảm bớt chi phí.

Đặt câu hỏi đến việc phí tăng, đơn vị vận tải có tính đến chuyện tăng cước, ông Hải khẳng định, doanh nghiệp không tính đến chuyện nâng giá vé hành khách vì hiện tại giá xăng dầu đang ổn định nếu tăng cước thì sẽ không có khách đồng thời các chủ xe cũng phải nhìn nhau để điều chỉnh nhằm tạo sự cạnh tranh về giá.

Đồng tình quan điểm này, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bus Hải Phòng thông tin, đơn vị đang khai thác xe khách tuyến Hà Nội – Hải Phòng trên cả cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5, việc tăng phí khá cao của đơn vị đầu tư từ ngày 1/4 tới đây chắc chắn sẽ làm doanh nghiệp khó khăn bởi chi phí đầu vào tăng cao trong khi doanh nghiệp không thể tăng cước. 

“Công ty sẽ phải tính toán, cắt giảm chi tiêu tối đa có thể để bù đắp vào khoản này, thậm chí có thể tính đến việc giãn tần suất, giãn nốt khai thác nếu quá khó khăn”, đại diện Công ty Bus Hải Phòng bày tỏ.

Biểu mức thu phí của 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).

Đối với cước vận tải hàng hóa, ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng, việc tăng phí đã có lộ trình từ liên Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính, các doanh nghiệp vận tải đều biết, tuy nhiên có bất cập là sẽ làm cho giá thành đầu vào tăng cao, giá cước sẽ tăng, sản phẩm hàng hóa cũng phải điều chỉnh ảnh hưởng đến người dân.

“Quốc lộ 5 là đường được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, lẽ ra là người dân phải được hưởng theo mức phí như các tuyến Quốc lộ từ ngân sách đầu tư nhưng ở đây mức phí lại quá cao và đi ngược lại chủ trương của Nhà nước.

Nhà nước cho phép doanh nghiệp thu phí Quốc lộ 5 để hỗ trợ hoàn phí cho đường cao tốc. Nhưng đường cao tốc hoàn toàn là vốn BOT của nhà đầu tư, hiện lại lấy phí của đường ngân sách để bù cho tư nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải trên đường”, ông Tiến băn khoăn.

Khẳng định các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng chưa điều chỉnh giá cước bởi phải có lộ trình, thời gian, ông Tiến cho rằng, giá cước tăng hiệu quả kinh doanh sẽ giảm đi. Nếu chủ hàng không chấp nhận điều chỉnh thì doanh nghiệp cũng không có cách nào vì bỏ chở hàng thì sẽ không có việc để làm.

“Quan chức cần đi xe biển trắng mới ‘thấm đòn'”

Thừa nhận lộ trình tăng phí đã được liên Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính phê duyệt trước khi ký hợp đồng BOT, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhìn nhận, cơ quan Nhà nước lấy lý do hợp đồng kinh tế đã được ký kết nên nếu không làm sẽ phá vỡ hợp đồng kinh tế, ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư.

Lý giải rõ hơn, ông Liên đưa ra thực tế như 23 trạm thu phí sẽ tăng phí theo lộ trình từ 1/1/2016, người dân và doanh nghiệp “kêu quá”, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị lùi thời hạn tăng phí nhưng ngay lập tức Bộ Tài chính phản ứng ngay bởi Bộ Tài chính cho rằng do Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý từ khi lập hợp đồng.

“Bao giờ, các cơ quan chức năng cũng đưa ra quan điểm tăng phí là để bảo vệ quyền lợi hoàn vốn của nhà đầu tư và thu hút nhà đầu tư khác tiếp tục tham gia các dự án BOT xây dựng hạ tầng giao thông. Các doanh nghiệp và người dân phải chấp nhận, không thể thay đổi được các quyết định của cơ quan Nhà nước”, ông Liên bổ sung thêm.

Đánh giá thực trạng phí BOT không phù hợp với sức mua của người dân và gây áp lực đến đời sống kinh tế xã hội, ông Liên cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra nhiều trạm BOT quá, người dân “ngạt thở” về các loại phí.

“Doanh nghiệp vận tải ủng hộ nâng cấp đầu tư hạ tầng đường sá nhưng phải phù hợp với thu nhập quốc dân. Còn triển khai quá nhiều trạm, như từ Hà Nội-Thái Bình có 4 trạm BOT thì quá nặng với người dân”,  ông Liên nói.

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng kiến nghị những tuyến đường nào trạm BOT dày quá, Nhà nước nên mua lại một số trạm để giảm sức ép cho người dân đồng thời khi tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hạ tầng nên có lộ trình thực hiện chứ không thể nào cùng một lúc người dân phải chịu quá nhiều trạm BOT bao vây.

“Quan chức hoạch định chính sách cần đi xe biển trắng mới ‘thấm đòn các loại phí’ của các trạm BOT bủa vây doanh nghiệp vận tải”, ông Liên nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới