Những cuộc thảo luận về một kế hoạch hòa bình cho Ukraine sẽ làm che khuất mối quan hệ đang được thắt chặt giữa Trung Quốc và Nga.
“Tình hình quốc tế hiện đã bước sang một bước ngoặt mới. Ngày nay, trên thế giới có hai luồng gió, gió đông và gió tây… Tôi tin rằng, gió đông đang thổi bạt gió tây.”
Những bình luận như vậy giống như một lời tiên đoán về phát biểu mà Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Moscow tuần này. Nhưng thực ra, chúng được lấy từ bài phát biểu của một nhà lãnh đạo Trung Quốc khác, Mao Trạch Đông – khi ông đến thăm Moscow năm 1957.
Qua những câu nói gợi nhớ đến Mao, Tập thường tuyên bố rằng, “Phương đông đang trỗi dậy, còn phương tây đang suy tàn.” Giống như Mao và Putin, Tập tin rằng Nga và Trung Quốc có chung lợi ích trong việc đẩy nhanh sự suy yếu của các cường quốc phương Tây. Hai tuần trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang theo đuổi chính sách “ngăn chặn, bao vây, và đàn áp” nhắm vào Trung Quốc.
Một lần nữa, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc lại gặp nhau giữa bối cảnh lo ngại chiến tranh hạt nhân. Tại Moscow năm 1957, Mao đã kêu gọi mọi người cân nhắc đến “lợi ích” của xung đột hạt nhân: “Nếu điều tồi tệ nhất xảy đến và một nửa nhân loại chết đi, thì nửa còn lại sẽ được sống, trong khi chủ nghĩa đế quốc bị tiêu diệt và cả thế giới trở thành xã hội chủ nghĩa.” Ngay cả đối với những vị chủ nhà Liên Xô của ông, đây cũng là một điều quá sức tưởng tượng.
Ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ xuất hiện tại Moscow với tư cách là một người yêu chuộng hòa bình. Ông sẽ đến trong ánh hào quang của một thành tựu ngoại giao thực sự: việc Iran và Ả Rập Saudi bình thường hóa quan hệ do Trung Quốc làm trung gian hòa giải. Gần đây, Trung Quốc cũng đã đưa ra một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm để giải quyết cuộc chiến ở Ukraine. Nhiều khả năng, khi ở Moscow, Tập sẽ đề xuất một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Sau hội nghị thượng đỉnh với Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ gọi điện cho Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine.
Zelensky chắc chắn sẽ nhận cuộc gọi đó. Tập nắm giữ đòn bẩy lớn đối với Putin nếu ông muốn sử dụng chúng.
Tuy nhiên, Zelensky và liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine cũng sẽ hoài nghi về các đề xuất hòa bình của Trung Quốc. Thực tế thì rất khó để Tập Cận Bình sẵn lòng hoặc đủ khả năng làm trung gian chấm dứt chiến tranh Ukraine.
Không giống như trường hợp Ả Rập Saudi và Iran, tại Ukraine, Trung Quốc không làm trung gian giữa hai bên đã sẵn sàng đi đến một thỏa thuận. Bắc Kinh cũng không phải là bên trung lập trong cuộc xung đột này. Dù Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc nhằm lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, họ đã liên tục sử dụng những thuật ngữ của người Nga để mô tả cuộc xung đột. Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương mới đây còn ca ngợi mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là một “động lực” trong các vấn đề quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể sẽ bác bỏ bản cáo trạng của Tòa án Hình sự Quốc tế chống lại Putin.
“Kế hoạch hòa bình” hiện tại của Trung Quốc không đề cập đến việc Nga rút quân khỏi những vùng đất mà họ chiếm từ Ukraine. Nếu Tập đề xuất một lệnh ngừng bắn, người Nga có thể giả vờ nhiệt tình – bởi họ biết rằng Ukraine sẽ từ chối ý tưởng này, vì lãnh thổ của họ vẫn bị chiếm đóng. Ngay cả khi lệnh ngừng bắn được tuyên bố, Nga luôn có thể vi phạm – như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Tuy nhiên, đối với Tập Cận Bình, sẽ hữu ích nếu thể hiện Trung Quốc như một nhà kiến tạo hòa bình thực dụng, quan tâm đến trên hết là thương mại và thịnh vượng chung. Ngược lại, Mỹ được Trung Quốc miêu tả như một kẻ hiếu chiến về ý thức hệ, phân chia thế giới thành bạn và thù – đồng thời cố gắng duy trì quyền bá chủ của chính mình. Quan điểm đó sẽ giúp Trung Quốc ghi điểm trong trận chiến tại “các nước phương Nam” – và điều đó khiến người Mỹ lo lắng.
Nhưng đằng sau cuộc nói chuyện về hòa bình, bản chất của thượng đỉnh Tập-Putin sẽ đi theo hướng ngược lại, vì nó sẽ liên quan đến việc Trung Quốc gia tăng hỗ trợ cho Nga, trong lúc nước này tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược. Alexander Gabuev, một trong những nhà quan sát Trung Quốc hàng đầu tại Nga, hiện đang sống lưu vong, nhận xét rằng: “Đừng nhầm lẫn: chuyến đi sẽ nhằm thắt chặt quan hệ với Nga để mang về lợi ích cho Bắc Kinh, chứ không phải vì bất kỳ hoạt động trung gian hòa giải thực sự nào.”
Câu hỏi lớn sẽ là: Tập xem những mối quan hệ nào là có lợi cho Trung Quốc? Về mặt kinh tế, câu trả lời rất dễ dàng. Khi phương Tây ngừng sử dụng năng lượng của Nga, Trung Quốc có thể mua dầu và khí đốt với mức giá thấp hơn. Putin và Tập nhiều khả năng đồng ý đẩy nhanh tiến độ xây dựng một đường ống dẫn khí đốt khác giữa hai nước. Cung cấp cho Nga những hàng hóa mà nước này không còn có thể mua được từ phương Tây, đặc biệt là chất bán dẫn, cũng là món hời cho Bắc Kinh – dù một số công ty Trung Quốc sẽ cảnh giác để tránh vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây. Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc có lẽ cũng sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các lựa chọn thay thế cho đồng đô la trong vai trò tiền tệ toàn cầu.
Câu hỏi thực sự nhạy cảm sẽ là yêu cầu của Putin đối với vũ khí Trung Quốc, đặc biệt là đạn pháo và tên lửa, để bù đắp cho sự thiếu hụt đang làm suy yếu nỗ lực chiến tranh của Nga. Tháng trước, người Mỹ đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang xem xét thực hiện động thái này. Nhưng những gì mà Putin và Tập đồng ý vẫn sẽ là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ.
Tương tự, bất kỳ căng thẳng nào giữa Nga và Trung Quốc cũng sẽ bị giấu kín. Một số chiến lược gia người Mỹ hy vọng rằng một ngày nào đó họ có thể tạo ra một cuộc chia rẽ thứ hai giữa Moscow và Bắc Kinh, giống như cuộc chia rẽ đã dẫn đến việc nối lại quan hệ Mỹ-Trung vào thập niên 1970. Nhưng ở thời điểm hiện tại, điều đó là một viễn cảnh còn xa vời hơn cả một sáng kiến hòa bình thành công của Trung Quốc dành cho Ukraine.
Hình ảnh Tập và Putin ngồi cùng nhau ở Moscow sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng. Nga và Trung Quốc vẫn là đối tác thân thiết – được liên kết bởi sự đối đầu chung của họ với Mỹ và các đồng minh của nước này.
T.P