Công nghiệp quốc phòng Nga đã bàn giao rất nhiều vũ khí cho quân đội nước này, trái ngược với dự đoán của phương Tây.
Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, sau khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, đã áp đặt vô số lệnh trừng phạt đối với Nga, được cho là sẽ phá hủy nền kinh tế và hệ thống tài chính của nước này.
Đồng thời, các chuyên gia truyền thông phương Tây bắt đầu dự đoán sự sụp đổ của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, họ cho rằng Moskva sẽ không còn khả năng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như xe tăng và tên lửa hành trình.
Nhưng theo các nhà phân tích Trung Quốc đến từ trang NetEase, thực tế hóa ra lại hoàn toàn khác với những gì phương Tây mong đợi.
“Moskva đã làm choáng váng phương Tây. Ngành công nghiệp quân sự Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt, vẫn tiếp tục xuất xưởng các thiết bị tinh vi”, tờ báo tiếng Trung cho biết.
Phương Tây từng kỳ vọng các lệnh trừng phạt và việc không thể tiếp cận với công nghệ nước ngoài sẽ phá hủy ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Trước hết, điều này lẽ ra phải ảnh hưởng đến việc sản xuất vũ khí công nghệ cao – một trong những lĩnh vực phức tạp và sử dụng nhiều tài nguyên nhất của nền kinh tế Nga.
Tuy nhiên trên thực tế đã xảy ra một điều mà Mỹ và châu Âu không hề mong đợi. Tổ hợp công nghiệp – quân sự (MIC) của Nga đã mang đến cho các chính trị gia phương Tây một bất ngờ cực kỳ khó chịu – việc sản xuất không giảm mà ngược lại còn tăng lên.
“Việc sản xuất thiết bị quân sự ở Nga đang diễn ra sôi nổi, điều này gây bất ngờ lớn cho phương Tây. Người Mỹ và người châu Âu không thể hiểu tại sao điều đó lại có thể xảy ra”, các nhà phân tích từ Trung Quốc cho biết.
Mới đây Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho biết, năm nay nước Nga sẽ sản xuất 1.500 xe tăng mới, đi kèm số lượng lớn tên lửa và các loại vũ khí khác.
Tờ báo Trung Quốc lưu ý rằng phương Tây gần đây cũng đã nhận ra rằng tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đang tăng cường ngay cả trong bối cảnh bị trừng phạt.
Các nhà máy tiếp tục sản xuất những mẫu thiết bị quân sự mới và hiện đại hóa, đồng thời MIC không phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự, điều mà nhiều chuyên gia dự đoán.
“Theo cách hiểu của phương Tây, nước Nga ngày nay phải là một quốc gia đói khát, sẵn sàng bán tài nguyên của mình với giá gần như không có gì. Các biện pháp trừng phạt được cho là sẽ biến họ thành đất nước mà Mỹ và châu Âu rất muốn thấy. Nhưng Moskva đang chứng minh điều ngược lại”, tờ NetEase kết luận.
T.P