Giữa lúc thị trường tài chính Mỹ và châu Âu đang gặp nhiều thách thức, khu vực châu Á – Thái Bình Dương được cho là bị ảnh hưởng không lớn, nhưng vẫn đối mặt khó khăn nhất định.
Thị trường tài chính Mỹ vẫn còn thách thức
Reuters ngày 29.3 dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay chính quyền nước này đã làm những gì có thể để giải quyết biến cố vừa qua của ngành ngân hàng. “Chúng tôi đã làm những gì cần làm. Tôi tin rằng mọi thứ đang ổn định. Thị trường dường như đang nhận được hiệu ứng”, Tổng thống Biden khẳng định với báo giới.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết chính quyền Mỹ vẫn còn các biện pháp ứng phó. Nói một cách khác, Nhà Trắng vẫn nhận thức rằng tình hình thị trường tài chính vẫn còn thách thức. Đây cũng chính là điều mà nhiều chuyên gia cũng như nhà đầu tư tại Mỹ và các nước đang lo ngại.
Trả lời Thanh Niên, TS Steven Cochrane (Kinh tế gia trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Công ty phân tích tài chính Moody’s, Mỹ) đánh giá “Việc Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature của Mỹ phá sản đối mặt với các vấn đề mang tính chuyên biệt, nên không ảnh hưởng rộng rãi đến phần còn lại của ngành tài chính Mỹ”.
Điển hình, theo ông thì SVB có những đặc điểm riêng như có nhiều người gửi tiền với số tiền gửi cực kỳ lớn, vượt xa giới hạn 250.000 USD đối với tiền gửi được bảo hiểm, không giống phần lớn các tổ chức tín dụng khác. Phía gửi tiền vào SVB tập trung chủ yếu trong ngành công nghệ. Tài sản của SVB chủ yếu tập trung ở trái phiếu kho bạc Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.
Tuy nhiên, TS Cochrane cảnh báo: “Ngay cả khi SVB, Signature Bank có cấu trúc tài chính riêng nhưng khi các ngân hàng này đổ vỡ, thì tất cả ngân hàng khu vực ở Mỹ vẫn đang xem xét lại bảng cân đối kế toán của mình nhằm đảm bảo thanh khoản và tiền gửi không tập trung cao độ vào một số ít người gửi tiền. Do đó, tất cả các ngân hàng đang thắt chặt việc cho vay dẫn đến trên tổng thể hệ thống tài chính Mỹ thì có thể làm chậm tốc độ cung cấp tín dụng gây ảnh hưởng tăng trưởng kinh”.
Tác động gián tiếp
Nhận định về ảnh hưởng từ biến cố của thị trường tài chính Mỹ, TS Cochrane đánh giá: “Có rất ít tác động trực tiếp đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và VN nói riêng”. Nhưng, ông chỉ ra 2 tác động gián tiếp.
Thứ nhất, giống như các ngân hàng khu vực ở Mỹ, các ngân hàng ở VN có thể cũng giảm tốc độ cho vay, rà soát kỹ danh mục đầu tư của mình nên làm chậm dòng tín dụng tạm thời. “Nhưng tôi hy vọng đây sẽ chỉ là một mối quan tâm nhỏ”, vị chuyên gia kỳ vọng
Thứ hai, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi thời gian và tốc độ điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước VN có thể phải thay đổi định hướng. “Fed đã tăng lãi suất trong tuần này thêm 25 điểm cơ bản”, TS Cochrane nhắc lại, nhưng ông cũng nhận định tác động chỉ ở mức thấp.
Tương tự, trong báo cáo được đưa ra ngày 28.3 về tình hình kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng Standard & Poor’s (S&P) đánh giá “chưa có dấu hiệu lan truyền” đáng kể từ biến cố của các ngân hàng Mỹ và Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) đối với khu vực này. Tuy nhiên, S&P cũng lo ngại về tác động hạn chế dòng vốn để cung ứng cho thị trường do biến động và triển vọng thị trường không ổn định khiến bên cho vay cũng như nhà đầu tư trở nên cân nhắc hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu giảm ở thị trường Mỹ cũng khiến các nhà xuất khẩu ở châu Á gặp khó khăn. Báo cáo của S&P dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm tài chính 2023 – 2024 đạt 4%.