Tuesday, January 28, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTương lai của châu Á: Đa cực hay đơn cực?

Tương lai của châu Á: Đa cực hay đơn cực?

my asean 2

Trong bài phân tích dưới đầu đề “Động lực sức mạnh đang thay đổi của châu Á” mới được đăng trên trang thông tin điện tử của Viện “Project Syndicate”, giáo sư chuyên về nghiên cứu chiến lược Brahma Chellaney cho rằng không chỉ châu Á đang trở thành điểm mấu chốt trong sự thay đổi địa chính trị toàn cầu, mà những thách thức của châu lục này cũng đang là những thách thức chiến lược quốc tế.

Vào thời điểm khi châu Á đang trong sự quá độ, với bóng ma của một sự mất cân bằng quyền lực đang treo lơ lửng, đã đến lúc cần phải đầu tư vào sự hợp tác thể chế nhằm củng cố sự ổn định chiến lược của khu vực. Động lực sức mạnh đang thay đổi của châu Á được phản ánh trong chính sách đối ngoại ngày cảng quyết đoán của Trung Quốc, việc Chính phủ mới ở Nhật Bản đòi phải có một quan hệ “ngang bằng” với Mỹ và sự kình địch sâu sắc Trung Quốc – Ấn Độ dẫn tới những căng thẳng mới trên biên giới ở vùng Himalaya.

Tất cả những điều này đang làm nổi bật những thách thức của chính nước Mỹ, những thách thức ngày càng trầm trọng do sự suy giảm vị trí vượt trội kinh tế toàn cầu và sự can dự vào hai cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Những thách thức như vậy điều khiển quan hệ Mỹ – Trung  ở mức độ lớn hơn nhằm đảm bảo những dòng vốn lớn vẫn chảy từ Trung Quốc, cũng như sự hậu thuẫn về chính trị của Trung Quốc đối với những vấn đề khó khăn, từ Bắc Triều Tiên và Mianma cho tới Pakixtan và Iran.

Thế nhưng, khi chính sách châu Á lấy Trung Quốc làm trung tâm của Mỹ trở nên dễ nhận thấy, Nhật Bản lại thông báo với Mỹ rằng họ không thể mãi vẫn là một bầy tôi trung thành với các chính sách của Mỹ. Chính phủ của Thủ tướng Yukio Hatoyama đang tìm cách tổ chức lại chính sách đối ngoại và xem xét lại thỏa thuận năm 2006 về việc đồn trú của quân nhân Mỹ ở Okinawa. Chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố chấm dứt sứ mạng tiếp nhiên liệu kéo dài 8 năm ở Ấn Độ Dương để hậu thuẫn cuộc chiến tranh do Mỹ cầm đầu ở Ápganixtan.

Trong khi đó, việc Trung Quốc quay lại với đòi hỏi chủ quyền vốn không được nhắc đến từ lâu đối với bang Arunachal Pradesh ở miền bắc Ấn Độ cũng như việc Bắc Kinh gây bực tức cho Niu Đêli về Casơmia (Trung Quốc kiểm soát 1/5 diện tích vùng Casơmia) đang thách thức mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu Mỹ – Ấn.

Mỹ đã áp dụng cách cư xử ngầm trung lập về vấn đề Arunachal Pradesh để làm hài lòng Trung Quốc, quốc gia muốn đặt một dấu chấm hỏi quốc tế về tính hợp pháp của việc Ấn Độ kiểm soát vùng lãnh thổ Himalaya này, nơi có diện tích gấp gần ba lần Đài Loan. Hơn nữa, chính quyền Obama đã tỏ dấu hiệu về dự định từ bỏ những yếu tố trong các quan hệ với Ấn Độ mà có thể chọc tức Trung Quốc, bao gồm cuộc tập trận quân sự chung ở Arunachal và bất kỳ cuộc tập trận hải quân chung nào liên quan đến Nhật Bản hoặc các bên khác như Ôxtrâylia.

Tất nhiên, Hiệp định an ninh Ôxtrâylia – Ấn Độ, được kí kết trong chuyến thăm Niu Đêli của Thủ tướng Kevin Rudd, biểu tượng hóa vai trò của các giá trị chính trị chung trong việc thiết lập một tập hợp chiến lược mở rộng của các nước châu Á – Thái Bình Dương. Hiệp định Ôxtrâylia – Ấn Độ ít được chú ý, nhưng có ý nghĩa lớn vì phản ánh những yếu tố chính trong thỏa thuận an ninh của Ôxtrâylia với Nhật Bản cũng như của Ấn Độ với Nhật Bản. Cả ba hiệp định này, cộng với Hiệp định khuôn khổ quốc phòng Mỹ – Ấn Độ, thừa nhận một cam kết chung đối với dân chủ, tự do, nhân quyền và nguyên tắc pháp trị, đồng thời bắt buộc các bên ký kết hợp tác với nhau để xây dựng an ninh ở châu Á.

Tất nhiên, một sự chia rẽ về địa chính trị của châu Á trong những giá trị chính trị sẽ mang theo những hàm ý quan trọng. Trong khi châu Á (với những thị trường tăng trưởng nhanh nhất, những chỉ tiêu quân sự tăng nhanh nhất và những điểm nóng dễ bùng nổ nhất của thế giới) nắm giữ chìa khóa cho trật tự toàn cầu trong tương lai, các cường quốc chính của lục địa này vẫn bất hòa.

Trung tâm của tương lai châu Á là tam giác chiến lược hình thành bởi Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Kể từ khi Nhật Bản trở thành cường quốc thế giới trong thời kỳ Minh Trị vào nửa cuối thế kỉ 19, chưa có một cường quốc nào ở phương Tây nổi lên với khả năng như vậy để có thể làm thay đổi trật tự thế giới như Trung Quốc ngày nay. Hơn nữa, như đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ năm 2009 dự đoán, Trung Quốc có vị trí ảnh hưởng đến địa chính trị toàn cầu một cách sâu sắc hơn bất cứ quốc gia nào khác.

Tuy nhiên, sự tiến lên của Trung Quốc đang gây chia rẽ châu Á và đường đi của Bắc Kinh sẽ phục thuộc vào việc các nước láng giềng và những nước khác như Mỹ xử lý sức mạnh được tích lũy nhanh chóng của Trung Quốc như thế nào. Hiện tại, sức mạnh đang nổi lên của Trung Quốc giúp xác nhận sự hợp lệ của việc Mỹ triển khai quân sự ở Đông Á. Yếu tố Trung Quốc cũng đang trở nên có ích trong những nỗ lực của Mỹ nhằm giành được những đồng minh mới ở châu Á.

Thế nhưng, vì quan hệ Mỹ – Trung Quốc sẽ trở nên sâu sắc trong những năm tới, những căng thẳng trong một vài quan hệ đối tác hiện tại của Mỹ có thể sẽ trở nên trầm trọng. Ví dụ, việc xây dựng một mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn với Trung Quốc hiện đang được ưu tiên trong chính sách của Mỹ hơn là việc bán vũ khí tiên tiến cho các đồng minh châu Á, vì lo ngại rằng việc chuyển giao những vũ khí tiến công gây ra sự trả đũa của Trung Quốc trong lĩnh vực khác.

Trong khi Cộng đồng châu Âu được xây dựng từ những nền dân chủ, hệ thống chính trị ở châu Á lại quá đa dạng đến nỗi việc xây dựng niềm tin liên quốc gia không phải là điều dễ dàng. Ở châu Âu, các cuộc chiến tranh đẫm máu trong thế kỉ trước đã khiến cho xung đột vũ trang là điều không thể tượng tượng được ngày nay. Nhưng ở châu Á, các cuộc chiến tranh kể từ năm 1950 đã không giải quyết được những tranh chấp. Và trong khi châu Âu đã xây dựng được các thể chế để củng cố hòa bình, châu Á vẫn chưa bắt đầu một tiến trình như vậy.

Chưa bao giờ Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ tất cả đều hùng mạnh cùng một lúc như lúc này. Ngày nay, những nước này cần tìm ra những cách thức nhằm điều hòa lợi ích ở châu Á để họ có thể cùng tồn tại một cách hòa bình và thịnh vượng. Nhưng cũng không thể chối bỏ việc ba cường quốc hàng đầu châu Á này và Mỹ có những mong muốn khác nhau: Mỹ muốn một thế giới đơn cực nhưng một châu Á đa cực, Trung Quốc tìm kiếm một thế giới đa cực nhưng một châu Á đơn cực, và Nhật Bản cũng như Ấn Độ mong muốn một châu Á đa cực và một thế giới đa cực

RELATED ARTICLES

2 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới