Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếVề cái gọi là sự kiện sát nhập các đảo Nam Hải...

Về cái gọi là sự kiện sát nhập các đảo Nam Hải và đảo Hải Nam năm 789

Để
chứng minh Nhà nước Trung Quốc đã “quản hạt và hành xử chủ quyền sớm nhất” đối
với các quần đảo ở Biển Nam Trung Hoa, các học giả Trung Quốc đã đưa ra các “bằng
chứng” cho rằng các đảo ở Nam Hải (Biển Đông) đã được “sáp nhập” vào đảo Hải
Nam năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường (năm 789).

Trong
cuốn sách “Hội biên sử liệu các đảo Nam
Hải nước ta” xuất bản tại Bắc Kinh năm 1988
, các tác giả như Hàn Chấn Hoa,
Lâm Kinh Chi, Ngô Phượng Bân đã trích dẫn đoạn văn liên quan trong cuốn sách Chư Phiên Chí để nói rằng “Các đảo Nam Hải (Biển Đông) thứ 5 niên hiệu
Trinh Nguyên đời Đường (789) đã thuộc phạm vi quản hạt của Trung Quốc”

(Trang 33). Trong bài viết “Quần đảo Nam Sa (Trường Sa) thuộc lãnh thổ Trung Quốc
– căn cứ lịch sử ngược dòng 2000 năm” đăng trên tạp chí Window (HongKong) ngày
3 tháng 9 năm 1993, Phan Thạch Anh cũng đăng nguyên văn Chư Phiên Chí và quả quyết rằng: “Năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) đã được
đặt dưới sự quản hạt của phủ Quỳnh Châu”
.  Tôi xin trân trọng giới thiệu nội dung một bài
nghiên cứu của ông Phạm Hân, một nhà nghiên cứu đồng thời là một chuyên gia pháp
lý quốc tế, để làm sáng tỏ sự kiện này.

Trong
bài viết “Tài liệu lịch sử chứng minh các quần đảo ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)
chưa bao giờ là lãnh thổ Trung Quốc”, ông Phạm Hân đã nghiên cứu và trích đoạn
liên quan đến các đảo Nam Hải (Biển Đông) trong Chư Phiên Chí như sau : “Hải
Nam là Châu Nhai, Đảm Nhĩ nhà Hán. Vũ Đế (140-87 TCN) bình

Nam Việt sai sứ
từ Từ Văn vượt biển lấy đất đặt hai quận Châu Nhai, Đảm Nhĩ. Nguyên Đế (48-33
TCN) theo lời bàn của Giả Quyên bỏ Châu Nhai. Đời Lương (502-557), Tuỳ
(581-618) lại đặt như cũ. Nhà Đường, năm đầu niên hiệu Trung Quán (627) tách
làm 3 châu Nhai, Đảm, Chấn thuộc Lĩnh

Nam Đạo. Năm thứ 5 tách (huyện)
Quỳnh Sơn của Nhai (Châu) đặt thành quận, nâng huyện Vạn An làm châu, nay là
Vạn An Quân, Đảm, Chấn nay là Cát Dương quân, Xương Hoá quân. Năm thứ 5 niên
hiệu Trinh Nguyên (789) lấy Quỳnh (Sơn) làm Phủ đô đốc. Nay theo như thế. Từ
Văn có Đệ Giác Trường, đối với Quỳnh (Hải

Nam) cách nhau chừng hơn 360 dặm,
thuận gió nửa ngày thì đến. Dòng giữa gọi là Tam Hợp Lưu (dòng nước xoáy đến từ
3 ngả) đến đây không sóng gió người đi thuyền giơ tay chúc mừng nhau. Đến Cát
Dương vẫn là Biển, đất cát chẳng còn.
Bên ngoài có Châu (đảo) gọi là U-ri, là Su-ji-liang.[1] Phía Nam đối diện với Chiêm Thành,
phía Tây trông về Chân Lạp, phía Đông là Thiên Lý Trường Sa, Vạn lý Thạch
Đường, mênh mông không bờ bến, trời nước một mầu, người đi thuyền qua lại chỉ
lấy kim la bàn làm chuẩn, ngày đêm trông coi cẩn thận, sai sót tí chút sống
chết kề bên. Bốn quận gồm 11 huyện thuộc Quảng Nam Tây Lộ” (tờ 15b-16a)
.

Ông Phạm Hân chỉ ra rằng : qua đoạn văn trích
dẫn trên người ta thấy tác giả cuốn Chư phiên chí viết hai ý khác nhau. Đoạn
đầu, tác giả tóm lược lịch sử đảo Hải Nam. Đoạn tiếp theo tác giả mô tả vị trí
địa lý đảo này. Ở đoạn viết về lịch sử, tác giả nói đến việc Quỳnh Châu
[2] được
đặt làm “Phủ đô đốc” vào năm thứ 5
niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường (789). Ở đoạn viết về vị trí đảo Hải Nam, tác
giả cho biết phía Đông Hải Nam là “Thiên lý Trường Sa, Vạn lý Thạch Đường”.

Về sự kiện xảy ra ở đảo Hải Nam năm 789, tác giả Phạm
Hân cho rằng sử sách Trung Quốc chép rất rõ ràng về năm đó, cụ thể là : đô
đốc nhà Đường là Lý Phục cho quân từ đại lục sang lấy lại đảo Hải Nam sau hơn
100 năm dân bản địa nổi dậy làm chủ đảo, không hề có sự sáp nhập các đảo Nam
Hải (Biển Đông) vào đảo Hải Nam.
[3] Ông
cho rằng việc Quỳnh Châu được đặt làm “Phủ đô đốc” năm 789, không liên quan gì đến
“Thiên lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường” nằm ở phía đông Hải Nam. Và vì thế, không
thể kết luận là  các đảo Nam Hải (Biển Đông)
được “sáp nhập” vào Hải Nam vào năm 789.

Như vậy, các học giả Trung Quốc không thể xuyên tạc
lịch sử, lấy sự kiện trấn áp dân bản địa trên đảo Hải Nam năm 789 thành sự kiện
sáp nhập các đảo Nam Hải (Biển Đông) vào đảo Hải Nam làm “bằng chứng” nguỵ tạo để
chứng minh rằng Nhà nước Trung Quốc đã “quản hạt và hành xử chủ quyền sớm nhất”
đối với các quần đảo ở Biển Nam Trung Hoa.

            Theo luật pháp quốc tế, yêu sách về chủ quyền đối với
một vùng lãnh thổ hoặc đảo của một quốc gia không thể dựa vào các chứng cứ lịch
sử mơ hồ, mà phải dựa trên chứng cứ về sự chiếm hữu thực sự, tức là, Nhà nước của
quốc gia chiếm hữu phải thể hiện sự có mặt trên lãnh thổ mà họ chiếm hữu và phải
có những hành động thực hiện chủ quyền cụ thể trên vùng lãnh thổ hoặc đảo đó. Nếu
đòi hỏi khắt khe như vậy thì người Trung Quốc khó có thể đưa ra được bằng chứng
nào về việc họ là chủ thực sự của các quần đảo ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).




[1] Địa
danh này ngờ là chỉ đảo Boóc-nê-ô hoặc đảo Gia-va ngày nay.

[2] Quỳnh
Châu một trong bốn châu nhà Đường đặt ở đảo Hải Nam, “Quỳnh Châu” ở phía Bắc.
“Nhai Châu” ở phía Đông, “Đảm Châu” ở phía Tây, “Chấn Châu” ở phía Nam. Chỉ đến
đầu đời Minh (thế kỷ 15) đảo Hải

Nam mới được đặt Quy chế một phủ, gọi
là “Phủ Quỳnh Châu”.

[3] ĐườngThư,
quyển 7, tờ 7a; Thái Bình hoàn vũ ký
(Tống), quyển 169, tờ 11a-11b; Dư địa kỷ
thắng
(1221), quyển 124, tờ 2b; Quảng Đông Thông chí (1731), quyển 5, tờ
74a-75a.

RELATED ARTICLES

3 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới