Trong khi các Bên tranh chấp chủ quyền
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có các tuyên bố chủ quyền đối
với một phần hay toàn bộ quần đảo Trường Sa hoặc cả hai quần đảo này thì trên
thực tế từ trước đến nay không có một văn bản pháp lý quốc tế nào chính thức
xác nhận, chứng minh điều đó.
1. Tuyên bố Cai-rô ngày 27-11-1943, khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào
giai đoạn khốc liệt nhất, hội nghị tam cường Anh – Mỹ – Trung (Cộng hòa Trung
Hoa, đại diện lúc đó là Tưởng Giới Thạch) đã họp và ra một bản Tuyên bố tại
Cai-rô (thủ đô Ai-Cập). Tuyên bố có đoạn viết: “ …Nhật Bản phải bị loại ra khỏi
tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu
cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914 và tất cả những lãnh thổ Nhật đã
chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho
Cộng hòa Trung Hoa”[1]. Như vậy
là về phần lãnh thổ của Trung Quốc, Tuyên bố Cai-rô khẳng định ý chí của các cường
quốc buộc Nhật Bản phải trao trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa các lãnh thổ mà Nhật
Bản đã chiếm của Trung Quốc gồm “Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ”, không có gì
liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
2. Hội nghị Postdam ngày
26-7-1945, những người đứng đầu 3 nước Mỹ, Anh, Trung (Cộng hòa Trung Hoa) đã
lại ra Tuyên ngôn khẳng định “Các điều khoản của Tuyên bố Cai-rô sẽ được thi
hành”. Sau khi tuyên chiến với Nhật Bản ở Viễn Đông, Liên Xô cũng tham gia Tuyên
ngôn này.
Theo quyết định của Hội nghị Postdam là Trung Quốc chịu trách nhiệm
giải giáp quân đội Nhật ở khu vực Bắc vĩ tuyến 16. Từ cuối năm 1946, quân đội
của Tưởng Giới Thạch đến một số đảo của quần đảo Hoàng Sa và các tỉnh phía bắc
Việt Nam để thực hiện việc giải giáp quân đội Nhật Bản ở đây, hoạt động này hoàn
toàn không có ý nghĩa xác định hoặc thu hồi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa.
3. Hội nghị San Francisco từ ngày 4 đến 8-9-1951, có đại diện 51 nước tham dự để bàn về việc ký Hòa
ước với Nhật Bản. Điều 2, Chương II của Dự thảo Hòa ước được đưa ra để Hội nghị
thảo luận có ghi Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và các đòi hỏi của mình
đối với các lãnh thổ được nêu rõ trong các khoản của điều này:
a) Triều Tiên;
b) Đài Loan, Bành Hồ;
c) Kerile, phần phía Nam
đảo Sakhalin;
d) Các đảo ở Thái Bình Dương;
e) Châu Nam
Cực;
f) Các đảo thuộc các quần đảo Spratly (Trường Sa) và Paracel (Hoàng Sa).
– Tại phiên họp toàn thể ngày 5-9-1951, Hội nghị đã tán thành quyết
định của chủ tịch không chấp thuận đề nghị bổ sung đòi “Nhật Bản công nhận chủ
quyền hoàn toàn của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với Manchuria (Mãn Châu),
đảo Đài Loan (Formosa) với tất cả các đảo kế cận nó, quần đảo Penlinletao
(Pescadores tức Bành Hồ), quần đảo Tunshatsuntao (quần đảo Pratas), cũng như
đối với 2 quần đảo Sishatuntao và Chunshatsuntao (quần đảo Hoàng Sa, nhóm đảo
Amphitrites, bãi cát ngầm Maxfield) và quần đảo
Nanshatsuntao, kể cả quần đảo Trường Sa, và Nhật từ bỏ tất cả các quyền, tước
hiệu và đòi hỏi đối với các vùng lãnh thổ nêu trong điểm này”.
Quyết định này của Hội nghị đã được thông qua với 46 phiếu thuận, 3
phiếu chống, 1 phiếu trắng. Trong các nước bỏ phiếu thuận có: Ác-hen-ti-na,
Ô-xtrây-li-a, Bỉ, Bô-li-vi-a, Bra-xin, Cam-pu-chia, Ca-na-đa, Xri-Lan-ca,
Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Cô-xta Ri-ca, Cu-Ba, Đô-mi-ni-ca, Ê-cu-a-đo, Ai-cập, En
Xan-va-do, E-ti-ô-pi, Pháp, Hy Lạp, Goa-tê-ma-la, Ha-i-ti, Hôn-đu-rát,
In-đô-nê-xi-a, I-ran, I-rắc, Lào, Li-Băng, Li-bê-ri-a, Lúc-xăm-bua, Mê-hi-cô,
Hà Lan, Tân Tây Lan, Ni-ca-ra-goa, Na-uy, Pa-ki-xtan, Pa-na-ma, Pa-ra-goay,
Pe-ru, Phi-lip-pin, A-rập Xê-út, Xi-ri, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Bắc Ai-Len, Mỹ, Việt
Nam, Nhật Bản.
Cuối cùng, Điều 2 Chương II của Hòa ước vẫn được giữ nguyên như Dự thảo
và gồm 6 khoản sau đây:
“a) Nhật Bản, trong khi công nhận nền độc lập của Triều Tiên, từ bỏ tất
cả các quyền, tước hiệu và đòi hỏi đối với Triều Tiên, kể cả các quần đảo Quelpart
Port Hamilton và Dagelet.
b) Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, tước hiệu và đòi hỏi đối với vùng Formosa (Đài Loan) và Pescadores
(Bành Hồ).
c) Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, tước hiệu và đòi hỏi đối với quần đảo Kurile, đảo Sakhalin và quần
đảo nằm sát nước Nhật Bản mà ở đó Nhật Bản đã giành được chủ quyền theo Hiệp
ước Portsmouth ngày 5-9-1905.
d) Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, tước hiệu và đòi hỏi liên quan tới
chế độ uỷ trị của Hội quốc liên, và chấp nhận quyết định quyết định ngày
2-4-1947 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc gia hạn chế độ uỷ trị đối với các
đảo Thái Bình Dương trước đây dưới quyền uỷ trị của Nhật Bản.
e) Nhật Bản từ bỏ tất cả các đòi hỏi muốn có bấy kỳ quyền, hoặc tước
hiệu, hoặc lợi ích nào liên quan tới bất cứ phần nào của vùng Nam Cực, dù đó là
các hoạt động của các công dân Nhật Bản hoặc các hình thức khác.
f) Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, tước hiệu và đòi hỏi đối với quần đảo Trường Sa (Spratly) và Hoàng
Sa (Paracel)”.[2]
– Như vậy, các vùng lãnh thổ mà Tuyên bố Cai-rô xác nhận và Hòa ước
SanFrancisco khẳng định lại là của Trung Quốc chỉ bao gồm Đài Loan, Bành Hồ.
Việc Hòa ước SanFrancisco tách riêng Đài Loan, Bành Hồ và Hoàng Sa, Trường Sa thành
hai khoản riêng biệt (b, f) tự nó đã bao hàm ý nghĩa không công nhận Hoàng Sa,
Trường Sa thuộc về Trung Quốc.
Cũng tại Hội nghị San Francisco, ngày 7-9-1951, Trưởng đoàn đại biểu
chính quyền Bảo Đại là Trần Văn Hữu đã tuyên bố rằng từ lâu hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam và “cũng vì cần phải dứt khoát
lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này,
chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và
Hoàng Sa, những quần đảo luôn luôn thuộc về Việt Nam”.[3]
Không có bất cứ một đại diện nào của 51 quốc gia tham dự Hội nghị có ý
kiến phản đối hoặc bảo lưu đối với tuyên bố trên của đại diện Việt Nam tại
Hội nghị.
Những tư liệu và chứng cứ kể trên cho thấy một cách rõ ràng là những
văn kiện pháp lý quốc tế, từ Tuyên bố Cai-rô ngày 27-11-1943 (và Tuyên ngôn của
Hội nghị Postdam ngày 26-7-1945 khẳng định lại nội dung Tuyên bố Cai-rô) đến Hòa ước San Francisco ký ngày
8-9-1951 đã không xác nhận chủ quyền của bất cứ quốc gia nào khác đối với hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, việc không một quốc gia
nào tại Hội nghị SanFrancisco năm 1951, phản đối hoặc bảo lưu về tuyên bố của
Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam lúc đó về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần
đảo chứng tỏ cộng đồng quốc tế đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Việt Nam đối
với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.
[1] Hội nghị Cai-rô và Teheran 1943 trang
448. Văn kiện Bộ Ngoại giao Mỹ , 1961-Washington.
[2] Hội nghị
ký kết Hòa ước với Nhật Bản trang 314. Văn kiện của Bộ Ngoại giao Mỹ, tháng
12-1951.
[3] Sách
trên. Trang 263.