Đề xuất mở một hội nghị quốc tế về vấn đề chủ quyền trên biển Đông của
Pháp xưa kia từng bị Trung Quốc nhiều lần khước từ nhưng ngày nay, thái độ
khăng khăng “song phương” không còn hợp thời.
Tình thế không cho phép đơn phương
Những ngày qua dư luận
quốc tế tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến thái độ chống quyết liệt của Trung Quốc
với các nước láng giềng về xu thế “quốc tế hóa” trong tranh chấp về chủ quyền
và khai thác ở biển Đông.
Từ lâu Trung Quốc khăng
khăng giữ lập trường giải quyết và thương lượng song phương, tránh né, thậm chí
ngăn chặn việc đưa ra tranh luận và xét xử quốc tế về vấn đề này, bằng nhiều
cách, kể cả sử dụng vũ lực.
Ở thời điểm này trước
năm 1993, khi Trung Quốc chạy theo đường lối “tự lực cách sinh” với “bước nhảy vọt” hay “đại cách mạng văn hóa”,
xem Mỹ và phương Tây là cừu địch, thì lựa chọn của Trung Quốc là giải quyết
song phương trong vấn đề chủ quyền ở biển Đông.
Trung Quốc đã từng lợi
dụng tình hình Hoa Kỳ thất bại trong cuộc chiến ở Việt Nam, buộc phải rút quân
khỏi miền Nam và suy yếu, thu nhỏ quy mô và hiện diện quân sự ở khu vực – ra
tay đoạt Hoàng Sa tháng 1/1974, và sau này, vào đầu năm 1988 chiếm đoạt một số
đảo nhỏ và bãi chìm ở Trường Sa -khi Liên Xô suy yếu về kinh tế, hỗn loạn chính
trị trong nội bộ, giảm dần sự chi phối về quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình
Dương.
Ngày nay, trong một tình
huống mới, với chính sách “4 hiện đại hóa” của Đặng Tiểu Bình khi Trung Quốc đã
trở thành nước nhập khẩu dầu thô ngày càng lớn tương ứng với phát triển kinh tế
ngày càng nóng trong hơn hai thập niên kể từ năm 1980 và hiện là nước đứng thứ
hai nhập khẩu và tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới, vượt cả Nhật Bản thì giải pháp
đa phương trong tranh chấp dù muốn hay không Trung Quốc cũng sẽ phải chấp nhận
nếu muốn gìn giữ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại tốt đẹp với các nước mà
Trung Quốc đang muốn duy trì.
Nói khác đi, cho dù bộ
máy tuyên truyền chính trị lẫn đối ngoại của Trung Quốc hô hào về chủ quyền của
họ ở biển Đông, dùng nhiều biện pháp đe dọa (bằng các tàu tuần ngư và tuần
tra), phủ dụ hoặc phân hóa (bằng “sức mạnh mềm”, hay dưới chiêu bài tăng cường
quốc phòng vì mục đích “hòa bình” và ổn định trong khu vực…) các nước trong khu
vực ASEAN thì tất cả cũng chỉ có tác dụng gây căng thẳng để giữ thể diện.
Nhân tố bên thứ 3
Thực chất hành động đó
nhằm che dấu sự lúng túng hay lo lắng không thể chối cãi của Trung Quốc trước
việc không thể phá vỡ mối tương quan lực lượng hiện hữu mà Hoa Kỳ là nước giữ
vai trò chủ chốt.
Việc đảm bảo an toàn và
ổn định của con đường huyết mạch thông thương trên biển Đông, nối dài từ eo
biển Holmutz qua eo biển Malacca để chuyên chở dầu mỏ và hàng hóa cho Trung
Quốc và từ Trung Quốc, là điều kiện cơ bản đảm bảo an ninh về năng lượng, duy
trì quan hệ thương mại ngày càng tăng trưởng và là nhân tố quyết định của sự
phát triển hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc.
Đây cũng chính là điểm
yếu nhất kìm hãm mọi toan tính phiêu lưu về quân sự của những nhà lãnh đạo
Trung Quốc kể cả tính toán phân chia Thái Bình Dương ra làm hai phần Đông-Tây
để tăng cường sự chi phối của Trung Quốc trên biển Đông khi mối tương quan lực
lượng giữa các cường quốc có mặt trên vùng biển châu Á – Thái Bình Dương vẫn
còn lệch về phía bên kia.
Hơn thế nữa, liệu các
nước công nghiệp phát triển khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc… có thể
chấp nhận sự lấn lướt và khuynh loát về quân sự của Trung Quốc? Đó là chưa kể
thái độ của Hoa Kỳ có quan hệ đồng minh với những quốc gia Đông Bắc Á này hay
của Nga trong mối quan tâm đặc biệt đối với khu vực nói trên.
Quan hệ Mỹ – Trung dù
phát triển tốt đẹp đến mấy trong thương mại vẫn hàm chứa những mâu thuẫn dai
dẳng về vấn đề Tân Cương, tỷ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, cán cân mậu
dịch nhập siêu của Hoa Kỳ, quyền sở hữu trí tuệ… là những vấn đề không thể thỏa
hiệp dễ dàng.
Phải chăng Hoa Kỳ có thể
hy sinh những đồng minh chiến lược của mình, bỏ đi cái ô hạt nhân che chở và
tầm chi phối của mình đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan?
Thực tế, những đảm bảo
an ninh khu vực và với các nước này của Hoa Kỳ vẫn còn đó. Việc Mỹ chấp thuận
tiếp tục cung cấp khí tài chiến tranh hiện đại cho Đài Loan, liên tục gây sức
ép đối với Bắc Triều Tiên hay – dù di dời căn cứ quân sự của quân đội Mỹ ở Okinawa
nhưng không phải là bỏ hẳn – duy trì sự có mặt của quân đội Mỹ ở Nhật Bản là
những bằng chứng trả lời câu hỏi này.
Mặt khác, đối với các
nước ASEAN, trong đó có Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Phlippines là
những quốc gia đang có tranh chấp và yêu sách về chủ quyền trên biển Đông cũng
không thể làm ngơ trước những hoạt động khiêu khích hay dọa dẫm.
Tình thế biển Đông ngày
nay không cho phép Trung Quốc thao túng và mạo hiểm như trước. Tuy sự gắn bó
của ASEAN chỉ dừng lại ở mức “đồng thuận”, nhưng các nước ASEAN đã lớn mạnh
trong hơn 20 năm qua, 10 nước tham gia biết phải làm gì khi bị lấn lướt.
Hơn thế nữa, quan hệ của
Trung Quốc với cộng đồng quốc tế đang ngày càng được mở rộng theo nhiều kích
chiều thì bản thân kích chiều đa dạng đó cũng đã hạn chế, không cho phép Trung
Quốc từ chối những giải pháp thương lượng hoặc đàm phán đa phương khi có sức ép
từ cộng đồng quốc tế.
Nói khác đi, biển Đông
ngày nay không chỉ thuộc chủ quyền một nước mà đã trở thành một vùng biển mang
tính chiến lược cho nhiều quốc gia trong lẫn ngoài khu vực, có vị trí địa chính
trị quan trọng đối với quan hệ của nhiều phía, đa phương lẫn song phương.
Không một quốc gia nào
có thể độc chiếm vùng biển này dù có bố trí tàu sân bay hay trang bị khí tài
chiến tranh hiện đại, tầm xa có thể vượt nghìn cây số để can thiệp, như Trung
Quốc đang tăng cường hải – không quân trong hơn một thập kỉ qua.
Không ai có thể tồn tại một mình
Đề xuất mở một hội nghị
quốc tế về vấn đề chủ quyền trên biển Đông của Pháp xưa kia đã bị Trung Quốc
nhiều lần khước từ, nhưng với tình huống ngày nay, khi Trung Quốc đã trở thành một
thành viên trong cộng đồng quốc tế, chỉ có thể tồn tại và phát triển khi họ tôn
trọng “luật chơi” của WTO, Liên hợp quốc hay những tổ chức quốc tế khác như
APEC, ASEM, WTO… thì thái độ khăng khăng “song phương” sẽ vô cùng bất lợi, nếu
không nói là muốn chèn ép nước nhỏ.
Thử tưởng tượng nếu một
ngày 55% dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc bị chặn lại trên eo biển Malacca và
70% hàng hóa Trung Quốc cũng không qua được cửa này, nếu bị ai đó phong tỏa hay
ngăn chặn?
Trung Quốc cần hơn ai
hết một môi trường hòa bình để giao thương với các nước, đặc biệt với Đông Nam
Á, các nước Nam Á, Trung Đông, châu Phi, châu Âu mà tuyến đường biển nối dài từ
biển Đông giữ vai trò quyết định, sống còn.
Có thể ở thời điểm nửa
thế kỉ 21, vào những năm 2050, như tiên đoán của nhiều người, Trung Quốc có thể
trở thành quốc gia siêu cường khuynh loát về kinh tế và quân sự trên khu vực
Đông Nam Á đối với Hoa Kỳ, châu Âu hay nước Nga vốn có một tiềm năng quân sự,
kinh tế hùng hậu… thì Trung Quốc cũng không thể tồn tại một mình và không bao
giờ có thể thống trị thế giới bằng vũ lực, cũng như không thể di dân ào ạt xây
dựng đội quân thứ 5 – đang phảng phất ở châu Phi hay các nước trong khu vực
Đông Nam Á.
Trong tình huống như
vậy, thái độ và sách lược của Việt Nam trên trường quốc tế về vấn đề biển Đông
vô cùng quan trọng, vừa là cơ hội vừa là thử thách trong mục tiêu đưa Việt Nam
trở thành một thành viên chủ chốt trong việc đảm bảo an ninh và ổn định trên
biển Đông và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Chỉ trong vai trò này và
chia sẻ trách nhiệm, chúng ta mới có thể đảm bảo được chủ quyền, độc lập và
toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền lẫn biển đảo với sự ủng hộ của cộng đồng quốc
tế.
Nói khác đi, Việt Nam
chỉ có thể bảo vệ vững chắc những gì còn lại của mình trên biển Đông bằng một
tầm nhìn chiến lược và hiệu quả trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong khu
vực hơn là chỉ “gói gọn” trong chủ trương bảo vệ chủ quyền trong phạm vi song
phương mà Trung Quốc vẫn muốn áp đặt. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phải có phương án để
đối phó một cách hữu hiệu và nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền hải đảo trong
nhân dân hơn bao giờ hết.
Comments are closed.