Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVụ va chạm tàu Trung – Nhật: Từ Biển Hoa Đông tới...

Vụ va chạm tàu Trung – Nhật: Từ Biển Hoa Đông tới Biển Đông

Vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và hai tàu tuần
duyên Nhật Bản ngày 8/9/2010 trên Biển Hoa Đông vừa qua đã một lần nữa dấy lên
dư luận toàn cầu về sự bất ổn liên quan hoạt động tuyên bố chủ quyền trên biển
của các nước đồng thời đặt ra yêu cầu hợp tác tích cực hơn giữa các nước nhằm đảm
bảo hòa bình trên biển.

Từ chuyện tàu cá “chiến” tàu tuần tra…

Đến thời điểm hiện tại, sức nóng của vụ va chạm
giữa tàu cá Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản tại khu vực quần đảo Senkaku
mà phía Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư đã giảm bớt phần nào do hai bên đều
không muốn vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ chính trị, quân sự hai nước. Tuy
nhiên, đối với các nhà nghiên cứu và các nhà làm chính sách thì sự kiện này vẫn
tiếp tục là một đề tài đáng quan tâm.

Trước hết, tàu của Trung Quốc là tàu cá, đương
nhiên mục đích ra khơi là để đánh bắt hải sản song dường như nhiệm vụ của tàu
này không chỉ có thế mà còn là thử phản ứng của chính quyền Nhật Bản trước thềm
bầu cử Chủ tịch đảng DPJ – người sẽ nắm giữ chức vụ thủ tướng Nhật Bản. Sự kiện
này xem ra tương tự như vụ tàu Trung Quốc xua đuổi tàu Impeccable của Mỹ tháng
3/2009 – thời điểm Tổng thống Obama mới nhậm chức một thời gian ngắn, nhưng
khác một điểm quan trọng là: tại thời điểm đó tàu quân sự của Trung Quốc xua đuổi
tàu dân sự của Mỹ trong khi lần này tàu dân sự của Trung Quốc sẵn sàng “chiến”
với tàu quân sự của Nhật Bản.

Vụ va chạm này đã gợi lại những sự kiện tương tự
diễn ra tại khu vực biển Đông: hiện tượng xuất hiện “tàu lạ” đâm chìm tàu của
ngư dân Việt Nam trên biển vào ban đêm mà gần đây nhất là sự kiện ngày 12/6/2010,
tàu của thuyền trưởng Võ Xuân Tiền cùng 17 ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trên
đường hành nghề từ Trường Sa về vùng biển Bình Định đã bị tàu lạ đâm chìm rồi bỏ
chạy. Tuy nhiên, những vụ việc này chỉ một số báo chí, chủ yếu ở Việt Nam đưa
tin nên các nước khác ít biết đến trong khi sự kiện tàu Trung Quốc va chạm với
tàu Mỹ và tàu Nhật Bản gây xôn xao dư luận trên toàn thế giới.

Từ những vụ va chạm trên biển trên, có thể thấy
trong giai đoạn hiện nay, vấn đề xung đột trên biển diễn ra phổ biến trên thế
giới không chỉ riêng khu vực Biển Đông, đặt ra lo ngại về an ninh an toàn trên
biển. Do đó việc các cường quốc hải quân trên thế giới (Mỹ, Pháp, Anh, Nga…) có
những tuyên bố hay động thái cụ thể trong thời gian vừa qua liên quan vấn đề
này, nhất là việc Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton khẳng định sự quan tâm của Mỹ tới
vấn đề Biển Đông tại diễn đàn ARF ngày 23/7/2010 tại Hà Nội, Việt Nam là phản ứng
bình thường, tự nhiên, có lợi cho hòa bình, ổn định trên thế giới nói chung, an
toàn và tự do hàng hải nói riêng.

Đến sự cần thiết có sự hợp tác vì sự bình yên
trên biển

Trong vụ va chạm tàu Trung – Nhật vừa qua, mặc dù
Nhật Bản tỏ ra chủ động và kiên quyết trong xử lý vụ việc, song ở mức độ nào đó
thì sự kiện này cũng khiến cho Nhật Bản lo ngại vì dù sao họ cũng là phía bị động.
Trong thời gian tới, Nhật Bản có thể phải lên phương án đối phó với các tình huống
tương tự có thể xảy ra.

Không chỉ đối với Nhật Bản, sự kiện này cũng đáng
để các quốc gia có lợi ích tại các vùng biển tranh chấp trên toàn thế giới phải
suy ngẫm, đơn cử như đối với các nước Đông Nam Á quanh khu vực Biển Đông. Các
nước này cũng phải cân nhắc phương án xử lý nếu phải đối mặt với các tình huống
tương tự. Nếu xảy ra va chạm trên biển, mặc dù Trung Quốc mạnh hơn hẳn các nước
Đông Nam Á về tiềm lực quân sự song chắc chắn cả hai bên đều không muốn căng thẳng
leo thang do Trung Quốc có nhu cầu khẳng định với thế giới rằng nước này đang “trỗi
dậy hòa bình” trong khi các nước còn lại mong muốn duy trì hòa bình để phát triển.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu duy trì hòa bình trên biển
thì sự hợp tác giữa các nước trực tiếp liên quan là chưa đủ mà cần phải có sự
tham gia tích cực của dư luận quốc tế. Sự bình yên của các vùng biển Đông Á
không chỉ là vấn đề riêng của các nước ở khu vực này./.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới