Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBài toán năng lượng tại châu Á

Bài toán năng lượng tại châu Á

Biendong.net
Nhu cầu năng lượng của châu Á đang tăng cao do quá trình đô thị hóa,
công nghiệp hóa diễn ra mạnh ở nhiều nước. Việc chuyển dịch nhu cầu năng lượng
từ các nước công nghiệp giàu có sang các nước đang phát triển ở châu Á làm
chuyển đổi toàn cảnh thị trường năng lượng và địa chính trị thế giới. Đây tiếp
tục là xu hướng phát triển thời gian tới.

Theo dự báo của Cơ
quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong hai thập niên tới, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ
chiếm 50% nhu cầu năng lượng, 60% nhu cầu dầu mỏ, 20% nhu cầu khí ga tự nhiên
và 85% nhu cầu than đá toàn cầu. Sự bùng nổ này đang tạo ra cuộc chạy đua giữa
các nước châu Á nhằm kiểm soát các nguồn cung,  hệ thống cơ sở hạ tầng và đường ống dẫn dầu khí.
Các công ty dầu mỏ, khí đốt quốc gia của Trung Quốc, Nhật Bản, Bắc Hàn và Ấn Độ
cạnh tranh gay gắt với nhau để giành quyền kiểm soát các nguồn cung và tuyến
vận chuyển mới. Một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, cũng can dự sâu vào
việc phát triển và mở rộng hệ thống đường ống tại khu vực Á-Âu. Trong một số
trường hợp, phương Tây tìm cách cô lập các nước họ coi là “cứng đầu” như Iran, Miến
Điện, và tìm kiếm các nguồn cung mới từ các quốc gia thân thiện hơn.

Xây dựng các đường ống dẫn dầu

Để đảm bảo nguồn cung dầu khí ổn định, một số nước Đông
và Trung Á  có xu hướng cạnh tranh không
ngừng trong việc xây dựng hệ thống đường ống lớn ở lục địa Á-Âu. Có 3 nhân tố
tác động tới xu hướng này. Thứ nhất, sự
gia tăng lượng dầu mỏ và khí ga hóa lỏng vận chuyển qua Ấn Độ Dương, eo biển
Malacca và biển Đông tới Trung Đông và châu Phi. IEA dự báo nhập khẩu dầu của
châu Á qua eo biển Malacca sẽ tăng gấp đôi trong hai thập niên tới, từ 11 triệu
lên 22 triệu thùng/ngày. Điều này khiến nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, lo
ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu khi được vận chuyển qua đường hàng
hải. Hệ quả là Trung Quốc nỗ lực đa dạng hóa các tuyến vận chuyển, nhất là qua
hệ thống đường ống trên đất liền vốn ít có nguy cơ gián đoạn. Thứ hai, sự sụp đổ của Liên Xô đầu
những thập niên 90 đã giúp giải phóng nguồn dự trữ dầu và khí khổng lồ tại một
số nước Trung Á như Kazakhstan, Turkmenistan, Azerbaijan… Thứ ba, sự phát triển như vũ bão về kinh
tế và nhu cầu năng lượng đột biến của Trung Quốc, cùng những dự báo về tiềm lực
kinh tế, quân sự và ngoại giao của Trung Quốc đang biến Đông Á thành “điểm nóng”
về cạnh tranh chính trị của thế giới.

Thành viên Viện
nghiên cứu Chatham House, Paul Stevens, cho biết một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt
của châu Á đang được vận chuyển qua hệ thống đường ống trải dài qua nhiều quốc
gia. Đây là hệ quả của sự bùng nổ nhu cầu năng lượng tại châu Á và sự phát
triển các nguồn cung mới tại khu vực Á-Âu. Các cuộc tranh chấp tuyến vận chuyển
dầu khí trong lịch sử chủ yếu được tạo ra bởi các cuộc xung đột chính trị và
tranh chấp kinh tế. Ngoài ra, giá trị của các dự án vận chuyển dầu khí biến
động lên xuống theo giá dầu và khí đốt. Do đó, việc phát triển các đường ống
dẫn mới làm tăng các cuộc cạnh tranh nhằm xác định ai sẽ được hưởng và ai sẽ phải
chi trả cho việc đa dạng hóa này.

Liên quan đến các
dự án ống dẫn dầu từ Đông Siberia (Nga) đến khu vực Đông Bắc Á, chính phủ Nga hiện
có nhiều lý do về mặt chiến lược và năng lượng để đẩy mạnh các dự án cung cấp
dầu khí cho khu vực Đông Bắc Á nói chung và Trung Quốc nói riêng. Tuy nhiên,
Mạc Tư Khoa có phần miễn cưỡng trong việc tăng cường hợp tác năng lượng với
Trung Quốc do sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước. Nga đã cho xây hệ thống
đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương (ESPO) với khả năng vận chuyển 300.000
thùng/ngày đến Trung Quốc và 300.000 thùng/ngày sang vùng biển Thái Bình Dương
của Nhật Bản và một số nước các thị trường châu Á khác. Cuộc đàm phán xây dựng
đường ống dẫn khí từ Đông Siberia sang Trung Quốc và Nam Hàn tiếp tục bị đình
trệ do chính phủ Nga và công ty dầu khí quốc gia Nga Gazprom thiếu vốn đầu tư. Do
đó, sự mất tin tưởng và cạnh tranh về mặt chính trị đang là nhân tố chính cản
trở tiến độ xây dựng các dự án dẫn dầu tại khu vực này.

Về phía các quốc
gia Trung Á, theo nhà nghiên cứu Edward Chow của Trung tâm CSIS, việc xây dựng
đường ống dẫn của Tập đoàn Caspian (CPC) từ Kazakhstan tới biển Đen và đường
ống dẫn Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC) từ Azerbaijan sang Địa Trung Hải là hệ quả
của sự bế tắc về chiến lược của Nga, áp lực ngoại giao mạnh mẽ của phương Tây
và Mỹ nhằm chuyển dầu mỏ và khí đốt sang thị trường Tây Âu. Việc xây dựng đường
ống dẫn thời gian qua phần nào phản ánh sự tự tin của các nước Trung Á trong
việc theo đuổi các lợi ích chiến lược và năng lượng của họ cũng như sự hiện
diện sâu rộng của Trung Quốc tại khu vực.

Cuộc chơi giữa những người trong cuộc

Trong bản đồ năng
lượng tại Trung Á, nước Mỹ chỉ giữ vị trí “đội khách”, vừa phải cạnh tranh với “đội
chủ nhà” gồm các nước Trung Á và Nga, ảnh hưởng quan trọng của Iran đối với hệ
thống cơ sở hạ tầng dầu khí ở khu vực và tiềm lực tài chính, ngoại giao ngày
càng tăng của Trung Quốc. Tận dụng việc Nga không triển khai dự án xây dựng
đường ống dẫn Đông Siberi, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn
dầu từ Kazakhstan và dẫn khí từ Turkmenistan. Bên cạnh đó, trong nhiều năm trở
lại đây, Bắc Kinh còn đẩy mạnh nỗ lực mua lại các mỏ dầu và khí đốt sẵn có ở
nước ngoài, bằng các dự án cho vay vốn ưu đãi dành cho các công ty năng lượng
nhà nước. Sự kết hợp hai xu hướng này đã dẫn tới việc Trung Quốc trở thành nước
nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3 thế giới với lượng dầu nhập khẩu đạt 4,3 triệu
thùng/ngày. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào các nguồn
năng lượng thay thế. Mới đây Trung Quốc đã tuyên bố đầu tư 738 tỷ USD để phát
triển các nguồn năng lượng thay thế.

Việc tăng cường
kiểm soát hệ thống đường ống, đa dạng hóa, giảm lệ thuộc vào một số nguồn cung
dầu thô vận chuyển qua eo biển Malacca và các tuyến hàng hảng do Mỹ kiểm soát của
Trung Quốc thời gian qua đang góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của nước này.

Phát triển hệ
thống đường ống dẫn ở châu Á ít nhiều tác động đến lợi ích chiến lược và an
ninh năng lượng của Mỹ tại khu vực Á-Âu. Xét một cách tổng thể, an ninh năng
lượng của nước Mỹ căn bản được củng cố bởi sự phát triển tối đa các nguồn cung
mới ở khu vực Á-Âu và sự phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ việc vận
chuyển năng lượng tới các thị trường châu Á.

Trong lịch sử, Nga
là nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính nguồn năng
lượng này cho châu Âu. Sau khi Liên Xô đổ vỡ, Mỹ và đồng minh châu Âu tìm cách
“qua mặt” Nga để khai thác nguồn dầu và khí đốt khổng lồ của khu vực Trung Á
thông qua đường ống đi qua lãnh thổ Nga. Mỹ coi Trung Á là một lựa chọn đầy hấp
dẫn để khai thác dầu và khí đốt so với Trung Đông đầy bất ổn. Vì vậy, khi theo
đuổi một chính sách khuyến khích xuất khẩu năng lượng đi vòng qua Nga, các quan
chức Mỹ cũng cố tác động để hướng các dự án đầu tư dầu mỏ của Phương Tây vào
Trung Á. Thực tế, thời gian qua, Mỹ đã hỗ trợ mở rộng mạng lưới đường ống dẫn
dầu và khí từ Nga tới Đông Á, từ Trung Á tới các khu vực khác thuộc châu Á, tới
Ấn Độ và Trung Quốc.

An ninh năng lượng
sẽ tiếp tục là vấn đề nóng bỏng tại khu vực châu Á nhất là trong bối cảnh các nguồn
tài nguyên trên thế giới đang cạn kiệt nhanh chóng. Dù mỗi quốc gia và khu vực
có những đặc thù riêng, tựu chung các nước trên thế giới vẫn đang đẩy mạnh việc
đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và phát triển các dạng năng lượng mới
thay thế cho các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt. Những chính
sách này góp phần đảm bảo khả năng phát triển dài hạn và giảm thiểu rủi ro đến
từ biến động của thị trường năng lượng toàn cầu.  

M.T.

RELATED ARTICLES

Tin mới