*
Câu chuyện buồn của con gái thuyền trưởng
Chiều qua 16.10,
niềm vui, niềm hạnh phúc ngập tràn đối với ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng
Ngãi) khi nhận được thông tin tàu cá QNg-66478 cùng 9 ngư dân vẫn bình an sau
nhiều ngày bặt tin tức.
Rộn ràng xóm
nhỏ
13 giờ ngày 16.10, khi bà Phạm Thị
Lan “phát” đi thông báo 9 ngư dân đi trên tàu cá QNg-66478TS vẫn còn sống, cả
đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vỡ òa niềm vui tột cùng. Những giọt nước mắt, nụ cười
đã trở lại trên khuôn mặt những người mẹ, người vợ sau bao ngày thấp thỏm lo
âu, dõi mắt ngóng trông về khơi xa khi chồng, con được phía Trung Quốc thông
báo thả về đoàn tụ với gia đình nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Mấy ngày trước, nhà bà Lan, vợ thuyền
trưởng Mai Phụng Lưu, không khí buồn hiu thì chiều qua lại rộn rã tiếng cười
cùng những lời chia vui của bà con chòm xóm. Bà Lan kể: “Tui đang ngồi suy nghĩ
không biết số phận ra sao thì con gái là Mai Thị Huệ đang làm ở TP.HCM gọi về.
Cứ nghĩ nó sợ tui buồn, không ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe nên con điện thoại
an ủi, hỏi thăm. Nào ngờ khi nghe nó nói ba đã liên lạc với con, người tui run
bần bật, cứ ngỡ mình nghe nhầm”.
Theo lời bà Lan, thì Huệ nhận được
điện thoại của ông Lưu từ số máy của Trung Quốc báo rằng tàu cá QNg-66478TS bị
chết máy, đang neo đậu ở đảo Trụ Cẩu (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Tất cả 9 ngư
dân đều khỏe, báo về cho gia đình yên tâm và nhờ các cơ quan chức năng ở VN cho
tàu ra cứu hộ.
Từ thông tin bà Lan “cấp báo”, gia
đình các ngư dân trên đảo đều vui mừng khôn xiết, thở phào nhẹ nhõm. Chị Bùi
Thị Trang, vợ ngư dân Dương Dũng, hớn hở: “Nghe ảnh còn sống, cả gia đình đều
mừng phát run. Thế là tai qua nạn khỏi rồi. Giờ chỉ mong Nhà nước đưa tàu ra
cứu nạn thôi”.
“Giọng ba buồn lắm…”
Chiều 16.10, chúng tôi tìm gặp được
chị Mai Thị Bích Huệ (sinh năm 1990), khi chị đang bóc hành, tỏi thuê tại một
con hẻm nhỏ trên đường Phan Huy Ích, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Vừa gặp chúng tôi,
Huệ nói trong nước mắt: “Em không ngờ được nghe giọng của ba vào chiều nay.
Thật khó tin. Bữa giờ, cả nhà cứ nghĩ rằng sẽ không còn gặp lại ba, hai em và
chồng em nữa!”.
Rồi chị Huệ kể lại với giọng xúc
động: “Vừa đi làm phụ hồ về đến nhà trọ khoảng 1 giờ chiều, đang dọn cơm ăn,
bỗng em nhận được cú điện thoại mang số lạ: 00870763672497 gọi vào điện thoại
di động. Linh tính có chuyện xảy ra, em hồi hộp cầm máy nghe mà tim như muốn
rớt ra ngoài. Ba cứ gọi tên em hoài: Huệ hả! Ba đây mà! Đúng rồi, đó là giọng
của ba…”.
Trong cơn xúc động đến tột độ, chị
không nói được lời nào, mà chỉ nghe ở đầu dây bên kia, ba nói với giọng buồn
lắm: Sau khi được Trung Quốc thả về vào ngày 11.10, mọi người liền quay hướng
trở về nhà. Nhưng do tàu bị chết máy nên lênh đênh trên biển rồi tàu Trung Quốc
lại dẫn về Trụ Cẩu (thuộc quần đảo Hoàng Sa, VN).
“Ba chị có nói tại sao mấy ngày qua
không liên lạc về với gia đình hay đất liền VN?”, chúng tôi hỏi. Chị Huệ thổn
thức: “Ba nói khi bị Trung Quốc bắt giữ họ đã thu giữ đồ đạc, lấy hết máy bộ
đàm thì sao liên lạc được với ai! Khi ba bị bắt lại sau khi thả thì ba nói họ
cho ba gọi điện thoại về nhà vài phút để báo tin. Do điện thoại ở nhà má bị hư
không thể liên lạc được nên ba gọi cho em”.
Chị Huệ kể tiếp: “Ba cứ nói tới, nói
lui rằng sức khỏe của ba, hai em và thằng Minh (chồng chị Huệ – PV) đều khỏe
mạnh, không ai bị gì hết. Nói má và cả nhà cứ yên tâm và liên hệ với các cơ
quan chức năng đưa tàu cứu hộ ra Trụ Cẩu dắt ba và mọi người về nhà”.
Thấy cô con gái trong tâm trạng xúc
động, ông Mai Phụng Lưu kêu con chuyển máy để ông nói chuyện với ông Võ Ở (63
tuổi, ông ngoại của chồng chị Huệ cũng vừa từ Lý Sơn, Quảng Ngãi vào làm ăn ở
TP.HCM) đang đứng cạnh đó. Ông Ở kể: trong khoảng 3 phút nói chuyện, ông Lưu
cũng cho hay tàu đang neo lại ở Trụ Cẩu và nhờ ông báo cho mọi người cứ yên
tâm, đừng lo lắng gì cả. Sau khi tàu được thả đi được vài hải lý thì bị chết
máy, trôi trên biển, nên mấy người trên tàu phải dùng mùng, mền căng vào mấy
cột làm buồm, với hy vọng dùng sức gió đẩy tàu đi về đến nhà. Đi được một đoạn,
thì gặp phải tàu của Trung Quốc và họ lại dẫn về neo tại Trụ Cẩu.
“Mấy ngày qua, mỗi lần nghe bản tin
thông báo các cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm ba, hai em và chồng,
thì nó chỉ biết ôm mặt khóc. Tụi tui thấy thương quá mà chẳng giúp gì được!”,
giọng ông Võ Ở bùi ngùi.
Chị Huệ cho biết, trước đây gia đình
chị cũng khá giả nhờ vào nghề đánh cá của ba. Khoảng năm 2003, tàu đánh
cá của ba cứ bị phía Trung Quốc bắt giữ liên tục đến 3-4 lần nên gia đình suy
sụp dần. Chị Huệ nói mấy lần trước bị Trung Quốc bắt, cơ quan chức năng VN can
thiệp thì chỉ khoảng nửa tháng sau là tàu của ba chị được thả về, chứ không bị
mất tích lâu như lần này.
Từ số điện thoại ba gọi về, chị Huệ
cho biết đã nhiều lần liên lạc lại để mong nghe giọng nói của ba, hai em và
chồng, nhưng không thể nào liên lạc được. “Nghe giọng ba buồn bã, em thấy
thương ba quá. Trước khi đi biển, ba còn yếu do bị té xe, nhưng ba vẫn đi biển
để kiếm tiền nuôi gia đình”, chị Huệ lại khóc…
Trước khi chia tay chúng tôi, chị Huệ
khẩn thiết đề nghị qua Báo Thanh Niên nhờ các cơ quan hữu quan VN
nhanh chóng giúp đỡ, sớm đưa người thân của chị về đất liền an toàn.
Tối 16.10, trao đổi với PV Thanh Niên, ông
Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho biết tỉnh sẽ có văn bản kiến
nghị Bộ Ngoại giao can thiệp để đưa tàu cứu hộ ra tiếp tế lương thực, lai dắt
tàu QNg-66478TS cùng 9 ngư dân sớm trở về đoàn tụ với gia đình.
Trung Quốc xác nhận
Theo tin của Đại sứ quán VN tại Trung Quốc, vào hồi 17 giờ 30
phút (giờ Việt Nam) hôm qua 16.10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức xác nhận
phía Trung Quốc đã đưa tàu cá QNg-66478TS cùng 9 ngư dân VN vào một hòn đảo
thuộc quần đảo Hoàng Sa (VN). Phía Trung Quốc cho biết đã cung cấp lương thực
và nước uống cho các ngư dân của VN. Tuy nhiên, do thời tiết xấu nên tàu cá
QNg-66478TS và 9 ngư dân VN sẽ còn phải lưu lại đảo một vài ngày nữa.
Trước đó, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết hồi 12
giờ 45 phút ngày 16.10, đất liền đã bắt liên lạc được với thuyền trưởng Mai
Phụng Lưu và các ngư dân trên tàu QNg-66478TS. Theo đó trong những ngày qua,
tàu QNg-66478TS đã bị chết máy và trôi dạt trên biển, ngư dân trên tàu phải
dùng chăn mền để làm buồm. Sau đó tàu được một tàu tuần tra của Trung Quốc phát
hiện và đưa tàu cùng 9 ngư dân về trú tạm tại đảo Trụ Cẩu thuộc quần đảo Hoàng
Sa (VN). Ngay sau khi nhận được thông tin này, chiều 16.10, Thứ trưởng Bộ Ngoại
giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội Tôn Quốc Tường,
yêu cầu phía Trung Quốc xác minh và sớm thông báo cho phía VN để đưa ngư dân và
tàu cá về nhà an toàn trong thời gian sớm nhất. Sau đó đến hồi 17 giờ 30 phút,
thông tin trên đã được phía Trung Quốc xác nhận.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao VN cho biết Bộ sẽ trao đổi với phía
Trung Quốc để đưa tàu cá QNg-66478TS và 9 ngư dân trở về an toàn trong thời
gian sớm nhất.
Trường
Sơn