Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm và cứu nạn người...

Tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm và cứu nạn người và tàu, thuyền gặp nạn trên biển

Chúng tôi, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Thành viên Hiệp hội
các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ( dưới đây được gọi là ASEAN), gồm Bru-nây
Đa-ru-xa-lam, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ
Nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Liên bang Mi-an-ma, Cộng hòa Phi-lip-pin, Cộng hòa
Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhân dịp
Cấp cao ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội, Việt Nam;

Khẳng định lại cam kết ủng hộ việc xây dựng một Cộng đồng
ASEAN hướng tới các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN;

Cũng khẳng định lại Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính
trị -An ninh ASEAN kêu gọi đẩy mạnh hợp tác tìm kiếm và cứu nạn người và tàu,
thuyền gặp nạn trên biển;

Nhắc lại Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao các nước
Thành viên ASEAN về hỗ trợ các Cơ quan đại diện ASEAN tại các nước thứ ba đối
với kiều dân các nước thành viên ASEAN gặp các tình huống khủng hoảng;

Lưu ý đến các nguyên tắc liên quan đến các hoạt
động tìm kiếm cứu nạn được ghi nhận trong các văn kiện đa phương thích hợp kể
cả các Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và Công ước Quốc tế về An toàn
Tính mạng trên Biển năm 1974;

Nhận thức rõ nhu cầu tăng cường hợp tác giữa các nước Thành
viên ASEAN qua việc cùng nhau giúp đỡ hỗ trợ người và tàu, thuyền gặp nạn trên
biển;

Tuyên bố tại đây:

1. Khuyến khích các nước Thành viên
ASEAN chỉ định các cơ quan có thẩm quyền liên quan làm Trung tâm Điều phối Cứu
nạn (RCC) hoặc các cơ quan tương tự để phối hợp với các cơ quan tương ứng của
các nước Thành viên ASEAN khác bảo đảm hỗ trợ kịp thời đối với người và tàu,
thuyền gặp nạn trên biển;

2. Khuyến khích các Trung tâm Điều
phối Cứu nạn (RCC) hoặc các cơ quan tương tự thành lập đường dây thông tin trực
tiếp cũng như các cách thức/đường dây thông tin chính thức khác giữa các Trung
tâm Điều phối Cứu nạn (RCC) hoặc các cơ quan tương tự nhằm chia sẻ thông tin
cập nhật và hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm cứu nạn;

3. Thúc giục các nước Thành viên ASEAN
hỗ trợ nhanh các yêu cầu của Trung tâm Điều phối Cứu nạn hoặc các cơ quan tương
tự của các nước Thành viên ASEAN, bằng cách cung cấp các thiết bị tìm kiếm cứu
nạn thích hợp theo khả năng cho phép đối với các hoạt động trên biển. Trong
trường hợp tai nạn xảy ra trong lãnh hải hoặc lãnh thổ quần đảo của một nước
thành viên, khi yêu cầu cứu nạn, nước yêu cầu phải được sự đồng ý của nước
đó; 

4. Khuyến khích cung cấp và tạo điều
kiện hỗ trợ có thể qua các Cơ quan đại diện ASEAN đối với tàu, thuyền của các nước
Thành viên  ASEAN gặp nạn trên biển tại nước thứ ba nơi đại diện ngoại
giao của các nước Thành viên ASEAN chưa được thiết lập;

5. Khuyến khích các Trung tâm Điều
phối Cứu nạn hoặc các cơ quan tương tự của các nước Thành viên ASEAN tăng cường
hợp tác xây dựng năng lực của các nước Thành viên ASEAN trong các hoạt động tìm
kiếm cứu nạn trên biển;

6. Đẩy mạnh hợp tác và chia sẻ thông
tin giữa ASEAN và các nước Đối thoại và các tổ chức hàng hải quốc tế có liên
quan để tăng cường khả năng của ASEAN trong việc hỗ trợ người và tàu, thuyền
gặp nạn trên biển;

7. Tăng cường và khi cần thiết phát
triển các quan niệm tiếp cận khu vực có phối hợp, và xây dựng hoặc nâng cao các
chính sách khu vực, các cơ chế hoạt động, kế hoạch và hệ thống thông tin để
chuẩn bị sẵn sàng và bảo đảm đáp ứng đối phó nhanh và có hiệu quả trong tình
huống gặp nạn; và

8. Giao trách nhiệm cho Ban Thư ký ASEAN lập danh
mục tất cả các Trung tâm Điều phối Cứu nạn (RCC) hoặc các cơ quan tương tự để
phổ biến cho tất cả các nước Thành viên ASEAN.
Tuyên bố này sẽ không gây tổn hại hoặc ngăn cản các nước Thành viên ASEAN trong
việc áp dụng quyền và luật của nước mình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thông qua Ngày Hai Mươi Bảy Tháng Mười Năm Hai Nghìn Không Trăm Mười tại Hà
Nội, Việt Nam

RELATED ARTICLES

Tin mới