Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếMỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÁC LUẬN CỨ MÀ TRUNG...

MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÁC LUẬN CỨ MÀ TRUNG QUỐC SỬ DỤNG ĐỂ CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN TỪ LÂU ĐỜI ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO TÂY SA VÀ NAM SA KỲ III

Kỳ I: http://www.biendong.net/tu-lieu/thong-tin-tu-lieu/147-mot-so-nhan-xet-ve-cac-luan-cu-ma-trung-quoc-su-dung-chung-minh-chu-quyen-tu-lau-doi-doi-voi-hai-quan-dao-tay-sa-va-nam-sa.html
Kỳ II:
http://www.biendong.net/tu-lieu/thong-tin-tu-lieu/153-mot-so-nhan-xet-ve-cac-luan-cu-ma-trung-quoc-su-dung-chung-minh-chu-quyen-tu-lau-doi-doi-voi-hai-quan-dao-tay-sa-va-nam-sa.html
Kỳ III (tiếp theo)

c. Về việc Phó tướng thuỷ
quân Ngô Thăng đi tuần từ “Quỳnh Nhai” đến “Tứ Canh Sa” chép trong
Tuyên Châu phủ chí
của Hoàng Nhiệm, đời Thanh (1870) :

Các học giả Trung Quốc nêu sự kiện Phó tướng thủy quân Ngô Thăng đời Thanh
đi tuần từ Quỳnh Nhai đến Tứ Canh Sa chép trong Tuyên Châu phủ chí để chứng minh rằng từ đời nhà Thanh, hải quân
Trung Quốc đã đi tuần vùng biển Tây Sa. Vậy ta hãy xem Tuyên Châu phủ chí là sách nào và sách này đã viết gì !

Tuyền Châu phủ chí là sách địa chí phủ Tuyền
Châu, tỉnh Phúc Kiến. Trong Chương chép về “Quốc triều vũ tích” có chép sự tích
về Ngô Thăng như sau : “Ngô Thăng, tên tự là Nguyễn Trạch, người (huyện) Đồng
An, họ Hoàng, giữ chức Tổng Kỳ. Chống giặc
ở Quả Đường được phong chức Thiên Tổng. Lại đi theo các cuộc đánh dẹp ở Kim Môn,
Hạ Môn, Bành Hồ có công được phong chức Du kích Thiểm Tây, thăng chức phó tướng
Quảng Đông, điều đến Quỳnh Châu. Từ Quỳnh Nhai, qua Đồng Cổ, đến Thất Dương Châu,
Tứ Canh Sa, vòng quanh ba ngàn dặm, đích thân đi tuần địa phương yên ổn. Thăng
giữ chức Tổng binh quan Định An, tìm cách bắt trộm cướp, kẻ gian tuyệt tích. Thăng
chức đề đốc Triết Giang, đổi làm Lục Lộ Phúc Kiến. Năm thứ 3 niên hiệu Ung Chính
(1725), Phong (hàm) Thái tử Thiếu bảo, năm sau mất. Tặng Thái tử Thiếu bảo ban
cho tế táng, huý là Ich Cần.[1]

Tuyền Châu phủ chí trích dẫn trên đây cho biết Ngô Thăng người tỉnh Phúc Kiến, do có công
được thăng bổ chức phó tướng Quảng Đông và được cử giữ Quỳnh Châu (đảo Hải
Nam). Trong thời gian thực hành công vụ ở đây, ông đã đi tuần xung quanh đảo Hải
Nam,
hành trình dài 3000 dặm. Cuộc hành trình của ông xuất phát từ Quỳnh Nhai, thủ
phủ Quỳnh Châu, ở phía Bắc đảo,  nay  là  thành
phố

Hải Khẩu; qua “Đồng Cổ”, là một quả núi
cao ở mỏm Đông-Bắc đảo Hải Nam; qua “Thất Châu Dương”, là vùng biển có bảy hòn
đảo phía Đông Nam đảo Hải Nam; và qua “Tứ Canh Sa”, bãi cát ngầm phía Tây đảo Hải
Nam.

Như vậy, cuộc tuần
tiễu của Ngô Thăng chỉ diễn ra xung quanh đảo Hải Nam, không liên quan gì đến quần đảo
“Tây Sa”. Các tác giả cuốn Tổng hợp sử
liệu
đã suy diễn địa danh “Thất Châu Dương” thành “vùng biển quần đảo Tây
Sa” để từ đó nói rằng “thời đó do hải quân tỉnh Quảng Đông tuần tiễu quần đảo
Tây Sa (Lời dẫn).

Ở đây, cần nói thêm
là địa danh “Thất Châu Dương” chép trong sách cổ Trung Quốc nói chung và trong Tuyên Châu phủ chí nói riêng đều chỉ vùng
biển ngoài khơi mỏm Đông Bắc đảo Hải Nam, nơi có nhóm đảo “Thất Châu” (bảy đảo)
theo nghĩa hẹp và chỉ vùng biển từ phía Đông Nam đảo Hải Nam đến vùng biển ngoài
khơi miền Trung Việt Nam ngày nay theo nghĩa rộng.

Các địa danh trên
đều có thể được tìm thấy trên các hải đồ Trung Quốc. Trong hải đồ N 5012 tỷ lệ
1/500.000 do hải quân Trung Quốc xuất bản bằng tiếng Trung và tiếng Việt tháng
5 năm 1956 với tiêu đề : “Vùng phụ cận Lôi Châu và đảo Hải Nam, và các bản đồ
“Bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam” và các bản đồ “Bán đảo Lôi Châu và đảo Hải
Nam”, và “Nam Hải địa hình”  tỉ lệ 1/300.000.000
do nhà xuất bản địa đồ Trung Quốc xuất bản tháng 5 năm 1984, có nhóm đảo mang
tên Thất Châu Đảo và vùng biển xung quanh các đảo nhỏ ở đó nằm về phía Đông Nam
của đảo Hải Nam được gọi đúng tên là Thất Châu Dương. Như vậy, không có cơ sở
nào để suy diễn cái tên Thất Châu Dương thành toàn bộ biển Nam Hải (biển Đông).

Ngoài ra, trong
cuốn Quảng Đông Dư Địa Đồ Huyết in năm 1909, Lý Hàn Chung đã nói về các cuộc
tuần biển của hải quân Quảng Đông như sau : “Biên giới trên biển ngày nay lấy
phía Nam đảo Hải Nam làm giới hạn, bên ngoài là Thất Châu Dương, Đô đốc thủy
quân Quảng Đông đi tuần đến đó là quay về.”

Nhiều thư tịch
Trung Quốc viết về phòng thủ biển thời kỳ này đã chứng minh điều đó, ví dụ :

Trù hải đồ biên (Biên tập về bản đồ phòng
vệ biển) do Trịnh Nhược Tăng soạn, Hồ Tông Hiến hiệu đính năm 1562 cho biết, do
nhu cầu chống nạn cướp biển nên nhà Minh đã cho xây dựng hệ thống phòng thủ biển
dọc theo bờ biển từ Bắc xuống Nam. Trong sách này có bản đồ Nhật Bản đảo Di nhập khấu đồ (Bản đồ người
Di Nhật Bản vào cướp) (Phụ lục 12) và
bản đồ phạm vi phòng thủ bờ biển từ Đông Bắc Trung Quốc đến Khâm Châu Phòng Thành,
tiếp giáp với Việt Nam, chỉ giới hạn ở vùng biển ven bờ, không bao gồm Biển Đông
(Phụ lục 13).

– Dương phòng tập
yếu do Nghiêm Như Dục soạn năm 1847 chép địa điểm “hội tuần” của thuỷ quân Quảng
Đông đều là những vùng nước ven bờ như “Nam Áo” (hòn đảo phía Đông Quảng Đông),
“Bình Hải Đại Tinh” (hòn đảo phía Đông Hồng Kông), “Quảng Hải Đại Áo” (vùng biển
phía Đông cửa biển Quảng Châu), “Ngao Châu” (hòn đảo phía Đông bán đảo Lôi Châu),
“Quảng Châu Loan” (Vịnh biển bên ngoài thành phố Trạm Giang), “Bạch Sa” (hải cảng
bờ Đông Nam bán đảo Lôi Châu) (Phụ lục 14).
Địa điểm “hội tuần”, nơi các cánh thuỷ quân tuần tiễu gặp nhau như trên, chứng
minh phạm vi phòng thủ của Quảng Đông chỉ bao gồm vùng biển ven bờ.

– Quỳnh Châu phủ
chí do Minh Nghi soạn năm 1841 chép rõ : Phạm vi tuần tiễu biển của các đồn thuỷ
quân của phủ này (đảo Hải Nam)
chỉ giới hạn ở vùng biển xung quanh đảo.

Thư tịch Trung Quốc
kể trên chỉ rõ mục tiêu tuần tiễu trên biển của thuỷ quân Trung Quốc là chống cướp
biển và phạm vi tuần tiễu là vùng biển ven bờ, không bao gồm các quần đảo ở Biển
Đông. Ngày nay, người ta còn tìm thấy hàng loạt bản đồ “phòng thủ biển” của
Trung Quốc từ đời Minh đến đời Thanh trong Trù hải đồ biên, Vạn lý hải phòng đồ
luận (đời Minh), Quảng Đông hải phòng hội lãm, Quảng Đông thông chí (đời
Thanh). Trên những bản đồ đó phạm vi phòng vệ biển của Trung Quốc được giới hạn
ở vùng biển và đảo ven bờ.

d. Về sự kiện
Đô đốc Lý Chuẩn thị sát “Tây Sa” năm 1909 :

Để hiểu về sự kiện
Đô đốc Lý Chuẩn thị sát “Tây Sa” năm 1909, cần phân tích một số tài liệu liên
quan và bối cảnh xuất hiện các tài liệu này. Tờ tâu của Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương
Nhân Tuấn trình lên triều đình nhà Thanh viết :

“Cương giới tỉnh
Quảng Đông giáp Nam Hải. Trong đại dương bãi, đảo rất nhiều. Vì xa xôi, hiểm trở
khó đi lại nên xưa đến nay vẫn bỏ hoang. Những kẻ nhòm ngó là người nước ngoài
chẳng quản gian nan hiểm trở (đến đây) kinh doanh khai thác.” “Người nước ngoài
chẳng quản gian nan hiểm trở đến một số đảo ở Nam Hải kinh doanh khai thác” là
chỉ sự kiện Nhật Bản chiếm mất quần đảo Pratas (Đông Sa) vào năm 1907 nhân khi
Triều đình nhà Thanh suy yếu.

Trong bối cảnh đó,
Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn đã báo cáo triều đình nhà Thanh : “Nay lại
điều tra còn có đảo Tây Sa nữa, gần Cảng Du Lâm thuộc Nhai Châu. Trước tiên đã
phái Phó tướng Ngô Kính Vinh đến khảo sát, thấy đảo này có 15 nơi, chia ra phía
Tây 7 đảo, Đông 8 đảo. Nơi đây ở vào phía Đông Nam Quỳnh Nhai (đảo Hải Nam), là
nơi quan yếu trên đường (người) châu Âu đến Trung Hoa, là cửa ngõ quan trọng đầu
tiên ở Nam Hải. Cứ bỏ hoang không khai thác là bỏ mất địa lợi, rất đáng tiếc” (Phụ lục 15).

Tờ tâu của Tổng
đốc Lưỡng Quảng cho thấy rõ một số điểm : thứ nhất, cương giới tỉnh Quảng Đông
giáp với Nam Hải; thứ hai, chỉ sau khi Nhật chiếm đảo Đông Sa thì Tổng đốc
Lưỡng Quảng mới “nghe nói đến có đảo bỏ hoang ở phía Đông Nam đảo Hải Nam”,
trước đó không biết về đảo này. Lúc đó, tức là năm 1909, Tổng đốc Lưỡng quảng
mới lần lượt phái tướng Ngô Kính Vinh và Đô đốc Lý Chuẩn đến đảo này để “khảo
sát” và “kéo cờ, bắn súng” biểu thị sự “chiếm hữu”.[2]

Hành động  của tướng Ngô Kính Vinh và Đô đốc Lý Chuẩn năm
1909 không thể biểu thị sự “chiếm hữu”. Theo luật pháp quốc tế đương thời lúc
đó,  hành động “chiếm hữu” một vùng đất nào
đó chỉ có hiệu lực khi vùng đất đó còn là “vô chủ”. Năm 1909, quần đảo mà Lý
Chuẩn đến biểu thị sự “chiếm hữu” không còn là “vô chủ”. Từ vài thế kỷ trước,
quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) đã thuộc lãnh thổ Việt Nam với
tên gọi “Bãi Cát Vàng” hay “Hoàng Sa” và trong suốt thời gian đó cho đến năm
1909 đã được các chính quyền Trung Quốc mặc nhiên thừa nhận. Thậm chí, chính
quyền địa phương của Trung Quốc còn cứu giúp đội viên đội Hoàng Sa đi khai thác
Hoàng Sa bị nạn năm 1753 và quan huyện Văn Xương thuộc Quỳnh Châu (Hải Nam) đã
làm công văn trao trả cho Chúa Nguyễn ở Phú Xuân.

Vì vậy, cuộc hành
binh của tướng Ngô Kính Vinh và Đô đốc Lý Chuẩn năm 1909 không thể được coi là
hành vi thực thi chủ quyền theo luật pháp quốc tế đương thời. Thực chất đó là một
sự xâm phạm bằng vũ lực chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

2. Về luận cứ “vẽ vào bản đồ, tiến hành quản lý” hai
quần đảo Tây Sa và Nam Sa :

Nhằm củng cố lập
luận Trung Quốc đã có chủ quyền đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa từ lâu
đời, các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu trích
dẫn một số tư liệu và bản đồ cổ để chứng minh rằng : Trung Quốc đã “vẽ vào bản
đồ, tiến hành quản lý” đối với hai quần đảo này. Để hiểu rõ về vấn đề này, phần
này sẽ phân tích một số tài liệu và bản đồ nói trên.

a.     Rà soát chính sử Trung Quốc :

Rà soát chính sử
Trung Quốc từ Đường thư (đời Đường)
đến  Hoàng Triều thông điển (đời Thanh), người
ta có thể thấy là không có bất kỳ ghi chép nào nhắc đến chủ quyền của Trung Quốc
đối với các quần đảo ở Nam Hải  (biển
Đông).

Điều đó nói lên
một thực tế là các quần đảo ở Nam Hải chưa bao giờ được các triều đại Trung
Quốc từ cổ xưa cho đến đầu thế kỷ 20 (1909) coi là một bộ phận lãnh thổ Trung
Quốc trong chính sử cũng như trên bản đồ chính thức của Trung Quốc.

b. Rà soát các
bộ sách và bản đồ ghi  chép địa lý quốc
gia của Trung Quốc

Phần này sẽ giới
thiệu một số ghi chép về phạm vi cương vực của Trung Quốc tại vùng lãnh thổ
tiếp giáp với Nam Hải (biển Đông).

i/ Đại Nguyên
nhất thống chí  (
Địa chí  nước Đại Nguyên thống nhất) :

Lộ Quỳnh Châu: Lãnh
7 huyện gồm Quỳnh Sơn, Trừng Mại, Lâm Cao, Văn Xương, Lạc Hội, Hội Đồng, Định
An.

Núi sông:

Lạc Vân Lĩnh: ở huyện Lâm Cao

Nam Lai Lĩnh: ở huyện
Văn Xương, nam 35 dặm

Bao Hỗ Lĩnh: ở huyện Văn Xương

Đồng Cổ Lĩnh: ở huyện Văn Xương, tục truyền dân lấy
được trống đồng, xét nghiệm thấy đây là cái chuông mà Gia Cát vũ hầu dùng để đi
đánh dẹp người Man, nhân đó đặt là Đồng Cổ Lĩnh (Núi Trống Đồng).

Thất Tinh Lĩnh: ở huyện Văn Xương, gần bờ biển, hình
thế như chuỗi hạt trai.

Nam Sơn Nham:
trong địa giới lộ Quỳnh Châu

Quân Vạn An: Lãnh
2 huyện gồm huyện Vạn An, huyện Lăng thuỷ

Quân Cát Dương:
Lãnh 1 huyện Ninh Viễn.

Núi Sông:

Tài Lang Lĩnh: ở huyện Ninh Viễn, quân Cát
Dương, còn nói là ở Nhai Châu, cách thành 3 dặm, tức là nơi Rùa Đá.

Chung Diên Lĩnh: ở huyện Ninh Viễn Quân Cát Dương (Quyển 10).

ii. Đại Minh
thống nhất chí
(Địa chí nước Đại Minh thống nhất):

Phủ Quỳnh Châu:

Sắp đặt hành chính: Lãnh 3 châu 10 huyện: Quỳnh Sơn,
Trừng Mại, Lâm Cao, Định An, Văn Xương, Hội Đồng, Lạc Hội, Đảm Châu, Xương Hoá,
Vạn Châu, LăngThuỷ, Nhai Châu, Cảm Ân.

Hình thể : nằm trong biển, rộng ngàn dặm, quận nằm
trong biển cả, Châu Nhai như vựa thóc lớn, phía nam nhìn về Liên Sơn, như có
như không, bốn quận một đảo, nước triều có khác, giữa là Lê Động (nơi dân tộc
Lê cư trú).

Phần “Núi sông”
không thấy chép địa danh “Thiên Lý Trường Sa”, “Vạn Lý Thạch Đường” (quyển 82).

iii. Đại
Thanh nhất thống chí
(Dư địa chí nước Đại Thanh thống nhất):

Phủ Quỳnh Châu:

Sắp đặt hành chính: thuộc tỉnh Quảng Đông, lãnh 3 châu
10 huyện: Quỳnh Sơn, Trừng Mại, Định An, Văn Xương, Hội Đồng, Lạc Hội, Lâm Cao,
Đảm Châu, Xương Hóa, Vạn Châu, Lăng Thủy, Nhai Châu, Cảm Ân.

Hình thể: nằm trong biển, rộng ngàn dặm, quanh co hơn
hai ngàn dặm, ngang 800 dặm, bốn châu mỗi châu chiếm một góc đảo, ngoài giáp
biển cả, trong là Lê Động.

Phần “Núi sông”
không chép địa danh “Thiên Lý Trường Sa”, “Vạn Lý Thạch Đường” (quyển 452-453).

Bản đồ Trung Quốc
trong Đại Minh nhất thống chí (Phụ lục 16), Đại Thanh nhất thống chí (Phụ
lục 17
) cũng chỉ vẽ đến đảo Hải Nam.

Trong những năm
1708-1718, vua Khang Hy (1662-1722) ra lệnh tiến hành đo đạc, vẽ bản đồ trên
phạm vi toàn quốc với sự chủ trì của các giáo sĩ Phương Tây (Pháp, Đức). Thời
Càn Long (1736-1795) được vẽ bổ sung phần đất ở khu vực Tây Tân Cương ngày nay.
Bộ Bản đồ được hoàn tất năm Càn Long thứ 26 (1761) với tỷ lệ 1:1.140.000, có
kinh vĩ độ mang tên Hoàng dư toàn lãm đồ
(Bản đồ đầy đủ vẽ đất đai của nhà Vua), còn gọi là Nội phủ địa đồ, gồm 103 tấm, được đúc thành tấm đồng, in 100 bản
lưu giữ trong cung cấm. Trang đầu tập bản đồ có hai bài thơ với bút tích của
Vua Càn Long viết bằng hai thứ chữ Hán, Mãn. Sau cách mạng Tân Hợi (1911) bộ
bản đồ được phát hiện và năm 1932 được ấn hành công khai. Năm 1967, nhà đương
cục Đài Loan cho in lại với tỷ lệ thu nhỏ 1:2.000.000. Qua bộ bản đồ này, sự
thật được khẳng định là giới hạn cực Nam
của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam (Phụ lục 18).

Ngày nay, người ta
cũng còn có thể thấy Hoàng dư toàn lãm đồ
qua Hoàng dư  toàn đồ, trong bộ Khâm định hội điển đồ, do quan chức triều Thanh biên soạn những năm
Quang Tự thứ 22 đến 28 (1894 – 1849).  Hoàng dư toàn đồ  được đo vẽ thời Khang Hy – Càn Long. Trên tấm
bản đồ này, người ta thấy hình thể Trung Quốc được đặt trong lưới kinh vĩ độ lấy
Bắc Kinh làm độ 0. Giới hạn cực Nam
lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam,
nằm ở Bắc vĩ tuyến 18º (Phụ lục 19).

Bản đồ chính thức
của Trung Quốc còn phải kể đến  Quảng Đông dư địa toàn đồ (Bản đồ đầy đủ về
địa dư Quảng Đông) thực hiện năm Quang Tự thứ 23 (1879) có lời tựa của Tổng đốc
Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn. Trên bản đồ tỉnh Quảng Đông (Phụ lục 26) và bản đồ
phủ  Quỳnh Châu (Phụ lục 27) trong tập bản đồ này
không bao gồm bất kỳ quần đảo nào ở Biển Đông. Lời dẫn bản đồ tỉnh Quảng Đông
ghi rõ giới hạn cực Nam
lãnh thổ tỉnh này là: “mỏm núi ngoài cảng Du Lâm thuộc Nhai Châu, 18º09´10´´”.

Như vậy, trong
những bộ sách và bản đồ có ghi chép địa lý quốc gia của Trung Quốc như  Đại
Nguyên nhất thống chí
(1294),  Đại Minh nhất thống chí (1461), Đại Thanh nhất thống chí  (1842) và những bộ bản đồ chính thức của các
triều đại Trung Quốc, người ta không hề tìm thấy địa danh “Thiên Lý Trường Sa”,
“ Vạn Lý Thạch Đường”, nghĩa là không thấy hai quần đảo ở Nam Hải (biển Đông)
trong giới hạn phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc.

Tóm lại, luận cứ cho rằng Trung Quốc đã vẽ các quần đảo ở Nam Hải vào bản
đồ và tiến hành quản lý các quần đảo ở Nam Hải là vô căn cứ. Các sách địa chí
và bản đồ chính thức trong các triều đại Trung Quốc cho đến đời Thanh, đều giới
hạn Cực Nam lãnh thổ Trung
Quốc là Đảo Hải Nam
ở vĩ độ 18o13’.  Không có bất
kỳ sách địa chí và bản đồ chính thức của Nhà nước nào chép và vẽ các quần đảo ở
biển Nam Hải vào phạm vi lãnh thổ Trung Quốc.

3. Về luận cứ “tiến hành quan trắc thiên văn” :

Sách trắng của Bộ
Ngoại giao Trung Quốc năm 1980 viết rằng “Công nguyên năm 1279, Nguyên Thế Tổ
Hốt Tất Liệt đích thân sai Đồng trí Thái sử viện Sự Quách Thủ Kính, nhà thiên
văn nổi tiếng, đến biển Nam Hải ở vị trí vĩ tuyến Bắc 15 độ. Điểm thiên văn Nam
Hải chính là ở quần đảo Tây Sa ngày nay. Điều đó nói rõ quần đảo Tây Sa thời
Nguyên đã là nằm trong biên thùy Trung Quốc”. Các tác giả của cuốn Tổng hợp sử liệu đã phát triển thêm luận
cứ nêu trong Sách trắng nói trên, cho rằng “cương vực đời Nguyên bao gồm các
đảo Nam Hải, đã có quan chức đến quần đảo Tây Sa không những đo đạc mà còn đặt
cơ sở thiên văn, thực hiện chủ quyền ở đây”. Vậy ta hãy xem sử sách Trung Quốc
chép về sự kiện này như thế nào.

Theo Nguyên sử, một bộ chính sử của nhà Nguyên,
việc quan trắc thiên văn được ghi chép như sau : “Việc đo đạc thiên văn bốn biển
ở hai mươi bảy nơi, phía Đông đến Cao Ly, phía Tây đến Điền Trì, phía Nam quá Chu
Nhai, phía Bắc đến Thiết Lặc, là một việc mà cổ nhân chưa từng làm được.” Nguyên
sử ghi rõ 27 địa điểm quan trắc trong đó có “Nam Hải” (nay là Biển Đông ), “Bắc
Hải” (nay là Bắc Băng Dương) “Cao Ly” (nay là Triều Tiên) và “Thiết Lặc” (nay
là Xibêri).

So sánh chính sử
của nhà Nguyên với  trích dẫn của các tác
giả cuốn Tổng hợp sử liệu và Sách trắng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1980
cho thấy mấy điểm khác nhau :

– Thứ nhất, sử nhà
Nguyên không nói đến vị trí chính xác của cái gọi là điểm thiên văn ở Nam Hải.
Vị trí vĩ tuyến Bắc 150 là do các tác giả Sách trắng của Bộ Ngoại
giao Trung Quốc thêm vào để cho có vẻ khoa học.

– Thứ hai, sử nhà
Nguyên không hề nói gì đến quần đảo Tây Sa và cũng không một địa điểm quan trắc
nào được nhắc đến trong sử liệu nói trên có thể 
chứng minh được đó là quần đảo Tây Sa. Lấy một điểm quan trắc ở Nam Hải,
một vùng biển rộng hàng triệu km2, để chứng minh điểm quan trắc đó là quần đảo
Tây Sa, là một sự suy diễn rất mơ hồ, không đáng tin cậy.

– Thứ ba, việc các
tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu và Sách trắng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm
1980 kết luận rằng : “Điều đó nói rõ quần đảo Tây Sa thời Nguyên đã nằm trong
biên thùy Trung Quốc là sự giải thích không có cơ sở. Người ta biết rằng, phạm
vi cương giới Trung Quốc đời Nguyên, phía Bắc chỉ bao gồm khu vực thuộc các
tỉnh Liêu Ninh, Hà Bắc, Sơn Tây, Thiềm Tây, Cam Túc ngày nay, phía Nam chỉ đến
đảo Hải Nam như thể hiện trong Đại nguyên
nhất thống chí
và trên bản đồ đời Nguyên (xem Phụ lục 31). Theo bản đồ Nguyên quốc trong cuốn “Lịch đại cương vực
biểu” của Duan Changyi đời Thanh thì cương giới Trung Quốc thời Nguyên phía
Đông đến bán đảo Liêu Đông, phía Tây đến đầu nguồn sông Hoàng Hà, phía Bắc đến
sa mạc Gô-bi, phía Nam đến đảo Hải Nam.

Rõ ràng là theo
các sử sách, tài liệu nói trên thì Cao Ly, Thiết Lặc, Nam Hải đều nằm ngoài
biên giới của Trung Quốc thời bấy giờ. Như vậy, việc đo đạc thiên văn “bốn bể”
nói trên được tiến hành tại một số địa điểm nằm trong lãnh thổ Trung Quốc và cả
một số địa điểm nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Không thể suy diễn là việc quan
trắc thiên văn nói trên được tiến hành chỉ trong lãnh thổ Trung Quốc.

– Thứ tư, quan
trắc thiên văn chỉ là một hành động khảo sát khoa học, không phải là cơ sở để
có thể tạo nên một danh nghĩa chủ quyền hay chứng cứ về việc thực hiện chủ
quyền. Từ năm 1873 đến năm 1876, tàu hải dương Challenger của Anh đã đi 69.000
hải lý trên tất cả các biển trên thế giới. Nếu theo quan điểm của Trung Quốc
thì có lẽ tất cả các biển đó đều thuộc về nước Anh sau này.

Tóm lại, sự kiện quan
trắc thiên văn ở “Nam Hải” do Quách Thủ Kính tiến hành năm 1279 không thể được
viện dẫn để chứng minh “một hành động thực thi chủ quyền của Trung Quốc đối với
các đảo và quần đảo ở Nam Hải (biển Đông).

4. Về luận cứ kháng nghị nước ngoài điều tra trái phép
vùng biển “Tây Sa” và “Nam Sa” :

Các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu đưa ra sự việc Chính
phủ Trung Quốc đã “kháng nghị” người Đức điều tra quần đảo “Tây Sa”, “Nam Sa”
năm 1883 để khẳng định rằng Trung Quốc đã “thực thi chủ quyền” đối với các đảo ở
Nam Hải (trang 9). Ta hãy xem thực hư của “sự việc” này như thế nào.

Một bài báo đăng
trên “Tạp chí Phương Đông” của Trung Quốc, xuất bản năm 1910 cho biết, hơn 10
năm trước tác giả đã có trong tay tập tài liệu điều tra biển Nam Hải của một
người Đức trong đó quần đảo Tây Sa được ghi chép tỉ mỉ và ông ta đã dịch ra
tiếng Trung Quốc. Ông nói, người Đức này đã đi từ Nam lên Bắc, từ Tây sang Đông đo
đạc vùng biển này để lập bản đồ hàng hải (cuốn Tổng hợp sử liệu, trang 133).

Theo Thẩm Bằng Phy
(Chủ tịch Hội đồng giáo sư Khoa học nông lâm Đại học Trung Sơn (Quảng Châu),
Chủ tịch Uỷ ban điều tra quần đảo Tây Sa năm 1928, trong “Báo cáo về cuộc điều
tra quần đảo “Tây Sa”, năm 1883 Chính phủ Đức chỉ tiến hành đo đạc quần đảo
Paracels. Tài liệu thu thập được trong chuyến đo đạc này đã được E.D.Existence
và P.W.Position biên soạn thành sách năm 1884 (Phụ lục 20).

Trong một tài liệu
nghiên cứu về quần đảo Paracels của Phủ Toàn quyền Đông dương thì từ năm 1881
đến 1884 người Đức  “đã tiến hành nghiên cứu thuỷ học một cách kỹ
lưỡng các đảo này” và “họ thường tiến hành ở hầu hết các vùng biển Trung Hoa
(Hải Nam, Bắc Hải, Vi Châu) cho đến tận Áo Môn và Phúc Châu”
(Phụ lục 21).

Ngày nay, người ta
còn tìm thấy bản đồ do Sở thuỷ đạc hải quân Pháp xuất bản năm 1885 mang tiêu đề
“Mer de Chine Mé’ridionale-Archipel des Paracels (Biển Nam Trung Hoa – Quần đảo
Pa-ra-xen) mang mã số 4104, ghi chú là “d’après les levés allemands
(1881-1883)” (dựa vào kết quả đo vẽ của người Đức (1881-1883). Trên bản đồ này,
người ta thấy địa hình và tên gọi các đảo, cồn cát, đá ngầm, bãi ngầm quần đảo
Paracels (Hoàng Sa) như nay thấy trên bản đồ hiện đại (nguyên lưu trữ tại Sở
Địa dư Đông Dương, trước năm 1945).

Để chứng minh nhận
xét của người xưa trong các công trình nghiên cứu đề cập ở trên, ngày nay người
ta có thể tìm đọc đoạn văn kiện liên quan trong công trình nghiên cứu về “Mô tả
địa lý và báo cáo về các cuộc khảo sát thuỷ đạc trong quần đảo Sparatlys” được
xuất bản tại Anh năm 1995 như sau :

Mặc dù không liên quan cụ thể đến “Vùng biển
hiểm trở”, khoảng giữa năm 1881 đến 1883, các tàu thuỷ đạc của hải quân Đức là
chiếc Freya và Iltis đã tiến hành khảo sát đo vẽ quần đảo Paracels, qua kết quả
đó Bộ chỉ huy Hải quân Đức (Admiralitat) tại Berlin đã xuất bản tấm hải đồ “Die
Paracel inseln”. Hải đồ này đã chi tiết hơn hải đồ thể hiện kết quả khảo sát đo
vẽ năm 1808 của đại tá Ross thuộc hạm đội Bombay, và được Bộ chỉ huy Hải quân
Hoàng gia Anh nhanh chóng tái bản vào tháng 6 năm 1885, với ký hiệu BA94 “Quần
đảo Paracel.”

Cơ quan Thuỷ đạc Pháp đã nhanh chóng sử dụng kết quả
khảo sát đo vẽ này, tái sản xuất công việc khảo sát của Đức thành hải đồ 4101
của họ, “Quần đảo Paracels.”[3]

Các nguồn tư liệu
trên cho thấy rằng người Đức đã đo đạc và vẽ bản đồ quần đảo Paracels ở Biển
Đông mà không hề gặp bất kỳ cản trở nào; công trình nghiên cứu, đo đạc của họ
đã được hoàn tất và công bố; và họ chỉ đo vẽ quần đảo Paracels mà thôi.

5. Về luận cứ “cứu giúp tàu thuyền nước ngoài gặp nạn”
:

Các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu cho rằng tàu thuyền
nước ngoài gặp nạn ở vùng biển Nam Hải, được cơ quan chủ quản địa phương Trung
Quốc cứu giúp, trao trả; đó cũng là hành động thực thi chủ quyền của chính phủ
Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa. Để chứng minh cho luận cứ
này, cuốn Tổng hợp sử liệu đưa ra hai
vụ cứu giúp tàu nước ngoài nói là gặp nạn ở quần đảo Tây Sa. Một vụ xảy ra vào
năm Càn Long thứ 20 (1755), một vụ xảy ra vào năm Càn Long thứ 27 (1762).

i. Về vụ tai nạn
thứ nhất :

Các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu cho biết chiếc thuyền
nước ngoài gặp nạn năm 1755 là một chiếc tàu buôn chở khăn mặt và vải vóc.
Thuyền này đi đến “Cửu Châu Dương” thuộc Vạn Châu, đảo Hải Nam thì bị đắm, chết
hai người, ốm chết hai người, sống sót 16 người. Quan chức Vạn Châu xét rõ sự
tình đã đưa tới huyện Hương Sơn để giao cho nhà chức trách Ma Cao đưa về nguyên
quán.

Cuốn Tổng hợp sử liệu chú giải “Cửu Châu
Dương” là “Thất Châu Dương” chính là vùng quần đảo Tây Sa ngày nay và cho rằng
“sự việc này chứng tỏ quần đảo Tây Sa lúc đó và Vạn Châu quản hạt” và “là bằng
chứng chứng minh Chính phủ nhà Thanh tiếp tục thực thi chủ quyền quản hạt lãnh
thổ đối với quần đảo Tây Sa.”

ii. Về vụ tai nạn
thứ hai :

Vụ thuyền nước
ngoài gặp nạn năm 1762 là hai chiếc thuyền cống của Xiêm La. Chiếc cống thuyền
thứ nhất bị đắm ở Vụng Trà Loan thuộc huyện Tân Ninh, chiếc cống thuyền thứ hai
đi đến mặt biển Thất Châu thì gặp gió, cột buồm gãy, thuyền mắc cạn. Quan chức
địa phương được lệnh thu vớt đồ cống, giúp đỡ sứ bộ hộ tống về Kinh.

Đối với vụ đắm
thuyền thứ hai, cuốn Tổng hợp sử liệu
chỉ nhắc đến địa danh Thất Châu, không
chú giải gì thêm. Song sự kiện này cũng được viện dẫn là để minh hoạ cho luận
cứ Trung Quốc đã “cứu giúp tàu thuyền nước ngoài gặp nạn”, để khẳng định Trung
Quốc đã thực thi quyền quản hạt hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa như cuốn Tổng hợp sử liệu trích dẫn trong “Lời
dẫn”.

Qua trích dẫn của các
tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu, người ta có thể rút ra nhận xét là :

– Hai vụ tai nạn của
tàu thuyền người nước ngoài nêu trên đều xảy ra ở vùng biển Thất Châu. Mà Thất
Châu, như phần trên của bài viết này đã chỉ ra là vùng biển Đông Nam ven bờ của
đảo Hải Nam, không phải là khu vực quần đảo Tây Sa, là quần đảo cách bờ biển
đảo Hải Nam đến 270 km về phía Đông Nam.

– Như vậy, sự thật
về hai vụ đắm thuyền nước ngoài không giúp ích gì cho luận cứ: “các đảo Nam Hải
do Chính phủ Trung Quốc quản hạt sớm nhất và thực thi chủ quyền sớm nhất”.

Trên đây là toàn
bộ sự thật về cái gọi là tài liệu lịch sử được các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu viện dẫn để chứng minh
các đảo Nam Hải từ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc. Những tài liệu lịch sử
đó chỉ chứng minh : trong lịch sử, các
đảo Nam
Hải chưa bao giờ là lãnh thổ Trung Quốc.
Dù các học giả Trung Quốc có đưa
ra bao nhiêu sách cổ, bản đồ cổ đi nữa cũng không thể làm mất đi sự thật lịch
sử đó, không thể biến không thành có, biến việc làm không hợp pháp của Trung
Quốc đối với hai quần đảo ở vùng biển này từ đầu thế kỷ 20 đến nay thành hợp
pháp.

Còn
tiếp Kỳ IV



[1]
Quyển 56, trang 43-44, Phụ lục 15.

[2]
Tổng hợp sử liệu, trang 144.

[3] David Hancox và Victor Presscott, A Geographical
Description of the Spartly Islands and an Account of Hydrographic Surveys
Amongst Thoses Islands, xuất bản tại nước Anh năm 1995.


 

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới