Sunday, April 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếLàm gì để xóa“ma trận” “đường chín đoạn” phi pháp của TQ...

Làm gì để xóa“ma trận” “đường chín đoạn” phi pháp của TQ ở Biển Đông?

Những năm 50 của thế kỷ trước, giới tướng lĩnh Tưởng Giới Thạch sau khi tháo chạy từ lục địa Trung Hoa ra đảo Đài Loan đã phải lên ngay kế hoạch bảo vệ hòn đảo trong trường hợp bị quân đội Trung Hoa lục địa tấn công giải phóng Đài Loan. Trên bản đồ tác chiến phòng ngự chống bị Bắc Kinh tấn công trên hướng nam Đài Loan, giới tướng lĩnh này tác nghiệp khu vực chiến sự xảy ra bằng đường đứt khúc 11 đoạn vạch ra một cách vô thức trên Biển Đông.

Thế mà, giới chức “bá quyền” ở Trung Nam Hải vớ được ý tưởng đó, liền “sáng tác” ngay ra “đường chín đoạn” trên Biển Đông và nhận là “đường biên giới” trên biển của mình mà “quên” không đánh dấu vị trí tọa độ của từng đường đứt đoạn. Sau đó, Bắc Kinh liền soạn ngay công hàm gửi Liên hợp quốc để “tuyên bố” cũng như “đăng ký” chủ quyền trên Biển Đông của mình mà không đếm xỉa gì đến việc cái “đường chín đoạn” đó xâm phạm chủ quyền của các nước ven Biển Đông như thế nào, cũng chẳng quan tâm đến tọa độ của “đường chín đoạn” cũng như những bằng chứng về thực hiện chủ quyền theo nó ra sao.

Chính vì thế, cái “đường chín đoạn” oái ăm đó đã đẩy Trung Quốc vào thế thất bại hiển nhiên trên mặt trận pháp lý khi không có đủ bằng chứng xác đáng chứng minh chủ quyền của mình và bị Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) bác bỏ thẳng thừng vào năm 2016 trong vụ kiện của Philippines. Thế nhưng, tham vọng đã vạch ra rồi thì khó từ bỏ, Bắc Kinh đã vẫn cố bám lấy ý tưởng “ma mị” của đám quan quân Tưởng Giới Thạch để xây dựng ra cái “ma trận” về “đường chín đoạn” phi pháp trên Biển Đông nhằm tạo ra “sức mạnh mềm” trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, báo chí, truyền thông để kết hợp với “sức mạnh cứng” mà họ tạo ra trên biển. Chính cái “ma trận” “đường chín đoạn” trên đang xúc phạm lòng tự tôn, truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia và an ninh văn hóa của Việt Nam và các nước có chủ quyền khác ở Biển Đông. Khiến không chỉ Việt Nam mà cả những nước là “nạn nhân” của “ma trận” này cũng rất bức xúc, kiên quyết đấu tranh chống lại.

Sở dĩ Trung Quốc ra sức xây dựng “ma trận” “đường chín đoạn” trên Biển Đông thông qua lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, truyền thông, giải trí… là vì họ tin vào những luận điểm sau:

Thời Lênin còn sống, vào lúc đêm trước của Cách mạng Tháng Mười Nga, vị lãnh tụ kiệt xuất này đã nói: “Trong các loại hình nghệ thuật đối với chúng ta, quan trọng nhất là điện ảnh”. Luận điểm này của Lênin cho thấy, điện ảnh là một thứ vũ khí tinh thần, có khả năng cổ vũ, tuyên truyền mạnh mẽ nhất tới đông đảo quần chúng nhân dân. Vũ khí ấy ngày nay được gọi là “sức mạnh mềm”. Những vị “học trò” của Lênin ở Trung Nam Hải đã không quên luận điểm của Lênin để vận dụng vào trường hợp của mình, ra sức tận dụng điện ảnh và sau này là truyền hình, Internet… để tuyên truyền về “đường chín đoạn” phi pháp do họ vạch ra.

Thế rồi, vào cuối những năm 1990, giáo sư Joseph Nye ở trường Đại học Havard, Mỹ, người được giới nghiên cứu tôn vinh là “cha đẻ” của học thuyết “quyền lực mềm” đã diễn giải rằng, “sức mạnh mềm” là một thuật ngữ dùng để chỉ những ảnh hưởng, tác động, can thiệp… thuộc về những nhân tố văn hóa – xã hội, kể cả những nhân tố tín ngưỡng, tâm lý, truyền thống, giá trị… Một quốc gia sẽ có được “quyền lực mềm” khi họ tạo ra được sức hấp dẫn từ nền văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của mình bao gồm cả đối nội và đối ngoại một cách hợp lý, hợp pháp, nhân văn… chứ không phải từ sự cưỡng ép. Cũng chính giáo sư Joseph Nye có phát biểu rằng, quốc gia nào “kể được câu chuyện của mình” một cách hấp dẫn, khiến thế giới tin tưởng thì quốc gia ấy sẽ chiến thắng. Quan sát cách mà Trung Quốc đã và đang thực hiện trong việc tuyên truyền về “đường chín đoạn” phi pháp trên Biển Đông thông qua lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, truyền thông, giải trí… có vẻ như quốc gia này đang “kể câu chuyện Biển Đông” theo cách của họ hòng đạt được tham vọng về chủ quyền ở vùng biển này.

Lại nữa, trong cuốn sách “tương lai của quyền lực” (The Future Of Power) được xuất bản năm 2011, giáo sư Joseph Nye đã đưa ra các dự báo về tương lai của quyền lực trong quan hệ quốc tế. Theo đó, nếu như trước đây, các quốc gia có quyền lực đều là những nước kiểm soát các “tuyến đường biển” thì hiện nay và tương lai, quyền lực sẽ đến từ việc điều khiển các “tuyến thông tin” trên không gian mạng và kiểm soát những “câu chuyện” có thể ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Những gì diễn ra hiện nay cho thấy, Trung Quốc cũng đang cố làm những điều như giáo sư Joseph Nye diễn giải. Họ đang tìm mọi cách điều khiển các “tuyến thông tin” trên không gian mạng về Biển Đông thông qua việc phát tán hình ảnh “đường chín đoạn” và những thông tin sai sự thật về vùng biển có tầm quan trọng bậc nhất thế giới này. Bắc Kinh cũng nỗ lực kiểm soát các “câu chuyện” về Biển Đông, tìm cách kể lại “câu chuyện” mà họ tưởng tượng ra để gây ảnh hưởng đến dư luận và công chúng quốc tế. Tất cả đều nhằm phục vụ cho mục tiêu nắm giữ và thực thi quyền kiểm soát Biển Đông.

Như vậy có thể thấy, Bắc Kinh đang cố gắng “hiện thực hóa” các luận điểm về “sức mạnh mềm” mà họ học hỏi được vào vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, trong khi không hề lãng quên “sức mạnh cứng”. Họ một mặt dựa vào sức mạnh của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới để xây dựng một lực lượng quân sự có ảnh hưởng vượt khỏi khu vực Biển Đông, đó chính là “sức mạnh cứng”, là “cây gậy” để răn đe khi cần. Mặt khác, họ cũng không quên sử dụng “củ cà rốt”, sử dụng “sức mạnh mềm” thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa để từ đây lập “ma trận” về “đường chín đoạn” phi pháp trên Biển Đông mà tuyên truyền ra thế giới. “Ma trận” đó chính là việc cài cắm hình ảnh “đường chín đoạn” và tấm bản đồ “đường chín đoạn” trên Biển Đông vào hầu hết các sản phẩm phim ảnh, sách vở, trò chơi điện tử, quần áo, túi xách… thậm chí đến cả những quả bóng bay được bán cho trẻ em để “găm” vào tâm thức của mọi người. Bắc Kinh còn hiểu rõ một điều rằng nếu như họ vẫn đứng ngoài “sân chơi” của Hollywood với những hãng phim đình đám như Dream Works, Warner Bros, Sony Pictures Studio vốn chi phối ghê gớm nền điện ảnh thế giới thì “sức mạnh mềm” của họ tạo ra đến đâu cũng còn kém xa. Thế nên, ngày càng nhiều tên tuổi diễn viên được “lăng xê” thành thần tượng của khán giả Trung Quốc và cả những dòng vốn đầu tư, tài trợ khổng lồ từ Trung Quốc “chảy” về phim trường Hollywood – trung tâm của nền điện ảnh thế giới. Và đằng sau đó, dưới sự “sai khiến” của Bắc Kinh, “ma trận” “đường chín đoạn” phi lý được chuyển tải ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn vào những thước phim tưởng chừng như vô hại, từ phim viễn tưởng, hành động đến phim hoạt hình, phim tâm lý xã hội… mà những phim ấy sẽ được công chiếu ra toàn thế giới. Đây chính là cách Bắc Kinh gây ảnh hưởng lên nhận thức của công chúng trong nước và quốc tế, tạo luồng dư luận ủng hộ quan điểm về chủ quyền của Trung Quốc, gây nhiễu tất cả quan điểm trái chiều với quan điểm của họ về Biển Đông hòng thực hiện mưu đồ “không đánh mà thắng” trong tranh chấp vùng biển này. Đòi hỏi tất cả các nước có chủ quyền ở Biển Đông cũng như các nước có liên quan khác phải tỉnh táo, cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.

Vậy làm gì để xóa “ma trận” “đường chín đoạn” phi pháp trên của Trung Quốc? Đây là vấn đề rất lớn, nhưng cũng không thiếu gì giải pháp cần thiết và quan trọng để mang lại hiệu quả. Xin đơn cử như sau:

Một là, điều đầu tiên cần làm là phải xác định rõ “đối tượng” cần phải đấu tranh, tức là phải làm cho mọi người dân Việt Nam cũng như người dân các nước khác, nhất là giới trẻ hiểu rằng “đường chín đoạn” do Trung Quốc vạch ra trên Biển Đông là phi pháp, không dựa trên một cơ sở pháp lý quốc tế nào cả, đã bị toà án quốc tế bác bỏ vào năm 2016. Việc Bắc Kinh tuyên truyền “đường chín đoạn” ra thế giới, trong đó có Việt Nam là hành động xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia của nhiều nước trong khu vực. Người Việt có câu: “Nói phải củ cải cũng nghe”, hàm ý của thành ngữ này là nói phải, đúng đạo lý thì ai cũng chấp nhận. Lẽ phải ở đây không có nghĩa là cậy quyền, cậy tiền, cậy sức mạnh để ức hiếp người khác. Khi đã nhận thức và hiểu rõ “đường chín đoạn” là phi lý, phi pháp thì dù Bắc Kinh có lươn lẹo, mánh khóe, ngụy biện kiểu gì đi nữa thì mọi người cũng sẽ nhận ra bản chất, ý đồ sâu xa đằng sau của việc làm sai trái này và sẽ bác bỏ. Trung Quốc đã làm một việc sai trái, giờ lại lấy cái sai đó tuyên truyền ra bên ngoài, tức là lại sai thêm nữa, việc làm đó có ai tin? Những người có nhận thức, có hiểu biết chắc chắn sẽ không tin.

Hai là, nâng cao ý thức và khơi dậy tinh thần yêu nước của mỗi người dân trong bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia dân tộc. Trước sự “xâm lăng” văn hóa ngày càng tăng của Trung Quốc, hơn lúc nào hết phải tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân nhận rõ mối nguy hại đó. Khi tự thân mỗi cá nhân nhận thức rõ mối nguy hại này thì ngọn lửa yêu nước trong họ sẽ bùng cháy, triệt tiêu mọi âm mưu, thủ đoạn trong hoạt động tuyên truyền về “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc. Đó là cái gốc để bảo vệ nền văn hóa dân tộc, cũng là bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước…”.

Ba là, phải chủ động tấn công vào “ma trận” “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Có một thực tế phải nhận thấy, hiện nay phía Việt Nam và các nước có chủ quyền ở Biển Đông vẫn ở vào thế đối phó một cách thụ động với những hành động và việc làm của Trung Quốc, xảy ra trường hợp nào thì “thổi còi” trường hợp ấy nên chưa giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả, triệt để và lâu dài. Vì thế, giải pháp kiểm duyệt các sản phẩm văn hóa mặc dù là rất cần thiết nhưng chưa đủ vì nó vẫn mang nặng tính phòng ngự, đối phó. Theo các chuyên gia, cách hay nhất mà Việt Nam cũng như cộng đồng “thượng tôn pháp luật” của thế giới cần làm là phải chủ động tiến công, không để thông tin, hình ảnh, các yêu sách sai lệch của Trung Quốc về Biển Đông “chiếm sóng”, lấn át sự thật. Thế giới rất khó ép buộc Trung Quốc dừng phát tán “đường chín đoạn” và tuyên truyền về nó, nhưng nếu như công chúng Việt Nam và các nước khác trên thế giới có nhận thức đúng đắn về luật pháp quốc tế, được tiếp cận thường xuyên những thông tin chuẩn xác về Biển Đông, hiểu biết sâu sắc về những “chiêu trò” của Bắc Kinh nhằm lợi dụng văn hóa phẩm như phim ảnh, sách báo để phát tán các yêu sách bất hợp pháp thì “đường chín đoạn” sẽ dễ dàng bị phát hiện và bị phản đối. Muốn vậy, việc chủ động truyền thông yêu sách, quan điểm của Việt Nam về Biển Đông và sự tuân thủ của Việt Nam với luật pháp quốc tế để bạn bè các nước nắm bắt, ủng hộ là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng chiến lược dài hơi, đẩy mạnh các biện pháp đối phó với chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc trong học thuật và văn hóa. Đồng thời đẩy mạnh, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý văn hóa về sự nguy hiểm của những “chiêu trò” này. Việc này không chỉ giúp chia sẻ, phát hiện thông tin sai lệch, độc hại mà còn thúc đẩy nhận thức chung về Biển Đông, cùng với phản đối yêu sách của Trung Quốc một cách hiệu quả hơn.

Bốn là, khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân. Trước “ma trận” ngày càng tinh vi và dày đặc của việc phát tán hình ảnh “đường chín đoạn” phi pháp, việc kiểm duyệt các sản phẩm văn hóa, khoa học ngày càng khó khăn, một lãnh đạo ngành Điện ảnh Việt Nam cho biết số lượng phim ảnh ngày càng lớn, công tác kiểm duyệt phải mất rất nhiều thời gian và chịu nhiều áp lực. Vì vậy, cần tận dụng mọi nguồn lực có được để đấu tranh chống lại những hoạt động sai trái. Nguồn lực mạnh nhất mà chúng ta có thể huy động là thế trận toàn dân. Người dân là “tai mắt” của cơ quan nhà nước, là những người kiểm duyệt “đường chín đoạn” đông đảo nhất mà không bộ máy, cơ quan nào có thể sánh được, sẽ giúp Nhà nước nhanh chóng phát hiện những vi phạm. Các cơ quan nhà nước cần phải có các bộ phận tiếp thu và xử lý ngay, triệt để và công khai các vấn đề mà người dân phát hiện nhằm ngăn chặn kịp thời các vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Để hỗ trợ người dân, các cơ quan nhà nước cũng phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, cùng với phản bác các tuyên bố sai trái của nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc. Thế trận đấu tranh toàn dân đã mang lại thắng lợi cho chúng ta trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước trước đây, chắc chắn việc phát huy nó sẽ giúp Việt Nam có thể đấu tranh một cách hiệu quả chống lại “ma trận” mới này của Trung Quốc.

Năm là, những gì Trung Quốc làm được trong sử dụng, lợi dụng “sức mạnh mềm” để tạo ra “ma trận” “đường chín đoạn” phi pháp trên lĩnh vực văn hóa, truyền thông, báo chí, điện ảnh, truyền hình… thì Việt Nam cũng không phải không làm được. Chúng ta tuy tiềm lực có yếu hơn, nhưng chúng ta có chính nghĩa, có lẽ phải, có đồng thuận dân tộc, cớ sao không làm được. Rất tiếc là trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc, truyền thông… xuất hiện rất ít những tác phẩm chuyển tải, lan tỏa những lý lẽ, hình ảnh, bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, bác bỏ luận điệu, hình ảnh sai trái của Trung Quốc, cũng rất ít những phương cách để tác động đến những tổ chức, cá nhân bên ngoài mà vô tình hay hữu ý tiếp tay hoặc đồng lõa với Bắc Kinh trong việc xuyên tạc vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Việt Nam ngày nay không phải là Việt Nam của hơn 20 năm trước, chúng ta đang có cơ đồ và vị thế chưa từng có trên trường quốc tế, nên tận dụng vị thế, cơ đồ đó cho việc đấu tranh xóa bỏ “ma trận” “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Giá như ai đó sáng tác được những tác phẩm nghệ thuật nói về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông mang sức lan tỏa rộng rãi và chiếm được cảm tình sâu sắc của cộng đồng khán, thính giả quốc tế như bài hát và điệu nhảy “see tình” của Hoàng Vũ Linh thì chắc chắn lẽ phải của chúng ta sẽ được nhiều người biết đến và công nhận. 

Sáu là, cần khai thác và tạo tiếng nói đồng thuận hơn nữa sức mạnh của công luận quốc tế. Đến lúc này, việc “cài cắm” hình ảnh “đường chín đoạn” phi pháp vào các ấn phẩm văn hóa, nhất là điện ảnh, ngoài việc chưa mang lại hiệu quả như Trung Quốc mong muốn, thậm chí nó còn có tác dụng ngược. Bởi không ít người, trong đó có giáo sư Joseph Nye cho rằng, hành động này đang gặp phải sự phản đối hơn là ủng hộ, sự quay lưng hơn là đồng hành và không có nước nào tin vì câu chuyện này là do Trung Quốc cố tình “sáng tác” và phát tán. Không chỉ Việt Nam mà một số nước trong khu vực thời gian qua cũng cấm công chiếu nhiều bộ phim, ngăn phát tán nhiều văn hóa phẩm có hình ảnh “đường chín đoạn”. Báo chí quốc tế cũng phân tích rất nhiều, trong đó chỉ ra cái sai của Trung Quốc khi ban hành yêu sách “đường chín đoạn”, nhắc lại phán quyết của PCA năm 2016. Việc làm này cho thấy, cộng đồng quốc tế đang ngày càng thận trọng, tỉ mỉ hơn trước Trung Quốc. Nếu Việt Nam và các nước ven Biển Đông khác cùng với dư luận thế giới cùng lên tiếng, cùng phản đối thì đó chắc chắn sẽ là một sức ép mà Bắc Kinh buộc phải suy nghĩ kỹ về những gì họ làm. Nếu nhiều quốc gia “nói không” với các nhà làm phim như Hollywood với lý do phát tán hình ảnh “đường chín đoạn” phi pháp thì việc “cài cắm” này ắt sẽ dần suy giảm.

“Ma trận” “đường chín đoạn” phi pháp được tuyên truyền trên các nền tảng số là biểu hiện của việc Trung Quốc đang sử dụng “sức mạnh mềm” hòng đạt được mục đích của họ ở Biển Đông. Có nhiều giải pháp để xóa bỏ “ma trận” này, trong đó cốt lõi nhất là phát huy sức mạnh truyền thống văn hóa Việt Nam vì đây là yếu tố cơ bản, đã giúp dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Còn nhớ năm 2010, khi Joseph Nye đến thăm Việt Nam, ông có nói rằng: “Một quốc gia dù là cường quốc số một thế giới cũng không thể đạt được điều mình mong muốn nếu không nhận được sự đồng tình, giúp đỡ của các nước khác”, trong khi đó “Việt Nam là một câu chuyện rất hấp dẫn trong lịch sử về sự dũng cảm của con người cũng như văn hóa. Việt Nam có tiềm năng lớn về sức mạnh mềm, Việt Nam cần tận dụng điều đó cho sự trường tồn và phát triển của mình”. Bằng vào sự thông minh, sáng tạo và khéo léo của mình, chúng ta nhất định sẽ có nhiều giải pháp, cách làm để xóa bỏ “ma trận” “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc.

Minh Sáng

RELATED ARTICLES

Tin mới