Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnBiển Đông: Từ Yale đến Temple

Biển Đông: Từ Yale đến Temple

Từ hội thảo Yale đến Temple
là quá trình nỗ lực thông tin và tìm điểm đồng giữa người Việt và người Mỹ và
giữa chính người Việt với nhau về vấn đề Biển Đông, qua đối thoại cởi mở, thẳng
thắn.

Đi tìm điểm đồng

Không phải ngẫu nhiên mà hội thảo
Temple ngày 25/3/2010 vừa qua lại thu hút sự quan tâm đến thế của dư luận. Đó
là kết quả của những tiếng vang từ hội thảo Biển Đông do một số học giả Việt
Nam tại nước ngoài phối hợp với học giả Mỹ lần đầu tổ chức tại ĐH Yale năm
trước.

Đặc biệt, khi Quốc hội Mỹ liên tiếp
có các phiên điều trần liên quan đến vấn đề xung đột Biển Đông, các hoạt động
của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á, thì những hội thảo như ở Yale, Temple là
chìa khóa để người Mỹ có thêm thông tin về vấn đề họ quan tâm, từ đó, định hình
cách tiếp cận trong người Mỹ nói chung và giới làm chính sách Mỹ nói riêng.

Với người Mỹ, câu chuyện Biển Đông không phải là
vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng
biển. Đó là vấn đề an ninh hàng hải và tự do giao thương, là an ninh kinh tế
của các DN Mỹ có đầu tư tại khu vực này, là vấn đề an ninh con người của những
ngư dân trên biển, là câu chuyện của an ninh khu vực Đông Nam Á khi những hoạt
động của các bên làm xáo trộn tình hình khu vực…

Các hội thảo là bước thử nghiệm của
quá trình dò đường, nâng vị trí của vấn đề an ninh Biển Đông trong danh sách
các mối quan tâm của người Mỹ, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường
hoạt động ở Biển Đông.

Như GS Carl Thayer, Học viện Quốc
phòng Australia nhận định, hội thảo "mang lại cơ hội để trao đổi thông
tin về vấn đề an ninh quan trọng: Biển Đông
".

Các đại biểu Việt Nam có "một
kênh để tác động gián tiếp lên cách người Mỹ nghĩ về vấn đề Biển Đông, đồng
thời, biết góc nhìn của người Mỹ về vấn đề này".

Rõ ràng, các hội thảo đã cho thấy
Việt Nam và Mỹ chia sẻ nhiều mục tiêu chung trong vấn đề Biển Đông.

"Nước bài cần tính là làm thế
nào để phát triển cách tiếp cận đối ngoại để tối đa hóa những điểm chung mà
không tạo nên ấn tượng về việc tập hợp lực lượng đối phó với Trung Quốc"
.

Theo GS Carl Thayer, đây là "những
bước đi nhỏ trong tiến trình tạo dựng nên nhóm những người được thông tin về
vấn đề Biển Đông"
tại Mỹ và trên thế giới.

Và quan trọng hơn, đây là cơ hội để
người Việt hàn gắn vết thương của quá khứ, dựa trên mối quan tâm chung về vận
mệnh đất nước.

Khác với nhiều hoạt động khác có sự
tham gia của đại diện chính phủ Việt Nam, bên ngoài phòng Hội thảo Temple không
hề có bóng dáng người Việt hải ngoại chống đối. Thay vì giữ tâm lý người ngoại
cuộc phán xét, người Việt tại Mỹ, kể cả người chống đối đã gạt sang một bên
những bất đồng, khác biệt, trở thành người trong cuộc, tham gia vào cuộc đối
thoại với học giả trong nước và học giả Mỹ về vấn đề Biển Đông.

Trên nhiều khía cạnh, họ chia sẻ mối
quan tâm giống như Chính phủ Việt Nam, GS Carl Thayer rút ra từ quan sát của
mình.

Đương nhiên, một số người vẫn chỉ
trích Chính phủ Việt Nam vì đã không có hành động mạnh mẽ hơn đối với Trung
Quốc. Thế nhưng, ngay cả khi có sự khác biệt trong cách tiếp cận như thế, thì
ít nhất, sự đối thoại, thậm chí chất vấn đã được khơi mào. Người Việt trong
nước có dịp cung cấp thêm thông tin cho người ở bên ngoài. Và người bên ngoài
cũng hiểu hơn cái khó của người trong nước. Là người Việt, ai cũng muốn giữ chủ
quyền, ai cũng muốn quốc gia mình mạnh và độc lập. Dù ở chiến tuyến nào trong
quá khứ và cả hiện tại, là người Việt, họ đều không muốn Việt Nam rơi vào
"cạm bẫy của việc quá tay với láng giềng" để chuốc lấy họa trả đũa.

Và không gì khác, đối thoại, làm rõ
những cái khác biệt, và hiểu nhầm sẽ là con đường nhanh chóng để hàn gắn những
vết thương của quá khứ, dựa trên một mối lưu tâm chung mang tên Tổ quốc.

Thử nghiệm các ý tưởng và sáng
kiến

Hơn nữa, vì mang đậm tính chất học
thuật, các hội thảo mang lại cơ hội cho những người tham dự được thảo luận về
nhiều vấn đề và các mối quan ngại mà quan chức chính phủ khó có thể nêu ra
trong điều kiện chính thức.

Những không gian đối thoại học thuật,
phi chính thức như thế này là điều kiện để nhìn sâu, soi kĩ hơn vào lịch sử,
vào luật quốc tế, để tìm một cách diễn giải lịch sử và luật pháp quốc tế một
cách công bằng và hợp lý, không để ai cũng có quyền giải thích luật, giải thích
lịch sử theo sở thích cá nhân, vì tư lợi của mình.

Việt Nam hay bất kì một bên tranh
chấp nào không thể tự mình giải quyết vấn đề Biển Đông mà cần sự ủng hộ từ cộng
đồng quốc tế. Đưa vấn đề ra cộng đồng quốc tế, tạo dựng một cộng đồng những
người được thông tin đầy đủ, đa chiều, chính là cách các quốc gia có thể bình
tĩnh soi xét các luận điểm và bằng chứng của mình, để hình thành cách hành xử
phối hợp.

Các hội thảo "mang lại cơ hội
thử nghiệm các ý tưởng và các sáng kiến đối ngoại tiềm năng"
, GS Carl
Thayer nói.

Bên cạnh những hội thảo quốc tế do
Nhà nước chủ động tổ chức như Hội thảo tại Hà Nội tháng 11/2009 vừa qua, giới
học thuật đã chủ động tự tìm và tạo "sân chơi" cho mình, cùng gợi mở
những giải pháp, quyết sách cho Chính phủ trước nan đề Biển Đông trong quan hệ
với khu vực và nước lớn.

Trận địa thông tin Việt Nam đã bỏ trống một thời
gian dài bây giờ đang trong quá trình tái thiết, lấp chỗ trống và từ đó, đẩy
mạnh hơn lên. Rất cần bàn tay chìa ra của Chính phủ, cả Việt Nam và các bên
tranh chấp liên quan. Nói như GS Carl Thayer, "sự tích cực của cộng đồng
học thuật cần phải truyền tới được Chính phủ Việt Nam, Trung Quốc", thúc
đẩy một quá trình tiếp cận chủ động và tích cực hơn trong việc tìm giải pháp
cho vấn đề Biển Đông.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới