Thursday, November 21, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMổ xẻ vấn đề biển Đông

Mổ xẻ vấn đề biển Đông

* Đường đứt khúc 9 đoạn rất yếu về mặt
pháp lý

Biển Đông đã trở thành một vấn đề
mang tầm quốc tế, thu hút sự quan tâm và chú ý của đông đảo học giả, nhà nghiên
cứu từ nhiều nước trên thế giới.

Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ hai với chủ
đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” do Học viện
Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức khai mạc hôm qua tại
TP.HCM và kéo dài trong 2 ngày.

Danh sách các học giả quốc tế tham dự là 59
người, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam có 9 người,
ngoài ra còn có khoảng gần 50 đại biểu Việt Nam.

Trong bài diễn văn khai
mạc, Giám đốc Học viện Ngoại giao Dương Văn Quảng nhấn mạnh: “Trong suốt một
năm qua, tình hình ở biển Đông có nhiều chuyển biến quan trọng, thu hút sự chú
ý đặc biệt của dư luận Việt Nam và quốc tế… hòa bình và ổn định vẫn được duy
trì ở biển Đông nhưng không ít va chạm ở quy mô nhỏ đã xảy ra, phần nào làm cho
tình hình thêm căng thẳng và các bất đồng hiện có thêm phức tạp”. Ông cũng kêu
gọi các học giả tiếp tục tôn trọng các nguyên tắc thẳng thắn, khách quan, trung
thực, xây dựng và cầu thị để cho hội thảo được thành công.

 

Trong lần hội thảo này thời
gian dành cho sự trao đổi và tranh luận chiếm khá nhiều. Các học giả đã đặt các
câu hỏi cũng như đưa ra ý kiến cá nhân rất thẳng thắn, đụng chạm ngay cả những
vấn đề gai góc nhất, nhưng với một thái độ rất điềm tĩnh, lịch sự, đúng tinh
thần khoa học.

Thiếu tướng (đã nghỉ hưu) Vinod Saighal của Ấn
Độ và GS Bronson Percival của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược CAN (Mỹ) đã nhận
được những câu hỏi chất vấn từ một đại diện của Trung Quốc yêu cầu cho biết
“lợi ích của Ấn Độ và Mỹ trong tranh chấp biển Đông là gì?”. Tướng Vinod cho
rằng tuy Ấn Độ không tham gia trực tiếp tranh chấp nhưng Ấn Độ có lý khi lo
lắng về hòa bình trong khu vực bị những căng thẳng của tranh chấp biển Đông đe
dọa. GS Bronson thì cho rằng Mỹ muốn duy trì tự do hàng hải và muốn các bên
tranh chấp tìm kiếm biện pháp giải quyết một cách hòa bình và tôn trọng các quy
định của luật pháp quốc tế.

Sau đó, học giả Daniel Shaeffer của Pháp khẳng
định: “Trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ thực thi chủ quyền trên quần đảo
Hoàng Sa và hành động chiếm đóng Hoàng Sa bằng vũ lực là trái với các quy định
của luật pháp quốc tế và không được cộng đồng thế giới công nhận”. Liên quan
tới đường đứt khúc 9 đoạn thì GS Hasjim Djalal của Indonesia nhắc lại: “Đến
giờ, chúng tôi vẫn chưa hiểu được thực sự của các yêu sách của Trung Quốc trên
vùng biển Đông là gì? Chúng tôi cũng chưa bao giờ nhận được giải thích thỏa
đáng từ các học giả Trung Quốc về vấn đề này”.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy của Học viện Ngoại
giao nhắc tới việc bắt giữ ngư dân của chính quyền Trung Quốc và GS Tô Hạo của
Đại học Ngoại giao Trung Quốc đặt câu hỏi về quan điểm của tác giả trong vấn đề
này. Tiến sĩ Thủy cho rằng có những cách nhìn khác nhau trong vấn đề chủ quyền,
đặc biệt là Trung Quốc cho rằng vùng biển này thuộc “chủ quyền không thể tranh
cãi của Trung Quốc” cho nên đã thành lập những đội tàu ngư chính để thực thi
“pháp luật Trung Quốc” nhưng lại trên vùng biển thuộc chủ quyền của những nước
khác.

Trả lời ý kiến của các đại biểu Trung Quốc
rằng từ những năm 1950, Việt Nam đã chính thức thừa nhận chủ quyền của Trung
Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh thuộc Học viện
Ngoại giao khẳng định: “Chưa bao giờ, tôi xin nhắc lại là chưa bao giờ Việt Nam
công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa cả”.

Đường đứt khúc 9 đoạn rất yếu về mặt pháp lý

Học giả Daniel Schaeffer (Pháp), từng là tùy viên quân sự tại Việt Nam, Thái
Lan và Trung Quốc chia sẻ quan điểm của nhiều học giả khác cho rằng việc
Trung Quốc chính thức đưa ra đường đứt khúc 9 đoạn là phát triển đáng chú ý
nhất ở khu vực trong 2 năm qua.

Ông nói Trung Quốc nên công khai và làm rõ yêu sách của mình,
đối thoại với các nước trong khu vực về các khác biệt nảy sinh. Ông Schaeffer
cũng cho rằng, nếu đối thoại giữa các bên để giải quyết xung đột không có
tiến triển, cần tính đưa các tranh chấp khu vực ra Tòa án Luật Biển hoặc Tòa
án Công lý quốc tế.

Trong tham luận của mình, GS Erik Franckx, Trưởng khoa Luật quốc
tế và châu Âu, Đại học Brussels (Bỉ) phân tích tính pháp lý về bản đồ đường
đứt khúc 9 đoạn ở biển Đông do Trung Quốc tuyên bố. Theo ông Franckx, việc
Trung Quốc đơn phương vẽ ra một bản đồ như vậy gây phản ứng mạnh trên quốc
tế, làm nảy sinh nhiều câu hỏi về nguồn gốc, ý nghĩa và tác động của nó đối
với biển Đông.

Bằng cách phân tích các dữ kiện dựa trên Luật Biển nói riêng và luật quốc tế
nói chung, GS Franckx kết luận rằng nếu đem ra phân xử thì cơ sở của đường 9
đoạn rất yếu.

Trọng Kha

Dịch vụ bản đồ trực tuyến của Trung Quốc không đáng lo

Trao đổi với Thanh Niên, GS Peter Dutton thuộc Viện Nghiên cứu về hàng hải
Trung Quốc, Học viện Hải quân Mỹ và GS Stein Tonnesson thuộc Viện Nghiên cứu
hòa bình quốc tế Na Uy cho rằng việc Trung Quốc gần đây mở dịch vụ bản đồ
trực tuyến trong đó thể hiện đường đứt khúc 9 đoạn ở biển Đông không có tác
dụng gì lớn. “Đây là hành động không có gì mới và chẳng đáng lo ngại của
Trung Quốc”, ông Tonnesson nói. GS Dutton khẳng định: “Ai cũng biết về những
tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực này nên các bản đồ sẽ không
có tác động gì mới”.

Đánh giá với Thanh Niên về tác động của hội thảo về biển Đông lần này so với
hội thảo năm ngoái, GS Tonnesson và GS Carlyle A. Thayer của Úc cho rằng hội
thảo sẽ càng thu hút sự chú ý của quốc tế về vấn đề này. “Qua hội thảo, vấn
đề biển Đông sẽ càng được quốc tế hóa, đa phương hóa và giúp làm rõ nhiều vấn
đề cũng như góp phần xây dựng lòng tin để tìm tiếng nói chung”, ông Thayer
nói.

T.Kha

“Lợi
ích cốt lõi” là lợi ích gì?

Cùng với đường đứt khúc 9 đoạn, việc Trung Quốc tuyên bố biển Đông là “lợi
ích cốt lõi” của mình cũng thu hút nhiều chú ý và được các đại biểu tập trung
thảo luận. GS Leszek Buszynski thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc
phòng của Đại học Quốc gia Úc cho rằng Trung Quốc có nhiều trường phái với
quan niệm và lợi ích khác nhau nên không đồng nhất trong quan niệm về lợi ích
cốt lõi, lợi ích chiến lược, lợi ích quốc gia. Vì vậy Trung Quốc sử dụng các
thuật ngữ này một cách lỏng lẻo, chứ không có định nghĩa chính thức, rõ ràng.
Còn theo đồng hương của ông Buszynski là giáo sư Carlyle A. Thayer, Quân đội
nhân dân Trung Quốc (PLA) là nhân tố thúc đẩy Trung Quốc coi biển Đông là lợi
ích cốt lõi. PLA đang tăng cường năng lực hải quân để khẳng định chủ quyền ở
biển Đông, hạn chế Mỹ tiếp cận vùng biển này.

Học giả Bronson Percival cho rằng đường đứt khúc 9 đoạn và đòi hỏi đưa biển
Đông vào "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc đã làm tăng nghi ngại của
các nước trong khu vực.

Ở Mỹ có quan điểm cho rằng Trung Quốc muốn thử phản ứng của Mỹ ở biển Đông
trong bối cảnh Mỹ đang gặp nhiều khó khăn nội bộ. Song ông cho rằng Mỹ sẽ
không nhượng bộ Trung Quốc do biển Đông liên quan tới vấn đề có tính nguyên
tắc cơ bản là tự do hàng hải và đây sẽ là một vấn đề thường xuyên trong quan
hệ Mỹ – Trung.

Phản hồi các ý kiến xung quanh “lợi ích cốt lõi”, GS Tô Hạo nói chưa bao giờ
Trung Quốc sử dụng thuật ngữ đó trong các tài liệu chính thức.

Các đại biểu cũng lặp lại lời kêu gọi từ hội nghị năm ngoái ở Hà Nội là Trung
Quốc phải rõ ràng về các yêu sách của mình. Trước nay, Bắc Kinh chưa bao giờ
làm rõ muốn hợp tác cùng phát triển ở vùng biển nào, hợp tác cái gì, với ai,
theo cơ chế nào.

Trọng
Kha

 

RELATED ARTICLES

Tin mới