Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHai bước giải quyết sự kình địch tại các vùng biển ở...

Hai bước giải quyết sự kình địch tại các vùng biển ở Đông Á

Trong bài phân tích đăng trên tạp chí trực tuyến
"Diễn đàn Đông Á" (EAF) của Ôxtrâylia cuối tuần qua, giáo sư chuyên
nghiên cứu về châu Á và quan hệ quốc tế Aileen S.P. Baviera nhận định những bất
hòa giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam cũng như giữa Trung
Quốc và Mỹ liên quan đến các hòn đảo tranh chấp và những vùng thuộc biển Hoa
Nam (Biển Đông) và biển Hoa Đông có sự khác biệt nổi bật so với những bất đồng
trước đây. 

Những tranh cãi giữa các nước vùng duyên hải về chủ
quyền, ngư trường, các nguồn năng lượng và quyền đi lại trên biển đang bị bao
phủ bởi sự kình địch giữa các cường quốc mưu cầu mục tiêu lớn hơn là thiết lập
và mở rộng ảnh hưởng chiến lược. Đổ thêm dầu vào những căng thẳng đó là sự hiện
diện quân sự và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình
Dương, cũng như lo ngại của Oasinhtơn cho rằng Bắc Kinh có thể trở thành đối
thủ cạnh tranh ngang hàng sớm hơn dự kiến. Có thể giờ đây người ta đang chứng
kiến sự nổi lên của một cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung đang định hình các
vấn đề an ninh khu vực, kể cả những tranh chấp lãnh thổ phức tạp mà trong đó
Trung Quốc là nước đóng vai trò chính. 

Các vùng biển của Đông Á đóng vai trò quan trọng về
mặt lợi ích chiến lược của các cường quốc lớn. Oasinhtơn coi sự hiện diện ở
vùng Duyên hải Đông Á là sống còn đối với vị trí hàng đầu và ảnh hưởng chiến
lược toàn cầu của Mỹ. Những đánh giá chiến lược của Mỹ sau sự kiện 11/9 cũng
nhấn mạnh lĩnh vực hàng hải trong bối cảnh chống khủng bố và phổ biến vũ khí
hủy diệt hàng loạt.

Đối với Trung Quốc, những vùng biển này cũng mang tính
thiết yếu, đặc biệt để bảo vệ bờ biển và sự toàn vẹn lãnh thổ. Hơn nữa, biển
Hoa Nam (Biển Đông) với những tuyến hàng hải chiến lược, nhưng dễ bị tấn công,
vốn rất quan trọng đối với các nguồn cung cấp dầu lửa từ Trung Đông tới các nền
kinh tế lớn phụ thuộc vào dầu lửa như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài
ra, việc đảm bảo sự tiếp cận đối với các nguồn tài nguyên biển trong vùng đặc
khu kinh tế là lý do chính cho việc Trung Quốc củng cố quân đội trong suốt
nhiều năm qua. Sự quyết đoán về lãnh thổ của Trung Quốc cũng có thể là hậu quả
của sức ép chính trị từ những người theo chủ nghĩa dân tộc trong Hải quân Trung
Quốc. 

Những nhân tố gây phức tạp thêm và có thể dẫn tới việc
Trung Quốc gia tăng hành động về lãnh thổ trong những năm tới là sự kế vị lãnh
đạo của Đảng Cộng sản vào năm 2012, cũng như những quan hệ qua eo biển đang
được cải thiện dưới chính quyền Quốc Dân đảng ở Đài Loan. Trong bối cảnh đó và
căn cứ vào hiện trạng giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc, có thể xảy ra những sự cố
nghiêm trọng liên quan đến các hoạt động do thám của quân đội Mỹ.

Mỹ đã đáp trả bằng việc ngày càng can dự vào giải pháp
cho những tranh chấp lãnh thổ. Ngoài việc tái khẳng định tầm quan trọng của tự
do hàng hải và sự tiếp cận đối với toàn cầu, Oasinhtơn muốn tuyên bố rằng giải
pháp hòa bình cho tranh chấp là một vấn đề thuộc "lợi ích quốc gia"
đối với Mỹ và nhấn mạnh cần có những bước ngoại giao mang tính cộng tác trong
việc giải quyết các tranh chấp ở biển Hoa Nam (Biển Đông), công khai quả quyết
với Nhật Bản rằng quần đảo Senkaku được Mỹ bảo đảm an ninh và đề nghị tổ chức
các cuộc đàm phán Trung-Nhật.

Điều thú vị là những kẻ thù có tham vọng của Trung
Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ hoặc là những đồng minh (Nhật Bản,
Philíppin) hoặc là những đối tác an ninh mới đang được Mỹ tiếp cận (Việt Nam và
ở chừng mực nào đó là Malaixia và Inđônêxia). Mỹ cũng đã biến hợp tác an ninh
trên biển với những nước này (như cướp biển, nghiên cứu và cứu hộ, đối phó với
thảm họa) thành một mũi đột phá chính trong ngoại giao khu vực của Oasinhtơn.
Hợp tác song phương và đa phương của Mỹ về những vấn đề như vậy có thể giúp bảo
đảm và hợp pháp hóa sự hiện diện quân sự hiện nay của Mỹ trong vùng Đông Á, bất
chấp sự không hài lòng của một vài quốc gia đối với việc Mỹ đòi có vai trò lãnh
đạo. Trong khi đó, Trung Quốc đã đồng ý nối lại các cuộc tham khảo ý kiến với
ASEAN để soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử ở biển Hoa Nam (Biển Đông).

Cho dù con đường phía trước là thông qua một bộ quy
tắc ứng xử hay thông qua việc thành lập một cơ chế an ninh biển đa phương,
thành công sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Mỹ và Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với
nhau cũng như khả năng của hai nước này trong việc hành động phối hợp với các
nước khác, đặc biệt là Nhật Bản và ASEAN. Trong thời gian ngắn hạn và trung
hạn, các bộ quy tắc ứng xử ASEAN-Trung Quốc, có thể cả Nhật-Trung có thể giúp
giảm những nguy cơ xung đột vũ trang nảy sinh từ những tranh chấp lãnh thổ. Tuy
nhiên, về dài hạn, một cơ chế an ninh biển mang tính tổng thể và hợp tác có thể
sẽ không chỉ giúp giảm nhẹ những tác động của các tranh chấp lãnh thổ, mà còn
giảm bớt những mối đe dọa cho sự an toàn và an ninh biển, tạo ra những phương thức
mới cho việc làm sáng tỏ những vấn đề tài phán trên biển, thậm chí còn là nền
tảng cho cơ cấu an ninh khu vực đang nổi lên. Theo bức tranh tổng thể đó, một
khuôn khổ như vậy sẽ giúp tiết chế sự kình địch giữa các cường quốc lớn để đem
lại sự đảm bảo tốt hơn cho nền hòa bình và ổn định ở Đông Á.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới