Trong mấy tuần gần
đây, một số quần đảo nằm dọc Thái Bình Dương đã gây ra những cuộc tranh cãi
ngoại giao. Nhật Bản nằm ở trung tâm của cuộc tranh cãi khi họ bắt thuyền
trưởng của một tàu cá Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp Senkaku mà người Trung
Quốc gọi là Điếu Ngư.
Sau đấy Tôkyô lại
tỏ ý bất bình với Nga. Nhật Bản phản đối mạnh mẽ chuyến thăm của Tổng thống
Dmitry Medvedev trong tuần qua tới quần đảo Kuril mà người Nhật gọi là Lãnh thổ
phía Bắc. Những đảo này bị quân Liên Xô chiếm trong giai đoạn Thế Chiến II kết
thúc nhưng Nhật Bản vẫn tuyên bố chủ quyền. Một loạt các tranh cãi khác về biển
đảo thỉnh thoảng lại nổ ra, nhất là ở Biển Đông. Động cơ của những tranh cãi
này khá phức tạp, từ những quan ngại kinh tế về tiềm năng dầu khí và khoáng sản
dưới lòng biển tới các toan tính chiến lược và chủ nghĩa dân tộc kiểu cũ.
Sức mạnh hải quân
Nhưng đằng sau các
tít báo là những khía cạnh lớn hơn. Các nước trong khu vực đang có điều chỉnh
trước một nước Trung Quốc ngày càng mạnh bạo hơn. Mỹ muốn khẳng định vai trò
cường quốc ở Thái Bình Dương. Cả Nga cũng vậy. Mátxcơva không phải là trung tâm
của cuộc chơi nhưng cũng muốn có phần ảnh hưởng ở châu Á.
Trung Quốc hiển
nhiên là đã có những thay đổi mạnh mẽ. Sự lớn mạnh về kinh tế của họ thật ngoạn
mục nhưng quỹ đạo của kinh tế Trung Quốc trong tương lai vẫn chưa rõ ràng. Cho
tới nay, Trung Quốc vẫn có chính sách ngoại giao lặng lẽ và coi sự giao tiếp
của họ với thế giới như là cách để theo đuổi sự thành công kinh tế. Chẳng hạn,
họ đã lập ra mạng lưới các mối quan hệ trên toàn cầu để đảm bảo rằng Bắc Kinh
có các nguyên liệu thô mà nền kinh tế của họ cần. Tuy nhiên, cách giao tiếp của
Trung Quốc với thế giới đang có sắc thái mới.
Cùng với thành
công là sự tự tin mới; một số người gọi là sự bạo dạn. Điều này được thể hiện
rõ nhất ở sân sau của Trung Quốc. Tranh cãi của họ với Nhật Bản quanh chuỗi đảo
Điếu Ngư/Senkaku phải nhìn trong bối cảnh chiến lược của việc Hải quân Trung
Quốc muốn vươn ra biển trong khi Senkaku đang là điểm thắt nút.
Bắc Kinh nói rõ
rằng tham vọng hàng hải của họ không thể bị ngăn chặn như vậy. Họ đòi Nhật Bản
phải ngay lập tức trả tự do cho thuyền trưởng tàu cá và cách Tôkyô xuống thang
đã làm nhiều nước trong khu vực lo ngại. Sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc là
một yếu tố lớn trong tranh cãi này trong lúc Bắc Kinh muốn triển khai lực lượng
hải quân ra khơi xa hơn nữa.
Vai trò của Mỹ
Trên thực tế, việc
Bắc Kinh có vẻ sẵn sàng dùng tới vũ khí kinh tế trong tranh cãi với Nhật Bản –
việc gián đoạn cung cấp đất hiếm (cho dù Bắc Kinh bác bỏ họ dùng tới sức mạnh
kinh tế kiểu này) – đã gây ra lo ngại không chỉ ở châu Á. Sự bạo dạn mới này
của Trung Quốc là lý do mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama muốn tăng
cường vai trò của họ trong khu vực.
Ngoại trưởng
Hillary Clinton đã tới thăm thủ đô của các quốc gia chính trong khu vực khi tới
Hà Nội dự Hội nghị cấp cao Đông Á. Và đây cũng chỉ là chuyến thăm dạo đầu cho
chuyến đi quan trọng của chính ông Obama trong tháng này.
Nhật Bản đang ngày
càng muốn tăng cường liên minh hàng hải với Oasinhtơn. Trung Quốc lại cũng muốn
hạn chế sự tham gia của Mỹ và họ đã từ chối đề nghị làm trung gian hòa giải của
Oasinhtơn trong tranh cãi biển mới nhất giữa Bắc Kinh và Tôkyô.
Những căng thẳng
trong khu vực tạo ra nhiều vấn đề cho Oasinhtơn. Mỹ muốn trấn an những bạn bè
truyền thống và khuyến khích các liên minh mới trong khi không muốn cô lập Bắc
Kinh một cách lộ liễu vì sự liên hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Mỹ cũng như
phần còn lại của thế giới về mặt kinh tế.
Chúng ta còn xa
mới tiến tới thế giới trong các tiểu thuyết giật gân cách đây hơn một thập niên
kể về xung đột không thể tránh khỏi giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh. Nhưng những
căng thẳng vẫn hiện hữu và xử lý chúng là thách thức ngày càng tăng cho các nhà
ngoại giao của cả hai bên.
***
(Đài RFI 8/11)
Sau một thời gian
lơ là khu vực châu Á do phải tập trung xử lý cuộc chiến Ápganixtan và Irắc cũng
như vấn đề chống khủng bố quốc tế, giờ đây, Mỹ đã quan tâm trở lại châu Á-Thái
Bình Dương. Theo giới phân tích, Oasinhtơn đang mở một đợt phản công ngoại giao,
nhằm tái khẳng định sự hiện diện của mình trong khu vực, qua đó kiềm chế, cân
bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ví dụ nổi bật, mang tính thời sự nhất là chuyến
công du châu Á của Tổng thống Barack Obama diễn ra song song với các cuộc đối
thoại hàng năm giữa ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Ôxtrâylia.
Việc lựa chọn Ấn
Độ là quốc gia đầu tiên trong chuyến viếng thăm châu Á của Tổng thống Obama
mang đầy ý nghĩa. Sau khi chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng kinh tế trị giá 10
tỷ USD tại Bombay hồi cuối tuần qua, ngày 8/11, Tổng thống Mỹ đã tới thủ đô Niu
Đêli và tại đây, ông tuyên bố: “Ấn Độ không chỉ là một nước đang trỗi dậy mà
hiện nay là một cường quốc thế giới”.
Tổng thống Mỹ nhấn
mạnh quan hệ giữa hai nước là một trong những quan hệ đối tác lớn nhất của thế
kỷ 21 và ông kêu gọi chia sẻ trách nhiệm giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế
giới. Chiều 8/11, Tổng thống Mỹ đọc diễn văn tại nghị viện Ấn Độ và một trong
những chủ đề mà Niu Đêli rất mong đợi đó là được Oasinhtơn ủng hộ để Ấn Độ có
thể trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong thời kỳ
Chiến tranh Lạnh, quan hệ Mỹ – Ấn Độ không mấy tốt đẹp, thậm chí có lúc căng
thẳng. Tuy nhiên, bang giao song phương đã từng bước được cải thiện trong những
năm 1990 dưới thời Tổng thống Bill Clinton và được thúc đẩy mạnh mẽ dưới thời
Chính quyền George Bush. Theo AFP, các chuyên gia về chính sách đối ngoại nhận
định rằng Oasinhtơn hỗ trợ Niu Đêli trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao là
nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.
Cuộc phản công
ngoại giao của Mỹ được phối hợp với chuyến viếng thăm một số nước châu Á-Thái
Bình Dương của các quan chức cấp cao Mỹ. Từ gần hai tuần qua, Ngoại trưởng
Hillary Clinton công du nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Bà đã tham dự
với tư cách là khách mời đặc biệt của Hội nghị cấp cao Đông Á được tổ chức tại
Hà Nội vào cuối tháng 10. Trong những ngày qua, tại Melbourne , Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc
phòng Mỹ đã có những cuộc đối thoại thường niên với các đồng nhiệm
Ôxtrâylia.
Trong cuộc họp báo
ngày 8/11, bà Clinton đã kêu gọi Trung Quốc hãy đóng vai trò một đối tác có
trách nhiệm và tuyên bố “Mỹ đã có một sự hiện diện từ lâu tại châu Á-Thái Bình
Dương, chúng tôi đã từng có mặt ở đây từ 100 năm nay. Chúng tôi đã, đang và sẽ
có mặt tại đây”.
Ngoại trưởng Mỹ
cũng cho biết là Ôxtrâylia và Mỹ quan ngại về những tranh chấp chủ quyền giữa
Trung Quốc và Nhật Bản và kêu gọi xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Hải
quân Mỹ tiếp tục hoạt động tại tất cả những nơi được coi là vùng biển quốc
tế.
Về phần mình, Bộ
trưởng Quốc phòng Robert Gates và Đô đốc Mike Mullen nhấn mạnh rằng hải quân Mỹ
sẽ tiếp tục hoạt động ở Hoàng Hải và tại những nơi mà Mỹ coi là vùng biển quốc
tế, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Ngày 7/11, Bộ
trưởng Quốc phòng Robert Gates còn tuyên bố là Mỹ muốn tăng cường sự hiện diện
quân sự tại châu Á, củng cố quan hệ quân sự với Ôxtrâylia. Nhân dịp này, hai
nước đã ký thỏa thuận hợp tác theo dõi không gian. Xin nhắc lại là vào 2007,
Trung Quốc đã thành công trong việc bắn tên lửa đạn đạo phá hủy vệ tinh cũ, làm
dấy lên lo ngại là Bắc Kinh tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang trong không
gian.
Các hoạt động
ngoại giao của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương diễn ra vào lúc Trung Quốc ngày
càng thể hiện lập trường độc đoán trong khu vực với Nhật Bản và các nước láng
giềng Đông Nam Á, hiện đang có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với Bắc
Kinh.
Trong nhãn quan
của Oasinhtơn và các chiến lược gia Mỹ thì sự phát triển kinh tế và quân sự của
Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tàng đối với ưu thế truyền thống của Mỹ ở
châu Á-Thái Bình Dương.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh đó, mọi động thái,
phát biểu của tổng thống, ngoại trưởng, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong các
chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương sẽ được Bắc Kinh chăm chú theo dõi, phân
tích. Và điều này sẽ tác động đến nội dung cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack
Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhân Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Xơun,
Hàn Quốc.