Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc chưa thể có hành động quân sự tại biển Đông

Trung Quốc chưa thể có hành động quân sự tại biển Đông

Dẫn bản tin trên trang nhất tờ nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân
Trung Quốc (PLA) ngày 29 tháng 7 năm 2010, Tân Hoa xã cho hay, cuộc tập trận của
hải quân Trung Quốc diễn ra hôm 26 tháng 7 với sự tham gia của nhiều nhóm tàu
chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu.

Theo kịch bản diễn tập, tàu chiến và
tàu ngầm thuộc Hạm đội Biển Đông của hải quân Trung Quốc bắn tên lửa dẫn đường
nhằm vào các mục tiêu trên biển, trong khi máy bay chiến đấu thực hiện kiểm
soát không phận. Tuy nhiên, bản tin không nói rõ địa điểm chính xác của cuộc
tập trận cũng như số tàu chiến tham gia.

Giám sát cuộc tập trận này có Tổng tham
mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Trần Bỉnh Đức. Ông Đức cho biết, PLA đang theo
dõi chặt chẽ các diễn biến và chuẩn bị "sẵn sàng cho các cuộc đụng độ quân
sự lớn".  Cuộc tập trận diễn ra chỉ ba ngày sau khi Ngoại trưởng
Mỹ Hillary Clinton tuyên bố tại Diễn đàn an ninh
khu vực (ARF), rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong “việc tự do
đi lại, tự do đi vào vùng biển chung của châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế
ở Biển Đông".

Theo tờ Văn hối báo của Hồng Kông dẫn
quan điểm của các chuyên gia quân sự Bắc Kinh, cuộc diễn tập và phát biểu
của ông Đức cho thấy, PLA sẽ dùng biện pháp quân sự trong vấn đề Biển Đông
trong tương lai, đồng thời cũng để thể hiện sức mạnh quân sự nhằm hậu thuẫn cho
các biện pháp ngoại giao.

Tuy vậy, một số chuyên gia quân sự khác của
Bắc Kinh có quan điểm khác với quan điểm của các chuyên gia quân sự nói trên. Một
số tờ báo của Hồng Công gần đây như "Đại công báo", “Văn Hối”, “Đông
phương” và nguyệt san “Phòng vệ Hán Hoà” dẫn lời các nhà quan sát quân sự Bắc
Kinh cho rằng tuy từ đầu năm 2009 đến nay, các bước chuẩn bị đấu tranh quân sự
của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông (Trung Quốc gọi là
biển Hoa Nam) vô cùng rầm rộ. Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, còn rất nhiều
rào cản khiến Trung Quốc chưa thể áp dụng hành động quân sự thực tế trong tranh
chấp chủ quyền biển Đông, cụ thể là :

1.
Về chính trị :
 

– Tại khu vực biển Đông, hiện nay có ba
nước tồn tại bất đồng lớn nhất với Trung Quốc về lãnh hải và hải đảo là Việt
Nam, Philippin và Malaixia, trong đó Việt Nam là hàng đầu. Vì thế, khả năng
bùng nổ xung đột quân sự tại khu vực biển Đông chỉ có thể là Trung Quốc tấn
công quân sự chiếm các đảo, bãi mà Việt Nam đang kiểm soát tại quần đảo Trường
Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa). Tuy thế, việc Trung Quốc áp dụng hành động quân
sự quy mô lớn đối với Việt Nam sẽ thiêu huỷ hoàn toàn hình tượng quốc tế “hoà
bình phát triển” mà Trung Quốc tạo dựng trong gần 20 năm qua. Hệ quả là sự cảnh
giác của Ôxtrâylia, Mỹ, Nhật Bản và cả Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đối
với Trung Quốc sẽ tăng cao. 

– Gần đây, hợp tác và trao đổi quân sự
giữa Mỹ và ASEAN với Việt Nam đã có những bước tiến lớn, một khi Trung Quốc áp
dụng hành động quân sự, dư luận và báo chí chính thức của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản
và các nước phương Tây khác sẽ đứng về phía Việt Nam. Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản
thậm chí còn cung cấp cho Việt Nam
chi viện về tình báo và hậu cần quân sự cho Việt Nam. Bên cạnh đó, “Học thuyết quân
sự mới” của Ôxtrâylia cho rằng biển Đông chính là “biên cương lợi ích” của
Ôxtrâylia sẽ có cớ phát triển. 

– Một khi chiến tranh bùng nổ, sẽ thúc đẩy
nhanh hơn sự thành lập chính thức của tập đoàn “NATO biển Đông”, bước đi Nam
tiến của Lực lượng Tự vệ trên biển của Nhật Bản cũng sẽ trở thành hiện thực và
tạo ra căn cứ hợp pháp để Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp. Hơn thế, tại khu vực
này, tồn tại “Hiệp ước đồng minh Mỹ – Xinhgapo – Ôxtrâylia” và từ sau năm 1995,
Mỹ cùng với 6 nước ASEAN là Philippin, Thái Lan, Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia
và Bruney tổ chức cuộc diễn tập quân sự hàng năm mang tên “Karat”, được mệnh
danh là “Tập đoàn Karat” và trên thực tế đã trở thành quan hệ “chuẩn đồng
minh”. 

– Quần đảo Trường Sa hiện nay, có một số
đảo nằm sát bờ biển Malaixia, có một số đảo gần đường trung tuyến Việt Nam –
Malaixia, cách Trung Quốc xa như vậy, nói là của Trung Quốc thật khó có sức
thuyết phục. Do vậy, khi Trung Quốc áp dụng hành động quân sự, hình tượng quốc
tế của các nước hữu quan, nhất là Việt Nam sẽ tốt hơn nhiều so với Trung Quốc,
theo đó các nước lớn châu Âu, thậm chí cả Mỹ và Ấn Độ sẽ cùng đưa ra đề nghị
cung cấp vũ khí cho Việt Nam, khiến cho nhân tố thiên thời và nhân hòa là bất
lợi đối với Trung Quốc.

2.
Về quân sự :

– Các nhà quan sát quân sự Bắc Kinh nêu rõ
nhìn bề ngoài, so sánh sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc với Việt Nam, phía Trung
Quốc có vũ khí hiện đại mang tính áp đảo, nhất là ưu thế về số lượng và chất
lượng tàu mặt nước, tàu ngầm cỡ lớn. Thế nhưng, phân tích sâu về học thuyết địa
– quân sự, thực sự bùng nổ chiến tranh trên không và trên biển với Việt Nam,
ưu thế sức mạnh quân sự không hẳn nghiêng về Trung Quốc. Bởi vì đặc điểm mới
của chiến tranh kỹ thuật công nghệ cao với vũ khí tên lửa là không có khái niệm
so sánh sức mạnh của nước mạnh, nước yếu. Theo đó, nước yếu có một số ít tên
lửa hiện đại, trong chiến tranh trên biển và trên không, vẫn có thể dựa vào ưu
thế thiên thời, địa lợi, nhân hòa v.v. 

– So sánh cụ thể hơn, về hải quân và không
quân của Trung Quốc tham gia cuộc chiến tranh này sẽ chủ yếu là Hạm đội Nam Hải
(Bộ Tư lệnh đặt tại Trạm Giang, Quảng Châu). Còn Việt Nam lực lượng
không quân được trang máy bay chiến đấu “Su- 30MKV” và “Su- 27SK/UBK”. Hải quân
Việt Nam
được trang tàu tên lửa tốc độ cao “Molniya-12418” và tới đây có cả tàu ngầm
“KILO- 636”. Như vậy, xu thế so sánh sức mạnh tại biển Đông đang phát triển
theo hướng bất lợi cho Trung Quốc.

– Trong tương lai gần, khi Hải quân Việt
Nam đưa tàu ngầm “KILO- 636” vào sử dụng, quyền kiểm soát cục bộ dưới nước có
thể sẽ nghiêng về phía Hải quân Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc phải tính đến
nhân tố máy bay chiến đấu “Su- 30MKV” của không quân Việt Nam có thể sẽ được
trang bị tên lửa siêu âm không đối hạm “BRAHMOS” (của ấn Độ) và “YAKHONT” (của
Nga) với tầm bắn đạt 300 km.

– Về năng lực phòng không, Trung Quốc và
Việt Nam
đều được trang bị tên lửa đất đối không hiện đại “S- 300PMU1”. Lực lượng phòng
không của Việt Nam
có 2 tiểu đoàn, còn con số này của Trung Quốc là 20. Thế nhưng, lực lượng này
(của Trung Quốc) chủ yếu bố trí trên đất liền, do vậy vai trò có thể phát huy
trong chiến tranh trên biển và không phận trên biển khá hạn chế.

3.
Về địa lý :

– Toàn bộ 29 đảo, bãi mà Việt Nam kiểm
soát hiện nay tại Trường Sa, cách đất liền từ 400 – 600 km. Tại khu vực này,
Việt Nam có các căn cứ không quân tại vịnh Cam Ranh (Nha Trang), Đà Lạt (Lâm
Đồng) và ở Thành phố Hồ Chí Minh, đa số không phận tại khu vực tranh chấp này
đều nằm trong tầm tác chiến của máy bay tấn công “Su- 22” của không quân Việt
Nam, chưa kể đến máy bay chiến đấu “Su- 30MKV” và “Su- 27SK” với bán kính tác
chiến lên đến 1.500 km. Từ đó cho thấy cả Trung Quốc và Việt Nam đều có đủ năng
lực tấn công tầm xa đối với các căn cứ hải quân tung thâm của đối phương. 

– Việt Nam đã xây dựng sân bay tại đảo
Trường Sa. Nếu so sánh, không quân Trung Quốc kể cả cất cánh từ sân bay tại đảo
Hải Nam, khoảng cách đường thẳng đối với 29 đảo bãi Việt Nam đang kiểm soát đã
lên đến từ 1.200 – 1.300 km, còn cất cánh từ khu vực quần đảo Hoàng Sa, khoảng
cách đến Trường Sa cũng lên đến từ 900 – 1.000 km… Điều này buộc máy bay chiến
đấu “J- 10” và “J- 8D” và cả “Su- 30MKK” và “Su- 27SK” của Không quân Trung
Quốc đều cần được tiếp dầu trên không mới có thể tham chiến. Tuy vậy, thời gian
tác chiến trên vùng trời biển Đông so với máy bay chiến đấu cùng loại của không
quân Việt Nam
cũng ngắn hơn khoảng 50%.

– Khi chiến tranh bùng nổ, sân bay trên
đảo Vĩnh Hưng (Hoàng Sa) và thậm chí cả sân bay trên đảo Hải Nam của không quân
Trung Quốc nhiều khả năng trước tiên sẽ bị máy bay chiến đấu “Su- 22” của không
quân Việt Nam thực hiện tấn công phủ đầu. Căn cứ Toại Khê, Căn cứ Quế Lâm
(Quảng Tây) của Sư đoàn không quân số 2 cũng nằm trong phạm vi bán kính tác
chiến tấn công của máy bay chiến đấu “Su- 30MKV” của Không quân Việt Nam.
Ngoài ra, còn một yếu tố quan trọng khác là xung đột không chỉ hạn chế ở khu
vực biển Đông, toàn bộ các mục tiêu chiến lược tại đảo Hải Nam, Hồng Kông, Côn
Minh (Vân Nam) và Nam Ninh (Quảng Tây) đều nằm trong phạm vi bán kính tác chiến
của máy bay chiến đấu “Su- 30MKV” của Không quân Việt Nam. 

– Địa hình lãnh thổ của Việt Nam dài hẹp,
máy bay “Su- 27SK” và “J- 10A” của Trung Quốc, sau khi tham chiến, trên đường
bay trở về căn cứ tại đảo Hải Nam hay căn cứ Toại Khê, Quế Lâm (Quảng Tây), đều
nằm trong tầm tác chiến của máy bay chiến đấu “MiG- 21Bis” của Không quân Việt
Nam cất cánh từ các căn cứ không quân miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Do vậy,
MiG- 21Bis của Việt Nam
có thể cất cánh đánh chặn máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã hết vũ khí và
thiếu nhiên liệu vào bất cứ lúc nào. 

4.
Về chiến thuật :

– Máy bay chiến đấu “Su- 22” của không
quân Việt Nam
có thể sẽ áp dụng chiến thuật không kích siêu thấp và có được sự yểm hộ hoả lực
trong tấn công đảo, bãi. Vì thế, ngay cả khi Trung Quốc chiếm lĩnh được các đảo
bãi Việt Nam
đang kiểm soát hiện nay, bảo vệ lâu dài là vấn đề cực kỳ khó khăn. Ngoài ra,
Không quân Việt Nam
áp dụng chiến thuật không kích tầm siêu thấp, sẽ tránh được sự theo dõi của các
loại rada trên tàu mặt nước của Trung Quốc và trực tiếp tấn công các tàu mặt
nước cỡ lớn của hải quân Trung Quốc.

– Hải quân Việt Nam không có tàu mặt nước cỡ lớn,
cho nên không ngại Trung Quốc áp dụng chiến thuật không kích tầm siêu thấp. Hơn
thế, như vậy còn khiến cho tàu ngầm hiện đại của Trung Quốc không thể phát huy
sức mạnh, chỉ có thể tấn công tàu vận tải của hải quân Việt Nam.   Nhưng phán đoán từ loại tàu đổ bộ từ đất liền
tiến ra đảo, bãi quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện nay, đa số là tàu vận tải
cỡ nhỏ lớp từ 300 – 500 tấn trở xuống, hơn thế phần nhiều là được đóng bằng gỗ,
cho nên điều động tàu ngầm hiện đại để tiêu diệt là không cần thiết.

Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay cả ba nhân tố thiên
thời, địa lợi và nhân hoà đều chưa thuận để Bắc Kinh có thể phát động các cuộc
tấn công quân sự trên quy mô lớn tại biển Đông. Nếu Bắc Kinh Trung cố tình tiến hành hoạt động quân sự, cái
giá phải trả sẽ rất đắt, thậm chí ảnh hưởng quốc tế tiêu cực của hành động này
đối với Trung Quốc còn lớn hơn cả phát động một cuộc chiến tranh tại Eo biển
Đài Loan. Xung đột quân sự ở khu vực này sẽ ảnh hưởng đến các
quốc gia không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương
và thậm chí là cả thế giới. Xung đột quân sự còn là thảm họa đối với các nước
trong khu vực này, trong đó có Trung Quốc. Do đó, việc bảo đảm môi trường hòa
bình, ổn định, hợp tác và cùng nhau phát triển còn là lợi ích quốc gia của các
nước.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới