Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVề cái gọi là ông Phạm Văn Đồng đã chối bỏ chủ...

Về cái gọi là ông Phạm Văn Đồng đã chối bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

altThực hư về cái gọi là ông Phạm Văn Đồng đã chối bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Trong những năm gần đây Trung Quốc luôn rêu rao cái gọi là họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một trong những lý do thường được Trung Quốc viện dẫn để biện hộ cho yêu sách trên là ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Bắc Việt Nam đã gửi công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai xác nhận chủ quyền Trung quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa.

Thiết nghĩ, để tìm lời giải khách quan cho vấn đề này không thể không làm rõ thực chất nội dung công hàm của Phạm Văn Đồng là gì? Tuyên bố của Chu Ân Lai và Công hàm của Phạm Văn Đồng được ra đời trong bối cảnh như thế nào.

Nội dung tuyên bố của Chu Ân Lai và công hàm của Phạm Văn Đồng:

Theo lý giải của Trung Quốc, ngày 4 tháng 9 năm 1958 Chu Ân Lai, Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Hoa Lục, gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Sau đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm đích danh cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau:

“Thưa đồng chí Tổng lý

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.

Qua lời lẽ công hàm của Phạm Văn Đồng có thể thấy rằng Phạm Văn Đồng đã gởi công hàm cho Chu Ân Lai liên quan đến tuyên bố của ông ta về lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Tuy nhiên, không thể giải thích rằng Phạm Văn Đồng đã chối bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, càng không thể xuyên tạc là Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo đó.

Thực chất nội dung công hàm của Phạm Văn Đồng và bối cảnh ra đời của công hàm :

Công hàm nêu trên của Phạm Văn Đồng có hai nội dung hết sức đơn giản và rõ ràng, đó là ông Phạm Văn Đồng ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý và chỉ thị cho các cơ quan Việt Nam tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.

Trong công hàm của ông Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Chu Ân Lai đã nêu.

Do vậy, chỉ xét về câu chữ thôi cũng dễ dàng nhận thấy rằng mọi suy diễn cho rằng ông Phạm Văn Đồng đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc và không có cơ sở pháp lý.  

Liên quan đến vấn đề này, một luật gia có tiếng người Pháp, bà Monique Chemillier Gendreau, tác giả cuốn sách “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” đã vô tư và công bằng nhận định rằng “Tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng chỉ có một nghĩa hẹp, đúng vậy, là công nhận bề rộng lãnh hải của Trung Quốc. Do vậy, thật không đúng khi lập luận rằng Việt Nam có lẽ đã  khẳng định lại sự công nhận của họ đối với yêu sách của Trung Quốc đối với các quần đảo trên”.

Tính chất phiến diện của những suy diễn tương tự như trên càng bộc lộ rõ nét hơn khi đi sâu phân tích những luận chứng pháp lý sau đây:

Một là, Việt Nam luôn coi vấn đề biên giới lãnh thổ, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Theo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đây là một vấn đề hệ trọng, có tính đại sự quốc gia, chỉ có Quốc hội mới có toàn quyền quyết định. Mọi quan chức và cơ quan, dù ở cấp cao cũng không có thẩm quyền quyết định về biên giới lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Về thủ tục pháp lý, những quyết định tương tự như vậy của bất kỳ quan chức nào hay cơ quan nào, nếu có, đều phải trải qua thủ tục xem xét thông qua của Quốc hội Việt Nam thì mới có hiệu lực pháp lý.

Sự thực là công hàm nêu trên của Phạm Văn Đồng không được đưa ra để Quốc hội Việt Nam xem xét thông qua. Cho tới nay Trung Quốc cũng không đưa ra được bất kỳ chứng cứ gì minh chứng là Công hàm của Phạm Văn Đồng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua. Vì vậy, mọi nguỵ tạo nhằm coi công hàm của Phạm Văn Đồng là một bằng chứng về việc Việt nam đã từ bỏ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  sẽ vô hình dung làm cho công hàm đó trở thành một việc làm “vi hiến”, hoàn toàn không có giá trị ràng buộc pháp lý.

Hai là, về mặt pháp lý, vào thời điểm Phạm Văn Đồng gởi công hàm nêu trên cho Chu Ân Lai, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc thẩm quyền quản lý thực tế của chính quyền Sài Gòn. Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 chia cắt hai miền Nam, Bắc Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Theo Hiệp định này, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc đó, chính quyền Việt Nam Cộng hoà lãnh trách nhiệm quản lý lãnh thổ phía Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 và đã tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1956 khi Pháp rút khỏi Đông Dương. Từ đó, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính, tổ chức khảo sát, khai thác tài nguyên và bảo vệ hai quần đảo này, chống lại những hành động và ý đồ xâm chiếm của các nước khác đối với hai quần đảo. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam cũng đã tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ những phân tích thời điểm thực tế liên quan, bà Monique Chemillier Gendreau, tác giả cuốn sách “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” đã trích dẫn nêu trên cho rằng “Trong bối cảnh đó, các tuyên bố hay các lần biểu thị lập trường có thể có của nhà chức trách Bắc Việt Nam không có hậu quả đối với danh nghĩa chủ quyền. Đó không phải là chính phủ về mặt lãnh thổ có thẩm quyền đối với các quần đảo. Người ta không thể từ bỏ cái mà người ta không có thẩm quyền”.

Ba là, cho tới nay, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không có bất kỳ tuyên bố nào về cái gọi là công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo đó.

Bốn là, khi Việt Nam thực hiện quyền thừa kế của mình, đưa quân ra truy quét lực lượng của miền Nam Cộng hòa, giải phóng quần đảo Trường Sa trong tháng 4 năm 1975 đã không có bắt kỳ nước nào, kể cả Trung Quốc lên tiếng phản đối. Ngược lại, Trung Quốc và nhiều nước khác đã phấn khởi chúc mừng thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam.

Những phân tích nêu trên cho thấy Tiến sĩ Balazs Szalontai, một nhà nghiên cứu về châu Á đã có lý khi phát biểu trên chương trình phát thanh của đài BBC cho rằng công hàm của Phạm Văn Đông “không có sức nặng ràng buộc pháp lý”.

Năm là, Tuyên bố của Chu Ân Lai và công hàm trả lời của Phạm Văn Đồng diễn ra trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam đang diễn ra ngày càng khốc liệt, Bắc Việt đang gặp muôn vàn khó khăn. Trong bối cảnh đó, Bắc Việt trông chờ rất nhiều vào sự viện trợ khí tài quân sự của anh cả Nga Sô và viện trợ hậu cần của anh hai Trung cộng. Điều không thể không làm Bắc Việt bận tâm là phần lớn viện trợ khí tài quận sự của Nga Sô đều phải hành trình qua lảnh thổ Trung Cộng trước khi đến tay binh sỹ Bắc Việt. Thực tế này đã tạo cho Trung Cộng lợi thế trong quan hệ với cả Nga Sô và Bắc Việt, buộc Bắc Việt phải cân nhắc trước mọi động thái của mình đối với Trung Cộng.

Có thể nêu thêm một yếu tố không kém phần quan trọng góp phần dẫn đến Tuyên bố của Chu Ân Lai và Công hàm của Phạm Văn Đồng, đó là vào thời điểm này Hội nghị của Liên hợp quốc về luật biển lần thứ nhất đang diễn ra và tranh cãi kịch liệt về chiều rộng của lãnh hải. Xu hướng các quốc gia ven biển muốn mở rộng lãnh hải và các vùng biển nằm dưới quyền tài phán quốc gia đang dần dần thắng thế. Một số nước Mỹ La Tinh thậm chí còn mở rộng lãnh hải ra đến 200 hải lý, tính từ đường cơ sở. Mặc dù không phải là một thành viên của Liên hợp quốc, Trung Quốc cũng muốn nhân dịp này để mở rộng vùng lãnh hải hướng ra biển như một số nước ven biển đã làm. Về phần mình, trước nguy cơ Mỹ leo thang chiến tranh, đe dọa phong tỏa các vùng biển của miền Bắc, Bắc Việt cũng nhận thấy việc mở rộng lãnh hải ra đến 12 hải lý sẽ có cơ sở đẩy xa thách thức của hải quân Mỹ.

Tận dụng bối cảnh lịch sử đó Trung quốc đã cố ý dùng kế “nhất cử, lưỡng tiện” nhằm mập mờ, đánh lận con đen khi tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc (phù hợp với xu thế chung, dễ nhận được sự ủng hộ của các nước) và nèo thêm bao gồm các quần đảo (lờ đi yêu sách chủ quyền nhằm đánh lạc hướng chú ý của các nước).

Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt nêu trên có thể hiểu được vì sao Phạm Văn Đồng đã chọn cách chỉ ghi nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc (lờ đi nội dung mập mờ, hòng đánh lận con đen trong tuyên bố của Chu Ân Lai liên quan đến các quần đảo) để trả lời Chu Ân Lai. Về thực chất, công hàm của Phạm Văn Đồng chỉ là sự thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc mà thôi. Phạm Văn Đồng không thể dễ dàng từ bỏ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước trong khi chính ông ta và cả dân tộc Việt Nam chiến đấu hết mình để giành độc lập, tự do.  

Nhận xét :

Việc Trung Quốc diễn giải nội dung công hàm của Phạm Văn Đồng ngày 14 tháng 9 năm 1958 như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức phiến diện và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản công hàm đó, hoàn toàn xa lạ với nền tảng pháp lý của Việt Nam và luật pháp quốc tế, bất chấp thực tế khách quan của bối cảnh lịch sử đương thời. Giải thích xuyên tạc công hàm của Phạm Văn Đồng là một việc làm có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Về thực chất, công hàm của Phạm Văn Đồng chỉ là sự thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc mà thôi. Nếu coi đây là một nhượng bộ về chủ quyền lãnh thổ thì hoàn toàn không có cơ sở pháp lý vì Công hàm này không được Quốc hội Việt Nam thông qua, do đó công hàm này sẽ bị coi là một việc làm “vi hiến”, hoàn toàn không có giá trị ràng buộc pháp lý; vì khi đó hai quần đảo nêu trên đang thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền Việt Nam cộng hòa; vì năm 1975 Việt Nam đã giải phóng quần đảo Trường Sa và được nhiều nước, trong đó có Trung Quốc thừa nhận và chúc mừng.

Sự suy diễn phiến diện và vô căn cứ nêu trên Trung Quốc không thể làm lu mờ được sự thật là: hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời đã thuộc về Việt Nam. Các triều đại phong kiến và các chính thể kế tiếp nhau của Việt Nam luôn chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này một cách hữu hiệu và hòa bình; chưa hề có bất cứ phát biểu chính thức cũng như văn bản công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.

Thành Nam – Duy Trân

RELATED ARTICLES

Tin mới