Monday, December 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÝ nghĩa của việc xác định qui chế pháp lý quốc tế...

Ý nghĩa của việc xác định qui chế pháp lý quốc tế của Đảo và công trình nhân tạo trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo

alt

Kỳ I
Kỳ II:
Quy
chế pháp lý của các đảo nhân tạo và công trình nhân tạo trên biển Đông

Hiện nay, trong khu vực biển tại
các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có ba loại đảo và công trình nhân tạo, cụ thể
:

– Một là, các công trình nổi tạm
thời như các nhà giàn hoặc các công trình phục vụ cho mục đích kinh tế;

– Hai là, các thiết bị và công
trình nhân tạo như đường băng, cảng biển được gắn kết tạm thời hoặc vĩnh viễn với
các đảo, đá tự nhiên.

– Ba là, các công trình xây dựng
nhằm củng cố và bồi đắp các đá, bãi san hô, các đảo không có điều kiện duy trì
sự sống của con người hay không có đời sống kinh tế riêng, làm thay đổi điều kiện
tự nhiên của chúng để giúp cho con người có thể đến cư trú được.

Quy chế pháp lý đối với hai loại
công trình nhân tạo đầu tiên được Công ước luật biển 1982 quy định rất rõ ràng:
Các đảo nhân tạo và công trình nhân tạo không có vùng biển riêng, mà chỉ có thể
có vùng an toàn, nhưng không vượt quá 500 mét.

Tuy vậy, việc xác định quy chế
pháp lý của những đảo không có điều kiện duy trì sự sống của con người hay không
có đời sống kinh tế riêng, các đá và bãi san hô tự nhiên được củng cố, bồi đắp
làm thay đổi điều kiện tự nhiên để con người có thể cư trú được lại là vấn đề rất
phức tạp cần phân tích kỹ lưỡng hơn. Lý do là các đảo, đá và bãi san hô thuộc
loại này vừa có đặc điểm tự nhiên, vừa có đặc điểm nhân tạo, lại không được quy
định rõ ràng trong Công ước luật biển 1982. Vậy người ta dựa trên cơ sở nào để xác
định quy chế pháp lý của các đảo, đá và bãi san hô nói trên ?

Việc xác định quy chế pháp lý của
những đảo, đá, bãi nói trên cần phải dựa vào các quy định hiện có của luật biển
quốc tế và thực tiễn quốc tế. Theo điều 60 và các quy định khác của Công ước luật
biển 1982, việc xây dựng các đảo và công trình nhân tạo không được ảnh hưởng một
cách bất hợp lý đến các quyền và lợi ích của các quốc gia khác cũng như của cả
cộng đồng quốc tế. Các quyền và lợi ích của các quốc gia và của cộng đồng quốc
tế bao gồm quyền tự do và an toàn hàng hải, quyền xác lập các vùng biển theo
Công ước luật biển 1982, chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển
đối với các vùng biển của họ và các quyền tự do trên biển khác. Theo các quy định
này thì việc củng cố bồi đắp các đảo không có điều kiện cho con người cư trú và
không có đời sống kinh tế riêng, các đá và bãi san hô tự nhiên để cho con người
có thể đến cư trú hoặc tiến hành các hoạt động kinh tế rõ ràng không làm thay đổi
quy chế pháp lý của chúng.

Quy chế pháp lý của các đảo, đá
và bãi san hô nói trên phải được xác định theo đúng quy định về quy chế đảo, đá
của Công ước luật biển 1982  trên cơ sở
điều kiện tự nhiên của chúng vào thời điểm trước khi chúng được củng cố và bồi
đắp. Khoản 3, điều 121 của Công ước quy định: Những đá mà ở đó không thể duy
trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc
quyền kinh tế hay thềm lục địa. Khoản 2, điều 121 cũng quy định đối với các đảo
không thể duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế riêng cũng không
có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

Đã có thực tiễn quốc tế về vấn đề
tác động của các công trình nhân tạo đối với quy chế pháp lý của đảo, đá nhỏ.
Trong Vụ giải quyết tranh chấp về phân định biển và các vấn đề lãnh thổ giữa
Qutar và Bahrain năm 2001, một thẩm phán của Tòa án Công lý quốc tế đã tuyên bố:
“Theo quy định trong Công ước luật biển 1982, những nỗ lực bị cáo buộc của cả
hai nước để thay đổi một cách nhân tạo phần trên bề mặt của đảo Qi’at Jaradah
không cho phép tôi kết luận rằng đảo nhỏ này được hưởng quy chế pháp lý của một
hòn đảo.”[1]

Ông Jon Van Dyke, một chuyên gia
biển Đông lâu năm có ý kiến khá sâu sắc về vấn đề này. Ông cho rằng việc Nhật Bản
tiến hành xây dựng, củng cố và bồi đắp đảo san hô Okinotorishima, không làm
thay đổi quy chế pháp lý của đảo này. Nỗ lực đó chỉ được coi là hành động biến đảo
san hô nói trên thành đảo nhân tạo. Vì vậy, Nhật Bản không thể đòi hỏi cho đảo
nhân tạo này vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tương tự như vậy, ông cho
rằng các đá, bãi san hô và các đảo không có điều kiện cho con người sinh sống
hay không có điều kiện kinh tế riêng ở biển Đông được một số nước, trong đó có
Trung Quốc và Malaysia, củng cố và bồi đắp sẽ chỉ được coi là các hòn đảo nhân
tạo; thậm chí chúng còn mất tư cách pháp lý của các đảo, đá và bãi san hô tự
nhiên.

Trong thời gian qua, nhằm hạn chế
tranh chấp và thực hiện theo quy định của Công ước luật biển 1982, Malaysia,
Philipin và Việt Nam có xu hướng chỉ dành cho các đảo, đá, bãi nói trên tại quần
đảo Trường Sa một vùng lãnh hải cùng lắm là 12 hải lý. Dường như chỉ có Trung
Quốc là bên tranh chấp còn dựa trên yêu sách chủ quyền đối với các đảo, đá, bãi
thuộc loại trên để xác lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy vậy,
theo luật pháp quốc tế thì Trung Quốc không được phép yêu sách như vậy còn bởi
vì hai lý do khác. Một là, Trung Quốc không có chủ quyền đối với các đảo ở hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc chiếm các đảo tại hai quần đảo
này đều bằng vũ lực, là một biện pháp chiếm hữu trái với những quy định của luật
pháp quốc tế. Hai là, chính Trung Quốc đã phản đối Nhật Bản tuyên bố yêu sách
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh đảo Okinotorishima. Vì thế, luật
pháp quốc tế không cho phép Trung Quốc sử dụng “tiêu chuẩn kép” về quy chế đảo
để đưa ra những yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh những
đảo, đá không có điều kiện cho con người sinh sống hay không có đời sống kinh tế
riêng ở biển Đông mà họ đã ra công củng cố, bồi đắp.

Nhận
xét   

Luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc
tế chỉ ra rằng: những nỗ lực của một số quốc gia là các bên tranh chấp tại biển
Đông trong việc củng cố, bồi đắp các đảo, đá không có điều kiện cho con người
sinh sống hay không có đời sống kinh tế riêng ở các khu vực hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa không có hiệu quả pháp lý, không tạo ra cơ sở cho các nước này
khẳng định chủ quyền hoặc xác lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trái
lại, những nỗ lực này chỉ làm phức tạp thêm các tranh chấp vốn đã rất phức tạp
trong khu vực biển Đông. Vì vậy, trong khi đang tìm kiếm một giải pháp lâu dài
cho các tranh chấp ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bên tranh
chấp cần tôn trọng Tuyên bố Trung Quốc – ASEAN về cách ứng xử của các bên ở biển
Đông, giữ nguyên trạng, kiềm chế không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực,
không có những hoạt động làm tình hình phức tạp thêm. Như vậy có lợi cho hòa
bình, an ninh và ổn định trong khu vực, góp phần tạo ra một môi trường quốc tế
thuận lợi cho các nước trong khu vực hợp tác cùng phát triển./.


[1]
Declaration of Judge Vereshchetin, in Judgement of 16 March 2001, p. 220.

Thành
Nam

RELATED ARTICLES

Tin mới