Từ ngày 7 – 18/2/2011, Mỹ – Thái tổ chức tập trận "Hổ
mang vàng” tại 6 khu vực của Thái Lan, bao gồm các hoạt động diễn tập quân sự
trên đất liền, trên không và dưới nước, đồng thời triển khai 17 dự án hỗ trợ
nhân đạo, 8 dự án kỹ thuật và 9 chương trình trợ giúp y tế. Đây là cuộc tập trận đa quốc gia lớn nhất thế giới, được
cho là bằng chứng về cân bằng sức mạnh giữa Bắc Kinh và Washington trong việc
giải quyết các vấn đề ở Đông Nam Á.
vàng" do Thái Lan đăng cai tổ chức thường niên, được bắt đầu từ năm 1982
trong khuôn khổ hợp tác quân sự song phương giữa Mỹ và Thái Lan. Trong giai
đoạn mới triển khai từ 1980 – 1990, Mỹ – Thái chủ yếu diễn tập hải quân ở các
địa điểm dọc biên giới Thái Lan với giả định kẻ thù chung là các nước láng
giềng nhằm tăng cường năng lực phòng thủ và khả năng ứng phó với những tình
huống khẩn cấp của Quân đội Hoàng gia Thái Lan. Tuy nhiên, đến năm 2000 với sự
tham gia của Singapore, hoạt động này được nâng lên thành tập trận đa phương và
đã trở thành một trong những cuộc tập trận hỗn hợp lớn nhất thế giới, mở rộng
nhiều nhiệm vụ hơn như dùng chung phương tiện, giải quyết các vấn đề về hòa
bình, các vấn đề xuyên quốc gia khác, bao gồm chống cướp biển, ma túy và buôn
người, hoạt động cứu trợ nhân đạo, đối phó với thiên tai và xây dựng cộng đồng.
Từ khi được triển khai đến nay, hoạt động này chỉ bị hoãn một lần vào năm 1992
khi có cuộc đảo chính tại Thái Lan, song tiếp tục được nối lại ngay năm sau đó.
Cuộc tập trận “Hổ mang vàng” năm
2011 có sự tham gia chính thức của Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia,
Singapore và nước lần đầu tiên góp mặt là Malaysia. Khoảng 30 nước làm quan sát
viên đến từ ASEAN, châu Á và các khu vực khác trên thế giới, trong đó đáng chú
ý có các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Tham gia cuộc tập trận năm nay có
hơn 11 nghìn binh sĩ, trong đó có 7.200 đến từ Mỹ, 4.658 của Thái Lan, 140 của
Singapore, 95 của Indonesia, 108 của Nhật Bản và 331 của Hàn Quốc. Lực lượng
quân đội của Liên Hợp Quốc cũng tham dự với bối cảnh phục vụ các hoạt động hỗ
trợ hòa bình đa phương của Liên Hợp Quốc. Cuộc tập trận năm nay đánh dấu 30 năm
ra đời sự kiện này, trong đó diễn tập các phương án tác chiến cho cuộc chiến
tranh trên biển như huấn luyện chiến trường, đổ bộ, trợ giúp nhân đạo và có một
cuộc tập trận sử dụng hỏa lực đạn thật mang tên PHIBTRAEX tại căn cứ Sattahi ở
tỉnh Chon Buri, Thái Lan.
Bằng chứng
về sự cân bằng sức mạnh tại Đông Nam Á?
Vì
nhiều lý do và toan tính, nước Mỹ dưới thời George W. Bush dường như đã phớt lờ
ASEAN trong suốt 8 năm. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cũng từng hai lần
hoãn dự cuộc họp thường niên với ASEAN. Chính sự thờ ơ có toan tính đó đã làm Mỹ
bị giảm sút ảnh hưởng tại ASEAN, một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng ở
sườn Đông Nam của châu Á, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Ấn Độ Dương
và Thái Bình Dương. Trong khi đó, với việc ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác
(TAC) với ASEAN năm 2003, ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực không ngừng gia
tăng, chèn ép ảnh hưởng chiến lược của Mỹ và các nước lớn khác tại khu vực châu
Á – Thái Bình Dương. Bối cảnh đó buộc Chính quyền Obama phải đặt ưu tiên cao
hơn quan hệ với Đông Nam Á trong tổng thể chiến lược coi trọng khu vực châu Á –
Thái Bình Dương. Kể từ Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) tại Singapore tháng
7/2009, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố “quay trở lại Đông Nam Á”, cam
kết củng cố hiện diện và can dự sâu hơn đối với ASEAN. Bà khẳng định: “Nước Mỹ
đang trở lại”. “Chúng tôi sẽ tham gia đầy đủ và tận tâm với các mối quan hệ tại
Đông Nam Á”. Ngay sau đó, các hoạt động đối
ngoại cấp cao của Mỹ tới Đông Nam Á được tiến hành sớm và thường xuyên hơn. Triển
khai các thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Mỹ với các nước trong khu
vực theo đó cũng gia tăng, đặc biệt về lĩnh vực an ninh, quốc phòng liên quan
việc duy trì và nâng cấp quy mô tập trận chung với các đối tác Đông Nam Á.
Thời gian gần đây, Mỹ đã liên tiếp
tiến hành các cuộc tập trận chung với các đồng minh ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật
Bản, Singapore và tập trận “Hổ mang vàng” với Thái Lan có quy mô lớn nhất. Ông
Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về các nước Đông Nam Á,
Australia và Thái Bình Dương thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga nhận định:
"Trong bối cảnh hiện nay, cuộc tập trận Hổ mang vàng 2011 thể hiện sự ủng
hộ của Mỹ đối với các nước Đông Nam Á đang đối mặt với ảnh hưởng ngày càng tăng
của Trung Quốc. Năm nay, lần đầu tiên, một quốc gia có ảnh hưởng như Malaysia
cũng tham gia. Điều này đã tạo thêm tầm vóc nhất định cho cuộc tập trận. Hay
nói cách khác, trên thực tế, các quốc gia tập trận ủng hộ việc Mỹ tăng cường
ảnh hưởng chính trị, kinh tế cũng như quân sự ở Đông Nam Á”.
Rõ ràng, sự nổi lên của Trung Quốc
không chỉ là sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, mà còn ở sức mạnh quân sự và
thể hiện rõ trong các tranh chấp chính trị và lãnh thổ ở khu vực châu Á – Thái
Bình Dương. Năm 2010, Trung Quốc đã chi 77 tỷ USD để củng cố quốc phòng, đồng
thời, mới đây, lại tiếp tục ra mắt chiến đấu cơ tàng hình J-20. Giới phân tích
cho rằng, Trung Quốc có thể sở hữu 5 tàu sân bay vào năm 2020, trong đó 2 tàu
sân bay cùng với các tàu hộ tống sẽ thường trú ở biển Đông. Giới quan sát nhận
định, rất có thể, sau cuộc tập trận “Hổ mang vàng” của Mỹ và các nước ở Đông
Nam Á sẽ là các cuộc tập trận quy mô lớn của không quân và hải quân Trung Quốc
ở biển Đông. Đây có thể coi là một trong những công cụ giúp Mỹ kiềm chế Trung
Quốc trong bối cảnh hiện nay khi mà sự trỗi dậy của Bắc Kinh ngày càng đe dọa
vị thế bá chủ của Mỹ.
Củng cố quan hệ với
các quốc gia Đông Nam Á
Nhìn vào thành phần tham gia chính
thức của cuộc tập trận năm nay, hầu hết các quốc gia là thành viên của ARF và
các nước đã ký TAC. Với sự tham gia của Mỹ, cùng với Nga, vào cuối năm nay tại
Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), một cơ cấu an ninh khu vực mới đang hình thành
trong hiện thực. Mỹ rõ ràng đang suy tính làm thế nào có thể tiếp tục tăng giá
trị chiến lược cho việc thực hiện phát triển hợp tác quân sự đa phương. Ngoại
trưởng Mỹ Hilary Clinton cũng nhiều lần nhắc đến việc Mỹ coi trọng các hiệp ước
liên minh và đồng minh.
Trong thập niên qua, cuộc khủng
hoảng chính trị ở Thái Lan đã cản trở quân đội nước này thực hiện chiến lược
dài hơi đối với Mỹ. Hiện nay, trong số năm đồng minh của Mỹ ở châu Á – Thái
Bình Dương, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines, Thái Lan đang xếp
ở tầm quan trọng cuối cùng, không còn giống trong thời chiến tranh Đông Dương. Từ
năm 2003 đến 2006, Thái Lan đã chứng minh vai trò như là một đối tác của Mỹ
trong cuộc chiến chống khủng bố để đổi lấy lợi thế đàm phán các hiệp định
thương mại tự do với đối tác, nhưng ý định không thành, trong đó quan hệ với
NATO là một ví dụ. Gần đây, quân đội Thái Lan đẩy mạnh thực hiện vai trò quốc
tế theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình và
nhân đạo ở nước ngoài. Đối với Mỹ, đây là dịp để cải thiện quan hệ với
Thái Lan, như lời Phó Đại sứ Mỹ tại Bangkok, bà Judith Cefkin, nhưng
bà cũng nói đây là cơ hội để "tăng cường quan hệ hữu nghị với
các quốc gia khác trong khu vực". Báo China Post của Đài Loan thì
cho rằng nước chủ nhà Thái Lan cần làm rõ hơn định hướng an ninh của
mình để đáp ứng biến đổi địa chính trị và việc Mỹ tái cam kết bảo
vệ an ninh Đông Nam Á. Bài báo của Đài Loan cho rằng việc hợp tác
của Thái Lan, sau giai đoạn tích cực hợp tác với Mỹ 2003 – 2006, gần
đây trở nên "thiếu sinh khí".
Sự hiện diện lần đầu của Malaysia
ở vị trí “đối tác toàn diện” trong cuộc tập trận nhận được sự tán thưởng
của các quốc gia thành viên kỳ cựu. Điều này là kết quả của quan hệ Mỹ – Malaysia
ấm lên từ sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Thủ tướng
Najib Razak trong năm 2010.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia
được coi là đồng minh an ninh hàng đầu của Mỹ trong khu vực. Tất cả họ đang
đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ chiến lược toàn cầu của Washington, trong đó có hoạt động của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Cuộc tập trận “Hổ mang
vàng” là cơ hội để Mỹ và các đồng minh củng cố quan hệ, nâng cao khả năng
phối hợp tác chiến, đồng thời cho thấy cam kết của Mỹ đối với hòa bình và an
ninh của khu vực. Đáng chú ý, trong cuộc diễn tập tấn công đổ bộ có bắn đạt
thật tại bãi biển Hat Yao (Thái Lan), Mỹ đã điều lực lượng Thủy quân Lục
chiến từ căn cứ Okinawa (Nhật Bản) cùng với các chiến hạm Sasebo, USS
Essex, USS Germantown và USS Denver tham gia phối hợp với hải quân Thái Lan và
Nhật Bản. Đợt diễn tập này được cho là có sự phối hợp tác chiến phức tạp nhất
trong số các hoạt động của “Hổ mang vàng” năm nay. Có ý kiến nói việc Mỹ
tập trận có bắn đạn thật tại Thái Lan trong khi nước chủ nhà đang
xung khắc với nước láng giềng Campuchia là một điều thiếu tính tế
nhị. Tuy nhiên, phía Thái Lan đã bác bỏ tin rằng đợt điều quân của họ
tại tỉnh Sri Sak Ket và việc Mỹ triển khai quân tại Korat, một căn cứ
từng được Mỹ dùng hồi Chiến tranh Việt Nam, cách nơi xảy ra giao tranh
Thái – Campuchia quanh đền Preah Vihear 450 km là có liên quan đến vụ nổ
súng gần khu đền tranh chấp, mà các hoạt đông này chỉ nằm trong chương
trình hoạt động của “Hổ mang vàng” 2011.
Cuộc tập trận tiếp tục mang lại hy vọng
sẽ tăng cường khả năng phối hợp để thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ quốc tế và
giảm nhẹ tổn thất do thiên tai gây ra và cũng cho thấy những cam kết của Mỹ ủng
hộ an ninh cho các nước đồng minh và bạn bè ở khu vực châu Á – Thái Bình
Dương./.