Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThử nhận xét về An Nam Đại quốc họa đồ

Thử nhận xét về An Nam Đại quốc họa đồ

altTên bản đồ này được ghi
trang trọng bằng chữ Hán, bằng chữ Quốc ngữ như nêu trên và dịch ra tiếng
Latinh Tabula Geographica imperii Anamitici. Nguyên bản họa đồ khá lớn, ngang
40cm, dọc 80cm, ấn hành theo cuốn Nam Việt dương hiệp tự vị (Dictionarium
Anamitico – Latinum) mà tác giả là Giám mục Teberd, xuất bản tại Serampore (Ấn
Độ) năm 1838. Khi đăng lại, chúng tôi lược bỏ một số đoạn.

alt

Đại Nam
nhất thống toàn đồ (1840)*

Bản
đồ An Nam Đại quốc họa đồ (ANĐQHĐ) là một công trình đặc sắc của Taberd. Tới thời
gian xuất bản năm 1838, nước ta chưa từng có một bản đồ lớn rộng và ghi chép
khá đầy đủ địa danh như họa đồ này. Ta hãy phân tích và so sánh với bản đồ Đại
Nam nhất thống toàn đồ (ĐNNTTĐ) (1840), một bản đồ chính thức của triều Minh Mạng.
Nói chung, đường nét bờ bể biển Đông và biên giới phía tây cận kề sông Mêkông,
thì ĐNNTTĐ chính xác hơn ANĐQHĐ tuy chưa có căn cứ vào kinh tuyến và vĩ tuyến.
Có lẽ ĐNNTTĐ đã tham khảo nhiều bản đồ khác nhau của các nhà hàng hải và địa lý
Âu tây. Địa danh của ĐNNTTĐ đều ghi bằng Hán văn, còn ANĐQHĐ thì ghi bằng Quốc
ngữ Latinh, cả địa danh hành chính và tục danh, lại thêm những địa danh do ngoại
quốc đặt ra. Thí dụ: Núi Thạch Bi (Hán văn) có tục danh là Mũi Nại (Nôm) và Tây
phương là Cap Varella. Bản đồ ĐNNTTĐ ghi các địa danh đã cập nhật đương thời:
29 tên tỉnh, 47 tên hải môn hải đảo, 25 địa danh vương quốc và vùng phụ thuộc.
Tổng cộng khoảng 92 địa danh. Riêng hình vẽ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Vạn
lý Trường Sa thì vẽ giống hệt các bản đồ Tây phương và đặt sát bờ bể Quảng Nam – Khánh Hòa
hơn. Trên điểm địa lý này, ta thấy trong 4 thế kỷ XVI – XVII – XVIII – XIX các
bản đồ thế giới Tây phương đều ghi vẽ quần đảo Paracel hay Pracel (Hoàng Sa và
Trường Sa) ở giữa Biển Đông và bờ biển Paracel (Costa da Paracel) luôn đặt ở bờ
biển Quảng Nam – Khánh Hòa. Chúng ta chưa hề thấy một bản đồ thế giới nào ghi bờ
biển Paracel là ở nam Trung Hoa, ở Phi Luật Tân hay ở Mã Lai. Bản đồ chính thức
của Việt Nam
ĐNNTTĐ hoàn toàn thống nhất với các bản đồ thế giới trong suốt 5 thế kỷ qua, chủ
yếu về địa lý Hoàng Sa – Trường Sa.

Bản
đồ ANĐQHĐ – thường gọi là Bản đồ Taberd 1838 – ghi tới khoảng 505 địa danh bằng
Quốc ngữ Latinh hoặc tiếng Latinh. Như chính giữa bản đồ Taberd ghi chữ lớn: An
Nam quốc seu (hay là) Imperium Anamiticum. Cả Việt Nam
khi ấy chia ra: Gia Định Phủ (sau là Nam kỳ), Cocincina interior seu
(hay là) An Nam Đàng Trong, Cocincina exterior seu (hay là) Đàng Ngoài hoặc
Tunquinum. Các tiểu vương quốc phụ thuộc phía tây thì có: Nam Vang trấn, Miền
Lào seu (hay là) Regio Laocesis, Vạn Tượng quốc, Viên Chăn, Mường Long Pha Ban.
Theo bản giải lược (Legenda) dịch từ tiếng Việt sang Latinh, Pháp, Anh, ta thấy
Taberd ghi trên bản đồ khá nhiều loại địa danh.

Taberd giải thích thành là thành trì mang tính quân sự
phòng thủ và không quan tâm đến thành
còn có nghĩa là đơn vị hành chính gồm nhiều trấn, như Gia Định thành hay Bắc thành.
Trong bản đồ có ghi: Bình Định thành, Bình Hòa thành (gần Nha Trang), Gia Định
thành (Sài Gòn), Hà Tiên thành, Nam Vang thành (Colurnpé tức Phnom Penh), Bát
Tăm Băng thành, Atcaba thành (bờ sông Mêkông, ngang tầm với Tây Sơn Thượng –
Bình Định), Thành Lào Bu Thúc (Bassac), Ca La Thiền thành, không thấy ghi Thăng
Long thành và kinh thành Huế.

Taberd giải thích dinh là lỵ sở cai trị của trấn. Sự
thật tại Đàng Trong, đinh là đơn vị
hành chính sau gọi là trấn rồi tỉnh.
Cho nên, trong bản đồ, các trấn Đàng Ngoài từ Bố Chính trở ra, Taberd chỉ ghi
tên trấn. Còn các trấn Đàng Trong thì vừa ghi tên trấn và địa điểm của tên
dinh. Số lượng trấn trong bản đồ Taberd cũng gần tương đương với số tỉnh trong ĐNNTTĐ, ngoại trừ xứ Bố Chính
Ngoại nay thuộc về tỉnh Hà Tĩnh, Bố Chính Trong cho về tỉnh Quảng Bình và trấn
Quảng Đức đổi thành phủ Thừa Thiên. Còn trấn Vĩnh Thanh đổi thành hai tỉnh Vĩnh
Long và An Giang.

Từ bắc vào nam, bản đồ Taberd ghi tên các trấn
như sau: Cao Bằng trấn, Lạng Sơn hay Lạng Bắc trấn, Thới Nguyên trấn, Tuyên Quang trấn, Bắc Ninh
trấn, Quảng Yên trấn, Hưng Hóa trấn, Sơn Tây trấn, Sơn Nam trấn
(gồm cả Kẻ Chợ hay Hà Nội và Hưng Yên), Ninh
Bình
trấn, Nam Định trấn (trong
đó có Phố Hiến), Sơn Thái trấn hay Thanh Hoa nội, Nghệ An trấn (có thị
xã Vinh và Hà Tĩnh), Quảng Bình trấn
(gồm Bố Chính Ngoại, Bố Chính Trong và Đồng Hới), Quảng Trị trấn có Quảng Trị dinh, Quảng Đức trấn hay phủ Thừa Thiên (nơi có kinh thành Huế), Quảng Nam trấn có Quảng Nam dinh, Quảng Ngãi trấn có dinh Quảng Ngãi, Bình Định trấn hay Quy Nhơn có Bình Định
thành, Phú Yên trấn có Phú Yên dinh,
Nha Trang hay Bình Hòa trấn có Bình
Hòa thành, Bình Thuận trấn cũng gọi
là Olim Ciampa hay Lồi Thuận Thiềng có Bình Thuận dinh, Biên Hòa trấn có Biên Hòa dinh, Phan
Yên
trấn có Gia Định thành (Sài Gòn), Định
Tường
trấn có Định Tường dinh, Châu Đốc
trấn hay Vĩnh Thanh trấn có Châu Đốc
đồn và Trấn Di đạo, Hà Tiên trấn có
Hà Tiên dinh và Hà Tiên thành. Tổng cộng toàn quốc khi ấy chia ra 28 trấn. Các
trấn Đàng Trong thì có ghi thêm lị sở cai trị của dinh. Những tên dinh ấy đã có
từ thời các chúa Nguyễn cai trị. Các trấn Đàng Ngoài không gọi lị sở cai trị trấn
là dinh, nên không có địa danh dinh. Như trấn Nghệ An đương thời có 2 lị sở lớn
là Vinh và Hà Tĩnh, thì gọi là thị trấn hay thị xã, chớ không gọi dinh.

Làng
cấp hành chính cơ sở, Taberd ghi rõ Làng
Truồi
(phủ Thừa Thiên), Làng Cây Quao
(Cà Mau), còn rất nhiều làng khác chỉ ghi tên, không có chữ làng đứng trước, thay cạnh đó có chữ O
nhỏ làm địa điểm. Thí dụ: Kẻ Bảng (Quảng Bình), Mai Xá (Quảng Trị), Trà Kiệu
(Quảng Nam), Trà Câu (Quảng Ngãi), Gò Thị (Bình Định), Hóa Châu (Phú Yên), Đại
An (Khánh Hòa), Sông Lũy (Bình Thuận), Tân Triều (Biên Hòa), Cà Hôn (Định Tường),
Cái Mơn (Vĩnh Thanh), Sa Keo (Hà Tiên)… Tên làng, thậm chí cả tên một số huyện
và chợ búa, đều được ghi ở Đàng Trong – nơi giám mục Taberd phụ trách truyền
giáo. Tên làng và chợ búa được ghi hãn hữu ở Đàng Ngoài, như Kẻ Chợ (Hà Nội), Bồ
Đề (Bắc Ninh), Kẻ Hội (Hưng Hóa), Kẻ Ngay (Ninh Bình).

Sông ngòi
được vẽ khá đầy đủ suốt từ Bắc chí Nam, nhưng Taberd chỉ ghi tên một số sông rạch
như sau: sông Cả (Hồng Hà), sông Chẩy, sông Ngưu, sông Diêm, Tuế Đức giang,
Thiên Đức giang, sông Bà (chảy ra cửa Thần Phù), sông Gianh, sông Vệ (chảy ra cửa
Đà Rằn, Phú Yên), sông Lương (chảy ra vịnh Phan Rí), sông Cam Ranh (làm ranh giới
giữa Biên Hòa và Bình Thuận), kinh Giàng Cù, kinh Ba-rai, rạch Chanh, vàm Vũng
Gù, sông Khung (Meycon hay Mekon). Không thấy ghi sông Đồng Nai, sông Tân Bình
(Sài Gòn), sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu. Tại Cà Mau, trên đường vẽ sông Cửa
Lớn và rạch Cái Ngay chảy qua Năm Căn, Taberd đã ghi nhầm là Sông Xuyên đạo! Địa danh Long Xuyên đạo là để chỉ một đơn vị hành
chính (gần ngang với huyện) bao trùm trên địa bàn cả xứ Cà Mau.

Về cungtrạm trên các đường thiên
lý liên lạc trong toàn quốc và với các xứ phụ thuộc, Taberd là người đầu tiên
ghi vẽ trên bản đồ đầy đủ nhất. Đó là đường thiên
lý chính yếu
giao thông từ ải Nam Quan – Lạng Sơn, qua Hà Nội, Huế và tới
thành Gia Định tức Sài Gòn. Lại có đường
cái quan thứ yếu
: đường đi từ Hà Nội qua Hải Đông (Hải Dương), Quảng Yên rồi
vòng lên Lạng Sơn và Cao Bằng; đường đi từ Hà Nội qua Thái Nguyên đến Cao Bằng,
có thêm chi nhánh đi từ Thái Nguyên lên Lạng Sơn; đường đi từ Hà Nội qua Sơn
Tây, Hưng Hóa đến Thủy Vĩ châu. Từ đường thiên lý tại Ninh Bình có đường đi Nam Định ở phía
đông và một đường dài đi từ Ninh Bình tới Ninh Biên châu bên phía tây.

Tại Trung bộ, từ đường thiên lý ở Vinh, có đường vượt
dãy Trường Sơn, tới Quy Hợp thì chia thành 2 nhánh: một nhánh qua huyện Kỳ Sơn
lại chia làm 2 chi (chi phía bắc qua trạm Ninh Cường rồi tới Ninh Biên châu;
chi phía nam dẫn tới Vạn Tượng quốc). Còn nhánh thứ hai đi qua đèo Cổ Thai, Bản
Đơn, Lào Xi Đa, vượt sang hữu ngạn sông Mêkông tới Lạc Khôn, rồi đến Thành Lào
Bu Thác. Từ đường thiên lý ở Bình Định, có đường qua huyện Phù Ly, huyện Tuy Viễn,
Tây Sơn Thượng, vượt qua Trường Sơn rồi chia ra 2 ngả: ngả lên phía bắc đi thẳng
nối với đường tả ngạn sông Mêkông để phía bắc tới Atcaba Thành, rồi vượt qua
sông sang Thành Lào Bu Thác. Còn phía nam thì đưa tới Rách Đê rồi Chê Tăng Long
gần biên giới Việt Nam.

Tại Nam bộ, có đường thiên lý từ thành Gia Định qua
Lái Thiêu đến núi Bà Đen thì chia làm 2 ngả: ngả theo hướng tây đến Nam Vang,
còn ngả theo hướng bắc tới Chê Tăng Lang, vượt qua sông Mêkông đến Súc Chê
Tiêu, ngược lên phía bắc qua nhiều súc khác cho tới Thành Lào Bu Thác. Ngoài ra
lại có đường bộ đi từ thành Hà Tiên tới thành Nam Vang. Từ Nam Vang còn nhiều
đường bộ đi Com Pong Som, đi Bát Tầm Bâng…

Chỉ
trên đường thiên lý Bắc Nam
mới có ghi địa điểm các cung trạm bằng một cột cờ đuôi nheo nhỏ. Trên một số
cung trạm ở Đàng Trong có ghi địa danh, và là những tên trạm của thời Gia Long.
Ở Đàng Ngoài hầu như không có tên cung trạm.

Trên
thềm lục địa và biển Đông tập trung nhiều địa danh nhất: tên các cửa biển, mũi,
vũng, cù lao, hòn, rất phong phú và chính xác. Danh mục ghi từ Bắc vào Nam.

alt

An Nam Đại quốc
họa đồ

Các
(cửa biển) (hải khẩu): Úc, Thái Bình, Hộ, Trà Lý, Lân, Biện, Xiên, Thước, Lác,
Triều, Hòn Nê, Bích, Bằng, Hàn Hồn, Thai, Tro, Gianh, Đồng Hới, Tùng, Đại Quảng
Ngãi, Sa Huỳnh, Kim Bồng, Tà Phú, Chợ Giả, Giã, Mái Nhà, Đà Rằn, Bàn Thạch, Hòn
Khoe, Cam Ranh, Ô Trạm, Lấp, Cần Giờ, Đồng Tranh, Soi Rạp, Tiểu, Đại, Băng Côn,
Cổ Chiên, Vàm Rây, Chà Vang, Ba Thắc, Mỹ Thanh, Gành Hàu, Bồ Đề, Lớn, Ông Đốc,
Cây Quao, Rạch Giá, Cần Vọt (nay thuộc Campuchia). Cộng là 57 cửa biển.

Mũi
đất nhô ra biển thì có: Con Hùm, Lâm Châm, Thống Bình, Sa Kỳ, Sung, Nại
(Varella), Cây Sung, Đá Vách, Din, La Gan, Vi Nê, Kê Gà, Bà Kéc, Thùy Vân, Vũng
Tàu, Ông Đốc (Cà Mau). Cộng 16 mũi.

Các
vũng (vịnh) có: vịnh Vạn Ninh, vũng Đam, vũng Nước Ngọt, vũng Nha Ru, vũng Phan
Rí. Cộng là 5 vũng và vịnh.


các cù lao: Tin Cậy, Chăm, Ré (Pulo Canton), Xanh (Cambir), Cau (Pulo Cecir
Terrae), Thu (Pulo Cecir Maris), Côn Nôn (Pulo Condor), Phú Quốc. Cộng 8 cù
lao.

Các
hòn nhỏ hơn cù lao có: Ngũ, Hội Thông, An Đâu, Cỏ, Hành, Sơn Chà, Nan, Bàn
Than, Lang (Bulati), Đá Khoan, Đồi Mồi, Khói, Tre (Khánh Hòa), Nồi, Tranh, Bà,
Khoai (Pulo Ubi), Thổ Châu (Pulo Panjang), Cổ Lôn, Con Ráy, Đất, Tre (Kiên
Giang). Cộng 12 hòn. Còn nhiều hòn chưa ghi tên ta như: Insula Piraturium,
I.Margaritarum, Septentrionisvia, Luzcinia, Sovel, Auztri Vigilia, Holland
Arenaria, Brittos Arenaria, G.Catwich, Pulo, Sâpto, Fratres.

alt 

Bản đồ Velho (1580)**

Tóm
lại, sau khi phân tích một số địa danh tiêu biểu, ta có thể nhận định về ANĐQHĐ
trên mấy đặc điểm dưới đây:

1)
Taberd ghi chép địa lý lịch sử Đàng Trong kĩ hơn Đàng Ngoài (số lượng địa danh
Đàng Trong phong phú hơn Đàng Ngoài). Địa danh phủ Gia Định bao hàm toàn địa
bàn Nam bộ, đã chuyển đổi thành trấn Gia Định từ năm 1802, nhưng Taberd vẫn ghi
dạng hành chính cũ. Long Xuyên đạo (Cà Mau) đổi thành Long Xuyên huyện năm
1808, nhưng Taberd không cập nhật và còn ghi nhầm tên một con sông lớn là sông Xuyên
Đạo.

2)
Taberd ghi chép địa danh và địa bàn 28 trấn theo sự phân bố của thời Gia long.
Năm 1832, Minh Mạng đổi 28 trấn cũ thành 29 tỉnh mới. Một số tỉnh được đổi cả
danh xưng. Thí dụ: trấn Vĩnh Thanh chia thành 2 tỉnh Vĩnh Long và An Giang. – về
hải khẩu Taberd ghi đến 54 tên cửa biển. Những tên này đều nằm trong danh sách
143 hải khẩu của Duyên hải lục do Gia Long thống kê năm 1817.

3)
Về dạng thức bản đồ, Taberd vẽ theo các bản đồ Tây phương cho đúng kinh tuyến
và vĩ tuyến. Nhưng khi ghi địa danh, Taberd sử dụng chính thức tài liệu của Việt
Nam.
Hầu như ông chỉ phiên âm từ Hán Nôm sang Quốc ngữ Latinh của những bản đồ do Quốc
sử quán đương thời cung cấp. Ông cũng ghi thêm địa danh mà người nước ngoài đặt
để trước khi biết đến địa danh thực tế của ta. Xin lấy thí dụ: Pulo Panjang seu
(hay là) Thổ Châu – Pulo Ubi – Hòn Khoai. – Pulo condor seu (hay là) Côn Nôn –
Tức Khmàu seu (hay là) Cà Mau – Mũi Vịnh Tàu seu (hay là) S.Jacobi prom. –Cù
lao Xanh seu (hay là) Cambir. – Hòn Lang seu (hay là) Bubati Insula. – Cù lao
Ré (hay là) Pulo Canton.v.v.. – Ở ngoài khơi Biển Đông gần vĩ tuyến 16 và kinh
tuyến 112 có ghi Parêcl seu (hay là) Cát Vàng. – Gần Cửa Tùng có ghi Hòn Cỏ – Tigris insula. – Còn một số địa danh theo tiến Tây phương
chưa tìm ra địa danh tiếng Việt, như đã nói ở trên. Cách ghi chú địa danh trong
và ngoài nước của Taberd giúp việc nghiên cứu những bản đồ cổ xưa Tây phương
tìm hiểu đất nước Việt Nam.

4)
Địa danh của ta thường có hai hình thức: địa danh hành chính và tục danh. Thí dụ:
Biên Hòa là địa danh hành chính có tục danh là Đồng Nai; Gia Định là địa danh
hành chính có tục danh là Sài Gòn; đảo Lý Sơn là địa danh hành chính có tục
danh là Cù lao Ré…Taberd đã ghi những địa danh hành chính cho các trấn và các
đơn vị hành chính lớnđể tránh sự nhầm lẫn, nhưng đã ghi rất nhiều tục danh nôm
na cho gần bàn dân thiên hạ, như Cái Mơn, Cái Nhum, Nhà bè, Đất Đỏ, Vườn Tràm,
Lái Thiêu, Hòn Nổi, Hòn Tre, Vũng Gù…Đặc biệt với quần đảo giữa Biển Đông có địa
danh hành chính là Hoàng sa (chữ Hán), Taberd đã ghi tục danh là Cát Vàng (Nôm)
mà người Tây phương gọi là Paracel. Địa danh Cát Vàng là tiếng Việt chỉ có ở Đại
Việt xưa và Việt Nam
nay, không thể ở đâu khác.

Tóm
lại, mặc dầu việc ghi địa danh có vài lỗi nhỏ như Long Xuên đạo thành Sông
Xuyên đạo hay Xương Tinh (Nước Stiêng) thành Tinh Xương, ANĐQHĐ của Giám mục
Taberd đích thực là một giá trị lịch sử mà không một đồ bản đương thời nào sánh
kịp./..

__________________
*Đã bỏ lối vẽ truyền thống Á đông xưa, mà theo phương pháp đồ bản Tây
phương khoa học hơn. Nhìn chung, bờ biển hình cong như chữ S, giống hệt như bản
đồ hiện đại vẽ trên các đường kinh tuyến và vĩ tuyến. Đặc biệt trên Biển Đông
có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Vạn Lý Trường Sa, vẽ thành một khối dài gồm
nhiều đảo nhỏ. Hình dáng khối đảo này cũng giống hình dáng quần đảo Paracel mà
các bản đồ Tây phương từ thế kỷ thứ XVI ghi chép về Biển Đông và đất nước
Việt Nam.
Như vậy, Đại Nam
nhất thống toàn đồ rất ứng hợp với các bản đồ thế giới suốt bốn thế kỷ. (Chú
thích dưới bản đồ
)

**Trích Bản đồ vô danh thế giới
(1560) theo Bartholomeu Velho, riêng phần biển Đông và đất nước Việt
Nam – khi ấy được ghi là Quachym tức Giao Chỉ. Các bản đồ Tây
phương đương thời cho tới thế kỷ XVII thậm chí thế kỷ XVIII mới vẽ đúng
bờ biển từ Mũi Cà Mau tới Cù Lao Chàm mà thôi. Hầu hết các bản đồ Tây
phương đều ghi vẽ khối quần đảo Paracel hay Pracel (Hoàng Sa) kéo dài
xuống Nam
gồm cả quần đảo Vạn Lý Trường Sa. Bản đồ này ghi rõ bờ biển Hoàng Sa
(Costa da Pracel) là ở Việt Nam. (Chú thích dưới bản đồ).

 (Theo Tạp chí “Xưa và Nay”)

RELATED ARTICLES

Tin mới