Wednesday, January 1, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHải ngoại kỷ sự - Tư liệu cổ về thực thi chủ...

Hải ngoại kỷ sự – Tư liệu cổ về thực thi chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa

altTrong khoảng cuối nhà Minh đầu nhà Thanh, những sách “An Nam du
ký” do người Trung Quốc viết không có bao nhiêu. Trừ tập “Hoa di biến thái” của
Nhật Bản, ghi chép những báo cáo của khách buôn thông thương với Quảng Nam, chỉ
có một số sách của người Trung Quốc như “An Nam cung dịch ký sự” của Chu Thuần
Thuỷ, “An Nam kỷ du” của Phan Đình Khuê, “An Nam tạp ký” của Lý Tiên Căn và “Hải
ngoại kỷ sự” của Thích Đại Sán. Đáng chú ý nhất trong số sách đó là cuốn “Hải
ngoại kỷ sự” do nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán viết năm 1696 sau chuyến thăm
Phú Xuân năm 1695. Đây là tác phẩm của người Trung Quốc viết về Quốc vương
(chúa Nguyễn) An Nam và hoạt động của triều đình An Nam tại Hoàng Sa và Trường
Sa (tức là Vạn Lý Trường Sa theo cách gọi của người Việt Nam và người nước
ngoài thời bấy giờ). Đây là tư liệu cổ chứng tỏ hoạt động thực thi chủ quyền của
Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được người nước ngoài biết
đến, trong đó có người Trung Quốc. Trong Quyển 3 của cuốn “Hải ngoại kỷ sự”,
Thích Đại Sán có đoạn chép về đường qua Biển Đông như sau:

“Khách có người bảo: mùa gió xuôi trở về
Quảng Đông chừng vào độ nửa tháng trước và sau mùa lập Thu. Chừng ấy gió Tây Nam thổi
mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng 4, 5 ngày đêm có thể đến Hổ Môn.[1]
Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần nổi lên, nước chảy về hướng Đông, sức
gió Nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về phía Đông, lúc đó sẽ khó giữ
được sự yên ổn. Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng dọc biển, chạy từ Đông Bắc
qua Tây Nam; đống cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển,
mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền đụng phải hẳn tan tành; bãi cát rộng hàng
trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể gọi là Vạn lý Trường
Sa, mù tít chẳng có cây nhà cửa. Nếu thuyền bị trái gió, trái nước mà lạc vào,
dẫu không tan nát cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy
cách Đại Việt 7 ngày đường, chừng 700 dặm.[2]
Quốc Vương[3] trước,
hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc từng bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các
thuyền hư hỏng dạt vào. Mùa thu nước ròng cạn rút về phía Đông, bị một ngọn
sóng đưa đi, thuyền có thể trôi xa hàng trăm dặm; sức gió chẳng mạnh sợ gặp hiểm
hoạ Trường Sa”.

Cuốn sách “Hải ngoại kỷ sự” là một
tài liệu cổ đáng tin cậy. Nguyên bản in sách này hiện còn được lưu giữ tại Đông
Dương Văn khố Nhật Bản và Quốc lập Trung ương đồ thư quán Trung Hoa. Thượng Hải
Tiến bộ thư cục tuyển đã tuyển chọn cuốn sách này vào bộ “Bút ký tiểu thuyết đại
quan” trong đó có đoạn giới thiệu “Hải ngoại kỷ sự” như sau :

“Sách này do Đại Sán Hán ông đời nhà
Thanh soạn, tất cả 6 quyển. Khang Hy năm Giáp Tuất, đáp ứng lời mời của Việt
vương, ông đi qua Quảng Nam; những nơi trải qua, sơn xuyên, hình thế, phong thổ,
tập tục ông đều ghi chép tất cả, xen lẫn những thơ văn rất tao nhã hứng thú.
Ông chính là một ẩn giả lánh mình trong cửa thiền vậy. Cừu Triệu Ngao bảo sách
này gồm có cái hay của Đỗ Thiếu Lăng, Liễu Tứ Hậu, có thể bổ khuyết những điều
mà các sách Sơn Hải Kinh, Hải Chí, Chức Phương Ký, Vương Hội Đồ chưa từng chép
đến…”.

Tứ
khố Toàn thư tổng mục đề yếu (quyển 78) cũng chép rằng :

“Hải
ngoại kỷ sự 6 quyển, bản sách do Quốc triều Thích Đại Sán biên soạn và Chiết
Giang Tuần vũ tìm thấy đem dâng. Đại Sán là Thiền sư ở chùa Trường Thọ, tỉnh Quảng
Đông. Mùa xuân năm Ất Hợi triều Khang Hy, Đại Việt Quốc vương mời qua thuyết pháp,
hơn một năm lại trở về, nhân ghi chép phong thổ nước ấy và những điều nghe thấy
trong khi qua lại trên đại dương. Đại Việt quốc tiên là rể của nước An Nam, chia cứ Nam biên, xưng hiệu Đại Việt.”

Những ghi chép của Thích
Đại Sán trong cuốn “Hải ngoại kỷ sự” về việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối
với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng trùng hợp với ghi nhận của các giáo
sĩ phương Tây 5 năm sau đó (năm 1701) về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đó là : “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An
Nam”. Người phương Tây thời kỳ đó gọi chung hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là
Paracel. Ghi nhận trên được chép trong những lá thư của các giáo sĩ phương Tây ở
Trung Quốc và được tác giả Jean Yves Clayes đưa vào bài viết của mình với tiêu đề
“Điều huyền bí của các vành đai san hô – Nhật ký chuyến đi quần đảo Paracels”
đăng trên tạp chí Indochine (Đông Dương), số 46 năm 1941.[4] Tác giả trích dẫn đoạn nói
về nỗi kinh hoàng khi qua quần đảo Paracels năm 1701 trong những lá thư của các
giáo sĩ phương Tây ở Trung Quốc như sau:

Tàu nhổ neo,
gió rất thuận và chỉ trong một thời gian ngắn đã đến ngang tầy mỏm đá Paracel.
Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đó là bãi đá ngầm khủng khiếp
có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó – Nó trải
dọc theo bờ biển xứ Cochinchina (Đàng Trong). Tàu Amphitrite lần đầu tiên du
hành đến Trung Quốc đã suýt nữa thì bị đắm… có chỗ lối đi chỉ có 4,5 sải
nước, nếu thoát được nguy hiểm ở đây thì như có một phép lạ… Bị đắm tàu trên
những tảng đá khủng khiếp đó hoặc bị lạc mất không còn tí nguồn dự trữ nào thì
hầu như cũng như nhau mà thôi…”.

Tóm lại, “Hải ngoại kỷ
sự” cùng với những ghi chép của các giáo sĩ phương Tây vào cuối thế kỷ 17 và đầu
thế kỷ 18 là những tài liệu cổ đáng tin cậy đã xác nhận hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa (mà Thích Đại Sán nhắc đến với cái tên là Vạn lý Trường Sa và các giáo
sĩ phương Tây gọi là Paracel thời bấy giờ) thuộc Vương quốc An Nam./.

Nguyễn Kim


[1] Hổ Môn là
một trong những cửa dông Châu Giang thuộc tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc.

[2] Theo
Nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân trong Lời dịch trong Hải ngoại ký sự,
blog Đông A1, canh ở đây là chỉ độ dài khoảng cách, là đơn vị đo chiều dài ngày
xưa. Tức quãng ấy cách Đại Việt 7 canh đường, chừng 700 dặm.

[3] Quốc vương
trong đoạn trích dẫn trên là chỉ Chúa Nguyễn thời đó.

[4] Tên
tiếng Pháp của bài viết của Jean Yves Clayes
là “Mystère des atolls -Journal de voyage aux Paracels”.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới