Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHÌN LẠI CUỘC CHIẾN TRƯỜNG SA 1988

NHÌN LẠI CUỘC CHIẾN TRƯỜNG SA 1988

alt

Trận đánh bảo vệ
Trường Sa của những người lính hải quân Việt Nam ngày 14 tháng 3 năm 1988 là một
sự kiện quan trọng trong chuỗi mắt xích các diễn biến tranh chấp phức tạp ở biển
Đông. Nhìn nhận lại sự kiện này trong bối cảnh tình hình hiện nay sẽ không chỉ
làm cho dư luận khu vực và thế giới hiểu rõ hơn bản chất của sự việc, mà còn giúp
người ta rút ra được những bài học và kinh nghiệm quý báu cho việc giữ gìn hoà
bình, ổn định trong khu vực biển này.

Cuộc chiến Trường Sa

Trong những tháng
đầu năm 1988, Hải quân Trung Quốc cho quân chiếm đóng một số bãi đá thuộc khu
vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chiếm
giữ Đá Chữ Thập ngày 31 tháng 1, Châu Viên ngày 18 tháng 2, Ga Ven ngày 26 tháng
2, Huy Gơ ngày 28 tháng 2 và Xu Bi ngày 23 tháng 3.[1]

Hải quân Việt Nam
đưa vũ khí, khí tài ra đóng giữ tại các đảo Đá Tiên Nữ ngày 26 tháng 1, Đá Lát ngày
5 tháng 2, Đá Lớn ngày 6 tháng 2, Đá Đông ngày 18 tháng 2, Tốc Tan ngày 27 tháng
2 và Núi Le ngày 2 tháng 3, bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi
chiếm đóng của hải quân Trung Quốc ra các đảo lân cận.

Sau khi đưa quân
chiếm đóng các đảo chìm Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi, Huy Gơ, hải quân
Trung Quốc cũng đang có ý đồ chiếm giữ ba đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

Đầu tháng 3 năm
1988, Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo
Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên lên 9 đến 12 tàu chiến gồm:
1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3
tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông – tông lớn.

Ngày 14 tháng 3, chiến sự diễn ra ác liệt tại khu vực các
đảo Gạc Ma, Cô Lin, và Len Đao. Lực lượng tham chiến trực tiếp của phía Việt
Nam trong trận đánh này bao gồm tàu HQ-604, tàu HQ-605 và tàu HQ-505, hai phân
đội công binh 70 người và bốn tổ chiến đấu.

Mặc dù so sánh lực
lượng chênh lệch, phương tiện, vũ khí hạn chế, những người lính hải quân Việt
Nam đã chiến đấu dũng cảm, bảo vệ được chủ quyền của Việt Nam tại các đảo Cô
Lin và Len Đao. Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma từ ngày 16 tháng 3 năm 1988 và vẫn
giữ cho đến nay.

Trong trận chiến
ngày 14 tháng 3 năm 1988, Việt Nam bị thiệt hại 3 tàu, 3 người hy sinh, 11
người khác bị thương, 70 người bị mất tích. Sau này, Trung Quốc đã trao trả cho
phía Việt Nam 9 người bị bắt, 61 người vẫn mất tích và được coi là đã hy sinh.

Nguyên nhân cuộc chiến

Theo phía Trung
Quốc thì trong khi các tàu của họ đang bỏ neo để yểm trợ cho một nhóm nghiên
cứu thăm dò mỏ dầu ở đây thì Hải quân Việt Nam nổ súng tấn công, vì thế hải
quân Trung Quốc bắt buộc phải tự vệ. Khi hạm đội Trung Quốc di chuyển tới
Trường Sa, Trung Quốc lấy danh nghĩa đưa phái đoàn khoa học Liên hợp quốc đi khảo sát. Sau này Chính
phủ Trung Quốc tuyên bố rất tiếc về diễn biến đã xảy ra. Tổ chức Liên Hợp Quốc
thì khẳng định tổ chức này không có đoàn khảo sát nào ở Trường Sa trong thời
gian đó.[2]

Tuy vậy, nguyên nhân
thực sự của những diễn biến quân sự năm 1988 là quyết tâm của Trung Quốc sử dụng
vũ lực để tiến xuống quần đảo Trường Sa, chiếm giữ bất hợp pháp một số đảo đá,
nhằm đặt chân lên quần đảo này.

Nhìn nhận cuộc chiến Trường Sa dưới ánh sáng của luật
pháp quốc tế

Những
hành động đánh chiếm các đảo đá ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông bằng vũ lực
của Trung Quốc vào đầu năm 1988 là một sự vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc
cơ bản nhất của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và
đe doạ sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia
khác, đã được ghi nhận trong điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc.

Hành động trên của Trung Quốc thực chất
là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam. Bởi vì, cho đến ngày bị Pháp
đô hộ, triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục thực thi chủ quyền trên hai quần
đảo Trường Sa và Hoàng Sa một cách hòa bình, không có nước láng giềng nào cạnh
tranh hoặc phản đối. Trước khi rút khỏi Việt Nam,
Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam
quyền quản lý các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chính quyền Sài Gòn, Chính
phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền nam Việt Nam, và sau năm 1975, là nước
Việt Nam thống nhất đều thực hiện chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo
Trường Sa và Hoàng Sa.

Hệ quả pháp lý

Theo
luật pháp quốc tế, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo, đá ở quần
đảo Trường Sa không giúp Trung Quốc tạo ra được chứng cứ  hợp pháp để khẳng định chủ quyền của mình đối
với các đảo, đá này. Như Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội
đồng Liên hợp quốc đã nêu rõ : “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối
tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định
của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng
của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử
dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ
lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”. 

Ý nghĩa của cuộc chiến bảo vệ Trường Sa

Cuộc chiến bảo vệ ba
đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao ở Trường Sa của những người lính Việt Nam vào
ngày 14 tháng 3 năm 1988 có một ý nghĩa lịch sử to lớn mang tầm vóc quốc gia và
khu vực.

Một là, qua cuộc
chiến này những người lính Việt Nam
đã chứng minh rằng Việt Nam
có đủ sức mạnh vật chất và tinh thần để bảo vệ chủ quyền của tổ quốc mình ở
quần đảo Trường Sa. Chỉ với các phương tiện quân sự cũ kỹ và lạc hậu, nhưng với
lòng quả cảm vô biên, những người lính hải quân của Việt Nam đã bảo vệ được chủ
quyền thiêng liêng của Việt Nam trên hai đảo Cô Lin và đảo Len Đao; chỉ chịu
mất đảo Gạc Ma sau khi người lính cuối cùng ngã xuống trên đảo này.

Hai là, chiến công
của những người lính Việt Nam trong trận đánh ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã đóng
góp quan trọng cho việc ngăn chặn bước tiến bành trướng của Trung Quốc ở biển
Đông, bước đầu làm nhụt đi ý chí dùng vũ lực để độc chiếm biển Đông của Trung
Quốc, góp phần giữ được cục diện trên khu vực biển này như ngày nay.

Như vậy, sự hy
sinh của những người lính Việt Nam
trong cuộc chiến bảo vệ Trường Sa không phải là vô ích. Họ không chỉ lập nên một
kỳ tích quân sự hiển hách. Họ đã dùng máu của mình để viết nên một trang chói lọi
trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Họ không chỉ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc mình trên biển, mà còn góp
phần giữ gìn sự bình yên cho cả khu vực biển Đông. Họ là những người anh hùng,
sống mãi trong lòng nhân dân./.

Thành Nam



[1] Lịch sử cục tác chiến, NXB Quân đội nhân dân,
2005. Chương III – Giai đoạn 3 (từ 3 năm 1979 đến 1989).

[2] “South China Sea Treacherous Shoals”, tạp
chí Far Eastern Economic Review, 13 Aug 92: 14-17.

RELATED ARTICLES

Tin mới