BienDong.Net: Bắc Kinh sẽ "thực hiện các biện pháp cần thiết", bao gồm cả hành động quân sự, để bảo vệ quyền lợi ở Biển Đông, bài xã luận trên tờ Global Times, phụ bản của báo chính thống Nhân dân Nhật báo đã lên tiếng như vậy hôm 21/6.
Lời lẽ nêu trên là cảnh báo cứng rắn nhất từ phía Trung Quốc trong thời điểm căng thẳng tại khu vực này lên cao liên quan đến chủ quyền biển đảo, đài phát thanh Mỹ VOA bình luận.
Global Times cho rằng, nếu không đạt được một giải pháp hòa bình trong tranh chấp ở Biển Đông sẽ dẫn tới việc huy động cảnh sátbiển và lực lượng hải quân, nếu cần thiết, "để bảo vệ quyền lợi của TrungQuốc".
"Tùy thuộc tình hình diễn biến thế nào, Trung Quốc phải sẵn sàng cho hai phương án: đàm phán để đạt được một giải pháp hòa bình hoặc đáp lại khiêu khích bằng các cuộc phản công chính trị, thậm chí là quân sự", bài xã luận viết..
Bài báo dẫn ra các phương án : "Đầu tiên Trung Quốc sẽ đối phó bằng lực lượng cảnh sát trên biển, và nếu cần thiết sẽ phản công bằng hải quân.
Trước đó, tờ Văn Hối, được cho là tiếng nói của Bắc Kinh ở đặc khu Hồng Công cảnh báo rằng người Trung Quốc sẽ "có đòn phản kích" chứ "quyết không ngồi nhìn".
Trong một bài xã luận, Văn Hối chỉ rõ rằng thông qua hai cuộc diễn tập hải quân ở khu vực Biển Đông, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cảnh cáo rõ ràng: “Cho dù chủ trương giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng phương thức hòa bình, nhưng Trung Quốc cũng đã làm tốt các công tác chuẩn bị cần thiết về mặt quân sự, có đủ quyết tâm và thực lực để bảo đảm lợi ích cốt lõi của đất nước không bị xâm phạm”.
Đồng thời, Quân đội Trung Quốc đã “bày thế trận sẵn sàng chờ quân địch”, “quyết không ngồi đó để nhìn” những hành động xâm phạm chủ quyền quá đáng mà nhất định sẽ có đòn “phản kích mạnh mẽ”.
Ảnh: Tàu chiến Trung Quốc
Trong khi đó, lên tiếng trên tờ tờ South China Morning Post hôm 22/6, tướng TQ về hưu Xu Guangyu tuyên bố Trung Quốc cần phải có hành động mạnh mẽ để kéo đối phương vào bàn thương lượng. Dự kiến sẽ có thêm nhiều hoạt động tuần tra, tập trận và tàu ngư chính được cử đến khu vực biển Đông”.
Các nước ASEAN lo ngại
Những lời lẽ như thế này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp biểu dương lực lượng trên Biển Đông đã gây lo ngại trong các nước ASEAN và những người quan tâm.
Hôm 22/2, tờ Nation của Thái Lan đăng bình luận chỉ rõ: “Bầu khôngkhí yên lành ở Biển Đông trước đây đã thực sự bị phá vỡ. Trong vài tháng trở lại đây, rõ ràng căng thẳng đã tăng thêm gấp bội. Nếu bầu không khí tiếp tục nóng lên, nó có thể trở nên sôi sục. Với lời lẽ cứng rắn của Bắc Kinh, người ta rất khó có thể thấy được một sự khai thông nào trong các cuộc thảo luận về những đường hướng nhằm thực thi tuyên bố về qui tắc ứng xử tại biển Đông.
Bài báo cho rằng cả Trung Quốc và ASEAN giờ đây phải tìm giải pháp chung qua đó có thể cùng nhau làm việc nhằm thúc đẩy sự hợp tác chung tại biển Đông, nếu như các đường hướng hiện nay vẫn là một trở ngại. Điều này chỉ có thể xảy ra sau khi Trung Quốc đánh giá lại chính sách và lập trường của họ đối với ASEAN sau rất nhiều những sự cố ở Biển Đông.
Trên báo Hoa Nam Buổi Sáng (Hong Kong) số ra ngày 20-6, chuyên gia người Trung Quốc Vương Hướng Vĩ cảnh báo xung đột vũ trang trên biển Đông là điều không quốc gia nào trong khu vực mong muốn, và sẽ dẫn đến những hậu quả mang tính thảm họa cho khu vực. Tác giả khuyến cáo giới lãnh đạo Bắc Kinh cần hiểu rõ tình trạng xấu đi trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. “Về lâu dài, Trung Quốc cần từ bỏ thái độ “kẻ cả” và nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á”.
Trên báo Straits Times, GS Amitav Acharya thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á(Singapore) cũng cho rằng nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách gây hấn trên biển Đông thì “điều đó sẽ gây tổn thất quá lớn cho chính Trung Quốc, ngăn cản sự tiếp cận của Trung Quốc đối với các tuyến hàng hải quan trọng ở Ấn Độ Dương và các nơi khác”. GS Acharya nhấn mạnh Trung Quốc cần nghiêm túc và sẵn sàng đối thoại với ASEAN. “Một cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN ở cấp ngoại trưởng sẽ là kịp thời và có hiệu quả” – ông nhấn mạnh.