Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBƯỚC TIẾN MỚI CỦA TRUNG QUỐC TRÊN CON ĐƯỜNG BÀNH TRƯỚNG...

BƯỚC TIẾN MỚI CỦA TRUNG QUỐC TRÊN CON ĐƯỜNG BÀNH TRƯỚNG BIỂN ĐÔNG

altSáng ngày
26 tháng 5 năm 2011, ba tàu chiến của Trung Quốc dưới danh nghĩa tàu hải giám
đã ngang nhiên cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 2 của Tập Đoàn dầu
khí Việt Nam tại vùng biển của Việt Nam, làm hỏng một số thiết bị của tàu và
gây thiệt hại lớn về kinh tế. Sau đó, ba tàu này tiếp tục uy hiếp tàu Bình Minh
2, cản trở hoạt động của tàu này cho đến 9h sáng hôm đó.

Vị trí mà ba tàu hải
giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 2  chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Tỉnh Phú Yên
khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, nằm cách
bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 340 hải lý. Ngay sau khi bị phía Việt
Nam phản đối về việc các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm các quyền chủ quyền
của Việt Nam, ngày 28 tháng 5 năm 2011 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Khương Du tuyên bố: việc Việt Nam tiến hành thăm dò dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền
pháp lý của Trung Quốc, làm tổn hại lợi ích và quyền quản lý của Trung Quốc tại
biển Đông; những gì mà tàu hải giám Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát
và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài
phán của Trung Quốc; và những hoạt động đó phù hợp với luật biển quốc tế. Người
phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lớn tiếng đề nghị Việt Nam chấm dứt
các hoạt động trái phép ở vùng biển có tranh chấp ở biển Đông và kiềm chế không
gây thêm căng thẳng. Thế là vừa ăn cướp, vừa la làng, Trung Quốc ngang nhiên
biến nạn nhân của hành động ăn cướp của mình thành kẻ cướp; biến vùng biển của
nước khác thành vùng biển nước mình; và biến các việc làm phi nghĩa thành chính
nghĩa. Để dư luận hiểu rõ về vụ tàu Bình Minh 2 và hệ luỵ của nó, bài viết này phân
tích vụ việc dưới góc độ của luật pháp quốc tế, ý đồ của Trung Quốc trong việc
“cụ thể hoá” tham vọng độc chiếm biển Đông, trong đó các vùng biển của Việt Nam
và những việc Việt Nam có thể làm để bảo vệ chủ quyền, các quyền tài phán trong
các vùng biển của mình.

NHÌN NHẬN VỤ VIỆC TÀU BÌNH MINH 2 DƯỚI ÁNH
SÁNG CỦA LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

Cơ sở để đánh giá vụ việc này là
những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Công ước luật biển năm 1982
của Liên hợp quốc trong đó quy định rõ phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng
biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển.

Theo điều 76 của Công ước, thềm lục
địa của quốc gia ven biển có chiều rộng tối thiểu 200 hải lý, ngay cả khi rìa ngoài
của thềm lục địa của quốc gia ven biển hẹp hơn 200 hải lý. Trong trường hợp rìa
ngoài của thềm lục địa của quốc gia ven biển vượt quá giới hạn 200 hải lý thì
quốc gia đó có quyền mở rộng phạm vi thềm lục địa đến 350 hải lý theo đúng các
quy định của Công ước, nhưng với điều kiện là quốc gia ven biển đó phải gửi Báo
cáo quốc gia về thềm lục địa mở rộng đến Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên
hợp quốc để Ủy ban này xem xét và chấp nhận. Về quy chế pháp lý của thềm lục
địa, điều 77 của Công ước luật biển năm 1982 quy định quốc gia ven biển có các quyền
chủ quyền, trong đó có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở
trong thềm lục địa của mình. Các quyền chủ quyền nói trên có tính đặc quyền. Có
nghĩa là nếu một quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai
thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành
các hoạt động như vậy, nếu không có sự thoả thuận rõ ràng của quốc gia ven biển
đó. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự
chiếm hữu thật sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào. Các
tài nguyên thiên nhiên được nhắc đến ở trên bao gồm tài nguyên khoáng sản và
tài nguyên phi sinh vật khác ở đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Các quốc gia
ven biển cũng có quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng,
khai thác và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình ở thềm lục
địa của mình. Cách thức thực hiện các quyền chủ quyền trên thềm lục địa của
mình hoàn toàn do các quốc gia ven biển có thềm lục địa đó quyết định. Các quốc
gia này có thể tự mình tiến hành thăm dò và khai thác tài nguyên ở thềm lục địa
hoặc có thể cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài thăm dò và khai thác.

Theo điều 57 của Công ước luật biển
1982, quốc gia ven biển có quyền xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý
kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Tại vùng biển này, quốc gia
ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và
quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước
bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những
hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng biển này vì mục đích kinh tế như
việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Quốc gia ven biển có quyền
tài phán theo đúng những quy định của Công ước về việc lắp đặt và sử dụng các
đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ
và giữ gìn môi trường biển cũng như các quyền và nghĩa vụ khác do Công ước quy
định.

Việt Nam có quyền chủ quyền đối với
thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình
đúng theo các quy định của Công ước luật biển năm 1982. Đoạn 3 và 4 trong Tuyên
bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của
Việt Nam đã quy định rõ điều này. Thực hiện quyền chủ quyền theo đúng Công ước luật
biển năm 1982, từ những năm 80 của thế kỷ 20 Nhà nước Việt Nam đã triển khai
các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý và
thực thi các quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Việc làm
này của Việt Nam là hết sức bình thường. Các quốc gia khác ven biển Đông như
Trung Quốc, Phillippines, Indonesia, Brunei, Campuchia, Thái Lan, Malaysia cũng
đã làm như vậy.

Vụ Bình Minh 2 không liên quan đến vùng
tranh chấp chủ quyền mà xảy ra trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền
tài phán của Việt Nam.
Do đó, việc Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu
khí Việt Nam vào sáng ngày 26 tháng 5 năm 2011 là hành vi xâm phạm nghiêm trọng
quyền chủ quyền  của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình và vi phạm
nghiêm trọng những quy định của Công ước luật biển năm 1982. Là một thành viên
của Công ước, Trung Quốc được hưởng quyền và có trách nhiệm tôn trọng quyền của
các quốc gia thành viên khác; đồng thời có nghĩa vụ tôn trọng những cam kết
quốc tế mà họ đã chấp nhận khi tham gia Công ước. Đó chính là một nguyên tắc
rất cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại – nguyên tắc “pacta sun servanda” –
đã được pháp điển hoá trong Công ước 1969 về luật điều ước quốc tế của Liên hợp
quốc. Việc làm này cũng vi phạm Hiến chương Liên hiệp quốc  và 5 nguyên
tắc cùng tồn tại hòa bình mà Trung Quốc là một trong những nước khởi xướng,
cũng như đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và
ASEAN năm 2002, vi phạm những cam kết quốc tế được công nhận rộng rãi khác mà
Trung Quốc đã ký kết và công nhận.

alt
Một điểm đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Internet.

Như vậy, xét từ bình diện pháp lý quốc
tế cũng như chính trị, việc tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Việt Nam là
hành động phi pháp, hoàn toàn không thể biện minh được. Hành động đó không có
lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực. Nhưng vụ tàu Bình
Minh 2, chỉ là một bước khởi đầu cho một quá trình mới với những hiểm nguy mới.
Người Việt Nam
cần tỉnh táo nhận diện được rõ các hiểm nguy này, không sợ hiểm nguy. Né tránh
hiểm nguy sẽ chỉ làm tăng mối hoạ khiến người Trung Quốc lầm tưởng đó là sự bạc
nhược. Sợ hãi không đẩy lùi được hiểm hoạ. Như ông Đại tướng Lê Đức Anh chỉ ra:
“Nếu sợ thì mất. Mất chỗ mà người ta muốn chiếm. Không sợ thì mình có cách đấu
tranh để vừa giữ được chủ quyền, vừa giữ được hoà bình”. Có những thời điểm phải
biết đối mặt. Đó là vấn đề sống còn. Đây là giờ phút người Việt Nam phải
đối mặt với chủ nghĩa bành trướng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mình.

Ý ĐỒ SÂU
XA CỦA TRUNG QUỐC

Nếu nhìn nhận một cách riêng rẽ, người
ta có thể coi việc ba tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò của tàu Bình
Minh 2 chỉ là hành vi xâm phạm nghiêm trọng các quyền chủ quyền và quyền tài
phán của Việt Nam. Nhưng nếu đặt vụ việc trong một xâu chuỗi các sự kiện diễn
ra trước đó và tuyên bố của bà Khương Du, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao
Trung Quốc, thì có thể thấy đằng sau sự việc này là một ý đồ sâu xa lâu dài:
Đây là một trong những bước tiến mới nhằm “cụ thể hoá” tham vọng độc chiếm biển
Đông với các mục tiêu cụ thể là:

– Chiếm nốt các đảo trong quần đảo
Trường Sa; khẳng định chủ quyền trên thực tế đối với hai quần đảo này nhằm lấy
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa làm các điểm 
cơ sở để xác lập các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc ở
biển Đông.

– Chiếm toàn bộ vùng biển nằm trong
đường lưỡi bò, tức là 80% diện tích biển Đông. Vùng biển trong con đường này
trùm lên hầu như toàn bộ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước, trong
đó có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong khu vực biển này.

– Chiếm toàn bộ tài nguyên dầu khí và
tài nguyên cá ở  vùng biển nằm trong
đường lưỡi bò, tức là phần lớn nguồn tài nguyên nằm trong thềm lục địa và trong
vùng đặc quyền kinh tế của các nước liền kề biển Đông, trong đó có tài nguyên
nằm trong thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Người Trung
Quốc nhẩm tính biển Đông chứa  hơn 50 tỉ
tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí – tức là gấp khoảng 25 lần trữ
lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc – và họ nóng lòng chiếm đoạt
nguồn năng lượng khổng lồ này để giải quyết cơn khát năng lượng nhằm đáp ứng
nhu cầu tăng trưỏng kinh tế của mình.

Trung Quốc không hề giấu giếm ý đồ độc
chiếm biển Đông của mình. Mới đây, trong các công hàm gửi Liên hợp quốc, họ liên
tục tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với các đảo
trong biển Đông (mà họ gọi là biển Nam Trung Hoa) và các vùng biển kế cận, và
cho rằng họ có quyền thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng biển
này. Họ tuyên bố chủ quyền, các quyền và quyền tài phán liên quan của Trung
Quốc tại biển Đông được hỗ trợ bằng các bằng
chứng lịch sử và pháp lý phong phú.

Trong bối cảnh cả thế giới đang ngập
chìm trong khủng hoảng kinh tế và sức mạnh của Trung Quốc gia tăng chưa từng có,
giới hiếu chiến ở Trung Quốc cho rằng lúc này có thể là thời cơ chiếm đoạt biển
Đông bằng sức mạnh: trước hết là sức mạnh mềm, và nếu sức mạnh mềm không đạt
kết quả thì sử dụng sức mạnh cứng – tức là dùng vũ lực như Trung Quốc đã từng
làm để chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa năm 1974, chiếm đoạt một phần quần đảo
Trường Sa năm 1988 và năm 1995.

Như vậy, cũng như các nước tranh
chấp khác trong khu vực, chủ quyền biển đảo, mà trước hết là thềm lục địa và
vùng đặc quyền kinh tế, của Việt Nam đang đứng trước một nguy cơ của một cuộc
xâm lăng trên biển với quy mô chưa từng có trong lịch sử khu vực và thế giới. Trong
khi chưa có khả năng chiếm đoạt toàn bộ quần đảo Trường Sa, trước mắt Trung
Quốc có thể tập trung nỗ lực để lấn chiếm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh
tế của Việt Nam – không gian sinh tồn quan trọng của dân tộc Việt Nam.

VIỆT NAM CÓ THỂ CHẶN BƯỚC
TIẾN CỦA TRUNG QUỐC VÀO THỀM LỤC ĐỊA VÀ VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ CỦA MÌNH HAY
KHÔNG ?

Xem xét vấn đề từ nhiều góc
độ và đặt vấn đề trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, người ta có thể rút
ra một nhận xét: Ý đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc không thực thi vào thời
điểm này; và người Việt Nam có những điều kiện rất thuận lợi để chặn được bước
tiến của Trung Quốc vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, bởi
vì:

Một là, Việt Nam có cơ sở pháp lý
vững chắc để bảo vệ các quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng biển của mình:
đó là những quy định của Công ước luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc – một
bản Hiến pháp của đại dương – đã được hầu hết các nước trên thế giới, trong đó
có Trung Quốc, tham gia. Các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam
trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là các quyền đương nhiên, không
một ai có thể tước đoạt được. Rất nhiều quốc gia nhỏ bé này trên thế giới không
có không quân, không có hải quân, nhưng cho đến nay, họ chưa mất một km2 biển nào.
Chính cơ sở pháp lý này là một bảo đảm quốc tế quan trọng để hàng trăm quốc gia
ven biển nhỏ bé khác thực thi và bảo vệ các quyền chủ quyền và quyền tài phán
trong vùng biển của mình.

Có cơ sở pháp lý vững chắc đó,
người Việt Nam
có chính nghĩa. Có chính nghĩa thì người Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ rộng
rãi của các nước trong khu vực và trên thế giới trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ
quyền biển, đảo của mình.

Hai là, người Việt Nam có
đủ sức mạnh quân sự trong cuộc chiến để thực thi và bảo vệ các quyền chủ quyền
và quyền tài phán, bảo vệ tài nguyên tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế
của mình. Cuộc chiến bảo vệ tài nguyên trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền
của một quốc gia ven biển khác hoàn toàn với một cuộc chiến tranh  trên biển. Để có thể chiến thắng trong cuộc
chiến tranh trên biển, các nước tham chiến phải có lực lượng hải quân, không
quân đủ mạnh để đè bẹp đối phương. Để thắng trong cuộc chiến bảo vệ tài nguyên,
quốc gia ven biển chỉ cần có một sức mạnh vừa phải, thậm chí là rất nhỏ, cũng
có thể cản phá những hoạt động khai thác tài nguyên, đặc biệt là khai thác dầu
khí, của đối phương. Không một hạm đội hải quân nào, không một lực lượng tàu
ngầm hay không quân nào, dù hiện đại đến đâu, có thể bảo vệ nổi một giàn khoan
cố định nằm thềm lục địa của quốc gia ven biển khác trong một thời gian dài.

Người Việt Nam tránh
mọi cuộc chiến tranh trên biển, nhưng luôn chuẩn bị một tiềm năng quân sự cần
thiết để chặn đứng mọi hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trong các
vùng biển của mình.

Ba là, người Việt Nam có
đủ sức mạnh tinh thần và nghị lực để đánh bại bất kỳ cuộc xâm lăng nào. Mỗi khi
đất nước bị lâm nguy, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một đều đoàn
kết lại, tạo thành một sức mạnh như triều dâng, thác đổ. Nhờ có sức mạnh này,
trong hàng ngàn năm qua dân tộc Việt Nam đã chiến thắng trong tất cả các
cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc ngay cả
trong những điều  kiện hết sức hiểm
nghèo. Với thế và lực hiện nay, với tinh thần yêu nước và truyền thống lịch sử
chống ngoại xâm oanh liệt, người Việt Nam có đủ khả năng để thực thi bảo vệ chủ
quyền, các quyền chủ quyền trong vùng biển của mình.

Ngay sau sự kiện tàu Bình
Minh 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam
đã gửi đi một thông điệp quan trọng:
hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững
chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tại Diễn
đàn an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương Shangri-La diễn ra từ ngày 3 đến
ngày 6 tháng 6 vừa qua tại Singapore, những người lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt
Nam đã lên án hành động vừa qua của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và
Tuyên bố về Ứng xử trên biển Đông DOC được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm
2002, gây lo ngại cho Việt Nam và các nước trong khu vực; đồng thời khẳng định:
“Lập trường kiên quyết của đảng và nhà nước chúng tôi là chúng tôi sẽ sử
dụng đến tất cả mọi phương tiện để bảo vệ chủ quyền của chúng tôi”. Trong
bài phát biểu quan trọng tối ngày 8 tháng 6 năm 2011 tại Nha Trang nhân dịp
Tuần lễ biển, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rõ ràng: “Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể
tranh cãi của Việt Nam
đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Đồng thời, ông khẳng định:“Nhân
dân Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ
gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”. Đó cũng là thông điệp
của cả dân tộc Việt Nam.

Bốn là, bối cảnh thế giới và
khu vực về cơ bản là thuận lợi cho cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo
của Việt Nam. Thế giới mà chúng ta đang sống, dù đã có nhiều thay đổi sau cuộc
chiến tranh lạnh, nhưng vẫn là một thế giới dựa trên một trật tự pháp lý quốc
tế và cơ chế an ninh tập thể được tạo dựng nên sau Chiến tranh thế giới lần thứ
hai. Trong thế giới này, vũ lực bị loại ra khỏi vòng luật pháp. Hầu hết các
nước và các dân tộc đều muốn sống trong hoà bình và ổn định để phát triển và để
giải quyết với các vấn đề toàn cầu, không muốn có chiến tranh, xung đột, bành
trướng và bá quyền. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo của
thời đại chúng ta, của khu vực biển Đông. Bất kỳ quốc gia nào đi ngược lại xu
thế đó của lịch sử sẽ bị cô lập, phải trả giá rất đắt và nhất định sẽ thất bại.

Năm là, Việt Nam không đơn độc trong cuộc đấu tranh
bảo vệ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tham vọng bành trướng
với những yêu sách chủ quyền hết sức ngang ngược, phi lý và phi nghĩa của Trung
Quốc thách thức an ninh, lợi ích của tất cả các nước trong và ngoài khu vực và
bị cả cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ. Chắc chắn rằng các nước Đông Nam Á và
các nước ngoài khu vực, đặc biệt là các nước lớn, có lợi ích thiết thân tại khu
vực biển Đông không để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm; không để cho Trung
Quốc tước đoạt những quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong khu vực biển này. Truớc
những hành động gây hấn, hiếu chiến của Trung Quốc ở biển Đông, các nước trong
khu vực đã tăng cường đáng kể khả năng quân sự và xích lại với nhau để tự vệ.
Người Mỹ chớp ngay lấy thời cơ này để tăng cường sự hiện diện trong khu vực, cổ
vũ các nước trong khu vực biển Đông liên kết ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng. Tại
Diễn đàn an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Shangri-La vừa qua,
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo rằng có những “quan
ngại ngày càng gia tăng”
về hành động khiêu khích gần đây của Trung
Quốc ở biển Đông và các vùng biển tranh chấp khác tại châu Á. Theo Reuters, trên đường đi đến Diễn đàn đối thoại
Shangri-La, ông Robert Gates tiếp tục khẳng định lại cam kết của Mỹ đối với an
ninh khu vực bất chấp kế hoạch cắt giảm chi tiêu quân sự và thay đỏi ban lãnh
đạo Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông nói:
“Ngay cả khi chúng tôi xem xét cắt
giảm ngân sách, không có sự giảm sút trong cam kết của Mỹ đối với khu vực. Chúng
tôi là một quốc gia Thái Bình Dương, sẽ vẫn can dự và tiếp tục xây dựng quan hệ
với các bạn bè, đối tác và đồng minh ở châu Á”. Ông Robert Gates bảo đảm với
khu vực rằng: “chúng tôi vẫn duy trì các cam kết trong khu vực và chúng tôi có
cả khả năng cũng như quyết tâm để làm điều đó”.

Sáu là, trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, ý
đồ chiếm đoạt thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng,
trong đó có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quả thật là một
việc bất khả thi. Những hành động gây hấn, hiếu chiến của Trung Quốc không doạ
nạt được ai. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đoạt vùng biển và tài nguyên
của nước khác thì nhất định sẽ thất bại vì mấy lý do sau đây:

– Việc sử dụng
vũ lực trong quan hệ quốc tế là trái với những nguyên tắc cơ bản của luật pháp
quốc tế đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và sẽ bị cả thế giới lên
án.

– Trung Quốc
không có cơ sở pháp lý quốc tế nào để bào chữa cho hành động coi vùng biển của
các nước khác là vùng biển của mình, biến hành vi xâm phạm các quyền chủ quyền
của các nước khác thành hành động “thực thi chủ quyền” của Trung Quốc. Hai lý lẽ
mà người Trung Quốc gọi là cơ sở lịch sử và pháp lý để tuyên bố chủ quyền ở biển
Đông đều hết sức vô lý, ngang ngược và không thuyết phục được ai. Tự vẽ một đường
đứt khúc chín đoạn để yêu sách toàn bộ các quần đảo tại biển Đông và 80% diện tích
khu vực biển này, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước
trong khu vực, trong đó có Việt Nam, rõ ràng là hành động phi pháp, không có cơ
sở pháp lý quốc tế và đã bị các nước khác trong khu vực và trên thế giới phản đối
mạnh mẽ. Lý lẽ Trung Quốc có “chủ quyền lâu đời” – thậm chí lâu đến 2000 năm – đối
với hai quần đảo quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để lấy đó làm các điểm cơ sở xác
lập các vùng biển phụ cận rộng lớn, rõ ràng không có cơ sở lịch sử và pháp lý nào.Qua
các công trình nghiên cứu về chính sử của các triều đại phong kiến Trung Quốc,
người ta có thể khẳng định rằng từ triều đại nhà Tần, nhà Hán cho đến cuối
triều đại nhà Thanh, cương vực Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không có hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, “chủ quyền lâu đời” mấy nghìn năm mà
người Trung Quốc tuyên truyền chỉ là câu chuyện hoang đường, tự họ dựng lên để
phục vụ cho tham vọng bành trướng mà thôi.

– Với tương
quan lực lượng hiện nay trong khu vực, nếu sử dụng vũ lực để chiếm vùng biển của
các nước khác, Trung Quốc nhất định sẽ thảm bại. Hải quân Trung Quốc có thể chiếm
ưu thế trong một thời gian ngắn, nhưng chắc chắn không đủ khả năng để duy trì sự
kiểm soát lâu dài. Trong thời đại của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện
nay, một nước nhỏ cũng có thể trang bị những vũ khí hiện đại và có đủ khả năng
để gây lên những tổn thất to lớn cho một cường quốc xâm lược. Với lực lượng hải
quân và không quân hiện nay, nếu bị dồn vào đường cùng, người Việt Nam cũng có
thể vô hiệu hoá hải quân Trung Quốc và làm tê liệt những hoạt động hàng hải của
Trung Quốc trong khu vực – cắt đứt huyết mạch quan trọng của nước này với thế
giới bên ngoài qua biển Đông. Nếu liều lĩnh tiến hành một cuộc chiến tranh xâm
lược ở biển Đông, Trung Quốc chẳng những không đạt được một mục tiêu của mình,
mà sẽ tổn thương chính mình, tự tiêu hao một nguồn lực to lớn rất cần thiết cho
sự phát triển.

TUƠNG
LAI CỦA BIỂN ĐÔNG

Sau sự kiện
Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 2 của Việt Nam mới đây và quấy nhiễu
các hoạt động của Philipin trong vùng biển của nước này cách đây ba tháng, khu
vực biển Đông lại nóng lên và diễn biến ngày càng phức tạp hơn theo xu hướng xấu
đi. Các nước trong và ngoài khu vực có lẽ cần bình tâm lại để suy nghĩ về ván cờ
biển Đông hiện nay và lựa chọn cho mình những bước đi thích hợp. Hoà bình, ổn định
hay xung đột, bất ổn ở biển Đông phụ thuộc vào sự lựa chọn của số đông các nước
liên quan.

Nếu muốn có
hoà bình và ổn định, các nước ASEAN cần liên kết lại, hình thành một tiếng nói
chung, không phải để chống Trung Quốc, mà để ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng bá
quyền – là nguyên nhân căn bản của mọi sự bất ổn ở biển Đông và cũng là sự đe
doạ trực tiếp đến chủ quyền, an ninh, tự do hàng hải và lợi ích chính đáng của
tất cả các nước liên quan. Nếu các nước ASEAN chia rẽ và làm ngơ trước tham vọng
bá quyền, thảm hoạ sẽ ập đến. Trung Quốc sẽ lấn tới. Các nước liên quan buộc phải
tiến hành các biện pháp cứng rắn để đáp trả. Xung đột bạo lực khó tránh khỏi và
có thể bùng lên như một đám cháy lớn, loang ra khắp khu vực, đe doạ tất cả các
nước.

Các nước lớn,
trong đó có Mỹ, là những nước có lợi ích thiết thân tại khu vực biển Đông cũng
cần có trách nhiệm ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng bá quyền. Tìm cách ve vãn
Trung Quốc hay hành xử theo kiểu ngư ông đắc lợi sẽ kích hoạt tham vọng bá quyền,
đến một lúc nào đó tình hình sẽ không kiểm soát nổi và sẽ phải trả giá đắt.

Bản thân Trung
Quốc cũng cần xem xét lại cách hành xử của mình đối với các nước láng giềng
trong khu vực. Những hành động gây hấn, hiếu chiến của Trung Quốc trong thời
gian vừa qua không doạ được ai và không mang lại lợi ích gì cho Trung Quốc.
Trái lại, các hành động đó chỉ làm xấu đi hình ảnh của một nước Trung Quốc hoà
bình và hợp tác, gây bất ổn cho hoà bình và an ninh trong khu vực, và do đó, có
hại cho chính môi trường khu vực mà Trung Quốc rất cần để phát triển. Là một nước
lớn, Trung Quốc cần phải hành xử một cách có trách nhiệm, tôn trọng luật pháp
quốc tế, tôn trọng những cam kết với các nước trong khu vực và thế giới.

Thế giới ngày
nay đã trở thành một cái làng toàn cầu. Khu vực Đông Nam Á là một phần của cái
làng to đó. Các nước đều phụ thuộc lẫn nhau và cần đến nhau để hợp tác và cùng
phát triển. Các nước ASEAN cần Trung Quốc và thế giới, cũng như Trung Quốc cần
thế giới và các nước ASEAN. Hoà bình, ổn định lâu dài trong khu vực biển Đông,
vì vậy, có lợi cho tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc. Hiển nhiên, để có
hoà bình và ổn định lâu dài, cần có một giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh
chấp ở khu vực biển này. Giải pháp này chỉ có thể đạt được trên cơ sở luật pháp
quốc tế và sự tôn trọng lẫn nhau. Trong khi kiên trì tìm kiếm một giải pháp lâu
dài và cơ bản, các bên liên quan trong khu vực cần kiềm chế, không nên có những
hoạt động làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông, tuân thủ cam kết giải quyết
các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở các nguyên tắc của luật
pháp quốc tế và Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc, cùng nhau nghiêm chỉnh
thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông ký năm 2002, hướng tới
xây dựng một bộ quy tắc ứng xử để biển Đông trở thành một khu vực hoà bình, ổn định,
hữu nghị và phát triển vì lợi ích của tất cả các nước./.

Nguyễn Nghiêm

 

RELATED ARTICLES

Tin mới