Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi...

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982

Vừa qua, Trung Quốc lại thông báo đơn phương thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực từ 12 độ vĩ Bắc đến ranh giới giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Tây từ 12 giờ ngày 16/5/2012 đến 12 giờ ngày 01/8/2012. Cả Việt Nam và Philippines đều lên tiếng bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá đó của Trung Quốc vì việc làm của Trung Quốc vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của cả Việt Nam và Philippines ở Biển Đông.

Để bào chữa cho việc làm sai trái này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nói lệnh cấm nhằm bổ sung nguồn cá, bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên hàng hải, còn Cung Nghi Xuân, giáo sư Học viện Ngoại giao Trung Quốc cho rằng lệnh cấm đó vừa là quyền và nghĩa vụ của Trung Quốc trong việc thực hiện Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc.

 

Theo luật pháp quốc tế hiện đại, cụ thể là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc mà Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đều tham gia, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tài nguyên thiên nhiên ở đây trước hết và chủ yếu là cá, tôm.

Phạm vi vùng đặc quyền kinh tế đó không thể quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển. Liên quan đến vấn đề bảo tồn các nguồn lợi sinh vật ở trong vùng đặc quyền kinh tế đó, Điều 61 của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định quốc gia ven biển ấn định khối lượng đánh bắt có thể chấp nhận được trong vùng đặc quyền kinh tế của mình; đồng thời thi hành các biện pháp bảo tồn và quản lý thích hợp nhằm bảo đảm các nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình không bị ảnh hưởng do khai thác quá mức. Như vậy, các quốc gia ven Biển Đông, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philippines có quyền ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong một thời kỳ nhất định trong năm nhưng với một điều kiện rất rõ ràng là hoạt động đó được thực hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của nước mình.

Các khu vực ở Biển Đông nằm ở phía bắc vĩ tuyến 12 cho đến ranh giới giữa tỉnh Quảng Tây và Phúc Kiến không phải là vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, phần Tây Nam của khu vực bắc vĩ tuyến 12 cho đến vĩ tuyến 18 là lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của Việt Nam. Phần Đông Nam của khu vực bắc vĩ tuyến 12 cho đến vĩ tuyến 20 là vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của Philippines. Chỉ có các vùng biển ở vĩ tuyến 18 (ở phía Tây) và vĩ tuyến 20 (ở phía Đông của Biển Đông) trở lên mới thực là lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc. Do đó, việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá từ khu vực từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 20 là việc làm bất hợp pháp, hoàn toàn trái với quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên. Không có quy định nào và dòng nào trong Công ước Luật Biển năm 1982 cho phép một quốc gia thành viên được phép ban hành các biện pháp bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế nước khác. Bằng việc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá từ vĩ tuyến 12 trở về Bắc, Trung Quốc đã tự dành cho mình quyền không chỉ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines mà cả trong vùng lãnh hải 12 hải lý của hai nước láng giềng này.

Ngoài ra, ở khu vực Biển Đông phía Bắc vĩ tuyến 12 có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1956, Trung Quốc đã xâm chiếm phi pháp nửa phía Đông của quần đảo và năm 1974 chiếm luôn nửa phía Tây. Việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển phía Bắc vĩ tuyến 12 đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc làm đó của Trung Quốc vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Nguyên tắc này cũng đã được thể hiện trong Hiến chương của Liên hợp quốc, Nghị quyết năm 1970 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á mà Trung Quốc đã gia nhập. Do đó, bằng việc ban hành lệnh cấm đánh bắt ở Bắc vĩ tuyến 12, Trung Quốc đã vi phạm các cam kết theo Hiến chương Liên hợp quốc và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á.

Vì các lý do đó, ngày 20/01/2012, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm.” Lập trường này đã một lần nữa được khẳng định trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 15/5/2012: “Việt Nam phản đối quyết định đơn phương này của Trung Quốc và coi quyết định này là không có giá trị.” Chiều ngày 15/5/2012, ông Trần Cao Lưu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cũng nêu với báo chí Việt Nam là lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc, trong đó có cả một số vùng biển của Việt Nam là hoàn toàn sai trái, bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định sẽ hướng dẫn ngư dân tiếp tục thực hiện việc khai thác trên biển, bảo đảm an toàn trong phạm vi vùng biển chủ quyền của Việt Nam./.

Trí Hiển

RELATED ARTICLES

Tin mới