Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTân Hoa xã lại tiếp tục ôn lại các hành động xâm...

Tân Hoa xã lại tiếp tục ôn lại các hành động xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam

Hơn một tháng qua, không chỉ khu vực Đông Nam Á mà cả thế giới chứng kiến những diễn biến căng thẳng xung quanh tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila về đảo đá Scarborough ở Biển Đông. Báo chí các nước thông tin thêm việc Bắc Kinh ngày 25/5/2012 đưa 5 tàu chiến vào vùng biển của Philippines.

Để biện hộ cho hành động leo thang quân sự của Bắc Kinh, các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương Trung Quốc liên tục đăng các bài báo đổ lỗi cho Philippines gây hấn, kiêu ngạo, nước nhỏ ăn hiếp nước lớn.

 

Để phụ họa cho chiến dịch tuyên truyền kích động tâm lý chiến tranh, Tân Hoa xã đã chỉ đạo tờ Quốc tế Tiên khu đạo báo và mạng “Cách mạng Tân Hợi” ở Hồ Bắc đăng bài “Hai cuộc hải chiến đã răn đe Việt Nam không dám đụng đến Tây Sa” và bài “Trung Quốc sử dụng vũ lực bảo vệ chủ quyền đảo Hoàng Nham là phòng ngự chính đáng” khoe khoang các hành động xâm lược mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tiến hành đối với Việt Nam vào các năm 1974 (chiếm quần đảo Hoàng Sa), 1979 (gây chiến tranh biên giới phía Bắc) và năm 1988 (chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa). Các bài báo này dựng lên chuyện chính quyền Sài Gòn đưa tàu chiến truy đuổi tàu cá Trung Quốc ở Hoàng Sa nên Trung Quốc phản kích tự vệ; Việt Nam bức ép Trung Quốc phải phản kích tự vệ năm 1979 và lính Việt Nam nổ súng vào lính Trung Quốc nên Trung Quốc phản kích tự vệ ở quần đảo Trường Sa năm 1988.

Tàu Ngư chính 310, tàu Hải giám TQ hoạt động trên bãi Scarborough (Ảnh: nddaily)

Trước hết, về việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số đảo ở quần đảo Trường Sa năm 1988. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực hiện chủ quyền đối với 2 quần đảo này ít ra từ thế kỷ 17. Hoạt động thực thi chủ quyền đó đã được tiến hành một cách hòa bình, thường xuyên và liên tục phù hợp với nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam năm 1979, 1984 và 1988 đã đưa ra nhiều bằng chứng cụ thể. Trung Quốc thường rêu rao rằng 2 quần đảo này thuộc lãnh thổ của họ từ đời Hán, đời Tống, đời Nguyên. Chỉ tiếc là họ không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào để chứng minh. Trung Quốc nêu yêu sách đối với 2 quần đảo là từ năm 1907 với bằng chứng là Đô đốc Lý Chuẩn đã đổ bộ lên Hoàng Sa. Nếu như vào thời điểm đó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các quần đảo vô chủ thì yêu sách của Trung Quốc là có cơ sở. Nhưng thực tế trước đó 300 năm, 2 quần đảo đã thuộc chủ quyền của Việt Nam. Do đó, hành động đổ bộ lên Hoàng Sa của Lý Chuẩn đã xâm phạm lãnh thổ Việt Nam và yêu sách của Trung Quốc dựa trên hành động phi pháp này là không có cơ sở. Năm 1956, lợi dụng thời điểm Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Trung Quốc đã chiếm nửa phía đông quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Sài Gòn quản lý nửa phía tây quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, lợi dụng lúc chính quyền Sài Gòn lo chống đỡ các cuộc tấn công của quân giải phóng, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng các đảo còn lại của quần đảo Hoàng Sa. Để dọn đường cho hành động xâm lược của mình, ngày 11/1/1974, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đột nhiên tuyên bố cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Ngay lập tức, ngày 12/1/1974, Ngoại trưởng Chính quyền Sài Gòn Vương Văn Bắc đã cương quyết lên tiếng bác bỏ tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc. Tiếp đó, ngày 16/1/1974, ông này đã gửi Công điện lên Hội đồng Bảo an của Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và lên án tình hình nghiêm trọng do tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc gây ra. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bất lực, không có biện pháp gì vì Trung Quốc phủ quyết việc thảo luận vấn đề, nên ngày 18/1/1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm toàn bộ các đảo ở quần đảo Hoàng Sa. Sự thật về sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 là như vậy. Năm 1976, Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận với Đoàn đại biểu Việt Nam là 2 nước cso tranh chấp về Tây Sa, sau này sẽ giải quyết.

Đối với quần đảo Trường Sa, năm 1975, Việt Nam tiếp quản các đảo ở quần đảo này từ Chính quyền Sài Gòn giống như tiếp quản hàng trăm hòn đảo khác của Việt Nam. Việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đã đưa cả khu vực vào một giai đoạn thanh bình, có lợi không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân các nước khác. Riêng Bắc Kinh hậm hực vì họ không thực tâm muốn chiến tranh Việt Nam kết thúc. Họ muốn người Việt Nam đổ xương máu làm cho Mỹ sa lầy và kiệt quệ. Họ hậm hực vì họ có quân hùng tướng mạnh nhưng đã không giành lại được Đài Loan. Với dã tâm độc chiếm Biển Đông, năm 1988, Bắc Kinh cho quân chiếm đóng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Binh lính của Việt Nam đã được lệnh không nổ súng để Trung Quốc không lấy cớ lu loa. Các mạng của Trung Quốc đang chiếu lại sự kiện ở quần đảo Trường Sa, trong đó cho thấy chính lính Trung Quốc đã nổ súng vào lính Việt Nam. Đó là sự thật mà Tân Hoa xã cần ôn lại.

Cuối cùng, về câu chuyện chiến tranh biên giới năm 1979, Tân Hoa xã chắc chắn biết rõ việc chế độ diệt chủng Khme Đỏ ở Campuchia bị lật đổ là một thất bại cay đắng của chính Bắc Kinh. Bắc Kinh cay cú vì Việt Nam đưa quân đội sang diệt Khme Đỏ để cứu nhân dân Campuchia. Nhằm mục đích buộc Việt Nam rút quân đội về nước, cứu Khme Đỏ, Đặng Tiểu Bình dùng kế “Vây Ngụy cứu Triệu” cho 50 vạn quân đánh Việt Nam vào tháng 2/1979. Ngoài ra, Đặng còn theo đuổi 2 mục đích khác là đánh Việt Nam để lấy lòng Mỹ và đánh Việt Nam để củng cố uy tín cá nhân của Đặng ở Bắc Kinh. Khi vào Việt Nam, binh lính Trung Quốc nhận được lệnh của Bắc Kinh là “cách sát vô luận” tức là giết sạch không tha. Chỉ trong vòng 1 tháng, binh lính Trung Quốc đã phá hủy 735 trường phổ thông, 428 bệnh viện, bệnh xá và 8 vạn hecta hoa màu ở các tỉnh biên giới Việt Nam. Chính Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận “mười một ngày này, trên đường trở về đã quét sách một số hang, một số thôn trang, quét dọn mấy ngàn người, trên vạn người dân Việt Nam trốn trong các hang đá.” Chính Trung Quốc đã thừa nhận, trước chiến tranh, diện tích các khu vực tranh chấp chỉ 5 km2, nhưng sau chiến tranh đã mở rộng ra 200 km2.

Tân Hoa xã kêu gọi các nước láng giềng cùng Trung Quốc ôn lại các sự kiện đó để có những suy nghĩ cho tình hình hiện nay. Trước hết Tân Hoa xã nên ôn lại những lời thú nhận của Đặng Tiểu bình về tranh chấp ở Hoàng Sa và bản chất xâm lược vô nhân đạo của Bắc Kinh đối với người Việt Nam tháng 2/1979. Tân Hoa xã cũng nên ôn lại các sự kiện khác trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc: cuộc xâm lược của nhà Tống đã bị nhà Lý đánh tan vào thế kỷ thứ X, 3 lần thất bại của quân Nguyên khi xâm lược Việt Nam dưới triều đại nhà Trần, nhà Minh thất bại khi xâm lược Việt Nam vào thế kỷ XV, nhà Thanh thất bại khi xâm lược Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII. Tân Hoa xã cũng nên kêu gọi dân Trung Quốc đến gò Đống Đa ở thủ đô Hà Nội – nơi xác quân Trung Quốc xâm lược chất thành gò để suy ngẫm về hệ quả và suy tính cách ứng xử với người dân Việt Nam./.

An Bình

RELATED ARTICLES

Tin mới