Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐằng sau hành động “Vừa ăn cướp vừa la làng” là gì...

Đằng sau hành động “Vừa ăn cướp vừa la làng” là gì ?

altTrong những ngày vừa qua, sau khi xảy ra các vụ va chạm
giữa tàu thăm dò của Việt Nam và các tàu hải giám, tàu cá của Trung Quốc tại Biển
Đông, một lần nữa người ta lại có cơ hội chứng kiến cuộc “khẩu chiến” giữa hai
bên thể hiện qua các phát biểu chính thống cũng như sự tham gia hùng hậu của
các phương tiện truyền thông, báo chí.

Việc các bên đều cố gắng đưa ra những lý
lẽ để bảo vệ cho quan điểm và lợi ích của mình trong những vụ việc như thế cũng
là dễ hiểu, nhưng điều đáng nói ở đây là trong khi biện minh cho việc làm sai
trái của các tàu Trung Quốc trên biển thì Chính phủ và báo giới nước này lại vu
cáo và đổ lỗi cho phía Việt Nam, người bị hại trong các vụ việc đã xảy ra. Để
làm rõ trắng – đen, trước hết cần nhắc lại diễn biến tóm tắt của 2 vụ va chạm
trên biển này.

Vụ thứ nhất, rạng
sáng ngày 26/5, khi tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang hoạt động thăm dò địa chấn
tại lô dầu khí 148 trong vùng biển Việt Nam, thì bị 3 tàu hải giám của Trung Quốc
mang số hiệu 84, 72, 17 lao vào cản phá và cắt đứt dây cáp. Tọa độ vị trí tàu
Bình Minh 02 bị tàu Trung Quốc cắt cáp là 12048’25”N – 111026’05.65”E,
chỉ cách mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) khoảng 120 hải lý. Sau nhiều giờ căng thẳng
diễn ra trên biển, các tàu Trung Quốc rút đi và tàu Bình Minh 02 đã khắc phục
hư hỏng, tiếp tục công việc khảo sát.

Vụ thứ hai, sáng
ngày 9/6, tàu Viking II do Việt Nam thuê đang hoạt động thu nổ địa chấn tại lô
dầu khí 136.03 của Việt Nam thì tàu cá Trung Quốc số hiệu 62226, với sự yểm trợ
của 2 tàu ngư chính, lao vào khu vực cáp của Viking II khiến tàu này không thể
hoạt động bình thường và gây hư hỏng dây cáp của tàu Viking II. Sự việc xảy ra
tại tọa độ 6047.5’N – 109017.5’E, cách Côn Đảo chưa đầy
190 hải lý. Tàu cá Trung Quốc sau đó đã được 2 tàu ngư chính và rất nhiều tàu
khác của Trung Quốc giải cứu rời khỏi khu vực.

Rất rõ ràng, cả 2 vụ việc xảy ra tại vị trí hoàn toàn
nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, trong
khi những nơi đó cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc (điểm gần nhất) lần lượt
là khoảng 350 hải lý và 680 hải lý. Cần nói rõ thêm rằng, theo quy định của
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, quốc gia ven biển (trong trường hợp
này là Việt Nam) có quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên
nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Nói một cách khác,
xét từ góc độ luật pháp quốc tế trong 2 vụ việc trên đây, hoạt động của các tàu
Bình Minh 02 và Viking II là hoàn toàn hợp pháp, còn hành động cản trở, phá hoại
của tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc là phi pháp, vi phạm nghiêm trọng quyền
chủ quyền của Việt Nam. Bây giờ hãy xem phía Trung Quốc nói gì về 2 vụ việc
này.

Trước hết nói về các phát biểu chính thống của Trung
Quốc. Đáp lại sự phản đối từ phía Việt Nam về vụ tàu Bình Minh 02, ngày 28/5 Phát
ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói: “Phía Việt Nam triển khai hoạt động dầu khí trong vùng biển Trung Quốc
quản lý, làm tổn hại quyền lợi và quyền tài phán của Trung Quốc tại Biển Đông…
Hành động của cơ quan chủ quản phía Trung Quốc hoàn toàn là hoạt động thực thi
pháp luật và giám sát biển bình thường trong vùng biển Trung Quốc quản lý…”.

Đến ngày 31/5, cũng chính bà Khương Du lặp lại “…lần này tàu hải giám Trung Quốc áp dụng hành động thực thi pháp luật
đối với tàu Việt Nam
tác nghiệp bất hợp pháp là việc làm hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi yêu cầu
phía Việt Nam dừng ngay lập tức các hoạt động xâm phạm chủ quyền, không được
gây thêm những rắc rối mới”
. Thử hỏi đâu là “vùng biển Trung Quốc quản lý”?
Phải chăng tất cả các khu vực có mặt các loại tàu quân sự cải trang của Trung
Quốc đang lảng vảng để chờ dịp thực hiện các hành động phi đạo lý đều được gọi
tên như thế? Phải chăng việc tàu hải giám Trung Quốc có hành động phá hoại
trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được phía Trung Quốc coi là sự
“thực thi pháp luật”? Nếu vậy thì cái “pháp luật” ấy không gì khác hơn là những
tiêu chuẩn mà Trung Quốc tự mình đặt ra một cách tùy tiện, không hề đếm xỉa đến
những chuẩn mực đã được cả thế giới công nhận.        

Ngay tối 9/6, cùng
ngày xảy ra vụ tàu Viking II, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
đã đáp lại sự cáo buộc của Việt Nam rằng “Cách
nói của phía Việt Nam hoàn toàn không phù hợp với sự thực… Sáng ngày 9/6, khi
tàu cá Trung Quốc đang tác nghiệp bình thường tại vùng biển này đã bị tàu vũ
trang của Việt Nam xua đuổi phi pháp làm cho lưới của một tàu cá Trung Quốc cuốn
vào cáp của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam đang tác nghiệp bất hợp pháp tại
vùng biển này, tàu Việt Nam bất chấp an toàn tính mạng của ngư dân Trung Quốc,
kéo ngược tàu cá Trung Quốc trong hơn 1 tiếng đồng hồ… việc Việt Nam tiến hành
thăm dò dầu khí bất hợp pháp tại vùng biển Bãi Vạn An thuộc quần đảo Nam Sa

(cách gọi của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa) của Trung Quốc và xua đuổi tàu cá Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng đến
chủ quyền và quyền lợi biển của Trung Quốc. Phía Trung Quốc yêu cầu phía Việt Nam dừng
ngay mọi hoạt động xâm phạn chủ quyền…”
.

Khá khen cho ông Hồng
Lỗi đã có phản ứng rất nhanh, đưa ra lời giải thích tường tận ngay trong ngày xảy
ra vụ việc. Thế nhưng giải thích của ông đưa ra sau khi phía Việt Nam đã lên tiếng
phản đối, vả lại sau những gì đã xảy ra giữa tàu Trung Quốc với Nhật Bản tại Biển
Hoa Đông hồi năm ngoái và với Philppines vào tháng 3 năm nay là trong vùng đặc
quyền kinh tế của Philippines thì người ta không thể không nghi ngờ về tính xác
thực trong lời nói của ông.

Nhất hô bá ứng, ngay sau những phát biểu chính
thức của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, giới truyền thông Trung Quốc được dịp
tung ra vô số những thông tin phụ họa nhằm đánh lừa dư luận về những gì đã xảy
ra trên biển. Trong vòng hơn 2 tuần lễ sau khi xảy ra vụ việc tàu Bình Minh 02,
hàng trăm bài viết, tin đưa trên đài báo, truyền hình và phát biểu, bình luận trên
mạng internet xuất hiện, với thành phần tham gia và hình thức thể hiện khác
nhau nhưng có chung một giọng điệu đổ lỗi cho Việt Nam trong các vụ va chạm nói
trên. Xin kể ra đây một vài ví dụ:

Thời báo Hoàn cầu
30/5 đăng bài “Trung Quốc không muốn gây chuyện, lại càng không sợ vấn đề Biển
Đông”, trong đó viết “Việt Nam luôn muốn
gây căng thẳng thêm, không ngừng có hành động thách thức sự kiên nhẫn của Trung
Quốc như thăm dò dầu khí tại khu vực tranh chấp…”
“Trung Quốc thực sự không muốn xảy ra xung đột với Việt Nam và các nước
xung quanh Biển Đông, nhưng sự kìm chế của Trung Quốc không phải là không có giới
hạn…”

Tờ China Daily ngày
30/5 đăng phát biểu của ông Chu Hao, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc viện CICIR nói: “hoạt động thăm dò đơn phương của Việt Nam trong vùng biển do Trung Quốc
quản lý là trái với các chuẩn mực và luật pháp quốc tế”

Ngày 31/5, khi trả
lời phỏng vấn của đài Phượng Hoàng (Hồng Kông),  Chuyên gia nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh Lý
Hiểu Ninh đã nói: “Tình hình Biển Đông
như hiện nay là do Trung Quốc đã nhân nhượng trong suốt thời gian quá dài.
Trong khi đó Việt Nam đã có nhiều bước tiến về cả đánh bắt cá và khai thác dầu
khí ở Biển Đông, gây tổn hại lợi ích của Trung Quốc…”

China Daily ngày 9/6
đăng xã luận “Làm cho nước hạ sóng” có đoạn viết: “Trung Quốc luôn kiềm chế, thậm chí khi các quyền lợi và lợi ích của
Trung Quốc ở Biển Đông bị các bên khác khiêu khích nghiêm trọng… Tiếc rằng gần
đây thiện chí và sự kiên nhẫn của Trung Quốc xem ra không có ý nghĩa gì. Cả 2
nước Philppines và Việt Nam
đều chọn cách khiêu khích Trung Quốc một lần nữa trong vấn đề này…”
.

Có lẽ cũng không cần
bình luận gì nhiều đối với những bài viết, câu nói trên đây, bởi nó cũng như những
âm thanh trong một dàn nhạc được điều khiển chung bởi một người nhạc trưởng mà
thôi.

Một thông tin đáng chú ý là trong chương trình
bình luận “Focus Today” của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV4 ngày
10/6 có đưa phát biểu của tướng lĩnh và học giả trong giới quân sự của Trung Quốc
nói “tàu thăm dò của Việt Nam vi phạm
Công ước về Luật Biển, tác nghiệp tại vùng biển trong “đường 9 đoạn” truyền thống
của Trung Quốc…”
“những hành động
của Việt Nam là nhằm củng cố chủ quyền…đẩy nhanh bước tranh cướp tài nguyên ở
Biển Đông…”
. Như thế là đã rõ, việc Trung Quốc lớn tiếng đổ lỗi cho Việt
Nam trong các vụ việc vừa qua cũng là nhằm hợp thức hóa yêu sách “đường 9 đoạn”
ở Biển Đông (tức là “đường lưỡi bò” quái gở mà công luận đã nhiều lần chỉ rõ
tính phi pháp của nó). Và nực cười thay khi nói tới sự vi phạm Công ước Luật Biển
ở đây vì không cần phải là chuyên gia luật pháp cũng có thể xác định ai là người
vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước khác trong các vụ việc vừa xảy ra. Còn
việc “tranh cướp tài nguyên ở Biển Đông”, không cần chỉ đích danh thì thiên hạ
cũng đều biết rõ “con rồng đói” đang tiêu tốn năng lượng nhiều nhất thế giới là
ai và ai đang ngày đêm mưu toan khống chế cả khu vực Biển Đông mà việc chiếm đoạt
nguồn tài nguyên tại đây là một trong những mục tiêu hàng đầu.

Ngoài ra, Tân Hoa Xã ngày 14/6 đăng bài “Trung
Quốc yêu chuộng hòa bình, không sợ bị đe dọa” của Thiếu tướng quân đội Trung Quốc
La Viện, trong đó ông này còn nói một cách trơ tráo rằng “đối với vấn đề Biển Đông, Trung Quốc là người bị hại, Trung Quốc đã
không thể nhẫn nhịn được nữa…”
. Đọc đến đây, nhiều người hẳn sẽ phì cười
khi liên tưởng đến hình ảnh một gã khổng lồ dữ tợn đang kêu cứu vì bị người
láng giềng nhỏ bé ăn hiếp! Quả là cái “nghệ thuật” đổi trắng thay đen đã trở thành
thói quen khiến họ không còn biết là mình đang nói gì nữa.

Chưa hết, ngày 15/6 Thời báo Hoàn cầu còn cho
đăng bài “Không khai thác chung tại Biển Đông, tất sẽ tự chuốc lấy phiền phức”,
trong đó có viết: “Vấn đề Biển Đông sẽ giải
quyết như thế nào? Cần hòa bình sẽ buộc phải khai thác chung, chia sẻ lợi ích,
bất cứ suy nghĩ nào muốn khai thác độc quyền, hưởng lợi một mình đều dẫn đến
xung đột”
. Đến đây thì ý đồ của họ trong các vụ việc vừa xảy ra đã bộc lộ
rõ ràng, đổ lỗi và ép buộc đối phương phải “chia sẻ lợi ích” với mình ngay
trong vùng biển của nước bên kia. Một lần nữa, cái thứ tư duy tham lam “cái gì
của tôi là của tôi, cái gì của anh là của chúng ta” lại được bộc lộ và một câu
ngắn ngủi như trong bài báo thôi cũng đủ cho thấy cách suy nghĩ và hành xử thô
bạo, coi thường luật pháp quốc tế của họ rồi.

Tất cả những ngôn
luận trên đây, cho dù là của giới chức chính phủ hay là của học giả, báo chí
Trung Quốc đều đã cho thấy rõ mấy vấn đề:

Thứ nhất, việc phía Trung Quốc gây ra các vụ việc
trên biển một cách có chủ ý rồi đổ lỗi cho phía Việt Nam không phải là “làm
chơi cho vui”, mà mục đích là biến vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam
thành vùng biển tranh chấp để rồi mặc cả đòi “khai thác chung”, “chia sẻ tài
nguyên” tại đây. Đây cũng chính là một bước đi nhằm hợp pháp hóa “đường lưỡi
bò” gần như chiếm trọn toàn bộ Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra.

Thứ nhì, với chiến thuật “vừa ăn cướp vừa la
làng”, “cả vú lấp miệng em”, Trung Quốc muốn thử phản ứng của Việt Nam nói
riêng và các nước trong khu vực Biển Đông cũng như công luận toàn thế giới nói
chung trước những hành vi chướng tai gai mắt của họ.

Thứ ba, cỗ máy tuyên truyền của Trung Quốc vẫn tiếp
tục lừa dối dư luận quốc tế, lừa dối chính nhân dân Trung Quốc về vấn đề Biển
Đông, tiếp tục nuôi dưỡng tư tưởng dân tộc hẹp hòi nhằm phục vụ cho yêu sách
phi thực tế ở Biển Đông. Liệu họ có biết rằng, với cách làm này, chẳng những họ
không thể chứng minh được lẽ phải thuộc về mình mà ngược lại chỉ làm xấu thêm
hình ảnh một nước lớn đang cố gắng thuyết phục thế giới về sự “phát triển hòa
bình” của mình.

Vẫn biết “Cây ngay
không sợ chết đứng”, nhưng trước rất nhiều thông tin khác nhau về các vụ việc trên
biển vừa qua, thiết nghĩ cũng cần làm rõ phải trái, đúng sai để hiểu được những
ý đồ sâu xa đằng sau những lời nói dối tưởng chừng chỉ như một phản xạ tự nhiên
của kẻ đã phạm lỗi./.

Nhật Nguyên

 

RELATED ARTICLES

Tin mới