Wednesday, May 8, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThông tin khẩn: TQ cho đội tàu cào nghêu ra Biển Đông,...

Thông tin khẩn: TQ cho đội tàu cào nghêu ra Biển Đông, đe dọa phá hủy môi trường sinh thái

Ngày 20/5, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cho biết các đội tàu đánh bắt nghêu khét tiếng phá hoại môi trường của Trung Quốc lại gia tăng hoạt động tại Biển Đông.

Tàu Trung Quốc tái xuất sau 2 năm

Theo AMTI, sau khi giảm hoạt động trong giai đoạn 2016-2018, đội tàu đánh bắt nghêu Trung Quốc đổ về Biển Đông với số lượng lớn trong sáu tháng qua. Các đội tàu này thường gồm nhiều tàu nhỏ đi cùng với nhóm các “tàu mẹ” có tải trọng lớn hoạt động thường xuyên tại bãi cạn Scarborough và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

AMTI nhận định mô hình đánh bắt của các đội tàu phá hủy diện tích lớn rạn san hô trong vùng biển để khai thác giống nghêu khổng lồ đang có nguy cơ tuyệt chủng. Những giống nghêu này có thể phát triển dài hơn 1m, nặng hơn 200 kg và sống hơn 100 năm tuổi. Vỏ nghêu được đưa về tỉnh Hải Nam, có thể được bán với giá hàng nghìn USD mỗi cái để chế tác đồ trang sức hoặc tác phẩm điêu khắc.

Phá hủy môi trường sinh thái

Biển Đông là một trong những khu vực có hệ sinh thái biển đa dạng nhất thế giới, chiếm tới 76% các chủng loại san hô thế giới và 37% các loại cá sinh sống trong các rạn san hô. Theo Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), mỗi thập kỷ sẽ có 30% cỏ mọc dưới đấy biển, 16% các rạn san hô sống mất đi do ô nhiễm môi trường và khai thác tận diệt thiếu bền vững.

Tuy nhiên, hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra những hậu quả thảm khốc đối với môi trường sinh thái. Theo tính toán của các chuyên gia, Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa đã tàn phá tới 160km2 rạn san hô và phá hủy gần 60km2 san hô vòng ở các khu vực xung quanh. Ông John McManus, Đại học Miami nhận định khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ hoàn toàn do hoạt động của Trung Quốc gây ra. Theo Giáo sư Edgado Gomez (Philippines) ước tính rằng với mức độ phá hủy san hô hiện tại sẽ khiến các quốc gia ven biển trong khu vực Đông Nam Á phải gánh chịu thiệt hại 5,7 tỷ USD/năm, gây tác động tiêu cực xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác hải sản ồ ạt, bất hợp pháp, mang tính hủy diệt của ngư dân Trung Quốc ở các cùng chồng lấn trong khu vực Biển Đông đã gây ra suy giảm hệ sinh thái biển và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài. Theo tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C. (Mỹ) công bố tháng 9/2017, tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong 20 năm qua; hiện ở Biển Đông có thể chỉ còn 5% lượng cá so với thập niên 1950 và quá trình phục hồi các nguồn cá ở Biển Đông hiện nay rất thấp.

Trong khi đó, theo báo cáo của chuyên gia Victor Robert Lee, trong thời gian hoạt động từ năm 2012-2015, những đội tàu khai thác nghêu làm tổn hại nghiêm trọng hoặc phá hủy hoàn toàn ít nhất 28 rạn san hô trên Biển Đông. Ngư dân Trung Quốc sử dụng chủ yếu phương pháp đánh bắt tàn phá các rạn san hô. Họ thả neo tàu, sau đó kéo lê như bồ cào dưới đáy biển, đập vỡ san hô và đào lớp trầm tích để thu hoạch nghêu lớn được dễ dàng. Hoạt động này được tiến hành đồng loạt và lặp đi lặp lại hàng trăm đến hàng nghìn lần, thực hiện bằng các công cụ đánh bắt thô sơ, tạo nên những “vết sẹo” dưới đáy biển. Những dấu vết khai thác có thể nhìn thấy rõ ở các vùng nước nông qua ảnh chụp vệ tinh. Đáng chú ý, gần đây tàu Trung Quốc còn dùng phương pháp gắn ống nhựa lớn vào máy bơm áp suất cao để hút nghêu. Phương pháp mới có tác hại môi trường thậm chí còn lớn hơn kiểu đánh bắt cũ. Các chuyên gia cảnh báo lớp trầm tích dưới đáy biển có thể phát tán trên quy mô lớn, làm ô nhiễm môi trường và rối loạn hệ sinh thái các vùng biển xung quanh.

Không những vậy, hoạt động khai thác của các đội tàu Trung Quốc có tác hại môi trường vô cùng nghiêm trọng. John McMacnus, chuyên gia tại Đại học Miami, ghi nhận tính đến năm 2016 có hơn 10.100 hecta san hô ở các vùng biển nông bị tổn hại vì hoạt động khai thác nghêu của Trung Quốc. Con số này còn lớn hơn diện tích san hô bị phá hủy vì hoạt động nạo vét và bồi đắp đảo nhân tạo trái phép là gần 6.000 hecta.

Địa điểm tàn phá

Theo nghiên cứu của CSIS, giới chức Trung Quốc dường như ý thức rõ và cho phép đội tàu khét tiếng này quay lại hoạt động trên Biển Đông. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy tàu đánh bắt nghêu bắt đầu hoạt động ở vùng biển quanh Đá Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, từ cuối năm 2018. Các hoạt động khai thác nghêu bằng phương pháp trên đi ngược lại quy định của luật pháp quốc tế và luật môi trường của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng vẫn ngang nhiên diễn ra sau khi Trung Quốc (7/2018) cho lắp đặt tại Đá Bông Bay cái gọi là trạm quan sát hàng hải “Ocean E-Station”, hỗ trợ định hướng cho tàu trong khu vực. Những mô tả về năng lực radar giám sát của cơ sở này cho thấy giới chức Trung Quốc đủ khả năng nắm được diễn biến ở thực địa nhưng không hề có động thái can thiệp.

Dấu vết khai thác nghêu khổng lồ cũng được phát hiện ở đảo Bạch Quy thuộc Hoàng Sa. So với ảnh chụp vệ tinh hồi tháng 2/2018, mặt biển khu vực ghi nhận vào tháng 11 cùng năm đã bị biến dạng với những dấu vết của hoạt động nạo vét.

Đội tàu Trung Quốc cũng xuất hiện tại bãi cạn Scarborough, vốn là điểm nóng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Ảnh chụp vệ tinh tháng 12/2018 cho thấy số lượng lớn tàu Trung Quốc hiện diện tại vùng biển. So sánh ảnh chụp tháng 3 và tháng 12/2018 cũng cho thấy nhiều dấu vết nạo vét mới xuất hiện ở đáy biển. Các chuyên gia của CSIS nghi ngờ tàu Trung Quốc đang áp dụng thêm phương pháp khai thác mới ở bãi cạn Scarorough, đặc biệt tại các vùng biển sâu mà thiết bị nạo vét không tiếp cận được đáy biển.

AMTI cho biết hiện chưa phát hiện bằng chứng đủ vững chắc cho thấy hoạt động khai thác nghêu của đội tàu Trung Quốc đã xuất hiện tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia AMTI phát hiện một “tàu mẹ” cùng nhiều tàu nhỏ hiện diện ở vùng biển gần Đá An Nhơn (tên tiếng Anh là Lankiam Cay). Tàu mẹ của ngư dân Trung Quốc có chiều dài gần 20 m, nhỏ hơn các tàu xuất hiện tại Đá Bông Bay gần 10 m. Các tàu nhỏ ở hai trường hợp có kích thước tương đương. Các chuyên gia cũng chưa phát hiện những dấu sẹo đặc trưng trên đáy biển ở khu vực Đá An Nhơn. Điều này có thể cho thấy hoạt động khai thác nghêu gây hại cho môi trường vẫn chưa diễn ra sau khi đội tàu Trung Quốc đến khu vực.

Khả năng khôi phục của hệ sinh thái và môi trường ở Biển Đông:

Đối với các rạn san hô: Theo đánh giá của giới khoa học thì các rạn san hô tại khu vực Trường Sa tương đối nhỏ so với các hệ san hô lớn khác trên Trái Đất; song rất ít khả năng phục hồi được rạn san hô ở khu vực Trường Sa. San hô ở Trường Sa đã được hình thành cả trăm triệu năm và sự phát triển của san hô rất chậm nên khó có khả năng phục hồi được trong thời gian ngắn, mà có khi cần đến hàng nghìn năm mới khôi phục được phần nào.

Đối với nguồn cá và sinh vật biển khác: Theo nghiên cứu của Đại học British Columbia (Canada) vào năm 2015 cho thấy hiện nay khoảng 20% số đàn cá trong Biển Đông đang phục hồi, 50% số đàn cá đang bị khai thác ở mức đe dọa suy thoái và 30% số đàn cá đã bị khai thác và suy thoái tới mức gần như không còn khả năng phục hồi. Nguồn hải sản không có khả năng phục hồi hoặc phục hồi chậm chủ yếu là do hoạt động cải tạo phi pháp, phá hủy môi trường sinh thái của Trung Quốc khiến các loại sinh vật mất môi trường sống, đẻ trứng và nuôi con non. Ngoài ra việc Chính phủ Trung Quốc không kiểm soát, quản lý ngư dân, để người dân khai thác quá mức, khai thác bất hợp pháp và sử dụng phương pháp đánh bắt mang tính chất hủy diệt (ngư dân đã dùng các phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt như lưới mắt nhỏ, giã cào, điện, đèn công suất cao, thuốc nổ, chất độc xyanua… ) khiến nguồn cá và các sinh vật khác, đặc biệt là những sinh vật có giá trị kinh tế cao (rùa biển, trai biển…) không có khả năng phục hội.

Làm thế nào để bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông?

Đầu tiên, Trung Quốc cần phải chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, bao gồm việc đưa binh lính ra triển khai trên các thực thể nhân tạo ở Trường Sa và nạo vét, cải tạo các đảo đá đang chiếm đóng. Bắc Kinh cũng cần triển khai các biện pháp hữu hiệu để quản lý, ngăn chặn ngư dân của họ đánh bắt tận diệt các loài hải sản ở Biển Đông, trong đó có việc sử dụng các phương thức tận diệt để đánh bắt nghêu khổng lồ. Ngoài ra, Trung Quốc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc khôi phục môi trường sinh thái ở Biển Đông, không thể để tình trạng mình Trung Quốc phá hủy hệ sinh thái mà tất cả các nước trong khu vực phải gánh chịu hậu quả.

Thứ hai, các nước trong khu vực cần triển khai ngay kế hoạch quản lý nghề cá và bảo tồn môi trường ở vùng biển tranh chấp để cứu vãn tài nguyên sắp cạn kiệt; tránh các hành động phá hủy môi trường biển nào như nạo vét, cải tạo đảo, hay xây dựng các cơ sở trên các rạn san hô chưa có nước nào kiểm soát.

Thứ ba, ASEAN và Trung Quốc cần thúc đẩy sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với những quy định mang tính ràng buộc và có những điều khoản về việc bảo vệ môi trường sinh thái ở Biển Đông.

Cuối cùng, UNCLOS đã có các điều khoản quy định rất rõ, rất cụ thể về việc bảo vệ môi trường sinh thái, các nước thành viên, đặc biệt là Trung Quốc cũng đã ký kết và tham gia UNCLOS cần tuân thủ nghiêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới