Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHải quân ASEAN quan tâm an ninh Biển Đông

Hải quân ASEAN quan tâm an ninh Biển Đông

BienDong.Net: “Bản chất của biển Đông là vấn đề quốc tế chứ không phải Việt Nam, Philippines hay Indonesia lôi kéo các nước khác vào để quốc tế hóa”, Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu tại hội nghị Tư lệnh hải quân ASEAN lần thứ 5 (ANCM-5) tổ chức tại Hà Nội ngày 27/7, trong đó một trong những chủ đề chính là tranh chấp Biển Đông.

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân Việt Nam, nói tại buổi khai mạc: “Một thực tế rõ ràng là trong khu vực chúng ta tồn tại những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với một số vùng biển, đảo tập trung trên khu vực Biển Đông.”

 

Những người đứng đầu hải quân ASEAN chụp ảnh lưu niệm trong phiên họp. Ảnh: admm.org.

Ông nói thêm “nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa chủ quyền đối với một số quốc gia trong khu vực đang đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Điều này tạo nguy cơ bùng nổ xung đột nếu không có nhận thức chung đúng đắn, quyết tâm cho một giải pháp hòa bình và quản lý xung đột hữu hiệu”

Thứ trưởng quốc phòng Việt Nam đề nghị hải quân ASEAN cùng xác định lập trường chung về giải pháp hòa bình, thông qua đàm phán cho việc giải quyết các tranh chấp trên những vùng biển có tranh chấp chủ quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982.

Ông viện dẫn bản Tuyên bố ứng xử giữa các bên có tranh chấp ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc hướng dẫn cách thực hiện bản tuyên bố này mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã thoả thuận tại Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) ở Bali, Indonesia tuần trước như là cơ sở để giải quyết các tranh chấp. Tuy nhiên ông Hiển cho rằng trong vấn đề này còn cần sự thống nhất giữa lời nói và hành động, cũng như thống nhất nhận thức từ cấp lãnh đạo tới người dân.

Cùng giọng với người đồng nhiệm Việt Nam, Đô đốc Tan Sri Abdul Aziz, tư lệnh hải quân Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải trong vùng biển này.

“Tôi muốn hối thúc Trung Quốc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia ven Biển Đông,” ông tuyên bố.

Tại hội nghị, các đại biểu còn đề cập một số vấn đề khác cần quan tâm. Đô đốc Tan Sri Abdul Aziz, Tư lệnh hải quân Malaysia, cho rằng cần hợp tác chia sẻ thông tin an ninh hàng hải giữa các nước, và để làm được điều đó, cần lựa chọn một đơn vị trung tâm kết nối thông tin ở mỗi nước để có tin đầy đủ, nhanh nhạy nhằm có hướng xử lý kịp thời.

Indonesia cũng tán thành việc thành lập trung tâm huấn luyện sĩ quan các nước ASEAN, như tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các sĩ quan tham mưu các cấp để xử lý kịp thời những thông tin liên quan đến tình hình chung của khu vực.

Về phần mình, Tư lệnh hải quân Singapore, tướng Ng Chee Peng cho biết, việc tuần tra chung giữa Singapore với một số nước liên quan đến hoạt động chống cướp biển thời gian qua là rất khả quan. “Chúng tôi đã lập cổng thông tin ASEAN về vấn đề an ninh biển, hân hạnh mời hải quân các nước tham gia để chia sẻ thông tin”, vị Tư lệnh này cho biết.

Trong khi đó, Tư lệnh Hải quân Brunei đề xuất nên mở rộng hội nghị này giống ADMM+, tức là mời các nước đối tác của ASEAN tham dự. Nếu trước mắt chưa tiến tới ANCM + thì nên nghiên cứu mời quan sát viên các nước.

Hội nghị đã thống nhất việc lập đường dây nóng trở thành kênh trao đổi thông tin chính thức của hải quân các nước ASEAN, theo các cấp độ khác nhau như giữa các đơn vị hải quân vùng hoặc cấp sĩ quan tham mưu, nhằm đảm bảo các vụ việc liên quan được giải quyết ở cấp tác chiến. Bên cạnh đó là đường dây nóng trực tiếp giữa các Tư lệnh Hải quân ASEAN.

Hội nghị Hải quân ASEAN một lần nữa cho thấy biển Đông đang ngày càng trở thành mối quan tâm chung của nhiều nước. Washington nói Mỹ có lợi ích trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển này – điều đã làm cho Trung Quốc khó chịu.

Biển Đông là vùng biển có tầm quan trọng chiến lược vì một phần ba tàu bè trên thế giới di chuyển qua vùng biển này. Thềm lục địa Biển ̣Đông được cho là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào cũng như rất giàu tôm cá.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc, vốn đòi chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông, đã bị cáo buộc tìm cách ngăn chặn Việt Nam và Philippines thăm dò dầu khí ở vùng biển mà hai quốc gia này cùng với Đài Loan, Brunei và Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền một phần.

Việt Nam và Philippines là những quốc gia gần đây phản đối mạnh mẽ nhất tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Hai nước này cho rằng những con tàu tuần tra của Trung Quốc đã can thiệp thô bạo vào những nỗ lực thăm dò dầu khí của họ.

Philippines dự định sẽ đưa các tranh chấp ở quần đảo Trường Sa ra Tòa án quốc tế về luật biển của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc phản đối bước đi này và nói họ chỉ muốn đàm phán song phương với các quốc gia có tranh chấp.

Chương Dương ( theo BBC và Vnexpress)

RELATED ARTICLES

Tin mới