Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamNHẬN THỨC HOANG ĐƯỜNG CỦA CHUYÊN GIA LUẬT BIỂN ...

NHẬN THỨC HOANG ĐƯỜNG CỦA CHUYÊN GIA LUẬT BIỂN TRUNG QUỐC VỀ ĐƯỜNG ĐỨT KHÚC CHÍN ĐOẠN

Báo Hải Dương Trung Quốc ngày 28 tháng 1 năm 2011 đăng bài của tác giả Tiêu Hán Cường, một chuyên gia Địa chất biển và Luật biển của Bộ Tài nguyên Quốc gia Trung Quốc, với tiêu đề “Đường quốc giới chín đoạn – Bảo đảm pháp luật cho việc duy trì chủ quyền ở Nam Hải (biển Đông)”. Trong bài viết này, ông Tiêu Hán Cường quả quyết rằng đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc Dân Quốc thể hiện trên bản đồ vào năm 1947 là “đường quốc giới” của Trung Quốc trên biển Đông. Tức là ông cho rằng vùng biển trong “đường quốc giới” đó là nội thuỷ, là ao nhà của Trung Quốc. Ông Tiêu Hán Cường nêu ba luận cứ cơ bản để chứng minh con đường đứt khúc chín đoạn là “đường quốc giới”.

Qua bài viết này, xin phân tích về những “luận cứ” mà ông Tiêu nêu ra để thấy rõ sự thực về “đường đứt khúc chín đoạn” là gì.

Một là, ông Tiêu không xác định được chính xác cái mà ông gọi là “đường quốc giới” của Trung Quốc ở biển Đông. Ông đưa kèm bài viết một cái bản đồ thể hiện con đường đứt khúc chín đoạn do Trung Hoa Dân Quốc đưa ra và kết luận luôn đó là “đường quốc giới”, không có lấy một lời giải thích. Nghĩa là ông coi đây là một tiền đề bất biến, không cần phải bàn cãi.

Nhưng việc xác định đường biên giới quốc gia không thể đơn giản như vậy. Theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc gia là tính ổn định và tính xác định được.[1] Con đường chín đoạn không ổn định, mà được vẽ rất tuỳ tiện. Ban đầu, con đường này có 11 đoạn, trong đó có hai đoạn trong Vịnh Bắc Bộ. Sau này, từ năm 1953 hai đoạn trong Vịnh Bắc Bộ bị bỏ đi, chỉ còn chín đoạn mà không có lời giải thích nào.

Con đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Hoa Dân Quốc đưa ra cũng không thể xác định được. Cho đến nay, các học giả Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ nêu rõ toạ độ địa lý, vị trí chính xác của từng đoạn cũng như toàn bộ chín đoạn của con đường này. Tuyệt đối không hề có một văn bản nào (dù là chính thức hay không chính thức) quy định hoặc giải thích về việc này. Chỉ có một học giả Trung Quốc có uy tín, ông Phan Thạch Anh, là người duy nhất giải thích về lý do của sự thiếu ổn định và tính không xác định của đường đứt khúc chín đoạn, đó là, Trung Quốc muốn “để lại khả năng đưa ra những điều chỉnh cần thiết trong tương lai”.[2]

Tính không ổn định và tính không xác định được là điểm yếu căn bản của yêu sách đường đứt khúc chín đoạn của Trung Quốc. Nhưng còn một điểm yếu nghiêm trọng hơn là mặc dù yêu sách đường đứt khúc chín đoạn đã được thể hiện nhiều lần trên bản đồ, nhưng cả Trung Hoa Dân Quốc lẫn Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đều chưa bao giờ có tuyên bố chính thức và rõ ràng về ý nghĩa và bản chất pháp lý của con đường này. Mới đây nhất khi Trung Quốc gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối việc Việt Nam và Malaysia nộp Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa của mình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc theo quy định của Công ước luật biển 1982 trong đó có gửi kèm một sơ đồ trên đó thể hiện đường yêu sách chín đoạn của mình trên biển Đông, Trung Quốc cũng không đề cập đến bản chất pháp lý của con đường này.

Trên thực tế, các cơ quan tài phán quốc tế cũng đã từng giải quyết những vụ mà các bên tranh chấp đưa ra yêu sách bằng con đường đứt đoạn trên biển. Trong vụ Trọng tài quốc tế giữa Eritrea và Yemen, khi Eritrea đệ trình cho Toà Trọng tài các bản đồ mô tả các đường đứt đoạn để minh hoạ cho các yêu sách về vùng biển của mình, Toà đã nêu quan điểm rõ ràng: “Toà không thể đồng ý với các mô tả bản đồ của bên tranh chấp đưa ra. Hơn nữa, nếu không có sự chỉ dẫn rõ ràng từ chính bản đồ đó, Toà không muốn tự mình giải thích về các đường đứt đoạn đó”. Hay nói cách khác Toà án nói trên đã không chấp nhận yêu sách chủ quyền được thể hiện dưới dạng một con đường đứt đoạn. Theo tinh thần đó, nếu Trung Quốc có đưa con đường đứt khúc chín đoạn như là một yêu sách chủ quyền đối với vùng biển trong con đường đó ra trước bất cứ một cơ quan tài phán quốc tế nào thì chắc chắn sẽ bị cơ quan tài phán đó bác bỏ.


Yêu sách chủ quyền theo “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Ảnh: CIA và UNCLOS

 

Như vậy, theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, con đường đứt khúc chín đoạn không thể được coi là “đường quốc giới”của Trung Quốc trên biển Đông vì con đường này không ổn định, chưa được xác định dứt khoát, không chính xác (do không được đánh dấu bằng các toạ độ địa lý), không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu của một đường biên giới quốc gia, và đặc biệt là, không được giải thích rõ về mục đích và bản chất pháp lý.

Hai là, việc ông Tiêu khẳng định con đường đứt khúc chín đoạn là “đường quốc giới”, tức là hàm ý rằng vùng biển nằm trong con đường này là vùng nước lịch sử có quy chế nội thuỷ, là ao nhà của Trung Quốc, hoàn toàn không có cơ sở lịch sử và pháp lý.

Về pháp lý, một khi con đường đứt khúc chín đoạn không phải là “đường quốc giới” thì vùng biển trong con đường đó không thể là vùng nước lịch sử, là nội thuỷ, là cái ao nhà của Trung Quốc.

Về lịch sử, một “đường quốc giới” ở biển Đông chưa bao giờ tồn tại trong sử sách chính thống của Trung Quốc. Các sử sách cổ của Trung Quốc như Đại nguyên nhất thống chí (1842), Đại Minh Nhất thống trí (1461), Đại Thanh Nhất thống chí (1842) đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”. Các bản đồ lãnh thổ Trung Quốc của người nước ngoài cùng thời cũng vẽ và giải thích phù hợp với cách hiểu này của người Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc thế kỷ XVII của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc công ty Đông Ấn – Hà Lan cũng có lời giải thích rất rõ: “nơi xa nhất của Trung Quốc bắt đầu từ phía Nam đảo Hải Nam ở 18 độ vĩ Bắc, rồi từ đó ngược lên phía Bắc đến vĩ độ 42 độ.[3] Những sách lịch sử hiện đại chính thống của Trung Quốc cũng không hề ghi nhận có một “đường quốc giới” trong khu vực biển này.

Nếu nghiên cứu lịch sử của Trung Quốc từ thời cổ xưa cho đến đầu thế kỷ 20, người ta có thể thấy rằng tính cách người Trung Hoa có tính lục địa, tính hướng nội rất rõ ràng. Hay nói cách khác, tính cách người Trung Quốc không có tính hướng ngoại, càng không có ý chí hướng ra biển. Thế kỷ 15 là thời điểm nhân loại đi từ thời đại lục địa sang thời đại hải dương, cũng là thời kỳ Trung Quốc có lực lượng trên biển vào bậc mạnh nhất thế giới và lập lên kỳ tích hàng hải vĩ đại nhất thế giới với các chuyến đi Tây Dương của Trịnh Hoà nhằm phục vụ cho mục đích ngoại giao và thám hiểm. Nhưng sự kiện Trịnh Hoà có lẽ chỉ là một trong ngoại lệ hiếm hoi trong lịch sử Trung Quốc. Chỉ ba năm sau các chuyến đi của Trịnh Hoà, Trung Quốc đã kiên quyết rút lui khỏi biển cả, quay lưng lại với biển, xoá bỏ hoàn toàn sự nghiệp hàng hải, thực hiện chính sách bế quan toả cảng một cách hết sức triệt để. Tính cách hướng nội, tính cách lục địa của dân tộc Trung Hoa có cơ sở thực tế lịch sử. Diện tích lãnh thổ rộng lớn đã tạo cho dân tộc Trung Hoa một không gian đủ để sinh tồn và phát triển. Những đe doạ liên tục đến từ các dân tộc du mục phương Bắc buộc dân tộc Trung Hoa phải phòng ngự trường kỳ. Sau năm 1820 thì các cuộc tấn công từ biển của các nước phương Tây đã trở thành mối đe doạ chủ yếu mà dân tộc Trung Hoa phải đối mặt. Quan tâm hàng đầu của người Trung Hoa lúc ấy là bảo vệ sự toàn vẹn của lục địa, chứ không phải tranh giành quyền lợi trên biển, càng không có ý chí và cũng không có thực lực để thực hiện tham vọng trên biển. Từ đó mà suy ra thì những kết luận kiểu như “nhân dân Trung Quốc đã làm chủ biển Đông từ cách đây 2000 năm qua” đều là những câu chuyện bịa đặt, không có cơ sở, được người Trung Quốc bây giờ tuởng tượng ra để phục vụ mục đích chính trị và tham vọng bành trướng mà thôi.

Ba là, luận điểm của ông Tiêu về việc năm 1947 Trung Hoa Dân Quốc đã lấy đường ranh giới biển (tức là đường đứt khúc chín đoạn) làm “đường quốc giới” và đã chính thức công khai với thế giới; các nhà xuất bản bản đồ có uy tín trên thế giới đều dựa vào các tài liệu đã được công khai do Trung Quốc phê duyệt, chỉ rõ phạm vi ranh giới của Trung Quốc ở biển Đông là hết sức hồ đồ, xuyên tạc sự thật.

Thứ nhất, Trung Hoa Dân Quốc và sau này là Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ chính thức yêu sách lấy đường đứt khúc chín đoạn làm “đường quốc giới” và coi vùng nước trong con đường này như là vùng nước lịch sử. Khi đưa con đường đứt khúc chín đoạn lên bản đồ, Trung Hoa Dân Quốc không có một tuyên bố công khai nào về bản chất pháp lý của con đường này. Khi in lại con đường này trên bản đồ, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa cũng không có bất cứ giải thích nào.

Theo luật pháp quốc tế, quốc gia có yêu sách về chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phải công khai yêu sách của mình để các quốc gia liên quan có thể biết được và phải thể hiện rõ ràng ý chí thực thi chủ quyền trên lãnh thổ đó. Những hành vi bí mật, không chính thức không thể tạo nên cơ sở cho quyền lịch sử. Trong trường hợp đường đứt khúc chín đoạn, cả Trung Hoa Dân Quốc lẫn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều chưa bao giờ công bố chính thức yêu sách về con đường này và vùng biển bên trong con đường này. Khi thảo luận về số phận của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hội nghị San Francisco năm 1951 và Hiệp ước hoà bình mà Hội nghị này thông qua (cũng còn gọi là Hiệp ước hoà bình San Francisco) không đề cập gì đến đường đứt khúc chín đoạn. Ngay cả Tuyên bố của Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1951 về dự thảo Hiệp ước hoà bình San Francisco được thảo luận tại Hội nghị nói trên cũng không hề nhắc gì đến đường đứt khúc chín đoạn.

Để cho khách quan về việc này, người ta có thể tham khảo nhận xét của ông Yann Huei Song, một chuyên gia về biển Đông người Trung Quốc: “đường đứt khúc chín đoạn” đã xuất hiện trên các bản đồ xuất bản ở Trung Hoa lục địa từ năm 1949, nhưng chưa bao giờ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa yêu sách chính thức các vùng nước nằm trong đường này như các vùng nước lịch sử (tức là không coi con đường này là đường quốc giới). Đại diện của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng đã không tuyên bố như vậy trong Hội nghị Công ước Luật biển lần III.[4]

Viêch Trung Quốc không có tuyên bố hoặc giải thích chính thức nào về “đường đứt khúc chín đoạn” là lý do vì sao các quốc gia khác không đưa ra phản ứng gì đối với con đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc Dân Quốc đưa lên bản đồ vào năm 1947. Sự im lặng đó không thể được giải thích là các quốc gia khác đã “mặc nhiên thừa nhận” yêu sách đường đứt khúc chín đoạn của Trung Quốc được bởi vì các nước khác không thể thừa nhận hay bác bỏ cái mà họ không biết.

Thứ hai, việc ông Tiêu khẳng định “các nhà xuất bản bản đồ có uy tín trên thế giới đều dựa vào các tài liệu đã được công khai do Trung Quốc phê duyệt, chỉ rõ phạm vi ranh giới của Trung Quốc ở biển Đông” là hết sức hồ đồ, xuyên tạc sự thật. Đến các Chính phủ Trung Quốc còn chưa từng công khai coi đường đứt khúc chín đoạn là ranh giới của Trung Quốc ở biển Đông thì làm gì có chuyện “các nhà xuất bản bản đồ có uy tín trên thế giới” dám thay mặt các Chính phủ Trung Quốc “chỉ rõ phạm vi ranh giới của Trung Quốc ở biển Đông” như ông Tiêu khẳng định.

Những phát biểu và tuyên bố của học giả, các nước trong và ngoài khu vực thể hiện rất rõ quan điểm của thế giới về con đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc thể hiện trên bản đồ.

Ông Yann Huei Song, một chuyên gia luật biển quốc tế người Trung Quốc cho rằng “không có cơ sở nào trong luật quốc tế cho yêu sách lịch sử đó”.[5] Các ông Mark. J. Valencia, John M. Vandyke và Noel A. Ludwig, các tác giả của cuốn sách “Chia sẻ tài nguyên ở Biển Nam Trung Hoa (biển Đông)” đã cho rằng yêu sách về đường đứt khúc chín đoạn của Trung Quốc (tại Biển Đông) rất mập mờ và vì vậy thể hiện điểm yếu cơ bản về địa vị pháp lý của nó. Ông Brice M. Clagett, thuộc Văn phòng Luật sư Covington & Burling Washington D.C. trong bài báo với tiêu đề “Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư chính và Thanh Long trong biển Đông” có nhận xét rằng không có một chút bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã từng thực thi bất kỳ một “quyền thuộc chủ quyền” nào trên bất kỳ một khu vực nào, chứ đừng nói gì đến toàn bộ vùng biển phía trong con đường đứt khúc chín đoạn. Đấy còn là một lý do nữa cho thấy tại sao yêu sách về “vùng nước lịch sử” của họ không có một giá trị thực chất hay đáng giá nào. Ông B.A. Hamzah, một học giả người Malaysia, nhận xét một yêu sách phi lý như vậy không thể có một danh nghĩa gì, do đó, sự không có danh nghĩa sẽ kéo theo sự không có quyền tài phán.[6] Tướng Dniel Schaeffer, nguyên Tuỳ viên Quân sự Pháp tại Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, hiện là Tư vấn cao cấp của chuyên mục “Tiêu điểm quốc tế” của Tạp chí Diplomatie trong bài “Biển Đông : Những điều hoang đường và sự thật của đường đứt khúc chín đoạn” đăng trong số tháng 1 và tháng 2 năm 2009 của Tạp chí này đã nêu lên một số điểm rất đáng chú ý về “đường đứt khúc chín đoạn”. Ông cho rằng : các lập luận chứng minh biển Đông là vùng nước lịch sử của Trung Quốc, tồn tại từ trước khi Công ước luật biển ra đời năm 1982, là không phù hợp với luật pháp quốc tế và rất khó biện minh. Ông cho rằng muốn nhận được sự tôn trọng và được lắng nghe từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tốt nhất nên từ bỏ đường ranh giới chín đoạn của mình. Tại các cuộc Hội thảo biển Đông trong thời gian vừa qua, một loạt các học giả đã lên tiếng bác bỏ “đường đứt đoạn chín khúc”. Giáo sư người Bỉ, ông Erik Franckx, Chủ nhiệm Khoa luật quốc tế và luật châu Âu, Đại học Vrie, Bỉ, đã dùng Công ước luật biển 1982, thực tiễn giải quyết các vụ tranh chấp trên biển và những vấn đề về kỹ thuật bản đồ để chứng minh rằng “đường đứt khúc chín đoạn” không có giá trị pháp lý. Ông kết luận cả Trung Quốc và Đài Loan đều không đáp ứng đủ các điều kiện để coi vùng nước trong “đường đứt khúc chín đoạn” là vùng nước lịch sử của mình. Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài RFI ngày mùng 1 tháng 2 năm 2011, ông Raul Pedro, Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Hải Chiến của Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ đã nhận xét: “tôi phải nói rằng việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với “đường đứt khúc chín đoạn” là hoàn toàn bất hợp pháp và không có cơ sở pháp lý quốc tế”.

Ngay sau khi Trung Quốc đưa yêu sách đường đứt khúc chín đoạn ra công khai trước Liên hợp quốc vào ngày 7 tháng 5 năm 2009, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã có Công hàm số 86/HC-2009 gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách đường đứt khúc chín đoạn của Trung Quốc và coi yêu sách này là “không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn”. Ngày 8 tháng 7 năm 2010, Phái đoàn thường trực của nước Cộng hoà Indonesia tại Liên hợp quốc cũng đã gửi công hàm số 480/POL-703/VII/10 cho Tổng thư ký Liên hợp quốc để phản đối yêu sách đường đứt khúc chín đoạn và cho rằng “yêu sách trên là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại các quy định của của Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc.”

Bốn là, những bằng chứng lịch sử mà ông Tiêu đưa ra để hỗ trợ cho luận cứ Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền lâu đời ở biển Đông không có một giá trị thuyết phục nào.

Về luận cứ Trung Quốc đã khai thác sớm nhất tài nguyên của biển Đông

Từ thời thượng cổ cho đến khi trật tự pháp lý trên biển mà nền tảng là Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc ra đời thì nguyên tắc tự do biển cả ngự trị trên biển. Bất cứ người nào, quốc gia nào cũng có quyền tự do khai thác tài nguyên biển. Vì vậy, hành động khai thác tài nguyên trên biển không thể được coi là một chứng cứ thực thi chủ quyền. Theo lô gích đó thì cho dù Trung Quốc có thể chứng minh rằng từ thời xa xưa người dân của họ đã đi lại và đánh cá trên trong vùng biển Đông thì các hoạt động đó cũng sẽ không thể được coi là hành vi thiết lập được một danh nghĩa lịch sử đối với một vùng biển rộng lớn chiếm hầu hết biển Đông hay là hành vi thực thi chủ quyền. Thực tế cho thấy không chỉ có người Trung Quốc mà còn có người của nhiều nước khác cũng tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên ở biển Đông. Các sách Hán văn cổ đều ghi nhận các hoạt động của dân đánh cá và dân buôn Ả-rập, Ấn Độ, Malaysia và vùng Vịnh trong vùng biển này.[7] Chưa bao giờ, các chính quyền phong kiến Trung Quốc trước kia cũng như các Chính phủ Trung Quốc sau này, thiết lập hoặc duy trì được một sự độc tôn nào trong vùng biển nằm trong đường đứt khúc chín đoạn. Từ bao đời nay, các quốc gia trong khu vực vẫn tiến hành các hoạt động sử dụng biển một cách bình thường ở biển Đông. Biển Đông đã từng là các tuyến đường hàng hải của tàu bè nhiều nước.

Về luận cứ các triều đại phong kiến Trung Quốc đã thiết lập Thuỷ sư để cai quản, thiết lập chế độ đi tuần định kỳ ở biển Đông

Việc ông Tiêu quả quyết từ đời Đường, đời Tống, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã thiết lập Thuỷ sư để cai quản, thiết lập chế độ đi tuần định kỳ ở biển Đông quả thật là hết sức hoang đường. Cai quản và đi tuần định kỳ ở một vùng biển rộng đến 3,5 triệu km2 vào thời kỳ cách đây hàng nghìn năm, quả thật là kỳ tích, không thể diễn ra trong các đời Đường, đời Tống. Nếu có thì kỳ tích này đã được ghi lại trong lịch sử Trung Quốc và lịch sử khu vực Đông Nam Á.

Trong lịch sử Trung Quốc, nhà Đường vào thời Đường Anh Tông Lý Thế Dân có thể được coi là giai đoạn lịch sử hào hùng nhất của dân tộc Trung Hoa. Chiến công hiển hách nhất của nhà Đường được sử sách ghi lại là “vạn quốc lai triều”, tức là được nhiều nước đến cống nạp. Trong khi đó, sử sách chính thống của Trung Quốc không có ghi nhận nào về việc đi tuần tiễu định kỳ hay hoạt động quản lý của nhà Đường ở biển Đông.

Nhà Tống có thể nói là vương triều giàu có nhất trên thế giới thời đó, nhưng không phải là vương triều nước giàu, quân mạnh. Do tinh thần bạc nhược và quân tướng kém cỏi, nhà Tống chẳng lập được võ công gì hiển hách, trái lại, bị hai dân tộc thiểu số Mông Cổ và Mãn Thanh ở biên giới chinh phục, cuối cùng bị diệt vong bởi nạn ngoại xâm. Trong tình trạng đất nước như thế thì nhà Tống khó lòng đủ sức để “cai quản” và “đi tuần định kỳ” ở cả khu vực biển Đông.

Cũng có thể là ông Tiêu đã lấy thông tin thất thiệt từ ông Hàn Chấn Hoa nên mới cho là như vậy. Trong cuốn sách với tiêu đề “Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải nước ta”, ông Hàn không nhắc gì đến việc nhà Đường đi tuần tiễu ở biển Đông, nhưng có trích dẫn cuốn “Vũ kinh tổng yếu” của Tăng Công Lượng đời Tống về việc “Triều đình Bắc Tống lệnh cho Vương Sư đi phòng giữ đặt dinh thuỷ quân biển ở Quảng Nam (tức Quảng Châu ngày nay) và đóng tàu chiến đao ngư” và “Từ Đồn Môn Sơn, dùng gió Đông đi về hướng Tây Nam 7 ngày thì đến Cữu Nhũ Loa Châu.” Ông Hàn giải thích Cửu Nhũ Loa Châu là quần đảo Hoàng Sa ngày nay. Từ đó, ông Hàn kết luận : điều đó chứng tỏ quần đảo Hoàng Sa đã thuộc phạm vi cai quản của đời Bắc Tống và; Trung Quốc đã phái thuỷ quân tuần tiễu quần đảo Hoàng Sa từ đời Tống. Sau này, các nhà nghiên cứu lịch sử đã chỉ ra rằng Cữu Nhũ Loa Châu không phải là quần đảo Hoàng Sa, mà chỉ là một vài đảo ven bờ của Trung Quốc. Thế mới biết cái kết luận nói trên của ông Hàn Chấn Hoa là sự bịa đặt quá đáng. Từ việc thuỷ quân nhà Tống đi đến một vài đảo ven bờ của Trung Quốc để bảo vệ biển, chống cướp biển được biến thành việc nhà Tống “phái thuỷ quân tuần tiễu quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa)”. Nhưng sự bịa đặt của ông Tiêu còn trên tài ông Hàn Chấn Hoa một bậc. Theo ông Tiêu, Thuỷ quân nhà Tống không chỉ khiêm tốn đến tuần tiễu ở quần đảo Hoàng Sa, mà còn tuần tiễu toàn bộ khu vực biển Đông.

Về các chuyến đi biển của Trịnh Hoà

Qua sử sách của Trung Quốc, có thể thấy rằng các chuyến đi biển của Trịnh Hoà qua khu vực Đông Nam Á, qua Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đến Đông Phi là có thật. Nhưng các chuyến đi đó của Trịnh Hoà chỉ nhằm phục vụ các sứ mệnh ngoại giao và thám hiểm thế giới bên ngoài, không phải là hành vi thực thi chủ quyền. Nếu coi việc đi sứ, buôn bán và thám hiểm là bằng chứng thực thi chủ quyền trên biển thì Đông Nam Á, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, là nơi mà Trịnh Hoà đã đi qua, có được coi là thuộc chủ quyền của Trung Quốc hay không ? Người Hà Lan, người Bồ Đào Nha, người Anh, người Pháp, và người của một số nước khác đã từng đi qua biển Đông và các đại dương trên thế giới thì biển Đông và các đại dương có được coi là thuộc chủ quyền của các nước đó hay không ?

Về luận cứ nhân dân Trung Quốc đã phát hiện sớm nhất các đảo ở biển Đông; từ chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, các đảo ở biển Đông luôn nằm dưới sự quản hạt một cách có hiệu quả của Chính phủ Trung Quốc

Người ta không rõ ông Tiêu nêu luận điểm “nhân dân Trung Quốc đã phát hiện sớm nhất các đảo ở biển Đông” là nhằm mục đích gì, vì không thấy ông giải thích. Nhưng cứ theo cái lô gích ông sử dụng mà suy ra thì có lẽ ông muốn coi đó là bằng chứng về việc thực thi chủ quyền đối với các quần đảo ở biển Đông từ lâu đời. Là chuyên gia luật biển quốc tế, chắc ông Tiêu phải biết rằng việc phát hiện sớm nhất các đảo ở biển Đông, nếu có, của “nhân dân Trung Quốc” không có hệ quả pháp lý gì. Hành vi “phát hiện” trên chỉ có ý nghĩa pháp lý, khi các Nhà nước phong kiến Trung Quốc thời đó thể hiện rõ ý chí chủ quyền và có hành vi thực thi chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông. Cho đến nay, ngoài một số tài liệu nguỵ tạo người Trung Quốc chưa đưa ra được một bằng chứng xác thực nào thể hiện việc các Nhà nước phong kiến Trung Quốc đã có những hành vi thể hiện rõ ý chí chủ quyền và có hành vi thực thi chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời. Có lẽ cũng cần lưu ý ông Tiêu rằng theo chính sử sách chính thống từ nhà Hán đến nhà Thanh cũng như sử sách hiện đại của nước ông sau này thì cương vực của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Như vậy, làm sao có thể khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ lâu đời.

Việc ông khẳng định “từ chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, các đảo ở biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, luôn nằm dưới sự quản hạt một cách có hiệu quả của Chính phủ Trung Quốc” cũng không đúng với thực tế lịch sử. Lý do rất đơn giản là : không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Chính phủ Trung Quốc có quyền gì mà quản hạt hai quần đảo này.

Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, bốn bảy trong số năm mươi mốt nước tham gia Hội nghị đã bỏ phiếu không chấp nhận giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc và không coi hai quần đảo đó là lãnh thổ Trung Quốc. Chính tại Hội nghị này, Trưởng đại biểu của quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đã không gặp sự phản đối hay bảo lưu của đại diện nước nào. Đây là một biểu hiện chứng tỏ sự thừa nhận của các nước Đồng minh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hiệp ước hoà bình Trung – Nhật năm 1952 ký giữa Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản cũng ghi nhận rõ ràng: không coi Spratly và Paracel (Hoàng Sa và Trường Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc bị Nhật Bản cướp đoạt; chỉ công nhận Nhật Bản đã chiếm đoạt Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ và phải trả lại cho Trung Quốc.

Trước khi rút khỏi Việt Nam, Chính phủ Pháp đã chính thức chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và năm 1974 Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa khi đó đang được quản lý bởi chính quyền Sài Gòn và năm 1988 lại dùng vũ lực đánh chiếm một số bãi ở quần đảo Trường Sa là một sự thực hiển nhiên.

Những hành động nói trên là bất hợp pháp, là xâm lược, là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và không giúp tạo ra bằng chứng chủ quyền cho Trung Quốc đối với các quần đảo này.

Năm là, khi nêu lên luận điểm “các quần đảo ở biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tự mình tạo thành các chỉnh thể tương đối độc lập” thì quả thật người ta không biết ông Tiêu muốn nói gì. Là một chuyên gia luật biển quốc tế, chắc ông Tiêu biết quá rõ rằng riêng việc các quần đảo ở biển Đông có tạo thành các chỉnh thể độc lập hay không độc lập không phải là yếu tố có thể giúp biện minh cho cái mà ông gọi là “đường quốc giới”. Yếu tố địa chất, địa lý có thể có ý nghĩa bổ trợ cho luận điểm của ông Tiêu khi Trung Quốc có thể chứng minh chủ quyền của mình đối với các quần đảo ở biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng, như đã chỉ ra ở trên: hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Vì vậy, việc ông Tiêu nêu yếu tố “các quần đảo ở biển Đông tạo thành các chỉnh thể độc lập” chỉ làm cho người ta thấy rõ tính tuỳ tiện và gán ghép cố ý trong hệ thống những luận cứ của ông mà thôi.

Nói tóm lại, ông Tiêu đã không nêu được bằng chứng xác thực nào khả dĩ có thể chứng minh rằng con đường đứt khúc chín đoạn là “đường quốc giới”; không chứng minh được rằng Trung Quốc đã xác lập và thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn trong con đường nói trên ở biển Đông một cách thực sự, liên tục, hoà bình và không bị các nước khác phản đối. Vì vậy, việc ông quả quyết con đường đứt khúc chín đoạn là “đường quốc giới” và coi đó là bảo đảm pháp luật cho việc duy trì chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là hết sức hoang đường, thiếu căn cứ khoa học và trái với luật pháp quốc tế.


[1] Tuyển tập các phán quyết, sắc lệnh của Tòa án pháp lý quốc tế ICJ, 1962, vụ Đền Préah Vihéar, tr.34.

[2] Pan Shiying, bài đăng trong tạp chí Economic Information & Agency, July 1996.

[3] Peter de Goyer and Jacob de Keyzer: An Embassy from the East – India company united Provinces to the Grand Tartar Cham Emperor of China…, thư viện Menzies, Australia, v. Ige. Rare b DS 708.N64.

[4] Yann Huei Song, “China’s “historic waters”in the South China sea: An analysis from Taiwan”, American Asian Review Vol. 12, N.. 4, Winter, 1994 (pp. 83-101).

[5] Yann Huei Song, “China’s “historic waters”in the South China sea: An analysis from Taiwan”, American Asian Review Vol. 12, N.. 4, Winter, 1994 (pp. 83-101).

[6] B.A. Hamzah: “Các vấn đề tài phán tranh chấp trong khuôn khổ Spratly đối với việc giải quyết tranh chấp”, Hội nghị kiềm chế xung đột tiềm tàng trong biển Nam Trung Hoa, Bandung, Indonesia, 15-18/7/1991, tr.199-200.

[7] G.M.C Valero: Spratly archipelago: is the question of sovereignty still relevant?, IILS, University of the Philippines, Law Center, Diliman, Quezon city, 1993.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới