BienDong.Net: Trong phát biểu mới đây trên tờ Thời báo Hoàn cầu, Ông Zhang Xia, Giám đốc nghiên cứu chiến lược thuộc Viện nghiên cứu địa cực Trung Quốc cho rằng trong bối cảnh tranh chấp về tài nguyên khoáng sản và thương mại biển tại Bắc Cực đang diễn ra căng thẳng, Bắc Kinh cần tuyên bố trước cộng đồng quốc tế mục tiêu theo đuổi lợi ích tài nguyên và hàng hải ở biển Bắc cực.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, nước này nên tăng cường hiện diện ở biển Bắc cực để tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên và khai thác các tuyến hàng hải.
Ông nói: “Trung Quốc là một trong những nhà tiêu dùng năng lượng và thương mại hàng đầu thế giới. Trung Quốc đã cải thiện sự hiển diện của mình tại biển Bắc Cực và tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, thật không may, so với các nước ở gần Bắc Cực, vị thế của Trung Quốc ngày càng tụt hậu trong công tác thăm dò tài nguyên và nghiên cứu khoa học”
Ông Zhang Xia nhấn mạnh với Thời báo Hoàn Cầu rằng, theo luật pháp quốc tế hiện nay, biển Bắc Cực không thuộc về một quốc gia cụ thể nào, nhưng tham vọng của các quốc gia gần đó đã làm tăng các tranh chấp tại đây.
Ảnh minh họa của PA.
“Trên thực tế 80% nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Canada, Đan Mạch, Nga, Na Uy, Mỹ nhưng họ vẫn cố gắng mở rộng thềm lục địa của mình. Kết quả là đã tạo sự chồng chéo lẫn nhau về tuyên bố chủ quyền lãnh hải và làm tăng các tranh chấp” ông Zhang Xia lý giải.
Li Zhenfu một chuyên gia nghiên cứu hàng hải Bắc Cực tại ĐH Hàng hải Đại Liên nói: “Bắc Cực về mặt kỹ thuật vẫn là một phần của thế giới, Trung Quốc có thể cải thiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai tại đây”.
Cuộc phỏng vấn của Thời báo Hoàn cầu được diễn ra sau khi CNN đăng tải hình ảnh về cuộc tập trận Hải quân của Mỹ tại biển Bắc với sự tham gia của 2 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Năm 2009, cơ quan quản lý đại dương và khí quyển của Mỹ dự đoán: Trong vòng 30 năm tới, khu vực biển bị bao phủ bởi băng giá vào mùa hè ở Bắc cực sẽ giảm khoảng 2/3 so với hiện nay, điều này mở ra cơ hội lớn cho việc thăm dò, khai thác tài nguyên và mở ra nhiều tuyến thương mại mới .
Một tuyến hàng hải tại biển Bắc cực chạy dọc vùng siberia nối châu Âu với Đông Á, nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương có thể chỉ ngắn bằng 1/3 so với đường vận chuyển truyền thống đi qua kênh đào Suez., tờ Guardian của Anh cho biết.
Năm 2007, Nga đã tiến hành cắm 1 lá cờ ở dưới đáy biển Bắc cực để khẳng định chủ quyền của mình. Moscow đã thiết lập tại đây 1 lữ đoàn hải quân để bảo vệ các lợi ích quốc gia.
Mỹ là một thành viên của Hội đồng Bắc Cực cùng với Canada, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Iceland, Nga và Thụy Điển, các nước trong hội đồng này đều có tuyên bố chủ quyền của mình tại Bắc Cực. Hội đồng Bắc Cực ra đời nhằm hòa giải các tranh chấp tại đây.
Dẫn nghiên cứu năm 2008 của Cơ quan khảo cứu địa chất Mỹ, Thời báo Hoàn Cầu cho biết, vòng cung Bắc Cực có khoảng 90 tỷ thùng dầu chưa được phát hiện, và 1.670 nghìn tỷ feet khối khí đốt có thể khai thác được.
Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tại Bắc Cực chiếm đến 22% trữ lượng tài nguyên chưa được khám phá và có thể khai thác trên toàn thế giới.
Quế Hương (Theo Global Times )