BienDong.Net: sáng 10.8, Trung Quốc đã chính thức cho chạy thử tàu sân bay đầu tiên, được tân trang từ một chiếc Varyag đóng thời Liên Xô cũ tại Ukraine. Việc tiến hành khai trương không ồn ĩ cho con tàu và việc chọn thời điểm ra mắt – thay vì ngày 1/7, ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc – dường như là một tính toán kĩ lưỡng nhằm giảm bớt sự chú ý trong bối cảnh căng thẳng leo thang với một số nước láng giềng liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc.
Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Tân Hoa dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng khẳng định chuyến đi đầu tiên của con tàu sẽ kéo dài trong thời gian ngắn. Nó sẽ sớm trở lại cảng Đại Liên để lắp thêm thiết bị và tiếp tục thử nghiệm.
Trung Quốc đã dành cả thập kỷ vừa qua để tân trang con tàu sân bay mà họ mua từ năm 1998 từ Ukraine. Hiện thế giới chỉ có 2 tàu sân bay thuộc loại này là Kuznetsov, đang trong trang bị của quân đội Nga và chiếc Varyag nằm trong tay người Trung Quốc.
Tham vọng sở hữu tàu sân bay của quân đội Trung Quốc đã được biết đến từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, gần đây khi mà các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng có chiều hướng gia tăng, thì Bắc Kinh liên tục đưa ra thông tin úp mở về việc hạ thủy con tàu sân bay đầu tiên của mình và giảm nhẹ tầm quan trọng của nó.
Ngay cả cái tên Thi Lang dành cho con tàu được xì ra trước đó cũng đã không được nhắc đến trong thông tin về chuyến đi đầu tiên của con tàu..
Giới chức Trung Quốc liên tục khẳng định sẽ sử dụng chiếc tàu sân bay này “cho mục đích huấn luyện và nghiên cứu”.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức giải thích rằng việc cường quốc châu Á có một tàu sân bay là cần thiết về chiến lược. “Trung Quốc là một nước lớn nhưng lại chỉ có một số chiếc tàu, mà hầu hết là loại nhỏ. Điều này không tương xứng với tầm vóc của một đất nước như Trung Quốc”, ông nói.
Quả thực, đối với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, sở hữu một chiếc hàng không mẫu hạm là vấn đề danh tiếng. Tuy nhiên, việc sở hữu tàu sân bay- như nhận định của Rick Fisher, chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế được AFP trích dẫn, lại có thể ảnh hưởng đến hình ảnh mà Trung Quốc tự tạo cho mình, đó là hình ảnh một quốc gia hiện đại hóa quân sự chỉ để nhằm tự vệ, chứ không có ý đồ bành trướng.
Thế cho nên hôm 10/8, sự kiện này diễn ra khá kín đáo. Tân Hoa Xã chỉ phát một bản tin rất ngắn gọn. Có lẽ Bắc Kinh ngại rằng chiếc tàu sân bay làm nổi rõ một hình ảnh hiếu chiến của Trung Quốc.
Một lý do khác khiến Bắc Kinh không muốn tỏ ra tự mãn với chiếc tàu Varyag, đó là vì Trung Quốc cần có thêm thời gian để đưa vào hoạt động một đội tàu sân bay, là lĩnh vực mà Trung Quốc còn tụt hậu rất xa so với Hoa Kỳ.
Nhưng bên cạnh đó, Trung Quốc đang tiếp tục phát triển những loại vũ khí mới để nâng cao sức chiến đấu của mọi binh chủng hải, lục không quân, chẳng hạn như máy bay tiêm kích tàng hình J-20 hay tên lửa đạn đạo bắn từ các chiến hạm đến những mục tiêu cách đó hàng ngàn cây số.
Tuy nhiên, cũng theo lời ông Fisher, Trung Quốc muốn hù dọa các đối thủ trên Biển Đông. “Đây rất có thể sẽ là vùng biển tuần tra lớn đầu tiên của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc và việc bảo vệ những tàu ngầm này sẽ là một trong những nhiệm vụ của các tàu sân bay Trung Quốc” chuyên gia này nói.
Việc Trung Quốc trang bị tàu sân bay đang làm dấy lên quan ngại đối với tham vọng quân sự của Bắc Kinh. Ngày 10/8, trả lời báo giới khi được hỏi liệu tàu sân bay này có làm gia tăng căng thẳng trong khu vực hay không, nữ phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói: “Chúng tôi chờ đợi phía Trung Quốc sẽ giải thích về nhu cầu cần sở hữu trang thiết bị này. Đây là một phần trong mối quan ngại lớn hơn của chúng tôi về việc Trung Quốc không minh bạch như các quốc gia khác trong mua sắm quân sự và công khai ngân sách quốc phòng.
Chia sẻ quan tâm của Mỹ, Chánh văn phòng nội các Nhật Yukio Edano nói: “Vấn đề minh bạch trong chính sách quốc phòng và sự phát triển quân đội của Trung Quốc không chỉ là mối lo ngại đối với riêng Nhật Bản, mà còn là mối lo ngại đối với khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Theo Đài phát thanh Australia, Sự mở rộng về quân đội của Trung Quốc sẽ tác động đến tình hình quân sự khắp khu vực châu Á. Rommel Banlaoi, giám đốc Viện Nghiên cứu hoà bình, bạo lực và chủ nghĩa khủng bố Philippines cho biết Philippines muốn tăng chi tiêu cho quân sự. Hoạt động hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc là tiếng kèn lệnh kêu gọi Philippines cũng phải nâng cấp năng lực của mình để tuần tra các vùng biển”.
Trong khi đó, Rory Medcalf, giám đốc chương trình An ninh quốc tế tại Học viện chính sách quốc tế Sydney, Australia, cho rằng chương trình tàu sân bay của Trung Quốc có thể đẩy mạnh hoạt động trang bị tàu ngầm tại khu vực như là biện pháp đối phó.
“Đã có một cuộc chạy đua về tàu ngầm hay cạnh tranh về năng lực tàu ngầm trong khu vực. Chương trình tàu sân bay của Trung Quốc có thể tiếp thêm xung lực vào cuộc chạy đua này”, ông nói thêm. Theo kế hoạch công bố năm ngoái, Nhật Bản đang chuẩn bị nâng số tàu ngầm hiện có từ 16 lên 22 chiếc.
Bạch Đằng (tổng hợp)