Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếCách nhìn của người Trung Quốc ở nước ngoài về những yêu...

Cách nhìn của người Trung Quốc ở nước ngoài về những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp do Trung Quốc đang ráo riết thực thi trên thực tế yêu sách “đương lưỡi bò”. Thái độ của Trung Quốc tỏ ra rất hiếu chiến và không thể chấp nhận được.

Gần đây, Tác giả Trần Phá Không đã có bài viết với tiêu đề “Khai chiến Nam Hải (Biển Đông), Trung Cộng chắc chắn sẽ thất bại”, đánh giá khá khách quan về tình hình Biển Đông và những yêu sách quá đáng của Trung Quốc. Tác giả Trần Phá Không sinh năm 1963, người gốc Tứ Xuyên, Trung Quốc, hiện là bình luận viên của Đài phát thanh tự do Châu Á. Bài viết được đăng trên tạp chí Khai Phóng của Hồng Công ngày 07/7/2011. Ban biên tập xin trích đăng nội dung bài viết của tác giả Trần Phá Không để bạn đọc cùng nghiên cứu.

 

Tranh chấp Nam Hải (Biển Đông) ngày càng xấu đi. Trung Quốc, Việt Nam, Philippine liên tiếp diễn tập quân sự. Mỹ, Nhật tố cáo Trung Quốc là mối đe doạ. Bắc Kinh không ngừng phô trương sức mạnh hải quân, không quân, hạ thủy hàng không mẫu hạm. Song, nếu thực sự muốn khai chiến, Trung Cộng liệu có thắng được không?

Một bộ phận người gốc Trung Quốc cũng không đồng tình với “đường lưỡi bò”.

Mới chớm hạ, tranh chấp Nam Hải (Biển Đông) đã đột ngột nóng lên. Ba trong số 6 nước liên quan đến tranh chấp Nam Hải (Biển Đông) là Trung Quốc, Việt Nam và Philippine đều tăng cường các hoạt động của mình.

Đua nhau diễn tập quân sự, bóng mây chiến tranh giăng kín Nam Hải (Biển Đông)

Trung Cộng lần lượt tổ chức các cuộc diễn tập bắn đạn thật trên vùng biển phía Tây Quảng Đông, diễn tập thực binh trên vùng biển xung quanh đảo Hải Nam; đồng thời, cử tàu hải giám lớn nhất đi qua Nam Hải (Biển Đông); còn tiết lộ sẽ hạ thủy tàu sân bay đầu tiên vào ngày 1 tháng 7.

Cùng thời gian đó, Việt Nam cũng tiến hành diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông; lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh biên giới Trung – Việt năm 1979 Thủ tướng Việt Nam ký và ban bố lệnh gọi nhập ngũ. Tại Việt Nam cũng liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Philippine tuyên bố dỡ bỏ cột dấu chủ quyền của nước ngoài (ám chỉ Trung Quốc) tại một số bãi cạn và vùng đảo san hô; đổi tên “ Nam Hải” thành “ Biển Tây Philippine”, đồng thời sẽ tổ chức diễn tập quân sự chung với Mỹ kéo dài 11 ngày cuối tháng 6/ 2011.

Bắc Kinh đổ cho Việt Nam và Philippine gây căng thẳng tranh chấp ở Nam Hải. Phía Việt Nam và Philippine lại chỉ trích Bắc Kinh “bá quyền” và gây hấn. Trung Cộng cử tàu hải giám thăm Singapore, muốn giương oai ở Nam Hải, mặt khác có ý lôi kéo Singapore đỡ lưng. Tuy nhiên phía Singapore không muốn bị lợi dụng, lập tức chất vấn lập trường của Bắc Kinh, yêu cầu Trung Cộng “ trình bày rõ ràng, chính xác phạm vi chủ quyền lãnh hải của mình”, nhấn mạnh Trung Cộng “ mập mờ như hiện nay gây quan ngại cho các quốc gia trên biển khác”.

Lập trường trước sau bất nhất, khó gây dựng lòng tin

Trên thực tế, bản thân Trung Cộng luôn có những phát ngôn mập mờ, lập trường không thống nhất liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Nam Hải (Biển Đông), làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín quốc tế của Trung Quốc. Cách đề cập của Đặng Tiểu Bình là “ tạm gác tranh chấp, cùng nhau khai thác”. Thời kỳ Chu Dung Cơ làm Thủ tướng khi đi thăm các nước Đông Nam Á cũng đề cập như vậy. Năm 2002, Trung Cộng và các nước Đông Nam Á đã ký kết “Tuyên bố của các bên về hành vi ứng xử ở biển Đông, cam kết “ thông qua hiệp thương hữu nghị, giải quyết hoà bình tranh chấp Nam Hải”.

Cùng với việc các nước ASEAN phát hiện ra nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt phong phú tại Nam Hải( Biển Đông), Trung Cộng liên tục thay đổi lập trường.

Vài năm gần đây, Bắc Kinh bắt đầu từ chối đàm phán đa phương, đồng thời yêu cầu chỉ đàm phán song phương với từng nước liên quan, khiến các nước đề cao cảnh giác. Tháng 3 năm 2010, Trung Quốc đột ngột cao giọng tuyên bố: chủ quyền Nam Hải ( Biển Đông) liên quan đến“ lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Dư luận các nước xôn xao. Sở dĩ Trung Cộng ra giá cao như vậy là cậy vào sức mạnh tăng lên, sức mạnh quân sự mở rộng và muốn khoa trương cơ bắp với thế giới.

Tiếp đó, tháng 07 năm 2010, tại hội nghị cấp cao Asean, các nước Đông Nam Á lần lượt chất vấn, phê phán và chỉ trích chính sách Nam Hải( Biển Đông) của Trung Cộng, các nước tham dự hội nghị như Mỹ, EU và Inđônexia đều bày tỏ ủng hộ lập trường của Asean. Trung Quốc bị cô lập chưa từng có và tự cho rằng “ bị bao vây công kích”. Xem ra thành quả ngoại giao châu Á của Trung Quốc bỗng chốc tiêu tan. Sau đó Trung Cộng lại điều chỉnh khâủ khí, từ bỏ cách nói “ Chủ quyền Nam Hải liên quan đến lợi íchm cốt lõi” của mình, quay trở lại với cách diễn đạt lập lờ.

Mỹ Nhật công khai chỉ trích Trung Quốc là mối đe doạ

Cùng lúc đó, Mỹ quay trở lại Châu Á để tăng cường bao vây Trung cộng. Bắc Kinh một mặt nhấn mạnh phản đối “ nước ngoài can thiệp” tranh chấp Nam Hải( Biển Đông), mặt khác lại không thể không thừa nhận “ lợi ích của Mỹ tại khu vực nay”.

Trung Cộng không ngừng có những tiểu xảo, không những xung đột với các nước như Việt Nam, Philipin v.v ở Nam Hải (Biển Đông) mà còn có va chạm với Nhật về vấn đề Đông Hải. Sự việc mới nhất gần đây là ngày 8, 9 tháng 6, 11 chiến hạm của Trung Quốc nghênh ngang đi qua tại vùng biển nằm giữa đảo Okinawa và đảo Miyako với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, làm kinh động chính quyền Nhật Bản.

Trước tình hình đó, tại cuộc hội đàm Bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc phòng Nhật – Mỹ (2+2) trung tuần tháng 6 vừa qua, Nhật – Mỹ chỉ rõ “ Trung Quốc đang tạo ra những cọ xát tại Đông Hải, Nam Hải”, “ gây căng thẳng trong khu vực”. Lần đầu tiên, Nhật – Mỹ đưa lập trường chính thức, công khai “ Mối đe doạ Trung Quốc” (thực chất là “ mối đe doạ của Trung Cộng”) .

Vẽ biên giới biển Nam Hải(Biển Đông) đến tận “cửa nhà ” láng giềng

Chưa bàn đến chuyện rắc rối đúng sai trong tranh chấp Nam Hải (Biển Đông). Trên bản đồ của mình, Trung Cộng vẽ đường ranh giới phạm vi chủ quyền ở Nam Hải đến tận “ cửa nhà” Việt Nam, Philippine, Malaixia, Brunei…, như vậy có thực tế không? Chiếu theo quy định “các nước có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý’’trong “Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển” và việc Trung Cộng đã ký tham gia Công ước này, Trung Quốc khó có thể bào chữa cho cho cách vạch ranh giới của mình. Thực tế, từ việc vạch ranh giới đến việc coi biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, chính Trung Quốc đã tự lấy dây buộc mình.

Chẳng trách, gần đây tại Hội thảo “ Vấn đề an ninh Biển Đông” tổ chức tại Washington, học giả Việt Nam trên cơ sở có đầy đủ tài liệu bản đồ, đã trình bày lập trường chủ quyền một cách rõ ràng, hùng hồn và giành được sự đồng tình của Hội nghị; ngược lại, học giả Trung Quốc lại nói đông nói tây, lập luận không rõ, khiến cho các học giả cảm thấy lập luận quá khiên cưỡng, để lại một ấn tượng “không thật thà”. Học giả Trung Quốc diễn đạt không thấu đáo, lý lẽ vòng vo, rốt cuộc đành nói “chưa chuẩn bị đầy đủ”.

Bắc Kinh thông qua “ thoả thuận ngầm” nhằm “hạ nhiệt” tranh chấp

Thủ đoạn lợi dụng xung đột với nước ngoài để chơi trò chuyển sức ép bức xúc của nhân dân ra bên ngoài của Bắc Kinh đã được sử dụng từ lâu.

Kể từ khi Mao Trạch Đông qua đời, tại Trung Quốc “niềm tin Chủ nghĩa Xã hội” đã bị sụp đổ; Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy chủ nghĩa dân tộc (cái gọi là “Chủ nghĩa yêu nước”) làm ý thức hệ của chính quyền. Chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi, ĐCS Trung Quốc xuất phát từ nhu cầu củng cố chính quyền độc tài, cố ý tuyên truyền để người dân Trung Quốc hiểu sai rằng họ đang “ bảo vệ lợi ích dân tộc” nhằm trục lợi. Nhưng chủ nghĩa yêu nước của dân chúng Trung Quốc là tự nhiên và thật lòng, một khi đã canh cánh với nó, sớm muộn sẽ chĩa mũi nhọn vào chính quyền Trung Cộng.

Lập trường chần chừ, không rõ ràng về vấn đề biển Đông, lúc cứng lúc mềm của Trung Cộng không những khiến cho cộng đồng quốc tế không thể khâm phục, mà ngay cả những người dân Trung Quốc có hiểu biết cũng không thể chấp nhận.

Trung Cộng khai chiến, lành ít dữ nhiều

Ngay lúc vấn đề biển Đông đang nóng lên, Bắc Kinh lại âm thầm hạ nhiệt. Ngày 21 tháng 06 đột nhiên có tin, hải quân hai nước Trung Việt tiến hành tuần tra liên hợp 2 ngày trên Vịnh Bắc Bộ, điều này chứng tỏ rằng, tuy bề ngoài tỏ ra cứng rắn nhưng Trung Cộng lại có thoả thuận ngầm với Việt Nam. Tiếp đó, người phát ngôn Bộ NG Trung Quốc bày tỏ: “Sẽ không cản trở quyền tự do hàng hải của các nước tại biển Đông”. Và điều này cũng chính là lập trường của phía Mỹ: “yêu cầu Trung Quốc cam kết đảm bảo tự do hàng hải tại biển Đông”. Cuối cùng Trung Cộng cũng đã bày tỏ chấp nhận cho thấy rõ ràng là Trung Cộng muốn lấy lòng Mỹ.

Trung Cộng khoa chân múa tay, đồng thời thông qua nhiều kênh để tuyên truyền sức mạnh quân sự của mình như: sở hữu 63 tàu ngầm, trong đó có 6 tàu ngầm nguyên tử, 26 tàu khu trục, 56 tàu hộ vệ, 172 tàu tên lửa, 427 tàu săn ngầm và 41 tàu thả thủy lôi, cùng số lượng lớn tàu vận tải và tàu đổ bộ. Trong khi về hải quân, Việt Nam chỉ có hơn 120 tàu các loại. Lực lượng hải quân Philpin lại càng yếu hơn. Trung Quốc cũng ám chỉ tương quan lực lượng quân sự giữa Trung – Việt hoặc Trung – Phi là không tương xứng, nếu chiến tranh xảy ra, cả Việt Nam và Philipin đều sẽ không chịu trận nổi.

Tuy nhiên, những người có chút hiểu biết về kiến thức quân sự đều rõ, thắng bại trong chiến tranh không phụ thuộc vào trang thiết bị và sức mạnh quân sự. Uy tín của chính phủ, tố chất của lực lượng quân đội, tinh thần dân tộc và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đều là những nhân tố không thể thiếu. Sự thối nát của chính quyền Trung Cộng, sự xa đoạ của người đứng đầu hàng ngũ quân đội, sự sa sút trí khí của quân nhân và sự oán trách khắp nơi của người dân, cũng như sự chê trách của cộng đồng quốc tế đối với hình ảnh của Trung Cộng, nếu Trung Cộng ngang nhiên khai chiến, thì có thể dự báo lành ít dữ nhiều.

Năm xưa, Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối trong tương quan sức mạnh quân sự mà cũng không đánh nổi Việt Nam đành phải rút về. Ngoài sự anh dũng của bản thân nhân dân Việt Nam, khi đó còn có 2 nước lớn khác là Trung Cộng và Liên Xô đỡ lưng.

Phô trương sức mạnh, không dám khai chiến

Nếu xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc – Việt Nam, Việt Nam không những có thể chiến đấu mà sau lưng còn có sự trợ giúp của Mỹ. Tình hình quốc tế hoàn toàn chuyển ngược, như là trò đùa của lịch sử. Ngay khi tình hình biển Đông đang căng thẳng, Việt – Mỹ tổ chức Đối thoại Chính trị, An ninh ,Quốc phòng lần 4, hai nước ra tuyên bố chung “Phản đối tất cả các nước sử dụng vũ lực tại vùng biển này”; một đồng minh quân sự Việt – Mỹ nhằm vào Bắc Kinh sẽ lập tức ra đời.

Giữa Mỹ và Philippine có “Hiệp ước hỗ trợ phòng vệ”; Đại sứ Mỹ tại Philippine cũng bày tỏ rõ ràng rằng: Mỹ hoàn toàn ủng hộ lập trường của Philippine về vấn đề chủ quyền trên biển Đông. Trung Cộng từng thảm bại với Việt Nam năm 1979, nếu đánh nhau với Việt Nam sẽ còn cấn cá trong lòng, huống hồ hải quân Trung Cộng kinh nghiệm hải chiến yếu kém lại cố oai với Mỹ thì chỉ có rước hạn vào thân.

Nếu Trung – Việt hay Trung – Phi giao chiến, là nước nhỏ, Việt Nam hay Philippine có thể chịu được tiếng thất bại. Còn Trung Cộng tự xưng là “nước lớn trỗi dậy” sẽ không chịu được điều tiếng đó. Một khi bại trận, Trung Cộng không những mất hết thể diện, uy phong trên quốc tế mà bản thân trong nước cũng rất có thể gặp khó khăn tứ bề. Do đó, so với 32 năm trước, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như ngày nay, nếu Trung Cộng muốn che đậy sự thất bại thảm hại rồi tuyên truyền thành thắng lợi như trong chiến tranh với Việt Nam khi xưa thì không dễ dàng.

Lãnh đạo cấp cao Trung Cộng đang bận đấu tranh quyền lực và tranh giành lợi ích trước Đại Hội 18 hết sức quyết liệt. Người sắp mãn nhiệm chỉ mong được hạ cánh mềm để duy trì quyền lợi đặc biệt sau khi nghỉ hưu. Kẻ sắp kế nhiệm chỉ mong không có sơ sảy gì. Trong bối cảnh này, cả hai thế hệ cũ và mới đều không có ai dám ra mặt vỗ bàn, gánh vác trọng trách khai chiến ở Nam Hải.

Người viết cho rằng, về tranh chấp biển Đông, Trung Cộng chỉ có thế phô trương sức mạnh, thực hiện đe dọa chiến tranh, cơ bản không dám khai chiến. Nếu chiến tranh xảy ra, sẽ kích động mẫu thuẫn trong và ngoài, và không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Cộng chắc chắn sẽ thất bại.

T.P.K

RELATED ARTICLES

Tin mới