Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCÂU CHUYỆN BIỂN ĐÔNG TẠI CÁC HỘI NGHỊ ASEAN Ở BA-LI GẦN...

CÂU CHUYỆN BIỂN ĐÔNG TẠI CÁC HỘI NGHỊ ASEAN Ở BA-LI GẦN ĐÂY

Trong nửa cuối của tháng 7 vừa qua đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN (AMM 44), Hội nghị Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) tại Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN.

Trong bối cảnh tình hình biển Đông đang hết sức phức tạp, hoạt động của các nhà ngoại giao tại các hội nghị trên đã có những đóng góp nhất định trong việc giảm nhiệt căng thẳng, ngăn chặn những nguy cơ thách thức hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Lo ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông

Bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc trong việc làm chìm vấn đề biển Đông trong Hội nghị AMM 44 và ARF 18, tranh chấp biển Đông vẫn trở thành tâm điểm của các hội nghị này. Đại diện nhiều nước cho rằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế và đe doạ chủ quyền đối với một số nước trong khu vực biển Đông trong những tháng vừa qua đang đe doạ hoà bình, ổn định của khu vực và thế giới. Tình hình đó tạo nguy cơ bùng nổ xung đột bạo lực nếu các nước trong và ngoài khu vực không có nhận thức chung đúng đắn và quyết tâm tìm kiếm một giải pháp hoà bình và hình thành các cơ chế có thể quản lý xung đột một cách có hiệu quả. Tại Hội nghị ARF 18, bà Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đánh giá rằng “Những sự cố này (ám chỉ những hành động hung hãn của Trung Quốc) gây nguy hiểm cho an ninh biển, làm leo thang căng thẳng, xói mòn tự do hàng hải và đặt ra sự rủi ro với thương mại hợp pháp cũng như phát triển kinh tế”. Qua những phát biểu trên, Mỹ và nhiều nước đã gián tiếp phê phán các hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở biển Đông trong thời gian vừa qua, coi đó là sự đe doạ đối với hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực.


Vấn đề Biển Đông chiếm thời lượng lớn tại ARF 18. Ảnh: AFP.

Bức xúc trước tình hình biển Đông ngày càng nóng lên do tàu thuyền của Trung Quốc quấy phá, hoạt động trong các vùng đặc quyền kinh tế của Philipin và Việt Nam, hôm 19 tháng 6 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, bảy nước ASEAN gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Philippines và Singapore đã bày tỏ sự lo ngại đối với tình hình bất ổn trong khu vực và cùng kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình và giải quyết các tranh chấp tại biển Đông trên cơ sở luật biển quốc tế, trong đó có Công ước luật biển 1982. Tại hội nghị ARF 18, hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông là mối quan tâm đặc biệt của nhiều nước tham dự. Đại diện của 18 nước trong tổng số 27 nước tham dự đã lên tiếng kêu gọi các bên tranh chấp cần tuân thủ các cam kết về việc tôn trọng tự do hàng hải và hàng không trong khu vực; giải quyết các tranh chấp thông qua những biện pháp hòa bình, không de dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực; đàm phán và giải quyết các tranh chấp ở biển Đông phải được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC).

Bước tiến nhỏ vừa qua

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc, các ngoại trưởng đã đạt được sự nhất trí và chính thức thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Mặc dù còn nhiều vấn đề trong văn bản của Quy tắc hướng dẫn, nhưng việc thông qua Quy tắc hướng dẫn có thể được coi là một khởi đầu tốt và có ý nghĩa để các nước ASEAN tiếp tục cùng nhau đối thoại, thúc đẩy hợp tác và xây dựng lòng tin giữa các nước trong khu vực. Ngoại trưởng Indonesia Marty cho rằng: “cam kết về Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC sẽ thuyết phục thế giới rằng các bên có thể tránh được xung đột và giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình… Quy tắc hướng dẫn được hoàn tất chứng tỏ rằng các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc đã bước đầu nhận ra những lợi ích chung trong việc kiểm soát các tranh chấp, không để các tranh chấp này vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.

Việc thông qua Quy tắc hướng dẫn trên cũng được đánh giá là một bước đi quan trọng tiến tới việc hình thành bộ Quy tắc ứng xử (COC) có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn đối với các bên nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Khi thông báo về kết quả làm việc của Hội nghị AMM 44, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tiếp tục khẳng định lập trường ủng hộ việc nhanh chóng bắt tay xây dựng COC. Về nguyên tắc, phía Trung Quốc cũng đã nhất trí với các nước ASEAN về sự cần thiết của việc soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.

Các nước tham dự ARF 18, trong đó có Nhật và Mỹ, cũng ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực xây dựng COC của ASEAN. Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marti, diễn ra ngay sau Diễn đàn an ninh khu vực (ARF 18) ở Bali, bà Hilary Clinton kêu gọi ASEAN và Trung Quốc hành động nhanh chóng, thậm chí là khẩn cấp, về một bộ quy tắc ứng xử cụ thể (COC) để tránh xung đột tại tuyến đường giao thương trên biển quan trọng ở Biển Đông.

Mặc dù vậy, việc đạt được thoả thuận về một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn vì Trung Quốc không dễ gì chấp nhận một cơ chế chính thức có thể ràng buộc họ. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn thiên về lựa chọn giải quyết song phương với từng nước tranh chấp nhằm chiếm lợi thế hơn.

Bác bỏ đường đứt khúc chín đoạn của Trung Quốc

Tại Diễn đàn an ninh khu vực ở Bali, Indonesia vào sáng ngày 23 tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố một số nước đã đưa ra những đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ pháp lý và kêu gọi các nước đòi chủ quyền trên biển Đông phải đưa ra các bằng chứng hợp pháp và cụ thể. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi các bên làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình tại biển Đông theo các điều khoản phù hợp với luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, trong đó có những điều khoản được nêu trong Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc. Phù hợp với luật pháp quốc tế, những tuyên bố chủ quyền về vùng biển tại biển Đông phải dựa trên những tuyên bố hợp pháp đối với lãnh thổ”. Theo bình luận của hãng Reuters thì tuyên bố này của Mỹ được xem như một thông điệp phản bác gián tiếp yêu sách đường đứt khúc chín đoạn vô lý và hoang đường của Trung Quốc trên biển Đông.

Tại Hội nghị này, Ngoại trưởng Philippines Albert F.Del Rosaria khẳng định: “Philippines chắc chắn rằng đường đứt khúc chín đoạn của Trung Quốc không có giá trị gì theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc. Nếu chủ quyền lãnh thổ của Philippines có thể bị phỉ báng bởi những lời tuyên bố không dựa trên nền tảng nào như vậy, thì nhiều quốc gia khác nên chuẩn bị cho mối đe dọa đối với tự do hàng hải ở biển Đông”.

Ngoại trưởng Indonesia Marty cũng khẳng định Indonesia từ trước tới nay vẫn phản đối đường đứt khúc chín đoạn do Trung Quốc vẽ ra và đã đệ trình quan điểm của mình lên Liên hợp quốc.

Về việc thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa trong thời gian tới, Ngoại trưởng Philipin Rosario bình luận: “Giải pháp ngoại giao phòng ngừa mà ARF cổ vũ có thể đạt được theo một trong hai cách. Một là thông qua quá trình phân biệt rõ ràng giữa các khu vực biển tranh chấp và các khu vực biển không có tranh chấp và sẽ để các chuyên gia pháp lý hàng hải của ASEAN nghiên cứu, xem xét vào tháng 9 năm 2011” hoặc là “các bên có thể tiến hành đánh giá yêu sách đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc đưa ra có phù hợp với Công ước luật biển 1982 hay không”.

Con đường phía trước

Tại các Hội nghị của ASEAN và ARF vừa qua, trước sức ép của các nước trong và ngoài khu vực, Trung Quốc buộc phải lên tiếng cam kết thực hiện DOC; giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình; và duy trì hoà bình và ổn định ở biển Đông.

Tuy vậy, con đường đi đến được hoà bình, ổn định ở khu vực còn dài. Bất chấp những chỉ trích quốc tế về yêu sách đường đứt khúc chín đoạn, tại ARF18 Ngoại trưởng Trung Quốc vẫn khẳng định yêu sách này mà không thèm viện dẫn bằng chứng để chứng minh, như đòi hỏi của luật pháp và dư luận quốc tế; mà vẫn khăng khăng chủ trương giải quyết song phương với từng nước tranh chấp. Trung Quốc dường như không có nhu cầu lý giải trước thế giới về yêu sách đường đứt khúc chín đoạn của mình. Trong khi đó, nước này đang mạnh tay đổ tiền của chi tiêu cho quân sự, đặc biệt là xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh, coi đó là một sự lựa chọn không thể tránh khỏi để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trên biển.

Trong bối cảnh đó, các hội nghị ASEAN và ARF sắp tới còn nhiều việc phải làm và có thể làm nhiều việc để thúc đẩy hoà bình, ổn định trong khu vực. Các hội nghị này cần thúc đẩy sáng kiến của Mỹ về việc yêu cầu các bên tranh chấp ở biển Đông giải thích rõ các tuyên bố và yêu sách chủ quyền của mình dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế và thảo luận sáng kiến của Philipin về thành lập một Khu vực hoà bình, tự do, hữu nghị và hợp tác ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông), trong đó có việc phân biệt rõ ràng các khu vực biển có tranh chấp và khu vực biển không có tranh chấp. Theo tinh thần của các sáng kiến này, những tuyên bố và yêu sách chủ quyền kiểu như “yêu sách đường đứt khúc chín đoạn” phi lý và bất chấp luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đưa ra hiển nhiên phải bị lên án và phải bị vứt bỏ; các tuyên bố và yêu sách chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển của các bên tranh chấp phải phù hợp với luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế; các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển trong khu vực biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc phải được tôn trọng. Vì vậy, triển khai thảo luận các sáng kiến đó sẽ tạo ra các bước đột phá quan trọng để đưa quá trình giải quyết các tranh chấp ở biển Đông đi vào thực chất.

Nguyễn Nghiêm

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới