Biendong.net – Tổng thống Philippines Benigno Aquino chính thức đi thăm Trung Quốc từ ngày 30/8 và lưu lại nước này trong 5 ngày. Sau hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, ông Aquino sẽ tới Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, nơi bà mẹ quá cố của ông từng trồng cây trong chuyến thăm gần hai thập kỷ trước.
Theo giới phân tích, sứ mệnh của ông Aquino đang hết sức khó khăn, đó là tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước này.
Lợi ích kinh tế
Tháp tùng ông Aquino tới Trung Quốc là một phái đoàn có trên 200 doanh nhân với mục tiêu tìm kiếm sự đầu tư của Trung Quốc vào các dự án mỏ và cơ sở hạ tầng, hi vọng điều đó sẽ giúp tăng trưởng kinh tế Philippines. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Philippines. Năm 2010, giao dịch thương mại giữa hai nước tăng 35%, lên 27,7 tỷ USD. Giới chức Philippines hy vọng ông Aquino ký được nhiều thỏa thuận giúp thương mại song phương tăng lên 50 tỷ USD tới năm 2016.
Theo tờ Chanel News Asia, thương mại và đầu tư là hai nội dung quan trọng nhất trong chương trình làm việc của ông Aquino tại Trung Quốc. Dự kiến hai bên sẽ ký hiệp định về chương trình phát triển 5 năm về hợp tác thương mại và kinh tế, trong đó tập trung vào cơ sở hạ tầng, khai mỏ, năng lượng, thông tin và du lịch, với tổng số vốn đầu tư lên tới 60 tỷ USD đổ vào Philippines. Bên cạnh đó, ông Aquino còn có tham vọng cải thiện hình ảnh Philippines trong giới đầu tư Trung Quốc, ngoài một điểm đến để làm ăn, sẽ là một địa điểm du lịch. Hàng năm, lượng khách Trung Quốc du lịch tới Philippines tăng khoảng 20%.
Tổng thống Philippines, Benigno Aquino. Ảnh: AFP..
Ông Lưu Kiến Siêu, đại sứ Trung Quốc tại Philippines, nói: “năm ngoái ông Aquino khẳng định nền kinh tế Philippines đang cất cánh. Trung Quốc sẵn sàng và có thiện chí để tiếp thêm sinh lực cho những đôi cánh của nền kinh tế Philippines. Bởi vậy, đây là thời điểm phù hợp nhất để các lãnh đạo doanh nghiệp hai nước gặp gỡ và tìm kiếm các biện pháp, cũng như các kênh và cơ hội cho hợp tác trong tương lai.”
Chủ quyền biển đảo
Tuy nhiên, lợi ích kinh tế của Philippines đang bị cản trở bởi những căng thẳng trong quan hệ song phương do các tuyên bố liên quan tới chủ quyền ở Biển Đông của hai bên. Ông Aquino từng kêu gọi Trung Quốc chấp nhận để Tòa án của Liên Hợp Quốc về Luật biển giải quyết tranh cãi giữa các bên ở Biển Đông, song Bắc Kinh đã bác bỏ đề xuất này. Theo Giáo sư Carl Thayer, thuộc đại học New South Wales, Australia cho rằng “Trung Quốc sẽ không mạo hiểm tham gia một phiên tòa có thể ảnh hưởng tới khẳng định chủ quyền của họ”.
Thực tế, ông Aquino đang phải chịu áp lực ngay từ trong nước trước chuyến thăm Trung Quốc.
Giới chức Philippines tố cáo tàu Trung Quốc ngăn cản hoạt động khai thác dầu và khí đốt ở khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nơi có tranh chấp về chủ quyền. Philippines tăng cường tiềm lực quân sự để bảo vệ lợi ích kinh tế của họ. Mới đây, Philippines đã mua tàu chiến BRP Gregorio del Pilar của Mỹ với giá chuyển nhượng 10,48 triệu USD để bảo vệ vùng biển và nhận được cam kết của Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines, một đối tác hiệp ước, nếu tình hình căng thẳng ở Biển Đông lên cao. Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho hay: “Ông ấy sẽ bị chỉ trích nếu không nêu vấn đề Biển Đông”.
Hiện Đảng cánh tả Bayan Muna của Philippines tuyên bố sẽ làm đến cùng để ngăn chặn việc chính phủ nước này tính chuyện hợp tác với Trung Quốc thăm dò dầu tại quần đảo Trường Sa. Tờ báo Sun Star của Philippines dẫn lời ông Neri Colmenares, đại diện đảng Bayan Mura, nói trong một thông cáo báo chí, rằng “Chúng tôi sẽ một lần nữa cố gắng ngăn cản việc đánh đổi chủ quyền quốc gia, cũng như chặn đứng kế hoạch cùng khai thác tài nguyên với Trung Quốc”. Đây là phản ứng mạnh mẽ của đảng cánh tả Philippines đối với kế hoạch cùng khai thác dầu khí, giữa chính phủ của ông Aquino và Tập đoàn Sino Petroleum của Trung Quốc. GMA News trước đó đưa tin Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines, ông Cristino Panlilio cho hay dự án kể trên là một phần trong gói đầu tư có thể lên tới 7 tỷ USD, mà Philippines có thể ký với Trung Quốc.
Mai Trang (tổng hợp)