Hãng tin AP ngày 21/9 cho biết, Nhật Bản đã tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà ngoại giao Philipines để bàn về việc giải quyết những tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, một động thái thể hiện Nhật Bản chính thức bước vào cuộc tranh cãi có liên quan đến Trung Quốc.
Các nhà ngoại giao Nhật Bản và Philipines đã thảo luận tại Tokyo về yêu cầu đảm bảo rằng các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
AP dẫn nguồn một quan chức Philipines đề nghị giấu tên cho biết, phía Philipines đề nghị hai nước cần thiết lập một “nhóm làm việc thường trực” có nhiệm vụ thường xuyên giải quyết các tranh chấp và các mối quan ngại trên biển khác.
AP nhận định Nhật Bản không phải là một bên trong các tranh chấp chủ quyền ở vùng biển Đông rộng lớn nhưng việc Nhật Bản bước vào cuộc thảo luận về vấn đề này có thể làm Bắc Kinh tức giận.
Đại sứ Nhật Bản tại Philippines, ông Urabe. Ảnh PSE Times.
Trung Quốc đã kêu gọi đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp ở biển Đông, một chiến lược muốn nhằm loại bỏ khỏi bàn đàm phán của các quốc gia khác như Mỹ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức mà Việt Nam và 3 quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền là thành viên.
Là quốc gia tuyên bố một giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp là lợi ích của mình, Mỹ đã đề nghị giúp đỡ các bên liên quan giải quyết tranh chấp, nhưng bị Bắc Kinh kịch liệt phản đối.
Trước đó, ngày 20/9, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Toshinao Urabe đã bày tỏ lo ngại về thái độ cũng như hành động của Trung Quốc trên biển Đông và khẳng định Nhật Bản có lợi ích trong việc bảo đảm vùng biển này an toàn và mở cửa cho hoạt động thương mại. Tuyên bố của ông Urabe diễn ra trước chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 25-28/9 của Tổng thống Philipines Aquino và cho biết, Tokyo sẽ đề cập vấn đề biển Đông với Tổng thống Aquino.
“Nhật Bản không nằm trong số các nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhiều giao thương của Nhật Bản là qua Biển Đông, cho nên cũng muốn bảo đảm tự do hàng hải tại khu vực này”, ông Urabe nói.
“Chính phủ Tokyo đã rất quan ngại khi thấy Philippines, cùng với Việt Nam, tố cáo thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông và những hành động xâm phạm lãnh hải hai nước của Trung Quốc”.
Ông Urabe nhắc lại chủ trương của Nhật Bản là tìm một giải pháp hòa bình theo công pháp quốc tế và đặc biệt là cần thông qua một bộ quy tắc ứng xử có tính chất ràng buộc thi hành đối với các nước có liên quan.
Nhưng đại sứ Nhật Bản nhấn mạnh là việc ủng hộ lập trường của Philippines giải quyết vấn đề Biển Đông theo công pháp quốc tế không có nghĩa là Tokyo đứng về phía Manila. “Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng đối với cả Nhật Bản, lẫn Philippines”, ông nói.
Khoảng 88% lượng dầu mà Nhật Bản tiêu thụ được vận chuyển từ Trung Đông đi qua biển Đông cũng như nhiều hàng hóa xuất nhập khẩu khác của Nhật Bản. Tuần trước, Tổng thống Philippines Aquino tuyên bố với báo giới rằng trong chuyến thăm Nhật Bản cuối tháng này, ông sẽ nêu lên vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh đến lợi ích chung với Nhật Bản trong việc bảo đảm tự do lưu thông hàng hải ở khu vực này.
Quang Minh