Wednesday, December 25, 2024

Chuyện ở làng săn cá ngừ

BienDong.Net Gần 20 năm trước, làng Phú Câu là nơi phát tích nghề đánh bắt cá ngừ đại dương đầu tiên tại duyên hải Nam Trung bộ – một nghề đang rất “hot” hiện nay.

Cá ngừ đại dương được dân bản địa gọi là cá bò gù, cái tên rất tượng hình được dùng mô tả hình dạng của loài cá này. Đơn giản vì cái lưng của cá ngừ “gù”, thịt đỏ như thịt bò và mỗi con nặng khoảng 40kg.

Cá ngừ từng bị vứt lăn lóc trên đường…

Cá ngừ đang là sản vật quý giúp ngư dân các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có cuộc sống no đủ nhờ được xuất khẩu sang thị trường Nhật, Mỹ. Nhưng ít người biết rằng trước đây, loài cá này từng bị vứt lăn lóc khi ngư dân tóm được. Khi câu được cá ngừ, chủ tàu thường cho “người đi bạn” – người đi câu thuê, mà không dùng vào bất cứ việc gì. “Người đi bạn” thường cho lại phụ nữ trong làng và họ cắt cá bò gù ra từng khúc như tấm thớt rồi xát muối hột vứt trên đường cái cho nắng gió hong khô. Cá ngừ đại dương ngày đó chỉ có một thị trường duy nhất là các tỉnh Tây Nguyên thiếu cá biển, nên khô cá ngừ đại dương bán với giá rất bèo.

Cá ngừ về cảng cá làng Phú Câu. Ảnh: Dương Thanh Xuân.

Tại sao cá ngừ một thời bị đối xử như vậy? Theo các lão ngư trong làng Phú Câu, hầu hết đều cho đó là phong tục của dân biển là tục thờ cúng cá voi hoặc cá heo. Làng Phú Câu có hẳn một ngôi đình để hương khói cho hài cốt hai loài cá này. Cá voi được ngư dân gọi là “ông Nam Hải” và cá heo là “ông Nược”. Chính vì vậy nên các chủ tàu thường ít khi “ăn thịt” loại cá có kích cỡ to và hiền lành giống cá voi và cá heo. Cá bò gù nhiều đặc điểm giống hai loài cá thiêng này.

Câu chuyện mà các lão ngư kể đã thuộc về quá khứ. Hồi ấy lý do chính khiến cá ngừ không có giá là vì ngư dân không biết cách “ăn thịt” chúng. Theo ngư dân làng Phú Câu, món cá ngừ đại dương ăn sống với mù tạt và rau thơm hiện rất được ưa chuộng trong các nhà hàng sang trọng, nhưng trước kia với nhiều người trong làng, thịt cá ngừ nấu chín thì “chỉ có cho heo ăn”.

Theo dân làng Phú Câu, để ngư dân Tuy Hòa biết đến nghề câu cá ngừ đại dương phải kể đến công “phát hiện” của những Việt kiều về quê. Đầu thập niên 90, một Việt kiều đang làm nghề buôn bán cá ở Nhật về quê, thấy cá bò gù bị vứt lăn lóc trên đường cái, ông này không khỏi giật mình tiếc nuối, vì ở Nhật cá ngừ có giá… như sâm. Sau khi về Nhật, ông bắt đầu đặt hàng người thân tại làng Phú Câu đánh bắt loại cá này. Hiệu quả cao, dần dà việc đánh bắt cá ngừ mở rộng thành một nghề.

Đời chim trời cá biển

Khoảng 20 năm trước, bến cá làng Phú Câu chỉ có khoảng 20 chiếc tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Những chiếc tàu này ngư dân gọi là “ghe câu to” chuyên đi câu cá nhám – tức cá mập – để lấy vây bán cho các thương lái “bào ngư vi cá”. Từ khi nghề câu cá ngừ phát triển, đến nay có khoảng 400 tàu loại này tính ở cả hai làng biển Phú Câu (phường 6) và Đông Tác (phường Phú Thạnh) nằm hai bên cửa biển Đà Rằng.

Ngư dân ở đây đều cho rằng ra khơi ngoài chuyện “hên xui” còn là kinh nghiệm “bí truyền” để biết cách bắt được nhiều cá bò gù. Khi mới phát triển nghề này, ngư dân không biết dùng mồi gì để cá bò gù “khoái khẩu” nên hiệu quả “dính câu” rất thấp. Sau này mọi người mới phát hiện, món khoái khẩu ấy hóa ra lại là con cá chuồn – một loại cá rất nhiều trên biển. Nhưng cá ngừ cũng “đổi món” chứ đâu chỉ quanh năm ăn cá chuồn? Thế rồi ngư dân làng Phú Câu tìm ra mực tươi và nhiều loại mồi khác. Bây giờ, thời tiết nào, mùa nào trong năm thì dùng mồi câu gì để “dụ” cá ngừ vẫn là một “bí mật” của riêng từng tàu trên cảng cá Phú Câu.

Chuyện đủ vốn, có lời hay lỗ là “chuyện thường ngày ở huyện” đối với ngư dân, những người “sống trên bờ chờ dưới nước”. Nhưng chuyện sóng to gió lớn, gặp nạn tàu chìm, người chết mất tích cũng chẳng phải hiếm ở làng cá nơi đây. Dân đi biển có truyền thống là mỗi gia đình đều có ký hiệu riêng trên người để khi chết đi lâu ngày vẫn có thể nhận biết. Nhiều trường hợp gia đình vẫn có thể nhận ra người thân là nhờ vết xăm giống nhau. Ngư dân còn có tục “sống chết có nhau” khi gặp nạn trên biển. Nếu biết chắc là “trời không tha” thì họ sẵn sàng dùng dây cột nhau thành một chùm, để khi tìm thấy xác thì tìm thấy cả hội.

Câu cá ngừ đại dương hiểm nguy là thế, nhưng thành quả ngư dân nhận được không phải lúc nào cũng tương xứng. Ngoại trừ một vài hộ ngư dân được “trời đãi”, đa phần cũng chỉ đắp đổi qua ngày, thậm chí là lỗ. Một chiếc tàu khoảng từ 7 – 10 người lênh đênh trên biển một tháng ròng, nếu bắt được khoảng 50 con cá bò gù loại 40kg trở lên, giá cá hiện này từ 130 – 170.000 đồng/kg, sau khi trừ phí tổn, thì chia ra mỗi người có khoảng 10 triệu đồng. Nghề này chỉ có cánh đàn ông làm nuôi phụ nữ và trẻ con ở nhà. 10 triệu đồng ấy chỉ có thể chi tiêu trong tháng và dành cho những tháng dài biển động. Xem ra, nghề câu cá ngừ đại dương đang rất “hot” hiện nay cũng không dễ dàng gì, nếu không muốn nói là nghề rất bạc…

Trần Hoàng Nhân

RELATED ARTICLES

Tin mới