Thursday, May 2, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTài nguyên BiểnNhững tranh cãi trong nội bộ Malaysia về vấn đề năng lượng...

Những tranh cãi trong nội bộ Malaysia về vấn đề năng lượng trong quan hệ với TQ

Thời gian gần đây, vấn đề năng lượng ở Biển Đông đang nổi lên thành vấn đề nóng trong quan hệ giữa Malaysia – Trung Quốc. Khi Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim có chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên đầu tháng 4 vừa qua, giới chức Bắc Kinh đã đặt câu hỏi về hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở Biển  Đông.

Theo giới phân tích, những trao đổi trong chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia cho thấy Bắc Kinh không ngừng gia tăng áp lực buộc Kuala Lumpur dừng khai thác các nguồn năng lượng tại khu vực mà Trung Quốc cho rằng “có yêu sách”, bất chấp mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ Malaysia-Trung Quốc của nhà lãnh đạo Đông Nam Á.

Nhà nghiên cứu Collin Koh, làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng có trụ sở ở Singapore, nhận định: “Với thực tế đây là chuyến thăm đầu tiên của Anwar tới Bắc Kinh trên cương vị thủ tướng mới, Trung Quốc có thể đã tìm thấy cơ hội để cố gắng thuyết phục Malaysia ngừng hoạt động năng lượng ở những khu vực liên quan, đặc biệt là ngoài khơi Sarawak”. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 14 năm liên tiếp, với kim ngạch thương mại song phương năm 2022  đạt 203,6 tỷ USD. Theo đánh giá của ông Collin Koh, Bắc Kinh nhận thức được mối quan hệ kinh tế sâu sắc của Malaysia với Trung Quốc và đòn bẩy kinh tế mà nước này có thể sử dụng để gây sức ép với Kuala Lumpur về vấn đề khai thác năng lượng ở Biển Đông.

Mặc dù, địa điểm cụ thể mà phía Trung Quốc đã đề cập trong chuyến thăm của Thủ tướng Anwar không được tiết lộ, song nhiều người hiểu rằng vấn đề đang vướng vào tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông chính là mỏ khí đốt Kasawari nằm cách bờ biển bang Sarawak trên đảo Borneo khoảng 200 km. Trong những năm gần đây, tàu thuyền và máy bay Trung Quốc đã nhiều lần đi vào vùng biển lân cận mỏ khí đốt này, những vụ việc vấp phải sự phản đối của Kuala Lumpur. Năm 2021, Ngoại trưởng Malaysia khi đó là Saifuddin Abdullah cho rằng sẽ có thêm nhiều tàu thuyền Trung Quốc đi vào vùng biển của Malaysia “chừng nào” Petronas còn phát triển các dự án tại mỏ khí đốt được phát hiện vào năm 2011, ước tính chứa tới 3.000 tỷ feet khối tài nguyên khí đốt có thể thu hồi.

Ông Greg Polling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á có trụ sở tại Washington từng nhận định: “Kasawari chắc chắn là nơi phải chịu nhiều áp lực (từ tàu Trung Quốc) như mọi mỏ khí đốt khác ở Biển Đông… Chúng ta đã nhiều lần chứng kiến Hải cảnh Trung Quốc cố tình quấy rối các tàu tiếp tế ngoài khơi làm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động cho các giàn khoan và tàu khoan”. Theo ông, các tàu Trung Quốc cố ý mạo hiểm va chạm để gây áp lực buộc các công ty phải ngừng nhận hợp đồng bảo dưỡng hạ tầng trong khu vực. Hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần làm gián đoạn hoạt động tại Kasawari của Malaysia, mỏ khí đốt Nam Côn Sơn của Việt Nam và mỏ khí đốt Tuna (Cá ngừ) của Indonesia vì đây là những dự án lớn duy nhất phát triển bên trong “Đường 9 đoạn”.

Bắc Kinh một mặt luôn tìm cách thúc đẩy yêu sách bành trướng ở Biển Đông, mặt khác tuyên bố họ mong muốn hợp tác với Malaysia để giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn. Theo Nhà nghiên cứu Collin Koh, có vẻ như Bắc Kinh và Kuala Lumpur cũng đã nỗ lực kiềm chế bất chấp nhiều khác biệt. Ông nhận định: “Hai bên đều chưa có hành động quyết liệt nào ngoài việc bố trí lực lượng hàng hải, trong khi hoạt động ngoại giao được tiến hành âm thầm qua các kênh phụ, tránh khỏi tầm mắt của công chúng để hạn chế gây thêm căng thẳng… Trung Quốc rất muốn một chính phủ Malaysia thân thiện dưới thời Anwar, và có vẻ như cả 2 nước sẽ tiếp tục nhấn mạnh cái gọi là ‘bức tranh tổng thể’ về mối quan hệ toàn diện, bao gồm cả những lĩnh vực 2 bên có thể hòa hợp, chứ không để tranh chấp Biển Đông chi phối”.

Tiềm năng của mỏ Kasawari, nơi Giám đốc điều hành Petronas Tengku Muhammad Taufik Tengku Aziz tuyên bố là đủ lớn để đảm bảo công ty này tiếp tục là 1 trong 5 nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới, chứng tỏ các rủi ro và nguy cơ ở Biển Đông đã trở nên lớn hơn như thế nào. Theo Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia, ngành dầu khí hiện là là trụ cột chính của nền kinh tế nước này, chiếm khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Giáo sư kinh tế Yeah Kim Leng, làm việc tại Đại học Sunway Malaysia, thành viên ủy ban cố vấn cho Thủ tướng Anwar, cho biết mỏ khí Kasawari ước tính có trữ lượng khí thu hồi khoảng 3.000 tỷ feet khối. Ông nói: “Mỏ khí đốt dự kiến chính thức được đưa vào khai thác trong năm nay, vì thế đây là tài sản trọng yếu để duy trì thu nhập từ xuất khẩu dầu khí của đất nước và đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, cả trực tiếp và gián tiếp, thông qua nhập khẩu”.

 Bất chấp việc Trung Quốc đã cam kết đầu tư 170 tỷ RM vào Malaysia trong chuyến thăm của Thủ tướng Anwar Ibrahim, việc ông Anwar tỏ ý Malaysia “sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc” về những lo ngại của họ đối với các hoạt động năng lượng do Tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas triển khai ở Biển Đông đã khiến nội bộ Malaysia nổi lên những tranh cãi xung quanh vấn đề khai thác năng lượng của Malaysia ở Biển Đông. Các đối thủ chính trị chỉ trích chính quyền của ông Anwar Ibrahim khuất phục trước Trung Quốc về các yêu sách tranh chấp ở Biển Đông. Hôm 6/4, Chủ tịch phe đối lập PN Muhyiddin Yassin, cựu Thủ tướng Malaysia đã chỉ trích ông Anwar vì những nhận xét “bất cẩn” về Biển Đông; cho rằng tuyên bố của ông Anwar về việc Malaysia sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc có thể đe dọa chủ quyền quốc gia.

Giới chuyên gia Malaysia đã có những cuộc tranh luận xung quanh việc nên hành xử thế nào với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông và các nhà phân tích đã có sự chia rẽ về việc liệu Malaysia nên áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hay ôn hòa, tránh đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông. Chúng ta cùng đi phân tích 2 luồng quan điểm khác biệt này.

Thứ nhất, đại diện cho phái có quan điểm diều hâu, Nhà phân tích chiến lược và an ninh của Đại học Malaya (Malaysa) Collins Chong là người ủng hộ lập trường cứng rắn, phản đối việc đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông. Theo ông Chong, Malaysia không nên chọn con đường đàm phán mà thay vào đó nên kiên định với các quyền được đảm bảo theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) để tiếp tục thăm dò dầu khí và các sinh vật biển khác. Ông cho rằng: “Bằng cách đồng ý đàm phán với Trung Quốc, điều đó sẽ khiến Malaysia trông yếu thế hơn”.

Với quan điểm cứng rắn, Nhà phân tích Chong cho rằng Malaysia nên chơi lá bài an ninh Mỹ như Tổng thống Phliippines Marcos đang làm để đối phó với Trung Quốc. Ông Chong gợi ý rằng là cường quốc nhỏ, Malaysia phải tăng cường lợi thế thương lượng của mình đối với Trung Quốc, đồng thời lý giải: “Điều này có nghĩa là tái cấu trúc các định hướng kinh tế nhằm giảm sự phụ thuộc ngắn hạn vào Bắc Kinh và liên kết với phương Tây”.

Ông Chong cho phân tích sự thay đổi như vậy sẽ bổ trợ cho động thái của Philippines, quốc gia gần đây đã ký thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự ở nước này, như một đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Chong cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, Bắc Kinh sẽ phải “ve vãn” Kuala Lumpur để không ngả theo Washington bởi một khi Malaysia dựa vào sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông sẽ là điều “hủy hoại tham vọng to lớn” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo Nhà phân tích Collins Chong, khi ngày càng bị dồn vào chân tường bởi sự hiện diện mới của Mỹ tại Philippines, gia tăng các đề nghị với Việt Nam và mối quan hệ quân sự mạnh mẽ hiện có với Thái Lan và Singapore, Malaysia vẫn là một nhân tố chủ chốt cần được Bắc Kinh bảo vệ bằng mọi giá để tránh bị Mỹ bao vây. Ông Chong chỉ ra rằng khả năng Malaysia rơi vào vòng tay Mỹ là một kịch bản ác mộng đối với Trung Quốc, do vậy Kuala Lumpur phải khai thác điều này, chơi “lá bài Mỹ” để có thể củng cố vai trò của Malaysia trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Trung Quốc về các khu vực tranh chấp.

Thứ hai, những người có quan điểm ôn hòa ủng hộ cách làm của chính quyền Thủ tướng Anwar trong việc đối phó với Trung Quốc. Luồng quan điểm này cho rằng Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Malaysia, do đó việc tham gia liên minh chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu sẽ giống như “tự sát” kinh tế. Nếu Anwar làm điều đó, Malaysia có thể sẽ nói lời tạm biệt với cam kết đầu tư 170 tỷ RM từ Trung Quốc. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng Malaysia nên học hỏi từ “sai lầm chiến lược” của Úc khi đối đầu với Trung Quốc dưới thời chính quyền Thủ tướng Scott Morrison. Điều này dẫn đến việc Trung Quốc đưa ra các biện pháp trả đũa làm tê liệt xuất khẩu từ Úc sang Trung Quốc, ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế Úc.

Ủng hộ cho quan điểm ôn hòa, một nhà phân tích nhận định trong khi tình hình ở Biển Đông có thể trở nên gay gắt hơn, hành động cân bằng của Malaysia có thể được coi là “câu giờ” trong việc giải quyết tranh chấp. Ông James M Dorsey, Trợ lý thành viên cấp cao của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho rằng Malaysia rốt cuộc sẽ phải đưa ra quyết định cơ bản về những yêu sách này và sự dứt khoát về khả năng tranh chấp. Theo đó, tránh né vấn đề hiện nay là vì lợi ích của cả Trung Quốc và Malaysia. Kuala Lumpur không muốn bị coi là chọn phe trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung trong khi Trung Quốc muốn đạt được mục tiêu của mình mà không làm leo thang xung đột.

Ông James M Dorsey nhấn mạnh việc nhượng bộ lãnh thổ sẽ là điều khó khăn đối với Thủ tướng Anwar vì sẽ phải đối mặt với sự phản đối đáng kể từ công chúng Malaysia. Ông nhận định: “Giọng hòa giải của Anwar, trong đó nói rằng Malaysia sẵn sàng đàm phán, là không rõ ràng. Ý ông ấy là Malaysia bảo vệ quyền lợi của mình và sẵn sàng nói về vấn đề đó, hay đang tìm kiếm sự thỏa hiệp?”, đông thời giải thích, với việc Petronas thăm dò ở những khu vực tranh chấp trên Biển Đông, Malaysia được xem là đã đưa ra tuyên bố về quyền của mình. Tập đoàn Petronas đang tiến hành khoan hoặc thăm dò, tức là Malaysia đang làm điều gì đó dựa trên yêu sách của mình.

Những người theo quan điểm này cho rằng để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đẩy mạnh quan hệ đồng minh với Mỹ bằng cách cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của nước này, điều này có thể sẽ gây ra những rủi ro cho đất nước. Thủ tướng Anwar không nên vội vàng sử dụng lá bài Mỹ, vì chỉ cần giữ nó trong tay cũng đã tạo đòn bẩy đáng kể cho Malaysia trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Trung Quốc. Với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và hung hăng cần xử lý vấn đề Biển Đông như thế nào luôn là một bài toán làm đau đầu lãnh đạo các nước ven Biển Đông, trong đó có Malaysia. Để có một chính sách đúng đắn, vì lợi ích quốc gia, chính quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim cần tiếp thu và nghiên cứu kỹ toàn diện các quan điểm như trên trước khi có bất cứ quyết định nào trong vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới