Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ Mỹ - Trung trong vấn đề Biển Đông

Quan hệ Mỹ – Trung trong vấn đề Biển Đông

Mặc dù thế giới đang có nhiều biến động và bị lôi cuốn sự chú ý bởi nhiều “điểm nóng” phức tạp cả Châu Âu, Châu Á và Châu Phi, nhưng mối quan hệ Trung – Mỹ vẫn luôn được các nhà phân tích đánh giá tiếp tục là tâm điểm chi phối quan hệ chính trường thế giới.

Gác lại chặng đường của quan hệ Trung – Mỹ năm 2010 được cho là quanh co, khúc khuỷu, phát triển “không bình thường” bởi các hành động cứng rắn của Mỹ (bán vũ khí cho Đài Loan; Tổng thống Mỹ gặp Đạt Lai Lạt Ma; diễn tập quân sự Mỹ – Hàn; vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn khu vực ARF-17…), dường như từ đầu năm 2011 đến nay, quan hệ hai nước đang có bước cải thiện thông qua các chuyến thăm và trao đổi cấp cao, như chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hồi tháng 1, chuyến thăm Mỹ của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức hồi tháng 5 và đặc biệt là chuyến thăm Mỹ của ông Hồ Cẩm Đào – Chủ tịch Trung Quốc hồi tháng 1, khẳng định lại sự cần thiết tăng cường quan hệ theo hướng “hợp tác toàn diện, tích cực”, “tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, cùng thắng”… Trong bối cảnh đó, hai bên có vẻ như kiềm chế một số vấn đề “nhạy cảm” như bán đảo Đài Loan và vấn đề Biển Đông.

 

Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, hai bên đã tránh không bàn về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, có nhiều thông tin cho là Trung Quốc không muốn và đề nghị Bộ Ngoại giao hai bên không đề cập đến vấn đề vốn dĩ rất “nhạy cảm” trong quan hệ hai nước. Mặc dù vậy tại cuộc họp báo chung, khi đề cập đến an ninh và ổn định tại Đông Á, Tổng thống Obama vẫn nhấn mạnh “Mỹ có lợi ích căn bản trong việc duy trì tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các khác biệt”.


Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ảnh: Internet.

Nhiều chuyên gia về Trung Quốc và Châu Á đánh giá, trong vấn đề Biển Đông, trên chính trường công khai hai bên còn nhiều khác biệt, thậm chí mâu thuẫn, đối lập, khó có khả năng đi đến thỏa thuận, hợp tác. Mỹ theo đuổi lập trường “đa diện”, đòi hỏi tôn trọng quyền tự do qua lại trên biển, đảm bảo an ninh hàng hải, chống lại “độc bá”, nhưng tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền; khẳng định Mỹ có “lợi ích quốc gia” ở Biển Đông, đảm bảo quyền lợi cho các công ty của Mỹ đang hợp tác làm ăn với các nước ở Biển Đông (thực chất là ám chỉ việc Trung Quốc đe dọa công ty dầu khí của Mỹ đang hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông).

Tháng 4 Đô đốc Robert Willard (Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ) liên tiếp có hai cuộc điều trần trước Ủy ban Quốc phòng Hạ viện (ngày 6/4) và Ủy ban Quân lực Thượng viện (ngày 12/4), cho rằng mặc dù gần đây Hải quân Trung Quốc đã giảm bớt các hành động “hung hăng” tại Thái Bình Dương so với năm 2010, một phần bởi những phản ứng cứng rắn của Mỹ, song vẫn khẳng định Mỹ và các nước trong khu vực “lo ngại về quy mô và tốc độ hiện đại hóa quân sự trong thời bình của Trung Quốc, trong khi không giải thích rõ ràng mục đích của việc làm này”, đồng thời cho biết “Mỹ kiên định lập trường cân bằng hợp lý lợi ích của các nước muốn kiểm soát các vùng biển ngoài khơi nước mình với lợi ích của tất cả các nước khác muốn bảo vệ tự do hàng hải. Mỹ sẽ giám sát chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và chuẩn bị đối phó tương ứng để đảm bảo các lợi ích của Mỹ và đồng minh trên phạm vi khu vực và toàn cầu không bị ảnh hưởng tiêu cực”.

Ngày 27/6, Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết số S.Res.217, ngày 15/7, Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết số H.Res.352, kêu gọi một giải pháp đa phương và hòa bình cho các tranh chấp ở Đông Nam Á, phê phán hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại, nhưng tiếp tục tuyên bố không đứng về bên nào trong giải quyết tranh chấp; ủng hộ giải pháp “đa phương”; khuyến khích ASEAN – Trung Quốc hoàn tất Quy tắc Hướng dẫn thực thi DOC và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử COC.

Trung Quốc kiên trì quan điểm cứng rắn về giải quyết song phương tranh chấp Biển Đông, phản đối quốc tế hóa và không chấp nhận đàm phán đa phương, thực chất là nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ. Trung Quốc phản đối Mỹ thực hiện “chính sách hai mặt” làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc, bao gồm cả việc “nhúng tay” vào giải quyết tranh chấp Biển Đông, thậm chí đe dọa Mỹ có thể bị “nóng vì lửa” nếu can thiệp vào tranh chấp Biển Đông; tuy nhiên Trung Quốc chủ trương thúc đẩy quan hệ với Mỹ, khẳng định không có ý “thách thức” quân đội Mỹ, nhấn mạnh nguyên tắc “chú ý lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm quan trọng của nhau”, ráo riết vận động Mỹ ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Phía Trung Quốc cho rằng Trung Quốc và ASEAN đã ký Quy tắc Hướng dẫn thực thi DOC, cho thấy Trung Quốc và các nước ASEAN có đủ khả năng và trí tuệ để giải quyết các tranh chấp; khẳng định không có mối đe dọa nào đối với việc thông thương hàng hải và an ninh trên Biển Đông; kêu gọi Mỹ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Vấn đề Biển Đông trong quan hệ Trung – Mỹ, đến nay hai bên chưa có thỏa thuận, hợp tác, thậm chí còn mâu thuẫn đối lập. Sự đụng độ về lợi ích giữa hai nước ở Biển Đông là một cuộc tranh giành ảnh hưởng, phản ánh mâu thuẫn đối kháng giữa cường quốc đang phát triển nhanh. Hơn ai hết, Trung Quốc muốn tìm mọi cách đẩy Mỹ ra khỏi ASEAN và Tây Thái Bình Dương; bởi vì Mỹ với vị thế quốc gia siêu cường là mối họa lớn nhất ngăn chặn sự ảnh hưởng Trung Quốc đối với các nước trong khu vực và mở rộng ra là các nước trên thế giới. Mỹ vẫn sẽ hợp tác, thúc ép và yêu cầu Trung Quốc trong vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải, các vấn đề mang tính nhân đạo hay an ninh phi truyền thống khác, nhưng hai bên khó đạt được thỏa thuận hay nhân nhượng liên quan vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Lợi ích của Mỹ ở khu vực Biển Đông là quá lớn, nên khó có khả năng Mỹ “đánh đổi” cho Trung Quốc về vấn đề Biển Đông với vấn đề nào đó khác. Mỹ sẽ can dự vào vấn đề Biển Đông trong trường hợp lợi ích của Mỹ bị đe dọa hoặc khi xảy ra xung đột giữa đồng minh của Mỹ với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, ở những mức độ khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, tình hình an ninh ở khu vực Biển Đông có quan hệ chặt chẽ với tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và tình hình an ninh ở eo biển Đài Loan và đều phản ánh quan hệ Trung – Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng ASEAN cũng nên cảnh giác, không loại trừ những khả năng giữa Mỹ và Trung Quốc có sự nhân nhượng, mặc cả về một số vụ việc cụ thể liên quan vấn đề Biển Đông, nhất là ở những thời điểm mà vai trò, ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tăng cao, đủ sức cạnh tranh và đẩy ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực chiến lược này./.

RELATED ARTICLES

Tin mới