Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThoả thuận mới Việt - Trung liên quan Biển Đông: Cần một...

Thoả thuận mới Việt – Trung liên quan Biển Đông: Cần một sự đánh giá toàn diện và thấu đáo

Ngày 11/10/2011 tại Bắc Kinh Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân nhân danh Chính phủ hai nước ký Thoả thuận Việt Nam – Trung Quốc về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Sự kiện này lập tức gây chú ý lớn của chính giới. Dư luận báo chí cũng có đủ các luồng bình luận khác nhau. Lý do là bản Thỏa thuận được ký ngay trong dịp nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang thực hiện chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc Đại lục và Đài Loan, ngoài việc đưa nội dung thoả thuận, có nhiều bài chuyên mục bình luận về nội dung và ý nghĩa của Thoả thuận. Bắc Kinh cũng tổ chức các buổi thảo luận trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia nổi tiếng. Nhìn chung là đánh giá tích cực.

 

Nhân dân Nhật báo số ngày 12/10 trong bài về chuyến thăm của ông Trọng đánh giá rằng thoả thuận là văn bản được hai bên trông đợi từ lâu, có ý nghĩa quan trọng để giải quyết thoả đáng các bất đồng trên biển giữa hai nước. Tân Hoa Xã cũng có bài viết về việc hai nước Trung-Việt ký thảo thuận và nêu sự cần thiết tôn trọng các thoả thuận đã đạt được. Tối 12/10, kênh truyền hình Trung ương CCTV4 của Đại lục phát buổi toạ đàm về chuyên đề “Trung – Việt ký kết thoả thuận giải quyết mâu thuẫn”. Mạng Bình luận tin tức Trung Quốc (Hồng Kông) ngày 13/10/2011 có bài “Thoả thuận Việt – Trung soi sáng pháp lý giải quyết tranh chấp Biển Đông”, cho rằng thoả thuận là kiểu mẫu cho các bên liên quan khác. NFN Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Thỏa thuận là “một bước tích cực trong quá trình đàm phán song phương về các vấn đề trên biển”.


Lễ ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).

Báo, chí các nước khác ở Đông Nam Á và trên thế giới có 2 luồng ý kiến đánh giá khác nhau về Thoả thuận. AFP ngày 12/10 nhận định Thoả thuận là biện pháp mới, nhằm cải thiện quan hệ hai nước. Reuter cho rằng Thỏa thuận có tác dụng làm dịu mâu thuẫn giữa hai nước. BBC ngày 12/10 đề cập ý của Thoả thuận là nếu tranh chấp có liên quan đến các nước khác thì tiến hành hiệp thương với các bên tranh chấp. Đáng chú ý là báo Daily Inquirer của Phi Luật Tân ngày 13/10 có bài viết cho rằng Thoả thuận là bước lùi của Hà Nội khỏi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, rơi vào đúng chiến lược song phương của Trung Quốc. Báo này còn nói là Tổng thống Phi Luật Tân đã phản đối việc ký kết thoả thuận này và sẽ nêu với Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang trong dịp gặp gỡ ở Ma-ni-la sắp tới.

Ở Việt Nam, các báo, mạng chính thức và không chính thức ngày 12/10 đều đăng tải toàn bộ nội dung của Thoả thuận giữa hai nước. Khác với báo chí Trung Quốc, các báo, mạng ở Hà Nội cũng như các địa phương Việt Nam không phân tích, không đánh giá và không bình luận về Thỏa thuận. Ngày 20/10 NFN Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng: ý kiến nói Thỏa thuận là bước lùi khỏi DOC là không có cơ sở. Ông Nghị nói Thỏa thuận “có ý nghĩa hết sức quan trọng, là bước tiến tích cực trong quá trình đàm phán giải quyết các vấn đề trên biển. Thỏa thuận đã xác định các nguyên tắc cơ bản định hướng cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích của các bên liên quan”.

Tóm lại, Thỏa thuận Việt -Trung ngày 11/10 về Biển Đông đã khuấy động suy nghĩ của rất nhiều người, rất nhiều nước. Ý kiến nhận định về bản Thỏa thuận rất phong phú, rất đa dạng. Có khen, có chê. Nơi nói nhiều, nơi nói ít. Chắc chắn, thời gian tới người ta sẽ còn tiếp tục bàn tán nhiều về Thoả thuận này. Thiết nghĩ, để có một đánh giá toàn diện và thấu đáo về Thỏa thuận, nên chăng cần xuất phát từ mấy điểm sau đây.

Một là, tại sao Việt Nam và Trung Quốc cần ký Thoả thuận như vậy?

Giữa hai nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc vốn có ba vấn đề tranh chấp liên quan lãnh thổ. Tranh chấp về biên giới trên bộ, tranh chấp liên quan Vịnh Bắc Bộ và tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1979 Trung Quốc đưa quân đánh các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, nên quan hệ giữa hai nước xấu đi.

Đến năm 1991 hai nước bình thường hoá quan hệ. Năm 1993 Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triển và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Vũ Khoan (cả hai ông này giờ đều nghỉ hưu) ký Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết tranh chấp về biên giới trên bộ. Cuối năm 1999 hai nước ký Hiệp ước mới về biên giới trên bộ. Cuối năm 2000 hai bên lại ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ từ đảo Cồn Cỏ ngược lên phía Bắc. Đến cuối năm 2008 Trung Quốc và Việt Nam hoàn thành việc phân giới trên thực địa và cắm gần 2000 mốc quốc giới.

Có thể nói đến thời điểm này, hai nước chỉ còn lại tranh chấp lãnh thổ lớn là tranh chấp về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, ở phía Nam đảo Cồn Cỏ (đảo Hải Nam của Trung Quốc đối diện tỉnh Quảng Trị của Việt Nam) vùng biển của hai nước có sự chồng lấn. Tuy khu vực chồng lấn không lớn, nhung hai bên cũng cần phải phân chia khu vực này. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo cấp cao của hai nước nhất trí tập trung sức lực và trí tuệ để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Khó khăn là Thoả thuận năm 1993 lại không có các nguyên tắc cụ thể cho vấn đề này. Việc thống nhất các nguyên tắc để giải quyết các vấn đề trên biển, vì thế, là yêu cầu khách quan, là cần thiết. Cho nên, việc Hà Nội và Bắc Kinh ký Thoả thuận mới để chỉ đạo cách giải quyết vấn đề trên biển (thực chất là tranh chấp về Hoàng Sa, Trường Sa) là việc làm có thể lý giải được.

Hai là, trong bản Thỏa thuận mới Việt Nam và Trung Quốc thống nhất ghi các nguyên tắc chỉ đạo gì?

Trước hết, hai bên nhất trí dựa vào nhận thức chung mà lãnh đạo hai nước đã có về vấn đề trên biển, trên cơ sở Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ năm 1993, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt để “kiên trì thông qua hiệp thương hoà bình, xử lý và giải quyết thoả đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông thành vùng biển hoà bình, hữu nghị và hợp tác”. Đó vừa là mục tiêu và cũng là phương châm. Không thể giải quyết các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong một sớm một chiều. Cho nên, không còn cách nào khác là cả hai bên đều phải kiên trì. Cả hai nước đều phải tuân thủ Hiến chuơng Liên hợp quốc. Cả hai bên cũng phải tuân thủ Tuyên bố DOC mà họ đã cùng ký năm 2002. Sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực để tìm cách giải quyết tranh chấp là điều không thể chấp nhận. Không có cách nào khác là phải thông qua các biện pháp hoà bình.

Cốt lõi của điểm 2 trong Thỏa thuận là lấy luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 để làm cơ sở giải quyết tranh chấp biển. Cần nói rõ luật pháp quốc tế là cơ sở chung và Công ước Luật Biển 1982 là cơ sở riêng. Thỏa thuận mới vừa nêu cơ sở chung vừa nêu cơ sở riêng là có lý do. Để giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa bắt buộc phải căn cứ vào nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đó là nguyên tắc Nhà nước chiếm hữu và thực hiện một cách thật sự, liên tục và hoà bình chủ quyền của mình. Trung Quốc và Việt Nam phải đưa ra các bằng chứng để chứng minh là họ đã chiếm hữu các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa một cách thực sự và thực hiện thật sự quyền lực Nhà nước ở đó.

Tại sao Trung Quốc và Việt Nam lại nêu Công ước Luật Biển 1982 như là một cơ sở để chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển? Tuy không thể dùng Công ước Luật Biên 1982 để xác định chủ quyền đối với hai quần đảo, nhưng quy định của Công ước lại quyết định quy chế pháp lý của các đảo đá san hô ở đó (các đảo đá san hô ở hai quần đảo này có các vùng biển nào). Theo đúng quy định của Điều 121 trong Công ước 1982 thì các đảo đá san hô ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế riêng. Đồng thời khi phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ thì chắc chắn phải căn cứ vào các quy định của Công ước Luật Biển 1982. Cái này hai nước đã có kinh nghiệm. Trước đây để giải quyết tranh chấp Vịnh Bắc Bộ, hai bên đã căn cứ vào Công ước Luật Biển.

Điểm 3 của Thoả thuận có hai ý hết sức quan trọng. Ý thứ 1 là “ hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”. Nội dung này đã nhiều lần được hai bên cam kết trong các tuyên bố, phát biểu song phương. Hai bên cũng đã nhiều lần cam kết trong các văn kiện chính trị song phương. Hai bên cũng đã nhiều lần cam kết trong các văn kiện chung giữa ASEAN và Trung Quốc. Nội dung không mới. Cái mới là bây giờ Bắc Kinh và Hà Nội quyết định tái khẳng định nội dung này trong một văn kiện pháp lý, ràng buộc các bên ở mức cao hơn.

Ý thứ 2 là “đối với tranh chấp trên Biển Đông Việt Nam – Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác”. Lâu nay, Bắc Kinh luôn chủ trương giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông bằng con đường song phương. Trong khi đó Hà Nội cho rằng việc chốt một công thức chung cho mọi loại tranh chấp liên quan Biển Đông là không thỏa đáng. Đông y cũng như Tây y đều phải “tuỳ căn bệnh để bốc thuốc”. Cách giải quyết tranh chấp phải tuỳ thuộc tính chất của từng loại tranh chấp. Làm khác đi sẽ không hiệu qủa. Quy định lần này của Thỏa thuận là nội dung mới. Nó tách bạch cách giải quyết đối với 2 loại tranh chấp khác nhau. Các tranh chấp song phương chỉ liên quan Việt Nam và Trung Quốc thì giải quyết theo một kiểu. Các tranh chấp đa phương có sự liên quan của các nước khác thì giải quyết theo cách khác. Từ đó, tranh chấp về Hoàng Sa và tranh chấp về phạm vi vùng biển chồng lấn phía Nam đảo Cồn Cỏ (ở khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc và các tỉnh Quảng Trị của Việt Nam), thì Việt Nam và Trung Quốc sẽ giải quyết với nhau. Còn tranh chấp về chủ quyền các đảo ở quần đảo Trường Sa thì phải bàn với các bên khác như Phi Luật Tân và Ma-lai-xia. Câu chữ của đoạn này rất rõ ràng. Không có tý cơ sở nào để nói Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận giải quyết mọi tranh chấp liên quan ở Biển Đông chỉ bằng con đường song phương.

Về các tranh chấp song phương ở Biển Đông, hiện nay hai nước phải giải quyết tranh chấp liên quan 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tranh chấp liên quan khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Chọn cái nào để giải quyết trước là một bài toán không đơn giản đặt ra cho cả 2 bên. Ai cũng biêt mấu chốt là tranh chấp về Hoàng Sa và Trường Sa và lẽ thông thường là phải ưu tiên giải quyết tranh chấp này. Nhưng giải quyết tranh chấp về Hoàng Sa và Trường Sa quả thật hết sức khó khăn. So với vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, vấn đề phân định vùng biển chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, có thể nói, tương đối dễ hơn. Từ nhận thức đó, Hà Nội và Bắc Kinh đi đến quyết định là bàn bạc vấn đề dễ trước, cụ thể là “vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh”.

Một điểm khác mà Việt Nam và Trung Quốc đạt được là sẽ tích cực bàn bạc về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc nghiên cứu và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển. Việc này sẽ thực hiện theo những nguyên tắc nêu ở điểm 2, tức là các nguyên tắc của “luật pháp quốc tế , trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”. Về khu vực sẽ bàn bạc, điểm 4 của Thỏa thuận ghi nhận là trong quá trình vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh, hai bên cũng sẽ “tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển ở vùng biển này”. Câu chữ cho thấy hai bên mới nhất trí “tích cực bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển” ở khu vực ngoài cửa Vịnh, chứ không phải là đã nhất trí sẽ tiến hành hợp tác. Ngoài ra hai bên cũng sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tại.

Về cơ chế đối thoại, lâu nay Đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc (do Thứ trưởng Ngoại giao hai nước làm Trưởng đoàn) thường chỉ họp 1 lần trong năm ở Hà Nội hoặc Bắc Kinh. Theo Thoả thuận ký ngày 11/10 thì tần suất họp của cơ chế này là 2 lần trong một năm (chưa kể các cuộc họp đột xuất bất thường). Như vậy, cường độ đàm phán có tăng lên. Đồng thời, hai bên thoả thuận sẽ có đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thoả đáng các vụ việc trên biển. Đó cũng là nội dung mới trước đây chưa có.

Ba là, tại sao lại xảy ra việc kẻ khen, người chê Thỏa thuận mới giữa Việt Nam và Trung Quốc?

Một số báo chí có cái nhìn tiêu cực đối với bản Thoả thuận ngày 11/10 giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển. Có lẽ vì hai lý do sau. Thỏa thuận mang tính song phương Việt-Trung, nhưng đoạn cuối của điểm 4 trong Thỏa thuận lại không nói rõ là tranh chấp về quần đảo Trường Sa thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác. Nếu lời văn của Thỏa thuận nêu trực tiếp đến tranh chấp Trường Sa thì chắc người chê sẽ ít hơn và người ta cũng đỡ nghi ngại hơn. Hai là, có thể người ta e ngại về việc Thỏa thuận đề cập hợp tác cùng phát triển – một chủ trương mà lâu nay Trung Quốc đang đẩy ở các diễn đàn? Rõ ràng, nếu cuối điểm 4 của Thỏa thuận nói rõ ràng hơn là hợp tác cùng phát triển sẽ thực hiện theo những nguyên tắc của Công ước Luật Biển 1982 sự e ngại sẽ không có. Tóm lại, ý tứ thì rõ ràng, nội dung thỏa thuận cũng rõ ràng. Nhưng có thể cách thể hiện ở vài chỗ chưa thật rõ, nên mới có chuyện kẻ khen, người chê.

Bốn là, ý nghĩa và triển vọng của việc thực hiện Thỏa thuận thế nào?

Vụ tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp của tàu thăm dò Việt Nam ở lô 148 trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cuối tháng 5/2011 đã làm cho quan hệ giữa hai nước xấu đi. Hệ quả đó không lợi cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Để cải thiện mối quan hệ song phương, gần đây Hà Nội và Bắc Kinh có nhiều cuộc trao đổi về tình hình Biển Đông trong các dịp gặp gỡ khác nhau. Trong bối cảnh đó việc hai nước đạt được Thoả thuận về các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển góp phần cải thiện quan hệ giữa hai nước láng giềng. Việc ký Thỏa thuận là kết quả tích cực. Trước hết, Thoả thuận sẽ mở đường cho việc khởi động lại cuộc thương thảo về phân định khu vực biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nếu dùng Công ước Luật Biển 1982 làm căn cứ như đã ghi trong Thỏa thuận thì việc đi đến giải pháp phân định cho vấn đề này cũng không quá khó khăn. Hà Nội đã nhiều lần bày tỏ muốn phân định dứt điểm sớm khu vực này. Mấu chốt là Bắc Kinh có nguyện vọng như vậy không? Đối với Hoàng Sa, câu chuyện chắc phải bàn lâu dài. Nhưng nếu khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bọ được phân định xong thì việc đó cũng tạo tiền đề cho bàn bạc về quần đảo Hoàng Sa.

Tóm lại, việc hai vị Thứ trưởng Ngoại giao của hai nước láng giềng ký bản Thảo thuận ở Bắc Kinh ngày 11/10 vừa qua là tín hiệu tốt. Đó là điều khỏi phải bàn cãi. Nhưng kết quả đó mới chỉ là bước đầu. Quan trọng hơn là việc thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận như thế nào trong thời gian tới./.

Bình An

RELATED ARTICLES

Tin mới