Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÝ nghĩa chiến lược của biển Đông đối với Trung Quốc

Ý nghĩa chiến lược của biển Đông đối với Trung Quốc

Khi nghiên cứu về biển Đông, có tới 80-90 % công trình nghiên cứu về biển Đông của giới học giả phương Tây đều nói rằng Trung Quốc muốn kiểm soát biển Đông là vì dầu mỏ.

Nhưng ý kiến của một học giả ở quốc nội, PGS-TS Lê Văn Cương, Phó Chủ tịch TW Hội Khoa học- Phát triển Nhân lực – Nhân tài Việt Nam, được cho là rất xác đáng khi đánh giá rằng, Trung Quốc muốn giành lấy vùng biển này vì vị trí địa chính trị, địa chiến lược trọng yếu của nó để giúp nước này triển khai chiến lược cường quốc biển.

Vùng biển trọng yếu

 

Nên nhớ rằng dầu khí ở biển Đông trữ lượng không phải quá lớn, không thể so sánh được với vịnh Péc- xích (Persian Gulf) và Trung Đông. Hơn nữa, việc khai thác dầu ở những vùng nước sâu của biển Đông là cực kỳ khó khăn. Giá thành để khai thác được 1 thùng dầu ở Biển Đông đắt gấp 2 lần so với khai thác ở Trung Đông, Bắc Phi. Trong khi đó, bồn dầu ở sông Châu Giang, bán đảo Lôi Châu, biển Hoa Bắc, Hoa Đông, Hoàng Hải đều nhiều dầu, Trung Quốc vẫn còn để dự trữ mà chưa khai thác.

Nếu như vậy, động cơ nào đã khiến Trung Quốc phải tuyên bố biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” của mình. Quả thực, hãy xem vị trí địa chính trị, địa chiến lược của biển Đông ta sẽ thấy: Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Nhật Bản và Hàn Quốc có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông.


Tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc. Ảnh: Internet.

Kiểm soát được biển Đông, Trung Quốc sẽ khống chế được Nhật Bản, Hàn Quốc và tác động trực tiếp tới quan hệ chiến lược giữa Mỹ- Nhật Bản- Hàn Quốc, một gọng kìm đang kẹp chặt Trung Quốc xuống phía Nam.

Đối với các nước Đông Nam Á, Biển Đông là không gian sinh tồn của Việt Nam, Malaysia, Sigapore, Indonesia, Philipine, Brunei, những quốc gia đang tranh chấp với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển của mình. Với các quốc gia này, Biển Đông vừa là đường giao thông huyết mạch vừa là nguồn tài nguyên quý báu giúp họ phát triển đất nước. Còn hơn cả các nước Đông Bắc Á, kiểm soát được vùng biển này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường và mở rộng tầm ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực đối với các nước ASEAN.

Nơi thực thi chiến lược cường quốc biển

Do vị thế địa lý phần nhiều là lục địa, phần tiếp giáp biển ở mức vừa phải nên trong lịch sử Trung Quốc không phải là cường quốc hướng ra biển khơi mà có phần co về lục địa. Thế nhưng, lịch sử gần đây cho thấy một quốc gia không thể thành siêu cường nếu không phải là cường quốc của biển khơi như trường hợp của Anh và Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc đang tận dụng tiềm lực kinh tế lớn mạnh để xây dựng một lực lượng hải quân lớn, mạnh và hiện đại để triển khai chiến lược cường quốc biển.

Biển Đông được xem là nơi khởi đầu của Trung Quốc trong tham vọng trở thành một cường quốc biển. Nếu không có Biển Đông, lối ra để trở thành cường quốc biển hay cái siêu cường gì đó chỉ là ao tưởng. Giành được biển Đông, Trung Quốc sẽ giành được thế chủ động và vươn ra Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông đối với lợi ích quốc gia của mình, các nước lớn đang vào cuộc để tạo sự cân bằng quyền lực ở khu vực. Thời gian qua, các cường quốc lớn như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia… đang lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu bảo đảm sự tự do hàng hải quốc tế qua vùng biển này. Các nước ASEAN cũng đã bắt đầu đoàn kết hơn để đòi lẽ công bằng của mình dựa trên luật pháp quốc tế đối với những hòn đảo, vùng nước, vùng trời trên biển Đông của họ.

Dù có tham vọng lớn, nhưng không còn cách nào khác, Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán với các quốc gia liên quan để tìm giải pháp tối ưu cho những tranh chấp chủ quyền với các quốc gia này ở biển Đông. Trung Quốc có thể phải từ bỏ tham vọng kiểm soát toàn bộ vùng biển trong yếu này để có được sự ổn định ở vành đai an ninh phía nam của mình.

Quang Minh

RELATED ARTICLES

Tin mới