Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnLHQ vào cuộc vụ tranh chấp chủ quyền đảo Rockall

LHQ vào cuộc vụ tranh chấp chủ quyền đảo Rockall

BienDong.Net: LHQ sẽ xem xét vấn đề quyền sở hữu đối với đảo Rockall ở Đại Tây Dương sau khi 4 nước Anh, Ireland, Đan Mạch và quần đảo Faroe và Iceland nộp hồ sơ đòi chủ quyền đối với hòn đảo tí hon này.

Rockall nằm ở bắc Đại Tây dương , cách bờ biển phía tây Scotland 300 dặm. Đây là một đảo đá nhỏ có nguồn gốc núi lửa cao 19 m, rộng 25 m và dài 30 m. Khu vực này không có nước ngọt, không người sinh sống.

 

Nằm trên vùng biển đầy sóng gió, tháng 2 năm 2000, bằng các thiết bị đặc biệt, một tàu hải dương học Anh hoạt động gần Rockall đã ghi nhận được con sóng lớn nhất từ trước tới nay với đợt sóng cao tới 29,1 m tính từ đỉnh đến chân sóng.

Có lẽ vì thế, hàng trăm năm qua, xung quanh Rockall xảy ra hàng loạt tai nạn hàng hải, trong đó có vụ chìm tàu “Helen of Dundee” làm chết phần lớn hành khách, trong đó có 7 phụ nữ và 5 trẻ em. Năm 1904, tàu SS Norge chở người châu Âu di cư bị chìm trên đường tới New York khiến 635 người chết và chỉ có 165 người thoát nạn.

Mặc dù vậy, người ta cho rằng vùng đáy biển xung quanh Rockall có trữ lượng dầu khí lên tới 100 tỉ bảng Anh, trong khi vùng biển này cũng là một vựa cá phong phú.

Đó chính là lý do làm nóng lên các cuộc tranh chấp phức tạp về chủ quyền đối với hòn đảo này.


Ảnh: Wikimedia.org

Năm 1955, Hải quân Hoàng gia Anh đã cắm cờ lên Rockall để khẳng định chủ quyền- khi đó chủ yếu vì lý do chiến lược- trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô.

Năm 1972, Luật về đảo Rockalll tuyên bố hòn đá này là một phần của quận Invernesshire, mặc dù nơi có người sinh sống trên quận này ở gần nhất cũng cách Rockall 228 dặm, tức là ở Outer Hebrides.

Ireland lại cố chứng minh rằng Rockall là một tảng đá, và tảng đá này gần họ nhất vì vậy họ phải có sở hữu đối với nguồn tài nguyên trong vùng, mặc dù trước đó Anh và Ireland đã có thoả thuận chung về biên giới trên biển, theo đó Rockall nằm trên phần lãnh hải của Anh.

Mặc dù nằm ở rất xa, cái cớ mà Đan Mạch đưa ra để bám lấy Rockall chính là thông qua quần đảo Faroe nằm ở phía bắc của tảng đá. Họ lập luận rằng có một tiểu lục địa “Đảo Faroe – Thềm lục địa Rockall” dưới mặt nước. Nếu vậy, Đan Mạch không chỉ có thể tuyên bố chủ quyền gần đảo Faroe, mà còn cả khu vực gần Rockall.

Iceland không đòi chủ quyền đối với Rockall mà chỉ đòi sở hữu một vùng thềm lục địa trong khu vực Hatton- Rockall.

Ảnh: Wikipedia.org.

Các tham vọng sáp nhập Rockall đã vấp phải trở ngại khi Công ước LHQ về luật biển, tuyên bố: “Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”.

Chính vì thế, từ nhiều năm nay, bốn nước tham gia tranh chấp đã tiến hành các cuộc đàm phán luân phiên tại thủ đô mỗi nước, trong đó cuộc đàm phán mới nhất tiến hành hồi tháng 5-2011 tại Reykjavik nhưng không đạt được thoả thuận chung về việc chia sẻ lợi ích.

Iceland bắt đầu chuẩn bị cho việc trình hồ sơ lên Liên Hợp Quốc vào năm 2001, trở thành nước đầu tiên khởi động tiến trình đàm phán về vấn đề gây tranh cãi này dưới sự bảo trợ của LHQ.

Đầu tháng 12/2010, Đan Mạch và quần đảo Faroe cũng trình lên Uỷ ban LHQ về thềm lục địa (CLCS) hồ sơ đề nghị công nhận chủ quyền đối với đảo Rockall sau khi các nước liên quan có hành động tương tự.

Cuộc họp của Uỷ ban thềm lục địa LHQ tháng 5 và đầu tháng 9/2011 đã xem xét vấn đề này, tuy nhiên do chưa đạt được giải pháp, vấn đề sẽ còn được xem xét tiếp trong các cuộc họp tới.

Cho đến nay, các nước tham gia tranh chấp đều không muốn nhượng bộ tiềm năng dầu và hải sản trong khu vực, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đều khát dầu và tài nguyên. Rockall vì vậy có khả năng sẽ còn là một tâm điểm tranh cãi quốc tế trong một thời gian nữa. Mặc dù vậy, việc các nước liên quan tìm đến Liên Hợp Quốc để giải quyết tranh chấp được dư luận chung coi là một hành động tích cực, phù hợp với xu thế thời đại.

Sông Hồng ( tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới