Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTàu sân bay Trung Quốc cần hoàn thiện hệ thống hạ cánh...

Tàu sân bay Trung Quốc cần hoàn thiện hệ thống hạ cánh ?

BienDong.Net: Ngày 29/11, tàu sân bay Trung Quốc chạy thử lần hai đã gây sự chú ý của đông đảo dư luận. Báo giới các nước như Nga, Canada lần lượt suy đoán diễn biến cuộc chạy thử của tàu Varyag (Thi Lang). Vấn đề tàu sân bay Trung Quốc tiếp tục nóng lên.

Do tàu sân bay Varyag chủ yếu dựa vào máy bay chiến đấu để thực hiện 2 nhiệm vụ lớn là phòng không hạm đội và tấn công chế hải (kiểm soát biển), dư luận cho rằng, trong lần thứ hai cho chạy thử con tàu này, Trung Quốc rất có thể tiến hành kiểm tra vấn đề liên quan đến máy bay cho tàu sân bay.

 

Tạp chí “Kanwa Defense Review” Canada dẫn các nguồn tin cho biết, máy bay J-15 của Hải quân Trung Quốc đã sớm hoàn thành bay thử từ năm 2010, tính năng kỹ chiến thuật đã phù hợp yêu cầu. Ngoài ra, máy bay huấn luyện trang bị cho tàu chiến (tàu sân bay) cũng đã hoàn thành việc huấn luyện cất cánh tương tự.

Tàu sân bay Varyag (Thi Lang) Trung Quốc chạy thử lần hai

Căn cứ vào tin tức trước đây của báo giới, máy bay trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 và máy bay trực thăng chống tàu ngầm Ka-27/28 (có triển vọng đưa lên tàu sân bay) đã được trang bị từ sớm cho Hải quân Trung Quốc, sử dụng trên tàu sân bay cũng không có sự trở ngại về kỹ thuật.

Máy bay trang bị cho tàu sân bay J-15 của Trung Quốc

Đối với tàu sân bay Varyag sau khi được cải tiến, từ đường băng đến máy bay chiến đấu đều đã gần như hoàn thiện, đồng thời có triển vọng tạo được “hợp lực” trong thời gian ngắn.

Sở dĩ dư luận quan tâm đến máy bay trang bị cho tàu sân bay là do số lượng và tính năng của loại máy bay này là thước đo các chỉ tiêu quan trọng về sức chiến đấu mạnh/yếu của một chiếc tàu sân bay.

Máy bay J-15 do Trung Quốc tự sản xuất đương nhiên đã trở thành một trong những tiêu điểm quan tâm của dư luận.

Tạp chí “Động thái Quốc phòng” Israel trước đây từng cho rằng, máy bay J-15 đã tích hợp được công nghệ ưu thế của các máy bay chiến đấu khác của Trung Quốc, có thể trang bị tên lửa không đối không và tên lửa chống hạm phóng từ trên không.

Việc Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, chế tạo phiên bản J-15 cũng được báo giới phương Tây gọi là máy bay chiến đấu tiên tiến có thể so sánh với Su-33 của Nga và Super Hornet của Mỹ.

Tàu Varyag chỉ có thể trở thành một chiếc tàu sân bay thực sự khi kết hợp được với máy bay chiến đấu như J-15

Báo chí phương Tây suy đoán, trên cơ sở giảm tải trọng nhiên liệu và vũ khí, áp dụng bay theo kiểu nhảy cầu và với sự đảm bảo của máy bay tiếp dầu, bán kính tác chiến của J-15 có thể đạt 700 km; cộng với J-15 có thể mang theo tên lửa không đối không Tịch Lịch-12 (Pili-12, hay PL-12), phạm vi tấn công hoả lực phòng không của biên đội tàu sân bay có triển vọng tiếp tục nới rộng ra thêm 100 km.

Đương nhiên, máy bay chủ lực J-15 khi nào kết hợp được với tàu sân bay sẽ là yếu tố then chốt quyết định Varyag khi nào trở thành một chiếc tàu sân bay thực sự.

Xét thấy tàu sân bay Varyag mới chạy thử được 2 lần, hệ thống đồng bộ với cất/hạ cánh của máy bay trang bị cho tàu sân bay có thể cần phải tiếp tục được kiểm tra, thử nghiệm. Vì vậy, J-15 không có nhiều khả năng được đưa lên tàu sân bay trong ngắn hạn.

Hệ thống hạ cánh gặp khó khăn

Trang mạng “Russia’s military-industrial complex” Nga gần đây cho biết, Trung Quốc đã gặp phải rắc rối mới trong quá trình chế tạo chiếc tàu sân bay đầu tiên, tàu Varyag không lắp thiết bị hãm đà cho máy bay, mà Trung Quốc hầu như không có nhiều khả năng mua được thiết bị này từ thị trường quốc tế.

Tàu sân bay Trung Quốc đang thiếu cáp hãm đà

Trung Quốc từng nhập khẩu thành công của Ukraine móc hãm đà dùng cho máy bay chiến đấu và máy bay huấn luyện trang bị cho tàu chiến (tàu sân bay), nhưng không thể mua được dây cáp hãm đà từ Nga.

Tin cho biết, cách đây không lâu, người phát ngôn Công ty Xuất khẩu Hàng hoá Quốc phòng Nga cũng thừa nhận, Nga hoàn toàn không bán thiết bị chặn chạm đất cho Trung Quốc.

Nga coi tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân là có tính chất chiến lược, “các hệ thống vũ khí liên quan đều cấm xuất khẩu cho Trung Quốc”. Cũng có suy đoán cho rằng, Nga không hài lòng với việc Trung Quốc phỏng chế loại Su-33 nên đã đưa ra quyết định cấm bán này.

Các nguồn tin từ Nga tiết lộ, việc thiết kế và sản xuất cáp hãm đà là một công việc rất phức tạp, hiện chỉ có hai nước Nga, Mỹ có khả năng này. Nhưng, cũng có chuyên gia cho rằng, trong tay Ukraine cũng có vài bộ cáp hãm đà kiểu cũ, có thể sẽ bán cho Trung Quốc.

Móc hãm đà trên tàu sân bay

Có phân tích cho rằng, khi vừa đến Trung Quốc, tàu sân bay Varyag chỉ là một chiếc vỏ rỗng có khung sườn của tàu sân bay, không chỉ thiếu máy móc đồng bộ, hệ thống kiểm soát chỉ huy và điện tử ở trên boong tàu cũng trống trơn, đương nhiên không có hệ thống cáp hãm đà bảo đảm hạ cánh cho máy bay chiến đấu.

Tàu Varyag đến nay đã có khả năng tự chạy được, vũ khí, radar, hệ thống điện tử cũng đều đã được trang bị, cơ bản đã có sức chiến đấu.

Ngoài ra, báo giới phương Tây suy đoán, ở trên bộ Trung Quốc đã xây dựng cơ sở đào tạo hoàn thiện để cho máy bay trang bị cho tàu sân bay cất/hạ cánh, vì vậy cũng không thể loại trừ khả năng ở trên bộ cũng đã thử nghiệm hệ thống cáp hãm đà.

Như vậy, ngay từ lúc ban đầu trước khi cải tạo, Trung Quốc không thể không tính tới vấn đề bảo đảm cho máy bay và lỗ hổng của hệ thống đồng bộ.

Vì vậy, cùng với việc tàu sân bay từng bước hoàn thiện, các thiết bị phụ trợ như cáp hãm đà có thể được phát triển kịp trước khi máy bay được đưa lên tàu sân bay.

Máy bay trang bị cho tàu Varyag có khoảng cách lớn so với Mỹ

Cùng với việc phương hướng tương lai của tàu Varyag ngày càng rõ ràng, khả năng tác chiến của nó cũng trở thành tiêu điểm quan tâm của dư luận bên ngoài.

Có thể tham khảo tàu sân bay cùng cấp là Kuznetsov, tàu Varyag dài khoảng 302 m, rộng gần 70,5 m, lượng choán nước khoảng 67.000 tấn, tổng số máy bay chiến đấu, trực thăng chống tàu ngầm và trực thăng cảnh báo sớm sẽ không hơn 50 chiếc.

Khác với thiết kế của tàu sân bay lớp Nimitz Mỹ và tàu sân bay De Gaulle của Pháp có đường băng bằng, thẳng, lớn, tàu Varyag vẫn áp dụng đường băng kiểu nhảy cầu với góc cao nhất định.

Trang mạng “Strategypage” Mỹ dự đoán, trong tương lai, máy bay chiến đấu, máy bay huấn luyện (do Trung Quốc tự sản xuất) và máy bay trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 (mua từ Nga) có thể lần lượt được trang bị cho tàu Varyag.

Tuy thông tin này vẫn chưa được xác nhận, nhưng ít nhất đã một phần cho thấy, tàu sân bay của Trung Quốc đã có nhiều máy bay có thể sử dụng.

Một chuyên gia quân sự từng phục vụ cho Không quân Trung Quốc đã nói với tờ “Tin tức Thế giới” rằng: “Tàu sân bay động cơ hạt nhân có thể tác chiến trên biển trong thời gian dài mà không cần bổ sung nhiên liệu trong nhiều năm, trong khi đó tàu sân bay hạng trung động cơ thông thường cần thường xuyên bổ sung nhiên liệu, thời gian chạy liên tục tương đối ngắn”.

Máy bay trực thăng chống tàu ngầm Ka-28 của Hải quân Trung Quốc, do Nga sản xuất

Về phương diện tần suất hoạt động và lượng tải đạn của máy bay trang bị cho tàu sân bay, tàu Varyag (áp dụng đường băng kiểu nhảy cầu) cũng yếu hơn tàu sân bay cỡ lớn của Âu-Mỹ được trang bị máy phóng.

BDN ( nguồn: báo GDVN)

RELATED ARTICLES

Tin mới