Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông trong chiến lược quân sự của Trung Quốc

Biển Đông trong chiến lược quân sự của Trung Quốc

BienDong.Net: Nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông, nhà phân tích địa – chiến lược Nicholas Spykman đã từng mô tả khu vực này như “Địa Trung Hải của châu Á”, đồng thời lưu ý các tuyên bố chủ quyền qua yêu sách “đường lưỡi bò” và sự quyết đoán gần đây của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng tại vùng biển này.

Mặc dù phần lớn sự chú ý tập trung vào sự thèm khát các nguồn tài nguyên năng lượng và thuỷ sản, nhưng theo quan điểm của các chuyên gia quân sự, vùng biển này là một phần trong chiến lược bá quyền nhằm gia tăng, mở rộng vùng kiểm soát bằng quân sự của Trung Quốc.

 

“Trung Quốc vạch chiến lược để khống chế Biển Đông, chứ không phải dầu khí!”, đó là nhận định ngắn gọn, dứt khoát của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an), về mục tiêu chiến lược thâm sâu trên Biển Đông của Trung Quốc.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, có tới 80-90% công trình nghiên cứu về Biển Đông của Mỹ và châu Âu cho rằng Trung Quốc muốn chiếm Biển Đông là vì dầu khí và các tài nguyên thiên nhiên khác. Điều này chưa nói được đầy đủ về tầm mức chiến lược. Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng dầu khí ở Biển Đông trữ lượng không phải lớn, làm sao mà so được với vịnh Ba Tư và Trung Đông. Đúng là Trung Quốc cần dầu, nhưng mục tiêu khống chế Biển Đông mới là cao nhất. Khống chế được Biển Đông là khống chế được Nhật Bản, Hàn Quốc và tác động trực tiếp tới quan hệ chiến lược giữa Mỹ- Nhật Bản- Hàn Quốc, gọng kìm từ lâu đã xiết chặt Trung Quốc hướng ra đại dương.

Theo các chuyên gia quân sự, với diện tích rộng, độ sâu lớn, vị trí chiến lược hiểm yếu, Biển Đông có giá trị hết sức quan trọng về mặt quân sự. Với một nước lớn đang trỗi dậy như Trung Quốc thì giá trị quân sự mà Biển Đông mang lại là không gì thay thế được. Giá trị này chủ yếu thể hiện trên 3 phương diện.

Thứ nhất, Biển Đông là mặt trận quan trọng đối với tương lai phát triển lực lượng hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang xây dựng Trung tâm phóng tên lửa hàng không Văn Xương trên đảo Hải Nam, nơi có vĩ độ thấp thuận lợi cho việc phóng tàu vũ trụ. Trong tương lai, đây sẽ là nơi Trung Quốc tiến hành phóng các loại tên lửa và các thiết bị hàng không phục vụ mục đích chinh phục vũ trụ. Việc tiến hành các hoạt động hàng không, trong đó có phóng tên lửa đẩy từ các đảo ngoài khơi có vĩ độ thấp đòi hỏi phải có sự đảm bảo về mặt chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển. Hiện nay, các cơ sở nghiên cứu phát triển công nghệ hàng không vũ trụ và tên lửa đẩy của Trung Quốc hầu hết đều đặt tại những trung tâm khoa học-kỹ thuật lớn, nằm ven biển phía Đông như Thượng Hải và Thiên Tân, trong khi 3 căn cứ phóng tên lửa cũ là Tây Xương, Tửu Tuyền và Thái Nguyên đều nằm sâu trong lục địa, điều này khiến cho tên lửa sau khi được chế tạo xong phải vận chuyển một quãng đường khá dài bằng đường bộ để tới các căn cứ phóng. Nếu so sánh với vận tải bằng đường biển thì vận tải đường bộ gặp nhiều hạn chế hơn, do đó việc đặt Trung tâm phóng tên lửa Văn Xương trên đảo Hải Nam là đã cân nhắc đến yếu tố này.

Thứ hai, Biển Đông là địa bàn hoạt động cơ động và căn cứ trú ẩn ưu việt cho lực lượng hải quân hạt nhân của Trung Quốc trong tương lai. Quân đội Mỹ từ thế kỷ trước đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu công nghệ lazer rà quét tàu ngầm, với mục tiêu phát hiện các thiết bị lặn ở độ sâu 150m. Trong các vùng biển xung quanh Trung Quốc, Bột Hải có độ sâu trung bình chỉ 18m, Hoàng Hải có độ sâu trung bình là 44m, với độ sâu này thì thiết bị thăm dò nói trên hoàn toàn có thể kiểm soát toàn bộ. Đông Hải tuy có độ sâu đạt 370m, nhưng Mỹ – Nhật Bản đã bố trí tại đây những hệ thống rà quét tiên tiến, khả năng tàu ngầm Trung Quốc bị phát hiện là rất cao. Chỉ có Biển Đông với độ sâu trung bình đạt tới 1.212m mới là môi trường và địa điểm ưu việt để xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân. Hải quân Trung Quốc hiện nay chưa đủ năng lực để vươn ra kiểm soát vòng cung “chuỗi đảo thứ hai” và khu vực Ấn Độ Dương, do đó trong tình hình hiện nay thì Biển Đông là khu vực duy nhất để lực lượng tàu ngầm hạt nhân có thể tiến hành hoạt động tuần tra chiến lược.

Cuối cùng, Biển Đông là vùng biển lý tưởng nhất để hàng không mẫu hạm có thể thực hiện các hoạt động huấn luyện và diễn tập. Hiện nay, do nhiều nhân tố như chiến lược phát triển, trình độ khoa học-kỹ thuật, thực lực kinh tế… Hải quân Trung Quốc trên thực tế mới chỉ phát triển được tàu ngầm và các loại tàu chiến vừa và nhỏ. Để chủ động nắm ưu thế kiểm soát trên biển thì hàng không mẫu hạm là chỗ dựa đáng tin cậy, đồng thời cũng là phương tiện duy nhất hiện nay mang lại sự bảo đảm trên không cho hạm đội khi tác chiến tại các vùng biển xa. Với đặc điểm là loại tàu chiến mặt nước có kích thước và trọng tải lớn nhất, đồng thời kèm theo nó là biên đội khoảng 10 tàu các loại, hàng không mẫu hạm cần những vùng biển rộng lớn để tiến hành diễn tập và huấn luyện. Điều này là khó thực hiện tại những vùng biển nhỏ như Bột Hải, Hoàng Hải và Đông Hải, mặt khác lại dễ gây phản ứng từ phía các nước xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ có Biển Đông là khu vực lý tưởng cho hàng không mẫu hạm Trung Quốc, không chỉ bởi thực lực quân sự của các nước ven Biển Đông khá yếu, mà thế lực của Mỹ tại đây cũng không lớn như tại khu vực Đông Bắc Á. Biển Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình vươn lên trở thành một cường quốc hải dương, cường quốc vũ trụ; là vùng biển chiến lược để Trung Quốc phát triển lực lượng hải quân biển xa.

Tham vọng của Trung Quốc là mối đe doạ đối với sự bình yên trên Biển Đông (ảnh Internet dùng để minh hoạ )

Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” với yêu sách “đường lưỡi bò” bao chiếm hầu hết Biển Đông về sâu xa là nhằm phục vụ cho các mục tiêu nói trên.

Đồng thời với việc tuyên bố chủ quyền, nước này còn gia tăng các hành động kiểm soát trên thực tế tạo ra một thách thức nghiêm trọng tới tự do và an ninh hàng hải.

Thái độ cứng rắn về vấn đề chủ quyền đã dẫn tới những chỉ trích gay gắt của Trung Quốc đối với các hoạt động trinh thám và kiểm soát thường xuyên trên không và trên biển của các máy bay và tàu quân sự Mỹ trong khu vực được cho là vùng trời và vùng biển của Trung Quốc.

Các vụ điển hình là vụ xung đột EP3 vào tháng 4-2001 và vụ tàu sân bay USNS Impeccable vào tháng 3-2009. Chiến lược của Trung Quốc đối với Đông Nam Á có 4 động cơ. Đầu tiên, nước này muốn đảm bảo biên giới lãnh thổ của họ và đảm bảo an ninh nội địa; thứ hai, họ luôn mong muốn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế năng động; thứ ba, Trung Quốc luôn nỗ lực để đối trọng hoặc ít nhất cũng là để kiểm tra sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực; và thứ tư, họ đang nỗ lực để trấn an các quốc gia láng giềng rằng Trung Quốc phát triển mạnh không có nghĩa là trở thành một mối đe doạ cho các quốc gia khác.

GS Carlyle A. Thayer, chuyên gia cao cấp của Học viện Quốc phòng Australia, phân tích những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua cho thấy, kế hoạch chiến lược của Trung Quốc là xây dựng lực lượng hải quân để ngăn chặn hải quân Mỹ khỏi hoạt động trong cái gọi là “chuỗi đảo đầu tiên” xa bờ Đông từ Nhật Bản tới Indonesia. Chiến lược của Trung Quốc là phát triển lực lượng hải quân để bảo vệ các lợi ích thương mại và đường biển giao thương từ Trung Đông tới Trung Quốc thông qua Biển Đông. Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các năng lượng nhập khẩu như dầu và gas. Vì thế, chiến lược của Trung Quốc còn là thiết lập càng nhiều quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên ở Biển Đông càng tốt. Điều này cũng có nghĩa là thiết lập quyền bá chủ với các đảo và các vùng biển trong “đường lưỡi bò”. Sự quyết đoán của Trung Quốc gần đây nhắm tới mục đích ngăn chặn Việt Nam và Philippines dừng khai thác các nguồn tài nguyên và ngăn hai nước thu hút các công ty nước ngoài khai thác dầu ở đây. Trong quan điểm của Trung Quốc, nếu họ không hành động bây giờ, yêu sách của họ với “chủ quyền không thể tranh cãi” ở Biển Đông sẽ bị xói mòn.

Vai trò trung tâm của Trung Quốc với tư cách là một quốc gia nêu yêu sách, các mối liên kết giữa lợi ích của nước này ở Biển Đông và sự phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc cũng như tổng thể tham vọng bá chủ khu vực của nước này đã khiến cho các tranh chấp trở nên quan trọng hơn là giá trị bề nổi hạn chế của một vài đảo, đảo đá và đá ngầm nhỏ và rải rác – hay thậm chí là tiềm năng tài nguyên năng lượng. Trung Quốc từ lâu đã lo ngại về sự hiện diện chiến lược của các cường quốc ở Đông Nam Á, những nước có thể sẽ khai thác những điểm yếu của Trung Quốc ở trên biển để gây áp lực lên Trung Quốc từ phía ngoại vi đường biển phía Nam của Trung Quốc. Do đó những tham vọng chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm việc mở rộng phạm vi phòng thủ, ngăn chặn sự hiện diện của các cường quốc khác, chống lại các mối đe doạ đối với những lợi ích về lãnh thổ và hàng hải từ phía các quốc gia yêu sách khác, và cuối cùng là tìm kiếm các biện pháp kiểm soát trên biển ở khu vực để thực hiện tham vọng bá chủ của mình.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng có lợi ích trong việc có khả năng kiểm soát các tuyến đường biển ở Đông Á, vừa để bảo đảm nguồn cung cấp dầu và cũng là để đe dọa con đường kinh tế huyết mạch của Đài Loan và Nhật Bản nếu cần thiết. Một sự hiện diện chiến lược thường trực ở Biển Đông, đặc biệt là nếu Trung Quốc có thể cưỡng chế thành công các yêu sách lãnh thổ của mình, rất có thể sẽ tạo điều kiện để nước này thực hiện những mục tiêu trên trong tương lai. Việc xây dựng các căn cứ, bắc giàn và trạm tuần tra dọc các tuyến biển quan trọng đã được gọi là chiến lược “chuỗi hạt trai”. Một dãy các cảng, căn cứ, và trạm kéo dài từ cửa Vịnh Ba Tư vào đến Biển Đông đã cấu thành “chuỗi hạt trai” này. Trong suốt hơn ba thập kỷ, Trung Quốc đã từng bước xây dựng các căn cứ quân sự của mình trên khắp Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong những năm gần đây, nước này đã tăng cường đáng kể các căn cứ quân sự, đặc biệt là trên đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Trong một thời gian, có vẻ như Trung Quốc đã kiềm chế sự cương quyết của mình ở Biển Đông, mà thay vào đó lựa chọn cách tiếp cận hòa giải (hay còn gọi là “chiến dịch quyến rũ”) về hội nhập ngoại giao và kinh tế với các nước láng giềng Đông Nam Á. Tuy nhiên, họ đã mau chóng quay trở lại với kiểu cách cũ và thể hiện một đường lối cương quyết – và thậm chí là mạnh mẽ hơn trong vài năm gần đây. Trung Quốc đang ngày càng gia tăng áp lực với các quốc gia khác có yêu sách ở Biển Đông và “không nghênh đón” các lực lượng nước ngoài như Mỹ một cách có hệ thống. Áp lực này, cho đến lúc đó chủ yếu vẫn là trên phương diện chính trị và kinh tế, đang ngày càng trở nên quân sự hóa. Dường như đang có những nỗ lực phối hợp nhằm tăng cường vị thế chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, quay trở lại xu hướng của những năm 1970, nhưng đã được bổ sung bởi các nguồn lực và tiềm lực quân sự lớn hơn.

Tại Diễn đàn An ninh ASEAN tháng 7-2010 (ARF-17), Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton vẫn khẳng định quan điểm của Mỹ trong bình luận trước truyền thông. Bà tuyên bố Mỹ có “lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do lưu thông, tự do đi vào vùng biển chung của châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông” và giải quyết tranh chấp Biển Đông “quyết định tới ổn định khu vực”. Sự khẳng định của Ngoại trưởng Hillary Clinton được cho là đã khiến các đồng nghiệp Trung Quốc bị bất ngờ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cáo buộc Mỹ đang tiến hành âm mưu chống lại Trung Quốc. Sau khi nói bóng gió đến Việt Nam, ông Dương Khiết Trì nhằm thẳng vào Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo và tuyên bố: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, đó đúng là một thực tế”. Ngay sau đó Trung Quốc tiếp tục chứng tỏ sự quyết liệt hơn về quân sự, Ngày 2-11-2010, PLA tổ chức cuộc tập trận hải quân quy mô lớn lần thứ 4 tại Biển Đông trong cùng năm đó. Cộng lại, 4 cuộc tập trận trong năm 2010 của PLA là minh chứng cho thấy Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển năng lực duy trì các cuộc triển khai hải quân rộng hơn ra ngoài khơi Biển Đông.

BDN ( Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết )

RELATED ARTICLES

Tin mới