BienDong.Net: Theo cách tính của Viện Tài nguyên thế giới (Word Resources Institute) và Tổ chức Môi trường của Liên Hiệp Quốc, bờ biển Việt Nam dài 11.409,1km, gấp 3,5 lần so với chiều dài được công bố chính thức theo phương thức đo đạc cổ điển.
Theo tiến sĩ Bùi Quốc Nghĩa, chuyên gia kinh tế biển, đồng tác giả các dự án cảng nước sâu Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Chân Mây (Lăng Cô, Thừa Thiên Huế), Nhơn Hội (tỉnh Bình Định), có hơn một phương pháp để xác định chiều dài bờ biển của một quốc gia, song thông thường có hai phương pháp.
Thứ nhất là đo thủ công bằng thước thẳng trên bản đồ, chiều dài đoạn đo càng nhỏ thì độ chính xác càng lớn- đây là phương pháp truyền thống.
Thứ hai là đo bằng công cụ GIS (hệ thống thông tin địa lý) với bản đồ kỹ thuật số được lập với độ chính xác rất cao và đã tính đến độ cong của bề mặt trái đất.
Với công nghệ và các công cụ tính toán hiện nay, việc xác lập chính xác chiều bờ biển thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng là điều hoàn toàn khả thi.
Hiện nay chiều dài bờ biển Việt Nam được công bố trên website của Bộ Khoa học – Công nghệ là 3.350km được tính bằng tổng chiều dài bờ biển của các tỉnh ven biển … Một số tổ chức nước ngoài, như CIA World Factbook tại website http:www.cia.gov công bố chiều dài bờ biển Việt nam là 3.444km chưa tính chiều dài bờ biển đảo, đồng thời xếp hạng Việt Nam đứng thứ 32 về chiều dài bờ biển trong tổng số 156 nước có biển ( theo đó, nước có bờ biển dài nhất là Canada -202.080km- nước có bờ biển ngắn nhất là Monaco -4km ).
Riêng Viện Tài nguyên thế giới và Tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc xác định bờ biển Việt Nam dài 11.409,1km.
Theo định nghĩa cổ điển, bờ biển là nơi hướng ra biển khơi và chịu ảnh hưởng trực tiếp của biển khơi, bao gồm cả vịnh và eo biển, nhưng không bao gồm các đường bờ nước ngọt. Theo định nghĩa này thì chiều dài bờ biển Việt Nam là 3.444km như CIA World Factbook xác lập.
Nhưng theo “định nghĩa” của ngành địa lý hiện đại, bờ biển bao gồm cả bờ biển ngoài (theo định nghĩa cổ điển cộng với bờ đảo biển) và bờ biển trong bao gồm đầm phá và các cửa sông chịu tác động mạnh của thuỷ triều thì chiều dài bờ biển Việt Nam là 11.409,1km.
Với định nghĩa của địa lý hiện đại về bờ biển, số liệu về chiều dài bờ biển Việt Nam cần có cần được điều chỉnh? Các bờ đảo như ở vùng vịnh Hạ Long, vùng biển Kiên Giang, các đầm phá như Tam Giang-Cầu Hau, đầm Lập An (tỉnh Thừa Thiên-Huế), đầm Thị Nại, đầm Nước Ngọt (tỉnh Bình Định), các cửa sông chịu ảnh hưởng của thuỷ triều ở Đồng bằng sông Cửu long, ở miền Trung, các bờ đảo biển Trường Sa… có được tính vào chiều dài bờ biển Việt Nam?
Từ cơ sở dữ liệu về chiều dài bờ biển ở từng địa phương như Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Trà Vinh, Sóc Trăng… cả nước sẽ có sự thay đổi về chiều dài bờ biển. Theo đó, việc đánh giá các chỉ tiêu kinh tế biển liên quan đến chiều dài bờ biển cũng cần phải được thay đổi, các nhận định về kinh tế biển sẽ có sự điều chỉnh.
Chiều dài bờ biển là một trong những chỉ tiêu quan trọng để xác định một quốc gia có biển hay không có biển.
Không chỉ bờ biển mà cả biển và vùng ven biển có ý nghĩa rất quan trọng về chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng, pháp luật và kinh tế…
Nhiều chỉ tiêu về kinh tế biển theo chuẩn mực chung của thế giới được xây dựng căn cứ theo chiều dài bờ biển. Những thông tin quốc tế xác nhận bờ biển Việt Nam có chiều rộng đến 100km tính từ ven biển vào đất liền, theo đó, có tới 83% dân số Việt Nam sống trong vùng duyên hải.
Trong khi đó, bình quân chung thế giới chỉ có khoảng 39% dân số sống trong vùng duyên hải.
Coastal Statistics, 2000 Viet Nam
Asia (excl.
Middle East) World
Length of coastline {a} (km) 11,409 288,459 1,634,701
Percent of population within 100 km
of the coast 83% X 39%
Area of continental shelf (km2) {b} 352,420 5,514,288 24,285,959
Territorial sea (up to 12 nautical miles) (km2) 158,569 5,730,868 18,816,919
Claimed Exclusive Economic Zone (km2) 237,800 11,844,193 102,108,403
© EarthTrends 2003
Các chuyên gia cho rằng cần xây dựng các dữ liệu biển, tính toán thiết lập các luận cứ khoa học, các tiêu chí và chỉ tiêu liên quan đến biển để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế–xã hội, chiến lược biển và chính sách hội nhập quốc tế của đất nước.
Bạch Đằng
( tổng hợp theo http://bientoancanh.vn/Bo-bien-Viet-Nam-dai-bao-nhieu_C25_D1178.htm và http://earthtrends.wri.org/pdf_library/country_profiles/coa_cou_704.pdf )